Thứ Hai, 12 tháng 12, 2022

Chủ bút, người là ai? : Trùng Dương

Nhân chủ bút Phạm Phú Minh của Diễn Đàn Thế Kỷ thông báo nghỉ hưu ở tuổi đã-quá-tuổi-hưu 85, tôi đi tìm một tấm thiệp để gửi chúc mừng anh.

Giá còn vẽ được—bây giờ thú thật là đến viết, mấy ngón tay vốn quen với bàn máy chữ điện toán đã không còn nghe lời mình nữa, nói chi vẽ!—thì đã vẽ cho anh một tấm thiệp. Tôi lục trên Internet và bắt gặp bức hình bên dưới trong khi nghĩ tới bài viết gần đây của anh Nguyễn Tường Thiết trên Diễn Đàn Thế Kỷ, trong đó anh tuyên bố, rất chân thành, là nếu không có Phạm Phú Minh thì không có Nguyễn Tường Thiết nhà văn.



“Xin cám ơn anh đã có công khai sáng điều tốt đẹp nhất nơi chúng tôi!”
(Ảnh holidappy.com)

“Phải nói một cách thành thật là nếu không có anh Minh và báo Thế kỷ 21 thì chưa chắc tôi đã là nhà văn,” anh Thiết viết. “Bản tính của tôi vốn lười lại thiếu chất đam mê viết lách mà theo tôi là yếu tố thiết yếu cho một nhà văn. Viết với tôi lại là một công việc khá nhọc nhằn đòi hỏi một sự cố gắng nó dị ứng với cái tính lười cố hữu của tôi. Có anh Minh luôn luôn ở bên cạnh khích lệ như một người bạn tin cậy và đồng cảm khiến tôi vững tin ở mình và giúp tôi vượt những khó khăn. Cho nên bắt chước câu nói của người xưa: ‘Không có Nhất Linh thì đã không có Tú Mỡ’, tôi thường nói với bạn bè một cách thật lòng: ‘Không có anh Minh thì đã không có tôi nhà văn.’”

Trường hợp của nhà văn Nguyễn Tường Thiết và chủ bút Diễn Đàn Thế Kỷ là từ một liên hệ đặc biệt, tất nhiên. Như anh Thiết đã kể khá chi tiết trong bài “Một chút tri kỷ muộn màng.” Đặc biệt ở chỗ liên hệ chủ bút-tác giả này khởi đi từ mối duyên với sự nghiệp của thân phụ anh Thiết là nhà văn Nhất Linh, vị đầu đàn của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Bên cạnh đó là nhu cầu, không chỉ riêng của anh Minh mà của nhiều người trong giới văn học hải ngoại, đó là muốn tìm hiểu thêm và xây dựng kho tài liệu về một phong trào văn học song đầy mầu sắc dấn thân xã hội có một không hai của nền văn học tiền chiến–một nền văn học đã bị Cộng sản khai tử ở Miền Bắc sau 1954, được hồi sinh tại Miền Nam tới 1975 thì lại bị khai tử một lần nữa cùng với toàn bộ văn học Miền Nam khi phần đất này bị người Cộng sản cuỡng chiếm nốt.

Nhờ anh Minh khuyến khích, thúc đẩy mà người đọc có dịp đọc những bài viếr đầy chân tình của anh Thiết, với lối viết nhẹ nhàng—cái nhẹ nhàng êm đềm thân thiết của hoài niệm–, với nhiều nhận xét chi tiết và hình ảnh linh động, như đang xem một cuốn phim diễn ra trên màn ảnh. Chưa kể những chi tiết mà chỉ tác giả mới có thể có, vì là người trong cuộc, sinh ra và lớn lên “trong bóng rợp của cha,” như phản ảnh qua một phần tựa của một bài viết gần đây của anh. Bài này còn cho thấy một đặc tính của tác giả ít ai đạt đuợc, đó là tinh thần an nhiên tự tại. Nếu không có sự khích lệ của chủ bút Minh, thì làm sao độc giả biết được những uẩn khúc trong đời một nhà văn lớn của Việt Nam, như qua những bài viết của anh Thiết.

