Thứ Tư, 28 tháng 12, 2022

Cuộc sống bảy ngày trong một tuần làm hầu gái cho hoàng gia Qatar (BBC.com )

Hồ sơ nhân quyền của Qatar đang được soi xét kỹ lưỡng khi World Cup diễn ra tại Doha. Đã có nhiều người viết nhiều về cách đối xử với những người lao động nhập cư, những người xây nên các sân vận động và khách sạn, nhưng còn những người giúp việc nước ngoài làm việc cho các tầng lớp thống trị của Qatar thì sao? Phóng viên về giới và bản sắc của BBC, Megha Mohan, nói chuyện với hai người giúp việc về cuộc sống phải làm việc hàng giờ liền mà không có ngày nghỉ.

Tôi liên lạc với Gladys (không phải tên thật của cô ấy) vào đêm khuya, sau khi những người chủ của cô ấy thuộc giới thượng lưu Qatar đã đi ngủ.

Trong một cuộc trò chuyện qua mạng chóng vánh, cô ấy nói với tôi rằng cô phải làm việc từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm mỗi ngày. Cô dọn dẹp, chuẩn bị thức ăn và chăm sóc lũ trẻ.

Cô ăn đồ thừa từ bữa ăn của gia đình chủ và nói rằng, cô đã không có một ngày nghỉ ngơi nào kể từ khi bắt đầu 18 tháng trước.

"Bà chủ bị điên," Gladys, một phụ nữ người Philippines ở độ tuổi tứ tuần, nói về chủ nhân của mình. "Bà ta hét vào mặt tôi mỗi ngày."

Trước khi Qatar giành quyền đăng cai World Cup 2022, người lao động nước ngoài không thể thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước mà không có sự cho phép của chủ lao động. Điều này vẫn như thế ở hầu hết các quốc gia vùng Vịnh

Dưới sự giám sát chặt chẽ, Qatar bắt đầu ban hành những cải cách, nhưng chúng không phải lúc nào cũng đưa vào thực tiễn.

Ví dụ, người chủ của Gladys đã giữ hộ chiếu của cô ấy. Nếu Gladys xin hộ chiếu để rời đi, cô không thể chắc chắn rằng mình sẽ được trả lại.

Nhưng Gladys vẫn cảm thấy may mắn. Cô ấy nói ít nhất cô được phép xài điện thoại, không giống như một số người giúp việc nước ngoài khác. Ngoài ra, cô không bị lạm dụng về mặt thể chất. Ở Qatar, điều này xảy ra quá thường xuyên với những người giúp việc, cô nói.

Có một lý do khác khiến Gladys muốn tiếp tục công việc hiện tại - cô ấy nghĩ rằng ở độ tuổi của mình, khó có thể kiếm được một công việc tốt hơn.

Gladys kiếm được 1.500 rial mỗi tháng (gần 350 bảng Anh) và có thể gửi hết về nhà để hỗ trợ gia đình.

Quyền của người giúp việc gia đình

  • Ước tính có khoảng 160.000 lao động giúp việc gia đình ở Qatar, theo dữ liệu năm 2021 từ Cơ quan Kế hoạch và Thống kê Qatar
  • Năm 2017, Qatar ban hành Luật Lao động giúp việc gia đình, về mặt lý thuyết, giới hạn số giờ làm việc là 10 giờ một ngày và yêu cầu người lao động được nghỉ giải lao hàng ngày, có ngày nghỉ hàng tuần và các ngày nghỉ có lương
  • Vào năm 2020, chính phủ này cũng đưa ra mức lương tối thiểu và trao quyền cho người lao động quyền trên giấy tờ để thay đổi công việc hoặc rời khỏi đất nước mà không cần xin phép chủ
  • Tuy nhiên, Tổ chức Ân xá Quốc tế cho biết những luật này không phải lúc nào cũng được tuân thủ và tình trạng làm việc quá sức, thiếu nghỉ ngơi, bị ngược đãi và hạ thấp giá trị người lao động vẫn tiếp diễn

Joanna Concepcion của Migrante International, một tổ chức cơ sở hỗ trợ người lao động người Philippines ở nước ngoài, nói rằng nhiều người giữ im lặng về điều kiện làm việc tồi tệ vì kiếm tiền cho gia đình là ưu tiên hàng đầu của họ.

