Lược dịch: Nguyễn Hải Hoành
Lời người dịch: Đọc xong bài viết này không ai lại không muốn giới thiệu cho bạn đọc nước ta biết về mức độ điên cuồng của những kẻ theo chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa ngày nay trên vấn đề Biển Đông. Không rõ họ chiếm bao nhiêu phần trăm trong dân chúng Trung Quốc, nhưng đáng chú ý là bài này đăng trên website Hoàn Cầu, một website do Nhân dân Nhật báo (cơ quan ngôn luận của Đảng CSTQ) phê duyệt. Loại bài tương tự thế này nhan nhản trên báo mạng TQ, chúng ta không thể không cảnh giác. Kinh nghiệm 1979 còn sờ sờ đấy: Từ tạo dư luận tới hành động, thông thường chỉ có một bước rất lặng lẽ, rất bất ngờ.
Dưới đây là lược dịch bài viết có tiêu đề: “Nguy cơ nào lớn hơn nguy cơ Nam Hải ? -– ký sự nổi sóng gió với Chương trình tọa đàm Nhất Hổ của đài truyền hình Phượng Hoàng”. Tác giả là Tư Mã Bình Bang, một cây bút tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc ở Trung Quốc. Bài đăng trên website Hoàn Cầu ngày 30/7/2009.
Ngày 1 tháng 8 là ngày thành lập quân Giải phóng Trung Quốc, chương trình tọa đàm “Nhất Hổ” của đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng mời tôi dự tiết mục Đứng trước nguy cơ Nam Hải.
Tôi với họ là bạn cũ, … nhưng đáng tiếc là vì đề tài ấy mà khi làm tiết mục này tôi đã nổi sóng gió ngay tại chỗ.
Tôi nổi cáu vì hai vị biên tập viên tạp chí quân sự chuyên nghiệp Hạm tàu hiện đại, một vị họ Vương, một vị họ Thôi. Họ nắm chắc tình hình trang bị hạm đội hải quân Trung Quốc, trang bị của hải quân Việt Nam và Malaysia như trong lòng bàn tay, nhưng họ lại kết luận:
Thứ nhất, hải quân Trung Quốc về trang bị thì thừa sức đối kháng với hải quân mấy tiểu quốc rách rưới của cái gọi là “Tập đoàn Nam Sa” xung quanh Nam Hải cộng lại.
Thứ hai, nhưng trước sự lấn chiếm và xâm lược Nam Hải của mấy tiểu quốc xung quanh, chúng ta còn không được đánh, tức là không được đánh, không được đánh.
Tranh cãi với lô gic này thật là làm người ta phát điên lên.
Bạn trẻ họ Vương hỏi tôi, nếu tôi có một kẻ địch, tôi nên làm thế nào cho an toàn ? Tôi nói: rất đơn giản, tôi diệt nó. Vương không đồng ý nói, như thế thì thế giới chẳng còn trật tự gì nữa, vân vân.
Lô gic ấy thật là làm người ta cười đến rụng cả răng …
Anh bạn trẻ họ Thôi cứ luôn tỏ ra mình là chuyên gia quân sự, đưa ra nhiều tấm ảnh chụp các loại binh khí. Nói thực nhé, khi tôi chơi mấy thứ binh khí ấy, cậu ta còn đang học tiểu học kia. Cậu Thôi phát biểu: Đằng sau Tập đoàn Nam Sa có nước Mỹ hậu thuẫn, cho nên cậu ta kết luận, Trung Quốc đánh không nổi Mỹ, vì thế (Trung Quốc) chưa thể ra tay ở Nam Hải.
Tôi vặn lại, nếu ngày nào đó Mỹ trực tiếp tấn công Trung Quốc phải chăng Trung Quốc khẳng định đánh không lại? Cậu ta nói khẳng định.
Đây là nguyên nhân tôi nổi đóa.
Tôi nói lớn: Tại đây tôi gặp các bạn lớp người Trung Quốc thế hệ 8x này, thế là tôi hiểu: [có thể] khẳng định không thể giữ được lợi ích [của Trung Quốc] ở Nam Sa hoặc Nam Hải nữa. Tôi thật không ngờ Trung Quốc lại có lũ người trẻ như thế đấy, từ trong xương cốt họ thật sự sợ Mỹ, sợ chiến tranh.
Ngay lúc ấy tôi gào lên mắng mỏ họ….
Ở phần mở đầu cuộc tọa đàm, khi giới thiệu tân khách, ông Hồ Nhất Hổ có hỏi tôi, nếu đối diện với hải quân Việt Nam thì ông nói gì. Tôi trả lời: “Cút đi!”
Việc Trung Quốc cần làm ở Nam Hải và Nam Sa không phải là giữ phong độ, mà là bảo vệ lợi ích tổ quốc. Như cái cậu họ Vương ấy hỏi tôi, nếu Trung Quốc cần, bằng một cách giữ thể diện, duy trì Nam Hải hiện nay có trật tự, cũng là đồng nghĩa với việc cứ để hơn 1000 giếng dầu của Việt Nam không ngừng hút dầu mỏ của lãnh thổ Trung Quốc, cho nên chúng ta mới chưa thể giữ được trật tự và phong độ.
Đánh.
Đánh cho thật đau vào.
Đánh đến chết cho tôi.
Đối với kẻ địch của mình, anh không giết nó thì sớm muộn anh sẽ bị nó giết.
Đạo lý này đơn giản biết bao. …
Trung Quốc phong độ quá nhiều rồi, kết quả là hải quân [chúng ta] có 30 vạn chiến sĩ và mười mấy tầu ngầm hạt nhân mà để cho mấy tiểu quốc xung quanh Nam Hải lực lượng hải quân cộng lại chưa đầy 10 vạn người, không có bất cứ lực lượng hạt nhân nào, lại chiếm lắm hải đảo như thế.
Tại buổi tọa đàm tôi còn nói một quan điểm: Giành lại lãnh thổ bị xâm chiếm ở Nam Hải rồi để đấy, chưa khai thác. Nếu Trung Quốc hiện nay chưa có lực lượng hoặc chưa có nhu cầu khai thác Nam Hải thì để nó lại cho con cháu ! Ta có thể cử quân đội đến đó ngày đêm giữ gìn, để lại di sản cho con cháu.
Nhưng nếu bây giờ không giành lại thì anh để lại cái gì cho con cháu?
———
Ghi chú:
1) Nam Hải, Nam Sa là cách gọi của người Trung Quốc đối với Biển Đông, Trường Sa.
2) Tư Mã Bình Bang: Được giới thiệu là Nhà dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa; Bloger “nghiêm chỉnh nhất” TQ; Nhà bình luận thời sự chuyên nghiệp của nhiều tạp chí TQ, từng làm Phó Tổng biên tập website Blog TQ; là nhà bình luận thời sự chính trị, bình luận điện ảnh-truyền hình và văn hóa. (Theo http://baike.baidu.com/view/1920187.htm).
3) Đài truyền hình vệ tinh Phượng Hoàng của Công ty TNHH “Phượng Hoàng Vệ Thị” đặt tại Hong Kong, phát 24 giờ/ngày toàn cầu; có trang ifeng.com
4) Website Hoàn Cầu (huanqiu.com): thành lập 9/2007, là một mạng tin tức chú yếu đưa tin quốc tế, được tòa soạn Nhân dân Nhật báo phê chuẩn, được tòa soạn Hoàn cầu Thời báo tài trợ toàn bộ.
Nguồn: 比南海危机更大的危机是什么?――在凤凰卫视一虎一席谈发飚记, 司马平邦 2009-07-30.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét