Thứ Tư, 2 tháng 2, 2022

Tết Và Hoa Vạn Thọ - Lê Trung Ngân

 
Tết 2022 này là tết trong phập phồng lo covid. Tuy nhiên, nhà tôi cũng chưng dọn chút đỉnh gọi là “NGHINH TÂN”. Con gái tôi đi làm ở Sài Gòn về muộn 28 tết nhưng không thay đồ mà chạy vội ra chợ hoa mua về mấy chậu hoa để trước sân cho có màu sắc tết. Trong mấy chậu hoa đó có hai chậu hoa vạn thọ nở vàng tươi. Tôi chợt nhớ về tết thời nhỏ của tôi…
Ngày xưa, mỗi độ gần Tết, má tôi vẫn thường hay mua vài chậu bông vạn thọ về chưng cho mấy ngày Tết. Ba má tôi cùng thích loại bông này. Có lẽ vì tên nó mang ý nghĩa một lời chúc tốt lành? Tôi lại không mấy thích vạn thọ, vì cái dáng kém mỹ miều, không đài các thậm chí là “quê mùa” của nó. Nhưng trong tôi còn có ý nghĩ khác: Vì nhà mình nghèo nên mua bông vạn thọ về chưng cho nhẹ tiền. Ba tôi hiểu ý, nên có lần ông nói bóng gió với tôi rằng:
– Con à! Vạn thọ tuy kém sắc nhưng lâu tàn, lại vẫn có hương thơm. Mỗi khi ngắm nó, ba liên tưởng đến một sức mạnh đoàn kết tiềm ẩn bên trong mỗi cánh bông. Con hãy nhìn xem, những cánh bông nhỏ của nó quyện chặt lấy nhau, trông giống như những đứa con cùng chung huyết thống, khắng khít không rời nhau. Hương thơm vạn thọ được tạo nên không do vài cánh bông lẻ tẻ, mà do một khối thể nguyên vẹn của nó. Có lẽ vì thế mà mùi thơm của nó ngào ngạt lan xa. Hương thơm của bông vạn thọ tựa như tiếng thơm của một gia đình. Tiếng thơm đó không phải được tạo ra bởi một cá nhân mà bởi toàn thể thành viên sống trong gia đình ấy cùng hy sinh đóng góp vào. Ba má mong sao các con luôn là bông vạn thọ mà ba má yêu thích: Đơn sơ với làn hương thơm khăng khít tỏa lan.
Những lời ba dạy, những lời ba răn đã từng bước theo vết chân thời gian đi vào từng giai đoạn sống trong đời tôi…
 
Vạn thọ là một cây dễ trồng, dễ chăm, dễ cho hoa và giàu ý nghĩa. Tôi còn nhớ, những năm sáu mươi của thế kỷ trước: Tết về, dọc các làng quê, đâu đâu cũng một màu vạn thọ.
Mặc dù có năm, tiết trời thất thường, các hoa khác như hoa mai nỡ thất thường, nhưng với vạn thọ thì các búp hoa vẫn miên man hết mình, vươn sắc từ những ngày cuối năm đến cuối tháng giêng, tháng hai.
 
Ngày đó chưa có hoa lay ơn, hồng nhung, cúc đại đóa, mai xuân, tắc hay những cành đào từ miền Bắc gửi vào. Vạn thọ được coi là loài hoa chúa xuân. Khoảng chiều 29 – 30 Tết, cả làng rộn rịp. Thường nhà nào cũng có hoa vạn thọ song có nhà hoa nở chưa đều, chiều 30 chạy sang hàng xóm xin vội vài cành cho bình hoa nhà mình đủ đầy.
 
Chiều cuối năm, tôi thường chọn những cây có hoa bụ bẫm, cẩn thận cho vào chậu rồi bưng để một vị trí thích hợp trong nhà. Trên cành treo đôi thiệp chúc xuân tự làm, dưới gốc rải một lớp xác pháo. Vậy mà ba ngày Tết, sắc xuân ngập tràn từ nhà đến ngõ xóm đường thôn.
Ngoài sự hiện diện như một đặc trưng cho mùa xuân, hai chữ vạn thọ còn có ý nghĩa về mặt tâm linh. Vạn biểu trưng cho sự tốt lành, cát tường, vô số. Thọ thể hiện cho sự sống dài lâu để hưởng phúc lộc. Vạn thọ là mơ ước của nhiều người khi năm mới đến…
Vì thế, vào thời đó, Tết người ta có thể không sắm cho nhà mình đủ đầy bánh mứt, rượu thịt nhưng không thể thiếu hoa vạn thọ.
Nhất là trên bàn thờ gia tiên, trang ông táo lúc nào cũng có một bình hoa tươi nở vàng. Rồi người ta mừng tuổi, chúc thọ cho các bậc cao niên cũng thường lấy hình ảnh hoa vạn thọ để cầu mong trăm điều tốt đẹp.
Hai chữ vạn thọ đủ nói lên được bao điều về giá trị tinh thần, tâm linh và truyền thống đạo đức, lòng biết ơn của thế hệ cha ông.
Tết cổ truyền của người Việt Nam đã hội tụ đủ đầy những yếu tố tinh thần từ xưa. Mỗi năm, Tết lại về. Dù còn nhiều bận rộn, chiều cuối năm tôi cũng tranh thủ ghé chợ hoa. Đi trong trăm ngàn loài hoa với đủ sắc màu nhưng dường như ký ức của tôi đã lọt thỏm về một vùng quê hun hút năm nào.
Bây giờ, hoa nhiều quá, đẹp quá nhưng toàn các loài hoa lạ. Khách hàng chen lấn, nhoài người vào những hàng hoa trâm anh hồng tía. Không ai đoái hoài từng khóm vạn thọ đứng khiêm nhường, im lặng trước ngàn bóng người qua.
... 
Nhìn chậu hoa vạn thọ, tự dưng lòng tôi trào dâng một nỗi buồn xa vắng. Trong tôi bất chợt hiện lên hình ảnh từng luống vạn thọ vàng rực khắp xóm năm nào, dù biết đó chỉ còn trong dĩ vãng. Mong muốn của ba má tôi là các anh em tôi quấn quít tạo tiếng thơm của một gia đình cũng không có. Và nhất là ba má tôi khuất bóng đã lâu khi chúng tôi còn khó khăn gian khổ trong cuộc sống nên chưa kịp bù đắp chút gì cho song thân. Mắt cay cay và câu ca dao cô giáo dạy năm nào vẫn còn nguyên vẹn:
Ai ơi dẫu có đi xa
nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười.

Lê Trung Ngân


 

1 nhận xét:

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...