Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Liệu Đây Có Phải Là Một Bước Tiến Gần Hơn Đến Vắc Xin Chống Lại Mọi Loại Cúm? (Việt Báo )

 Hãy thử tưởng tượng: chỉ một liều vắc xin duy nhất sẽ giúp cơ thể chuẩn bị chống lại mọi chủng cúm chúng ta từng biết. Trong suốt nhiều thập niên, các khoa học gia đã và đang cố gắng tạo ra thứ gọi là vắc xin cúm phổ quát (universal flu vaccine). (Nguồn: pixabay.com)

Các chuyên gia nghiên cứu đã thử nghiệm thành công trên động vật một loại vắc xin cúm phổ quát, nhen nhóm niềm hy vọng chúng ta có thể được bảo vệ khỏi các đại dịch cúm trong tương lai. Giống như vắc xin COVID do Pfizer-BioNTech và Moderna sản xuất, vắc xin cúm phổ quát cũng dựa trên mRNA.

 

Dù mới ở giai đoạn đầu – chỉ được thử nghiệm trên chuột và chồn sương – nhưng vắc xin mới cung cấp bằng chứng quan trọng rằng một mũi tiêm duy nhất có thể chống lại cả một họ vi rút. Nếu được thử nghiệm thành công ở người, vắc xin mới có thể được sử dụng để chống lại các họ vi rút khác, cũng có thể bao gồm cả coronavirus.

 

Vắc xin phổ quát mới sẽ không thay thế các mũi tiêm phòng cúm hàng năm, nhưng sẽ tạo ra lá chắn giúp chống lại bệnh nặng và tử vong trước các mối đe dọa tiềm tàng đại dịch.

 

Scott Hensley, chuyên gia về miễn dịch học tại Trường Pennsylvania, người đứng đầu công trình nghiên cứu, cho biết: “Nhân loại thực sự cần có loại vắc xin cúm mới để chống lại các mối đe dọa đại dịch ngoài kia.” Ông nói: “Nếu mai này bùng phát một đại dịch cúm mới, mà chúng ta đã có một loại vắc xin như thế này được tiêm chủng rộng rãi từ trước, thì chúng ta có thể không cần phải ‘bế quang tỏa cảng’ khắp nơi.”

 

Cho tới khi lên 5 tuổi, hầu hết trẻ em đã bị nhiễm cúm nhiều lần và đã có được một số khả năng miễn dịch – nhưng chỉ chống lại các chủng (vi rút) mà chúng từng gặp qua.

 

Bác sĩ Hensley cho biết: “Việc chúng ta tiếp xúc với bệnh cúm từ thời thơ ấu đã hình thành trí nhớ dài hạn cho hệ thống miễn dịch mà sau này khi lớn lên, nó có thể được gợi nhớ lại. Nhưng chúng ta đang sống theo kiểu mà cả phần đời còn lại sẽ phụ thuộc vào các loại vi rút mà chúng ta ngẫu nhiên bị nhiễm khi còn bé.”

 

Các vắc xin cúm hiện nay bảo vệ chúng ta chống lại bệnh cúm mùa, nhưng lại cung cấp rất ít sự bảo vệ trước một chủng mới có thể trỗi dậy thành một nguy cơ bùng phát đại dịch. Ví dụ, trong đại dịch cúm lợn H1N1 năm 2009, vắc xin thông thường cung cấp rất ít khả năng bảo vệ trước loại vi rút này. Nhưng những người cao niên đã từng tiếp xúc với các chủng H1N1 khi còn nhỏ chỉ có các triệu chứng nhẹ.

 

Các khoa học gia từ lâu đã cố gắng tạo ra một loại vắc xin có thể giúp trẻ em ứng phó với mọi chủng cúm mà sau này trong đời chúng có thể gặp phải. Nhưng các chuyên gia nghiên cứu đã bị hạn chế bởi các rào cản kỹ thuật và bởi sự đa dạng của vi rút cúm.

 

Nói chung, có 20 nhóm con (chủng) vi rút bệnh cúm, mỗi nhóm con đại diện cho hàng ngàn loại vi rút. Các vắc xin hiện tại có thể nhắm mục tiêu tối đa bốn nhóm con. Loại vắc xin đang được thử nghiệm có thể nhắm mục tiêu tất cả 20 nhóm con, và nó sẽ được sản xuất nhanh hơn.

 

Các chuyên gia nghiên cứu nhận thấy vắc xin tạo ra lượng kháng thể cao đối với tất cả vi rút cúm thuộc 20 chủng ở chồn và chuột – phát hiện được một số chuyên gia cho là bất ngờ và đầy hứa hẹn.

 

Nếu vắc xin cũng hoạt động tương tự ở người, thì “chúng ta sẽ có phạm vi bao phủ rộng hơn đối với vi rút cúm – không chỉ những vi rút đang lưu hành mà cả những vi rút có thể phát sinh từ động vật và gây ra trận đại dịch tiếp theo,” Alyson Kelvin, một chuyên gia về vắc xin học tại Trường Saskatchewan ở Canada, cho biết.