Riêng cá nhân tôi, mỗi lần gửi bài cho anh Minh, tôi cảm thấy an tâm, vì biết những sơ hở, đặc biệt về chính tả hay văn phạm sẽ được chăm sóc—tôi biết vì có đôi lần gửi lại bài với lời nhắn “xin anh chủ bút dùng bản này” tôi nghe anh kêu trời vì anh đã hiệu đính bản trước rồi. Tôi chắc không thể có được những khuyến khích đặc biệt như của anh dành cho anh Thiết. Anh Minh ít khi nào có nhận xét về nội dung cũng như bố cục của các bài của tôi.

Dù vậy, có đôi lần anh gợi ý cho tôi khai thác một đề tài nào đó mà tôi không nghĩ tới. Như có lần anh nhờ cô Ngọc Dung, một người thường giúp truy tìm tài liệu cho anh, tìm một hình ảnh để đi kèm với một bài viết liên quan đến trường thi “Chinh Phụ Ngâm.” Dung tìm thấy trên Internet một bức tranh nhỏ minh hoạ một cảnh trong “Chinh Phụ Ngâm.” Phóng lớn trên màn ảnh, anh thấy tên người vẽ ở góc, nên hỏi tôi. Tôi nhận, nói vẽ lâu lắm rồi nên quên rồi. Tôi cũng kể sơ trong bối cảnh nào tôi đã thực hiện tới ba bộ tranh minh hoạ, bằng ba loại chất liệu khác nhau, thiên trường thi cả 400 câu này. Đó là thời gian 10 năm đầu tị nạn tôi ở nhà chăm lo chuyện gia đình con cái còn nhỏ trong khi lòng dạ ngổn ngang cảnh người Việt tị nạn và tin về phong trào kháng chiến của cố Đề đốc Hoàng Cơ Minh. Nhân sắp tới Ngày của Mẹ, anh chủ bút đề nghị tôi viết một bài. Có lẽ vì đề tài liên quan đến một hoài niệm lâu nay chôn sâu trong ký ức, tôi cảm hứng viết xong bài “Thiếp trong khung cửa…” trong vòng có một ngày, gửi kèm với hình một bức tranh bằng bút chì duy nhất của mấy chục bức vẽ còn giữ được. Quả thật, nếu không có chủ bút khuyến khích, chắc đã không có bài viết đầy cảm xúc đó. Chắc nhiều vị làm việc với chủ bút Diễn Đàn Thế Kỷ cũng đã có lúc có kinh nghiệm tương tự.

Tôi vẫn nghĩ người cầm bút Việt nói chung thường khá đơn độc. Viết đã là một hành trình tự nó đơn độc rồi. May thì có một số bạn thân đọc và góp ý xây dựng với mình trước khi cho xuất bản. Bài đã in trên giấy thì có sao chịu vậy, chỉ hy vọng nếu tái bản thì hiệu đính. Bài đăng trên Mạng còn có thể sửa, dù cũng không dễ vì lỡ mà bài mình viết… hay quá thì sẽ được nhiều người “vô tư” mượn và phát tán khắp nơi, may thì họ ghi nguồn của bài, thường là trang Web mà chính người viết gửi bài tới, không tự ý sửa đổi, kể cả… tên tác giả, như vài bạn văn của tôi đã có kinh nghiệm. [Tôi ghét nhất là khi nhận một bài sao và dán–copy/paste–vào điện thư mà không ghi nguồn. Thường nếu đó là bài đáng đọc cho biết, tôi sẽ dùng vài từ chính/keywords, rồi kiếm trên Mạng để đọc nguyên tác.]

Nhân vật mà người cầm bút Việt rất thiếu song hiếm khi gặp, đó là một chủ bút, chuyên nghiệp là nhất, không thì cũng là người yêu chữ nghĩa, chuộng văn chương, có tinh thần trách nhiệm và căn bản trong việc hiệu đính, ngoài một khả năng nuôi dưỡng (nurture) thường có nơi một giáo chức có lương tâm. Chủ bút Minh là một trong những nhân vật hiếm có đó. Tất nhiên cơ sở truyền thông hay xuất bản nào cũng có một chủ bút, hay một ban biên tập gồm nhiều người chọn và sửa bài, song thường chỉ là những lỗi chính tả, chấm câu, rất đôi khi cả văn phạm.

Ngay cả trong phạm vi nhỏ hẹp là sửa lỗi chính tả hay văn phong (style), tiếng Việt vẫn chưa cho một hướng dẫn có tính cách tạm thống nhất. Tôi không biết gì nhiều về báo chí và xuất bản trong nước, nên không bàn. Chỉ nói về báo chí xuất bản tại hải ngoại. Hiển nhiên là… mạnh ai múa võ vườn nấy, trong đơn độc. Chúng ta viết bằng thói quen, có khi chẳng có thói quen gì cả, văn phong lúc thế này, lúc thế khác trong cùng một bài viết. Có vị còn không nắm vững cả cách chấm câu. Một tỉ dụ rất nhỏ: khi nào thì dùng dấu chấm và khi nào thì dùng dấu phẩy giữa một con số, chẳng hạn, số 10000–viết 10,000 hay 10.000? Cho độc giả tiếng Việt nào, ở Mỹ hay Âu châu hay Việt Nam? Ngay cả việc ghi ngày tháng—9/3/2022 hay 3-9-2022, chẳng hạn, số nào là ngày, số nào là tháng? Khi nào dùng chữ nghiêng (italic) cho tựa sách hay tựa bài; khi nào dùng ngoặc kép hay ngoặc đơn? Ta cần sự thống nhất (consistency) trong văn phong vì điều đó phản ảnh một suy nghĩ chín chắn, mạch lạc nơi tác giả, rằng quý vị ấy nắm vững đề tài mình đang khai thác. Đấy là chưa kể khi nào thì dùng dấu hỏi hay dấu ngã. Văn phong còn tạo cảm giác bài viết có bố cục chặt chẽ. Bảo là người đọc không để ý tới những sự bất đồng nhất này? Tại người viết không để ý và luyện cho độc giả quen đi đấy thôi, theo tôi.

Theo một định nghĩa của một trang Web giúp tìm hiểu về các ngành nghề khác nhau và làm thế nào để tự trang bị cho việc theo đuổi ngành nghề mình thích, thì chủ bút “có trách nhiệm kiểm điểm sự chính xác của dữ kiện, văn phạm, và chấm câu, và bảo đảm là bài viết theo đúng với cuốn chỉ dẫn văn phong [của cơ sở xuất bản hay truyền thông] và tạo cảm giác đã được đánh bóng và điều chỉnh đâu ra đấy khi hoàn tất. Cũng có lúc người chủ bút cần cắt bớt những phần không phù hợp với đề tài, và hướng dẫn người đọc tới chỗ cần tập trung.” (Editors are responsible for checking facts, spelling, grammar, and punctuation, and for ensuring that an article corresponds with in-house style guides and feels polished and refined when done. There are also times when editors need to cut out content that doesn’t fit in with the story, and guide the attention towards the areas that the reading audience should focus on.)

Tại Mỹ, vài tờ báo lớn có tầm vóc quốc gia có bản hướng dẫn văn phong riêng của họ, như The New York Times, Wall Street Journal. Các báo khác, kể cả nhiều báo chí quốc tế, nhiều cơ quan chính phủ có nhu cầu ra thông cáo báo chí (press release), và các nhà văn thường dùng cuốn văn phong của hãng thông tấn Associate Press, The AP Stylebook (hiện đã ra ấn bản thứ 56). Giới đại học hàn lâm lại có cuốn văn phong riêng của họ, tôi mạn phép không bàn ở đây. Tôi nhớ khi theo học báo chí tại trường đại học tiểu bang California ở Sacramento, một trong những lớp bắt buộc là Editing/biên tập. Sinh viên theo lớp này phải mua một cuốn AP Stylebook, mệnh danh là Thánh Kinh của báo chí, và phải giữ thường xuyên bên mình, như một thứ bùa hộ mệnh. Tôi nghe biết nhật báo Người Việt ở Westmisnter, Calif. có soạn một cuốn hướng dẫn văn phong, nhưng chưa có dịp xem.