Nhưng khi những người lao động ở các quốc gia vùng Vịnh cảm thấy đủ tự tin để kể thoải mái, cô ấy nói, họ thường đề cập đến sự ngược đãi nghiêm trọng. Một phụ nữ cho biết chủ của cô đã nhấn đầu cô vào bồn cầu và không cho cô ăn uống khi ông ta nổi giận.


Althea (cũng không phải tên thật của cô) đã vẽ nên một bức tranh rất khác về cuộc sống của mình với tư cách là một người giúp việc ở Qatar. Được gia đình hoàng gia Al Thani tuyển dụng, cô ấy gọi video cho BBC từ tầng hầm của một dinh thự hoàng gia.

Tươi cười và hoạt bát, Althea giải thích rằng gia đình chủ đã tặng cô một chiếc iPhone, quần áo, đồ trang sức và giày dép thuộc loại mà cô không thể mua được ở Philippines.

Cũng như Gladys, khó khăn trong việc kiếm miếng cơm manh áo ở quê đã đưa đẩy Althea đến đây.

Khi chúng tôi nói chuyện, những người giúp việcngười Philippines khác - sống chung trong căn phòng lớn trong tại khu nhà ở của Althea, nói xin chào và tham gia cuộc gọi.

Họ có phòng ngủ và nhà bếp riêng. Điều này quan trọng. Những người giúp việc mà Althea thấy trên TikTok và Facebook đang cầu xin thức ăn và van lạy ai đó giải cứu họ, đều không được may mắn bằng.

"Tôi luôn xem những video đó trên mạng, đó là lý do tại sao tôi cảm thấy thật may mắn," cô nói. "Đối với tôi, mỗi ngày đều giống như chuyện cổ tích."

Tuy nhiên, đó là công việc khó nhọc trong những "cung điện Lọ Lem", với trần nhà cao và các đèn chùm, đồ cổ dát vàng, mặt bàn xà cừ và hoa lúc nào cũng tươi mới, khi Althea nhắc tới.

Một ngày làm việc thường bắt đầu lúc 6h30 sáng, nhân viên chuẩn bị bữa sáng cho gia đình. Althea ăn sau khi cả nhà chủ ăn xong. Họ dọn dẹp bữa sáng, họ tiến hành dọn phòng và bày biện cho bữa trưa.

"Đó là công việc nhẹ nhàng vì có nhiều người hầu," Althea nói.

Những người giúp việc nghỉ ngơi trong căn hộ của mình từ 3 giờ chiều đến 6 giờ chiều, sau đó chuẩn bị bữa tối. Khi xong bữa tối, Althea đã hoàn thành công việc và có thể tự do rời khỏi khu nhà nếu muốn.

Gia đình hoàng gia không giữ hộ chiếu của cô. Nhưng Althea phải làm việc hàng ngày, kể cả cuối tuần. Cô không được nghỉ theo luật Qatar hiện hành đảm bảo cho người lao động, trừ kh họ tự tước bỏ. Đó là cái giá mà cô ấy phải trả để chu cấp nguồn tài chính sống còn cho gia đình mình.

Mary Grace Morales, một nhà tuyển dụng ở Manila chuyên sắp xếp các nhân viên người Philippines với các nhân vật quan trọng ở vùng Vịnh, cho biết làm việc cho cung điện là một công việc "đáng ghen tị".

"Có rất nhiều đặc quyền. Gia đình rất hào phóng," cô nói. Và, trong một bình luận phản ánh những khó khăn mà những người giúp việc có thể phải gặp khi ở nhà, cô nói thêm: "Các cô gái béo ú hơn khi họ ở trong cung điện. Gia đình chủ cho họ ăn uống đầy đủ."