 

Có một nhược điểm khi gói trọn mục tiêu 20 chủng vi rút vào một loại vắc xin: mức kháng thể ở động vật trong cuộc thử nghiệm thấp hơn so với khi chúng được tiêm vắc xin nhắm vào từng chủng (vi rút) riêng lẻ. Nhưng mức độ vẫn đủ cao để có hiệu quả chống lại bệnh cúm.

 

Bởi vì có thể chủng cúm mới gây ra đại dịch sẽ không giống với bất kỳ loại nào thuộc 20 chủng trên, nên các chuyên gia nghiên cứu cũng đã thử nghiệm vắc xin này với các loại vi rút cúm khác ngoài 20 chủng này. Vắc xin vẫn cung cấp khả năng bảo vệ mạnh mẽ. Cho nên, nó được cho là vẫn sẽ có hiệu quả trước một loại vi rút cúm mới có thể gây đại dịch, ít nhất thì cũng sẽ ngăn bệnh trở nặng.

 

Hiện tượng này giống với hiện tượng xảy ra với vắc xin COVID hiện nay: Mặc dù các biến thể Omicron mới nhất rất khác so với chủng ban đầu nên loại vắc xin ban đầu không thể ngăn ngừa lây nhiễm, nhưng nó vẫn tiếp tục giúp bảo vệ hầu hết mọi người khỏi bị bệnh trở nặng.

 

Bác sĩ Kelvin cho biết điều này có thể là một lợi thế đặc biệt của vắc xin mRNA. Vắc xin cúm thông thường chỉ nhắm vào các loại vi rút cụ thể mà chúng được thiết kế để nhắm mục tiêu. Nhưng vắc xin mRNA có vẻ như tạo ra các kháng thể bảo vệ cơ thể chống lại nhiều loại vi rút hơn những loại vi rút mục tiêu.

 

Các chuyên gia cũng lưu ý một số cảnh báo và đặt ra những câu hỏi quan trọng.

 

Đồng ý là các động vật trong nghiên cứu đã xây dựng được hệ thống miễn dịch chống lại cả 20 chủng cúm. Richard J. Webby, một chuyên gia về vi rút cúm tại Bệnh viện St. Jude Children’s Research Hospital ở Memphis, cho biết: “Nhưng những con vật này chưa từng bị cúm bao giờ.”

 

Bác sĩ Webby lưu ý rằng việc hoàn toàn không có khả năng miễn dịch chống lại bệnh cúm như vậy chỉ đúng với trẻ nhỏ. Người cao niên thì đã tiếp xúc với nhiều chủng vi rút khác nhau trong đời, nên không rõ liệu phản ứng miễn dịch của họ đối với loại vắc xin phổ quát này có giống vậy hay không.

 

Thiết kế vắc xin phổ quát cho các nhóm tuổi khác nhau, nếu cần, sẽ là một thách thức. Một số chuyên gia cho biết, điều quan trọng là phải xem khả năng bảo vệ của những loại vắc xin này sẽ kéo dài bao lâu.

 

Ted Ross, Giám đốc Global Vaccine Development tại Cleveland Clinic, cho biết: “Vấn đề lớn nhất đối với bệnh cúm toàn cầu là chúng ta cần nhắm mục tiêu vào cái gì và có thể tiếp tục sử dụng loại vắc xin đó trong bao lâu. Nếu cứ phải cập nhật liên tục, thì nó chẳng có lợi thế trong việc sản xuất vắc xin hiện nay.”

 

Bước tiếp theo của nghiên cứu sẽ là thử nghiệm trên khỉ và người. Nhưng chứng minh tính hiệu quả của nó có thể là một thách thức. Bác sĩ Kelvin nói: “Họ sẽ đánh giá và điều chỉnh một loại vắc xin kiểu gì khi mục tiêu của vắc xin không lưu hành? Cho nên là sẽ không thể thực sự chứng minh được tính hiệu quả đâu.”

 

Có lẽ vắc xin có thể được thử nghiệm trong các đợt bùng phát nhỏ lẻ tẻ hoặc ở những người chăn nuôi gia cầm có nguy cơ bị nhiễm vi rút cúm gia cầm, bà nói thêm: “Đó là những câu hỏi mà tôi nghĩ chúng ta cần phải trả lời trước khi xảy ra đại dịch tiếp theo.”

 

Việt Báo phỏng dịch theo bài viết “One Step Closer to a Universal Flu Vaccine?” của Apoorva Mandavilli, được đăng trên trang NYTimes.

 

1 nhận xét:

Thơ Xướng Họa : BÚT RÈ : Lý Đức Quỳnh Và Các Thi Hửu

BÚT RÈ (Cảm tác theo tranh) Lắt lay ngày tháng bút thêm rè Chữ viết đôi dòng mực tóe loe Lổn ngổn giun bò thường phải giấu Lèo phèo bọt nổi ...