Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

CHUYỆN XÂU CHUỖI TRONG MỘT ĐÊM THAO THỨC - Hoàng Đằng

Lão cũng như nhiều người trên thế giới đang háo hức theo dõi đường bóng lăn ở World Cup - Qatar.

Khổ nỗi là múi giờ giữa Qatar và nước ta chênh lệch khá lớn; thành thử những trận cầu diễn ra sau 22 giờ (10 giờ tối), lão khó theo dõi được. Giấc ngủ, đối với người già, quan trọng hơn xem bóng đá.

 

Vậy mà qua vòng bát kết, lão rán thức để xem tối 04/12/2022 trận cầu giữa Pháp vs Ba Lan và tối 05/12/2022 trận cầu giữa Nhật vs Croatia diễn ra bắt đầu từ 22 giờ.

Các bạn biết vì sao không?

Lão, thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, học sinh ngữ là tiếng Pháp; lúc đi dạy, ở những trường thiếu thầy, cô dạy Pháp Văn, lão cũng được bố trí dạy môn ấy; lại thêm, vào giai đoạn 1993 - 2001, lão lại đi làm với mấy tổ chức nói tiếng Pháp. Chừng ấy thôi đã cấy vào trong lòng lão tình yêu ít nhiều nước Pháp và lão xem để nhịp tim cùng đập theo đường bóng của các cầu thủ Pháp, đặc biệt là Mbappé.

Năm 2002 - 2004, lão làm việc dưới quyền của một cô người Nhật; cô ấy chỉ ngang tuổi con lão thôi, nhưng cách làm việc có tình, có lý, chỉnh chu, khoa học. Nước Nhật lại là nước ở Đông Á, gần gũi với Việt Nam về địa lý, về ngoại giao. Lão mến nước Nhật là vì vậy, thành thử, lão gắng thức để xem cầu thủ Nhật có lập được kỳ tích - thắng Croatia - như mấy ngày trước đó họ đã thắng Đức và Tây Ban Nha hay không.

Những việc mà một quốc gia dùng chinh phục lòng của người nước khác như vậy gọi là "quyền lực mềm" - thứ quyền lực mà thời đại bây giờ nhiều nước đang đua nhau thi thố trong chính sách ngoại giao.

*

Thức hai đêm 04 và 05/12/2022 đã làm cho đồng hồ sinh học trong cơ thể lão xáo trộn.

Hồi đêm (06 rạng 07/12/2022), dù không xem bóng đá nữa, lão cũng không sao ngủ được.

Không ngủ được khiến lão nhớ nghĩ lung tung.

Trên bước đường di tản sau khi rời Quảng Trị vì biến cố 1972, lão cùng gia đình có định cư ở khu Láng Gòn Bình Tuy 15 tháng và cưỡng cư ở Tánh Linh 17 tháng. Ở mỗi nơi, mồ hôi, nước mắt lão đã đổ. Gần 50 năm rời bỏ đi, thỉnh thoảng hình bóng những nơi ấy lại hiện về trong tâm trí lão: mảnh vườn với hàng cây so đũa mặt trước, ba mặt còn lại là chuối mật móc trổ thòng báp xinh xinh, giữa vườn, ngoài bắp và sắn, giàn mướp che phủ cả sân, nhành mướp leo trùm mái nhà, bông vàng chen lẫn trái xanh dài lòng thòng, giàn mồng tơi rậm tốt, đám rau muống xanh non, mỗi sáng, mẹ nhanh tay hái, vội đem bán cho kịp lúc chợ họp ...

Lão cứ nghĩ mình còn nhớ những nơi ấy là vì mồ hôi, nước mắt, bóng hình đã thấm vào đấy, đã in dấu vào đấy; nghĩa là một phần con người mình đã để lại nơi ấy, phần hiện tại mình mang đi nhớ phần ở lại. Đúng thôi! Chuyện bình thường ...

Tuy nhiên, nhà thơ Pháp - Lamartine (1790 - 1869) - và nhà thơ Việt - Chế Lan Viên (1920 - 1989) - lại nghĩ khác - mỗi nơi ấy vốn có tâm hồn, khi ta ở, ta không cảm nhận, nhưng khi ta đi tâm hồn ấy bám sát cùng ta.

Trong bài thơ "Milly (1) ou la terre natale (Milly hay quê hương), Lamartine viết:

Objets inanimés, avez - vous donc une âme

Qui s'attache à notre âme et la force d'aimer

Xin tạm dịch:

Hỡi các vật im lìm,

Hồn Ngươi thế là có

Hòa quyện vào hồn mình

Khiến luôn thương mãi nhớ ...

Chế Lan Viên trong bài thơ "Tiếng hát con tàu" cũng viết:

Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở,

Khi ta đi, đất đã hóa tâm hồn ..

Chế Lan Viên theo Pháp học, chắc có lẽ Chế Lan Viên có chịu ảnh hưởng của Lamartine về thi tứ ???


Hoàng Đằng

         07/12/2022

--------------------

(1) Milly là một làng ở vùng Normandie nước Pháp - nơi Lamartine đã sống êm đềm qua tuổi thơ.



 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...