Mary Grace Morales: Hầu gái của hoàng gia Qatar phải thật tràn đầy năng lượng - và xinh đẹp

Nhưng hoàng gia có một số yêu cầu rất cụ thể, cô ấy tiết lộ.

"Những cô gái được đưa đến làm việc cho hoàng gia Qatar có độ tuổi từ 24 đến 35 và rất xinh đẹp", bà Morales nói.

Cô ấy ngừng lại để nhìn vào màn hình nơi mà tôi đang nhìn cô từ trụ sở BBC ở London.

"Xinh đẹp hơn cô đấy," cô nói, mỉm cười.

Sau đó, cô ấy đã gửi tin nhắn WhatsApp để xin lỗi vì các con của cô ấy đã nghe được và nói rằng cô thật thô lỗ.

Tôi trấn án cô rằng mình không cảm thấy bị xúc phạm gì - và đừng đề cập đến việc thuê người dựa trên ngoại hình vì điều đó có thể bất hợp pháp ở nhiều quốc gia.

"Họ phải còn trẻ vì hoàng gia Qatar cần những nhân tố khỏe mạnh và tràn đầy năng lượng để có thể quán xuyến môi trường bận rộn của cung điện.

"Và các ứng viên phải xinh đẹp - rất xinh đẹp," cô nhắc lại.

Joanna Concepcion, thuộc Migrante International, cho biết cô hy vọng lời kể của Althea về việc làm giúp việc ở hoàng gia là sự thật, nhưng nói thêm: "Chúng tôi khó có thể biết chắc chắn điều đó một khi cô ấy vẫn còn ở Qatar và làm việc cho một gia đình quyền lực như vậy."

Một số nhân viên làm việc cho hoàng gia đã phàn nàn sau khi rời khỏi đất nước. Vào năm 2019, ba công nhân người Anh và Mỹ - một vệ sĩ, huấn luyện viên cá nhân và gia sư riêng - đã kiện em gái của tiểu vương, Sheikha al Mayassa bint Hamad bin Khalifa Al Thani và chồng của cô, cáo buộc rằng họ đã bị bắt làm việc nhiều giờ mà không được trả thêm tiền tăng ca. Gia đình phủ nhận các cáo buộc và yêu cầu quyền miễn trừ ngoại giao khi các vụ việc được tống đạt ở New York.

Giám đốc khu vực của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại các quốc gia Ả Rập, Ruba Jaradat cho biết: "Việc báo cáo và giải quyết các trường hợp bạo lực và quấy rối, thiếu an toàn vệ sinh lao động và thiếu chỗ ở tử tế có thể là một thách thức".

ILO cho biết họ đang hợp tác với Qatar để thực hiện các quy tắc mới đảm bảo mức lương tối thiểu, một ngày nghỉ mỗi tuần, có ngày nghỉ ốm và trả tiền làm thêm giờ, mặc dù đây vẫn là "một thách thức".

Althea, trong cung điện hoàng gia của mình, nói rằng cô ấy rất hạnh phúc dù làm việc nhiều giờ liền.

Khi đi ngủ, cô ấy sẽ nhắn tin cho một trong người anh chị em hoặc cha mẹ của mình ở Philippines. Cô thường cảm thấy nhớ nhà - một cung điện đậm chất cổ tích không phải là mái ấm.

Tuy nhiên, nó vẫn là một nguồn thu nhập quan trọng.

"Tôi không bao giờ có thể chu cấp cho gia đình mình nếu không có công việc này," cô nói.

BBC đã yêu cầu hoàng gia Qatar và đại sứ quán Qatar ở London đưa ra bình luận nhưng không nhận được hồi âm.

Đồ họa được thực hiện bởi Marta Klawe Rzeczy


 

1 nhận xét: