Nếu được chọn một nơi để đón Tết cổ truyền ở ba nước, khách Tây thích đến Bắc Kinh, Seoul và TP HCM.
Trên Quora, một du khách nước ngoài đã tò mò về sự giống và khác nhau giữa Tết Âm lịch của ba nước châu Á là Việt Nam - Trung Quốc - Hàn Quốc. Câu hỏi nhanh chóng nhận được sự quan tâm, và dưới đây là một số điểm khác biệt do người dân địa phương và cả khách quốc tế chia sẻ.
Giống nhau
Điều giống nhau nhất đây là dịp đoàn viên, mọi người sẽ hướng sự tập trung của mình về việc đoàn tụ với gia đình. Người Trung Quốc và Việt Nam sẽ dùng bữa tối sum họp bên nhau vào đêm giao thừa. Đây là một trong những bữa ăn quan trọng nhất của năm. Người Hàn Quốc sẽ ghé thăm gia đình, đi viếng mộ trước và sau Tết.
Điểm giống thứ hai là truyền thống lì xì - mừng tuổi năm mới. Người lớn tuổi tặng tiền trong phong bao đỏ cho lớp trẻ, với ý nghĩa chúc phúc. Tại Việt Nam và Trung Quốc, người dân dùng phong bao đỏ bằng giấy, còn người Hàn sử dụng túi lụa. Gần đây, người Trung Quốc còn có thói quen chuyển tiền lì xì qua mạng.
Cả ba nước đều tính tuổi dựa theo 12 con giáp. Ví dụ năm nay là Nhâm Dần, những người sinh vào năm 2022 sẽ mang tuổi Dần (hổ). Tuy nhiên, tùy vào nền văn hóa của mỗi nước mà các con vật có sự thay đổi cho phù hợp. Trong 12 con giáp, Việt Nam có năm Mão (mèo), còn người Trung Quốc là năm Thỏ.
Khác nhau
Đầu tiên là thời gian người dân được nghỉ lễ trong dịp Tết. Với người Việt Nam, kỳ nghỉ lễ có thể kéo dài từ 7 đến 9 ngày, gồm cả nghỉ trước và sau Tết. Người Trung Quốc có ba ngày tết chính thức (mùng 1, 2, 3), nhưng nhiều nơi kéo dài 7 ngày. Có nơi, thời gian lên đến 15 ngày. Tết ở Hàn Quốc diễn ra trong ba ngày, một ngày trước năm mới, mùng 1 và ngày thứ hai.
Điểm khác nhau thứ hai là màu sắc. Người Trung Quốc chuộng màu đỏ, người Việt Nam có thêm màu vàng còn người Hàn Quốc thường không có màu sắc chủ đạo.
Địa điểm đón Tết tại ba nước theo gợi ý từ khách quốc tế
Nơi đón năm mới lớn nhất Trung Quốc, theo đánh giá của du khách, không đâu bằng thủ đô Bắc Kinh. Du khách có cơ hội hòa vào dòng người đi đền, chùa, tham gia các lễ hội lớn. Tại các sự kiện này, bạn có thể được xem các hoạt động vui chơi giải trí như biểu diễn võ thuật, nhào lộn, và thưởng thức ẩm thực cổ truyền của đất nước tại các quầy hàng rong.
Tại Việt Nam, nếu bạn thích các cuộc vui chơi về đêm, điểm đến gợi ý là TP HCM. Đây là nơi được khách Tây đặt cho biệt danh "thành phố không bao giờ ngủ" ở Việt Nam.
Tại Hàn Quốc, đó là Seoul. Du khách có thể ghé thăm các lễ hội lớn đón năm mới được tổ chức tại làng Namsangol Hanok Village và Làng Dân tộc Hàn Quốc (Korean Folk Village). Ngoài ra, du khách có thể ghé thăm các công viên giải trí ở thủ đô Seoul.
Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh, năm nay các sự kiện, lễ hội đón năm mới diễn ra trầm lắng, ít tập trung đông đúc hơn ở cả ba quốc gia. Dù vậy, khách quốc tế vẫn cho biết, họ sẽ quay lại những nơi này để đón Tết cổ truyền, khi dịch bệnh được kiểm soát, các lễ hội đông vui như trước kia.
Anh Minh (Theo Quora)
Tết mỗi nơi một khác
Trả lờiXóa