Thứ Bảy, 31 tháng 12, 2022

10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2022

 

Năm 2022 có thể sẽ trở thành năm bản lề trong lịch sử, đánh dấu sự kết thúc của một kỷ nguyên và bắt đầu một kỷ nguyên khác. Đại chiến quay trở lại châu Âu và quan hệ Mỹ – Trung vẫn là vấn đề nan giải.

12 tháng qua đã mang lại một số tin tốt, điển hình nhất là dịch Covid-19 đã dịu bớt ở nhiều quốc gia. Nhưng nhìn chung, năm qua mang đến nhiều tin xấu hơn là tin vui. Và những câu chuyện này có thể sẽ ngừng lại trong quãng ngắn vào những ngày cuối năm và nó sẽ tiếp tục vào năm sau.

Theo đánh giá của James M. Lindsay  chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2022 bao gồm:

10.  Sự hỗn loạn làm rung chuyển nền chính trị nước Anh

Vương quốc Anh – đất nước có đế chế từng trải rộng khắp thế giới trong năm qua có ba thủ tướng chỉ trong hai tháng và Nữ hoàng Anh Elizabeth II, vị quân chủ nắm giữ vương quyền lâu nhất trong lịch sử nước Anh, qua đời.

Giám đốc nghiên cứu CFR James M. Lindsay phân tích rằng, Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng hỗn loạn ở số 10 phố Downing là do hơn 50 thành viên trong chính phủ của ông Boris Johnson từ chức vào tháng 7 để phản đối chuỗi bê bối dưới thời ông. Ông đồng ý từ chức và kế nhiệm ông là bà Liz Truss. Tuy thế, nhiệm kỳ của bà chỉ kéo dài 45 ngày – nhiệm kỳ ngắn nhất của bất kỳ thủ tướng Anh nào trong lịch sử.

Dấu ấn lịch sử khác liên quan đến bà Lizz Truss là việc bà là thủ tướng Anh cuối cùng được Nữ hoàng Elizabeth II bổ nhiệm. Sau khi bà Liz Truss từ chức, kế nhiệm bà là ông Rishi Sunak và ông trở thành người gốc Ấn đầu tiên trở thành thủ tướng Anh.

9. Ba cuộc khủng hoảng ở Pakistan

Theo nhà nghiên cứu của Mỹ Lindsay, Các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và khí hậu đã tàn phá Pakistan vào năm 2022.

Vào tháng 4, Thủ tướng Imran Khan thua trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội, và tiếp tục trở thành 1 trong những thủ tướng của đất nước không hoàn thành đủ nhiệm kỳ 5 năm. Tuy nhiên, ông Khan đã không lặng lẽ nghỉ hưu. Thay vào đó, ông lãnh đạo những người ủng hộ mình trong các cuộc tuần hành phản đối ở thủ đô Islamabad nhằm tìm cách lật đổ người kế nhiệm, Thủ tướng Shehbaz Sharif. Vào tháng 11, ông Khan bị thương trong một vụ ám sát bất thành.

Khi những người ủng hộ Imran Khan đang theo chân ông tuần hành, thì các quan chức Pakistan chật vật giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của đất nước, khối nợ quá lớn cùng dự trữ ngoại tệ quá thấp đến mức khiến Pakistan đứng trước bờ vực vỡ nợ. 

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thông qua gói cứu trợ vào tháng 8 để ngăn chặn sự sụp đổ kinh tế của Pakistan.

Pakistan nợ riêng Trung Quốc khoảng 30 tỷ USD và phải trả tổng cộng khoảng 2 tỷ USD khoản vay nước ngoài vào năm 2023.

Vào tháng 8, những trận lũ lịch sử làm trầm trọng thêm những tai ương về chính trị và kinh tế của Pakistan. Một phần ba đất nước bị ngập lụt và hơn một triệu ngôi nhà bị phá hủy. 

Ba cuộc khủng hoảng khiến 225 triệu dân của Pakistan có khả năng phải đối mặt với một năm 2023 đầy khó khăn.

8. Khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng

Theo nhà nghiên cứu của Mỹ Lindsay cho rằng, Cuộc xâm lược Ukraina của Nga tập trung sự chú ý vào những người Ukraina chạy trốn khỏi đất nước để tìm kiếm sự yên ổn ở nước ngoài. Cuộc khủng hoảng nhân đạo này được coi là nghiêm trọng nhất trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo và người tị nạn ở những nơi khác trên thế giới.

Tình hình nhân đạo ở các quốc gia như Syria, Afghanistan, Nam Sudan và Yemen vẫn không có bất kỳ dấu hiệu khả quan. 

Chỉ riêng Syria đã chiếm 1/5 số người tị nạn trên thế giới.

7. Châu Mỹ Latinh dịch chuyển sang cánh tả

Theo nhà nghiên cứu của CFR.  Lindsay đánh giá, Ứng viên trung tả Alberto Fernández tuyên bố đắc cử tổng thống Argentina vào năm 2019. Ứng viên cánh tả Luis Arce đắc cử tổng thống Bolivia vào năm 2020. 

Xu hướng cánh tả tiếp tục vào năm 2022 khi gần đây nhất là chiến thắng của cựu Tổng thống Brazil Lula da Silva. Ông Lula da Silva trở lại vị trí tổng thống sau khi đánh bại tổng thống cánh hữu đương nhiệm Jair Bolsonaro.

Trong giới quan sát đã có tranh luận về việc liệu xu hướng “thủy triều hồng” có dấy lên như vào cuối những năm 1990 và đầu những năm 2000 hay không, khi đó các chính trị gia như Hugo Chavez, Lula và Evo Morales thắng cử và thúc đẩy các cuộc tranh luận về “thủy triều hồng” – cụm từ được sử dụng trong phân tích chính trị hiện đại để mô tả cảm nhận chống Mỹ ngày càng gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Mỹ Latinh.

6. Người Iran biểu tình

Các chế độ sinh ra từ biểu tình cũng có thể bị biểu tình lật đổ. Thực tế đó có thể ám ảnh các nhà lãnh đạo của Cộng hòa Hồi giáo Iran vào năm 2022 kể từ khi họ lên nắm quyền vào năm 1979. Các cuộc biểu tình bắt đầu nổi lên khắp cả nước kể từ tháng 9 khi “cảnh sát đạo đức” ở Tehran bắt giữ Mahsa Amini, một cô gái 22 tuổi người Kurd khi cô đến thăm thủ đô của Iran, vì không che tóc đúng cách.

Tính đến tháng 12, đã có 450 người biểu tình thiệt mạng dưới sự đàn áp của lực lượng an ninh Iran.

5. Xóa bỏ chính sách COVID

Đại dịch cuối cùng sẽ kết thúc. Ba năm sau khi COVID bùng phát, thế giới dường như đã xoay chuyển tình thế đối với đại dịch toàn cầu đầu tiên trong một thế kỷ. 

Vào tháng 9, người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố ngày kết thúc đại dịch “không còn xa”. Thực tế đó thể hiện rõ qua việc nhiều quốc gia bãi bỏ các biện pháp phòng chống dịch COVID. Một ngoại lệ cho xu hướng này là Trung Quốc. Nước này theo đuổi chính sách không khoan nhượng và áp đặt các biện pháp hà khắc chống dịch dẫn đến vào cuối năm 2022, người dân Trung Quốc bắt đầu nổi dậy.

4. Lạm phát trở lại

Bất cứ ai sống qua những năm cuối thập niên 70, đều trải qua cảm giác lạm phát ăn mòn tiền lương. Vòng xoáy lạm phát chỉ bị phá vỡ sau khi Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ tăng lãi suất và gây ra một cuộc suy thoái tàn khốc. Trong bốn thập niên kể từ đó, thế giới đã sống trong môi trường lạm phát thấp. Nhưng đến năm 2022, lạm phát gia tăng trên khắp thế giới do được thúc đẩy bởi hàng loạt vấn đề. 

Vấn đề là, cách chữa trị chính cho lạm phát chính là tăng lãi suất. Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ và các ngân hàng trung ương khác hy vọng sẽ tạo ra “cuộc hạ cánh mềm” cho nền kinh tế. Tuy nhiên, ngay cả khi họ thành công, lãi suất cao hơn đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nợ cho nhiều nước nghèo.

3. Biến đổi khí hậu gia tăng

Bốn mươi năm trước, khi các nhà khoa học lần đầu tiên cảnh báo về một thảm họa khí hậu có thể xảy ra, người ta cho đó là một vấn đề ở tương lai. Và đến năm 2022 người ta thấy rằng tương lai nguy hiểm đó đã đến. 

Một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hiếm thấy đã xuất hiện. Châu Âu trải qua những đợt nắng nóng kỷ lục đốt cháy rừng và làm khô cạn các dòng sông. 

Pakistan chưa kịp hồi phục sau trải qua nắng nóng tàn khốc đã tiếp tục hứng chịu những đợt mưa lũ nhấn chìm nhiều vùng của đất nước. 

Vùng Tây Nam Hoa Kỳ chịu đựng đợt hạn hán kỷ lục làm thu hẹp các hồ chứa nước ngọt như hồ Mead, một trong những hồ chứa nước ngọt lớn nhất nước Mỹ, nằm giữa hai bang Arizona và Nevada và làm giảm năng suất cây trồng, bão Ian tàn phá Florida và gần đây nhất là đợt bão tuyết cả đời mới xuất hiện một lần. 

Trung Quốc vào tháng 10 đã trải qua đợt hạn hán bất thường, hiếm thấy ở lưu vực sông Trường Giang.

2. Căng thẳng Mỹ-Trung gia tăng

Cuộc cạnh tranh quyền lực giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đang diễn ra đầy đủ. 

Chính quyền tổng thống Joe Biden vào tháng 10 đã công bố Chiến lược An ninh Quốc gia, thẳng thừng đưa ra quan điểm: “Trung Quốc nuôi dưỡng ý định và ngày càng có khả năng định hình lại trật tự quốc tế theo hướng có lợi cho mình, làm nghiêng sân chơi toàn cầu vì lợi ích của Trung Quốc,” và Hoa Kỳ có ý định “chiến thắng trong cuộc cạnh tranh.”

Chính quyền Mỹ chỉ ra việc Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông, ủng hộ việc Nga xâm lược Ukraina, nỗ lực đe dọa Đài Loan và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ tràn lan của họ là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh buộc Hoa Kỳ phải từ bỏ chính sách chào đón sự trỗi dậy của Trung Quốc.

1. Nga xâm lược Ukraina

Theo ông Lindsay tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại CFR, Đôi khi các cơ quan tình báo giống như nàng Cassandra trong thần thoại Hy Lạp, dự đoán chính xác các sự kiện nhưng không được ai tin.

Cuối năm 2021, các quan chức Hoa Kỳ và Anh bắt đầu cảnh báo rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine.

Nhiều nhà lãnh đạo châu  Âu, trong đó có Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky, bác bỏ ý tưởng chiến tranh. 

Nhưng vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Nga phát động cuộc chiến xâm lược Ukraina.

Trước sự ngạc nhiên của Điện Kremlin và các chuyên gia quân sự, Ukraina đứng vững trước cuộc tấn công dữ dội ban đầu và sau đó bắt đầu đẩy lùi các lực lượng Nga. Bên cạnh đó, cuộc xâm lược của Nga đã khiến các quốc gia phương Tây sát cánh cùng nhau tập hợp phía sau Kyiv.

Trung Quốc và hầu hết các quốc gia ở Nam bán cầu thì không, mặc dù họ khăng khăng rằng biên giới quốc gia là bất khả xâm phạm. Một số thậm chí còn đổ lỗi cho cuộc xâm lược là do NATO mở rộng về phía đông – một vấn đề sống còn đối với Nga. 

Tuy nhiên, những người đổ lỗi không giải thích được rằng vì sao một liên minh đã trải qua 30 năm trong trạng thái rệu rã nay lại bất ngờ đe dọa Nga. 

Khi năm 2022 kết thúc, một lệnh ngừng bắn khó có thể xảy ra. 

Quý vị vừa nghe qua bài phân tích-  của James M. Lindsay  chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), một tổ chức độc lập có trụ sở tại Hoa Kỳ, đánh giá về 10 sự kiện quốc tế nổi bật nhất năm 2022.

Liên Thành (DKN.News )


 


1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...