Cuốn AP Stylebook, dầy trên 600 trang, không chỉ hướng dẫn về chính tả, chấm câu, viết tắt, viết hoa, vân vân…, mà còn bao gồm nhiều lãnh vực khác, như cách sử dụng thống kê, mạng xã hội, tường trình về các vấn đề y tế và khoa học, tôn giáo, thể thao, sự an toàn trên Internet cho ký giả, tóm luợc luật truyền thông, và nhiều nữa. Tóm lại là những gì người phóng viên nói riêng và người viết nói chung, cần biết để hành nghề an toàn, nói lên khá năng chuyên nghiệp. Dù vậy, các phóng viên này thường còn được bảo vệ bởi một giàn biên tập viên (copy editors) và, tất nhiên, viên chủ bút (news editor hay copy chief).

Giàn biên tập này, trong báo giới, thường được mệnh danh là tiền đồn cuối cùng (the last frontline). Có dịp làm việc trong một cái “tiền đồn” đó tại một toà báo bậc trung ở một tỉnh nhỏ, tôi thường ngưỡng mộ sự chăm chút cho một sản phẩm mà độc giả sẽ cầm trên tay mỗi sáng. Tờ báo tôi cộng tác có số phát hành khoảng 70,000 số, ngoài giàn phóng viên và nhiếp ảnh khoảng 20 người làm việc ban ngày, toà báo còn có một giàn biên tập khoảng gần chục người làm việc từ 2 giờ trưa tới qua 12 giờ đêm, ráp các trang báo gồm tin tức sau khi đã chỉnh sửa, hình ảnh và quảng cáo lại, rồi chuyển qua phòng in ấn. Một chị chủ biên tập có lần nói dù đã nhiều năm trong nghề mà mỗi lần cầm số báo vừa ra khỏi máy in còn thơm mùi mực trên tay, chị vẫn cảm thấy như một phép mầu khi thấy từ những tờ giấy trắng hồi trưa giờ đầy bài vở hình ảnh bố cục chặt chẽ, đẹp mắt.

Chắc bạn đọc thắc mắc mình viết văn tiếng Việt sao dùng bản hướng dẫn văn phong bên tiếng Anh? Theo tôi vẫn có những điều mình áp dụng được, trong khi chờ đợi có một bản hướng dẫn riêng cho người viết văn tiếng Việt. Một bạn văn tiếng Việt, khi tôi giới thiệu cho anh bản hướng dẫn đã tóm tắt của cuốn AP Stylebook, đã tỏ ý mừng từ nay có một bản hướng dẫn tương đối về văn phong.

Những người viết văn tài tử–theo định nghĩa là không sinh sống bằng ngòi bút–như phần lớn chúng ta ở hải ngoại bây giờ, thực ra không cần nguyên một cuốn AP Stylebook đó, nếu muốn sử dụng để hướng dẫn mình bớt loạng quạng, bất nhất trong văn phong. Trang Web writer.com có bản hướng dẫn chi tiết và đủ dùng cho nhà văn, tại https://writer.com/blog/a-comprehensive-guide-to-the-ap-style-of-writing/. Hoặc tải bản hướng dẫn này của một cơ quan chính phủ–tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi thấy cơ quan này bận tâm tới văn phong cho các thông cáo báo chí của mình, có lẽ biết là khi mình viết đúng văn phong báo chí thì dễ được tín cậy hơn?–: https://www.codot.gov/business/grants/safetygrants/assets/APStyleGuideCheatSheet.pdf

Cũng tại Mỹ, vai trò chủ bút lại càng không thể thiếu trong ngành xuất bản sách. Đọc tiểu sử về chủ bút Max Perkins (1884-1947), một trong các chủ bút được coi là huyền thoại của Hoa Kỳ, tôi biết được chính ông đã giúp nuôi dưỡng các văn hào như F. Scott Fitzgerald, Ernest Hemmingway, Thomas Wolf và nhiều nhà văn khác. Gần đây hơn một chút, vào năm 1960, một nữ văn sĩ trở nên nổi tiếng không chỉ tại Mỹ mà cả thế giới, với một tác phẩm duy nhất, “To Kill a Mockingbird,” vỏn vẹn chưa tới 300 trang sách bỏ túi. Tác giả Harper Lee là một trong hai nhà văn nữ của văn học Mỹ nổi danh với chỉ một cuốn tiểu thuyết. Sách của Harper Lee và cuốn tiểu thuyết “Gone With The Wind” (1936) của Margaret Mitchell cùng được giải Pulitzer danh giá, sách của họ cùng được quay thành phim, và cùng được nhiều giải Oscar, nay là hai tác phẩm thuộc hàng kinh điển. Riêng cuốn “Mockingbird” vẫn hàng năm đem về cỡ một triệu Mỹ kim tác quyền, do việc học sinh trung học tại nhiều trường trung học vẫn cần đọc cuốn đó như một phần của học trình.

Trong khi bà Mitchell bị tử nạn ở tuổi ngoài 40, một trong những lý do bà không có cuốn nào khác, đã đành. Riêng Harper Lee sống tới 90 tuổi nhưng suốt nhiều thập niên sau khi “Mockingbird” ra đời, bà vẫn không có một tác phẩm thứ hai. Theo tác giả Charles Shields, trong cuốn tiểu sử về tác giả “Mockingbird,” sở dĩ vậy có lẽ vì bà đã không còn có được cái liên hệ mật thiết với nữ chủ bút Tay Hohoff và giàn nhân viên tận tụy của nhà xuất bản J.B. Lippencott (nay không còn) đã liên tục tận tụy làm việc trong suốt trên hai năm trời với bản thảo lúc ấy còn mang tựa là “Atticus,” tên của nhân vật luật sư trong “Mockingbird.”

“[Bản thảo gồm] những giòng chuyện lửng lơ, thiếu đồng nhất–một bắt đầu, phần giữa của chuyện, và kết cục không ăn nhập gì với phần mở đầu,” bà Hohoff kể với tác giả Shields. Dù thế, bà Hohoff và ban biên tập của nhà xuất bản cũng nhận thấy tập bản thảo có nhiều triển vọng, nên nhận. Kế đó là trên hai năm trời chủ bút và tác giả làm việc mật thiết với nhau. Bà Lee viết lại cuốn tiếu thuyết trước sau cả thẩy ba lần. Trong thời gian làm việc này, có lúc Lee khổ sở chán nản tới độ một bữa trời đang tuyết, bà mở tung cửa sổ và tung hê đống bản thảo trong tuyết, rồi bốc điện thoại gọi bà chủ bút tuyên bố bỏ cuộc. Bà Hohoff bình tĩnh bảo bà mặc đồ ấm vào rồi xuống đường lượm những tờ bản thảo đó lên. Lee đã làm như bà dặn, vừa nhặt các trang giấy sũng tuyết vừa khóc. Lee cuối cùng hoàn tất cuốn tiểu thuyết đầu tay vào mùa hè năm 1959.

Theo Tác giả Shields, “nghệ sĩ không phải ai cũng tài giỏi một mình bay bổng trên mây. Trong trường hợp của Lee, hệ thống hỗ trợ này [chủ bút và ban biên tập của nhà xuất bản] vô cùng cần thiết, nhưng bà sau đó đã không tìm được cái thay thế.”

Cái liên hệ mật thiết chủ bút-tác giả hiển nhiên là đã hiện diện giữa nhà văn Nguyễn Tường Thiết và chủ bút Phạm Phú Minh vậy. Tôi không khỏi mỉm cười nhìn lại tấm thiệp gửi anh Minh nhân dịp anh về hưu.

“Xin cám ơn anh đã có công khai sáng điều tốt đẹp nhất nơi chúng tôi!”

 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...