Thứ Năm, 1 tháng 12, 2022

Tạp ghi và Phiếm luận : VÂN là MÂY - Đỗ Chiêu Đức

Tạp ghi và Phiếm luận :   
                              VÂN là MÂY


                                                       Lò cừ nung nấu sự đời,

                                 Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương

        Hai câu thơ trên trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, lấy ý từ hai câu thơ trong bài Khả Thán Thi 可嘆詩 của Thi Thánh Đỗ Phủ :

                Thiên thượng phù vân như bạch y,   天上浮雲如白衣,
                Tư tu cải biến như thương cẩu .       斯須改變如蒼狗。
Có nghĩa :
               Mây nổi trên trời như áo trắng,
               Phút giây chợt tựa chó xanh lơ.

       Từ hai câu thơ trên cho ta thấy, Phù Vân 浮雲 là mây nổi bay trên trời có thiên hình vạn trạng và biến đổi vô thường, mới thấy như tà áo trắng đó, mà trong phút chốc đã thành như một chú chó màu xanh. Vì ...
     
       Vân 雲 là mây, mà mây là hơi nước, là những hạt nước nhỏ li ti ngưng tụ lại mà thành, nên hình dáng không ổn định, khi tụ khi tán, khi bay nhanh khi lơ lửng, và mang đủ cả các màu sắc tùy theo thời điểm và thời tiết, ta thường nghe câu ca dao miền Bắc :

                      Trên trời có đám mây xanh,
              Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng.
                      Ước gì anh lấy được nàng ...
      
       Mây Vàng là Hoàng Vân 黃雲, mây thường xuất hiện sau cơn mưa lớn, nhất là sau một trận tuyết lớn, khi trời quang mây tạnh, do sự phản chiếu của ánh nắng mặt trời hắt ngược từ mặt đt trở lên, nên mây mang màu vàng cả một vùng rộng lớn như bài thơ Biệt Đổng Đại của Cao Thích  đời Đường  :
           千里黃雲白日曛,  Thiên lý hoàng vân bạch nhật huân,
            北風吹雁雪紛紛。  Bắc phong xuy nhạn tuyết phân phân.
            莫愁前路無知己,  Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ,
            天下誰人不識君。  Thiên hạ hà nhân bất thức quân.
Diễn nôm :                                           
                Ngàn dặm mây vàng nắng úa hanh,
                Tuyết rơi gió cuốn nhạn bay nhanh
                Đừng sầu trước mặt không tri kỷ,
                Thiên hạ ai người chả biết anh !
       VÂN 雲 cũng thuộc dạng chữ Hội Ý Chỉ Sự, theo diễn tiến của chữ viết như sau :

             Giáp Cốt Văn         Đại Triện                 Tiểu Triện                 Lệ Thư
Ta thấy :
        Từ Giáp Cốt Văn cho đến Đại Triện đều là hình tượng của hơi nước bóc lên cuộn thành những cuộn mây, đến Tiểu Triện thì được chồng thêm bộ Vũ 雨 là Mưa lên phía trên thành hình chữ Vân 雲 là Mây như chữ Lệ hiện nay. nên từ ghép đầu tiên của Vân là ...

        Vân Vũ 雲雨 : là Mây Mưa, có mây mới có mưa và mưa xuống là nhờ có mây, nên mây và mưa không thể tách rời ra được. Từ Mây Mưa còn chỉ sự ân ái giữa nam nữ với nhau do tích Vu Sơn Thần Nữ 巫山神女 như sau :

        Theo thần thoại Trung Hoa, con gái của Xích Đế 赤帝 là Dao Cơ 瑶姬, chết trẻ, chôn ở Vu Sơn, hồn phách không tan, biến thành Thần Nữ. Trong bài Cao Đường Phú của Tống Ngọc nước Sở thời Chiến quốc có ghi lại: Sở Vương đi chơi ở Cao Đường, mơ thấy Thần Nữ đến cùng ân ái, khi chia tay còn nói là "Đản vi triêu vân, mộ vi hành vũ 旦为朝雲,暮为行雨"( Thiếp kéo mây ở buổi sáng, làm mưa ở buổi chiều ). Theo quan niệm cổ xưa thì nữ thần và vua giao hợp có thể làm cho phong điều vũ thuận, ngũ cốc phong đăng. Có nghĩa : Mưa thuận gió hòa, lúa thóc được mùa. Nhưng dân gian lại không chịu hiểu theo nghĩa đó, hễ nhắc đến Sở Vương và Thần Nữ thì sẽ nghĩ ngay đến " Mây mưa ân ái giữa trai gái " mà thôi ! Vì thế, sau nầy hễ nhắc đến Thần Nữ Vu Sơn, Cao Đường Thần Nữ là người ta nghĩ ngay đến một giai nhân tuyệt sắc gợi tình, và nói đến Kéo mây làm mưa, hay nói gọn thành Mây Mưa, là người ta lại nghĩ ngay đến việc ái ân trai gái. Như cô Kiều đã ngăn Kim Trọng lại trong đêm gặp gỡ khi "Sóng tình dường đã xiêu xiêu",  mà kể lể rằng :
                   Ngẫm duyên kỳ ngộ xưa nay,
                Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương.
                   
Mây Mưa đánh đổ đá vàng,
              Quá chìu nên đã chán chường yến anh...
                              Sở Vương và Vu Sơn Thần Nữ  巫山神女

       Hay như trong Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều đã diễn tả nàng cung nữ tài sắc vẹn toàn, vừa đẹp vừa giỏi và cũng vừa ... gợi tình nữa, nàng hấp dẫn đến nỗi :

                       Bóng gương lấp ló dưới mành,
                  Cỏ cây cũng muốn nổi tình Mây Mưa !

       Trong bài Thanh Bình Điệu thứ hai, khi tả về nhan sắc và sức quyến rũ gợi cảm của Dương Quý Phi, Lý Bạch cũng đã nhờ tới Vu Sơn Thần Nữ :

             一枝紅豔露凝香,   Nhất chi hồng diễm lộ ngưng hương,
             雲雨巫山枉斷腸.   Vân Vũ Vu Sơn uổng đoạn trường.
             借問漢宮誰得似,   Tá vấn Hán cung thùy đắc tự,
             可憐飛燕倚新妝.   Khả lân Phi Yến ỷ tân trang.
Diễn Nôm :
                Một cành hoa đẹp ngậm sương thơm,
                Mưa móc Vu Sơn cũng dỗi hờn.
                Dám hỏi Hán cung ai dám sánh,
                Thương nàng Phi Yến mới soi gương.
 
       Dương Thái Chân đẹp đến nỗi Thần Nữ cũng phải hờn dỗi đoạn trường và Triệu Phi Yến mới soi gương để tân trang lại nhan sắc cũng phải chào thua ! Vì thế mà mở đầu cho bài Thanh Bình Điệu thứ nhất, thi tiên Lý Bạch đã phải hạ câu :

             雲想衣裳花想容, Vân tưởng y thường hoa tưởng dung,
             春風拂檻露華濃。 Xuân phong phất hạm lộ hoa nùng.
Có nghĩa :
               Mây ngỡ xiêm y hoa ngỡ dung,
               Gió xuân phe phẩy đẹp vô cùng !             

       Mây buổi sáng thì gọi là Triêu Vân 朝雲, là những mảng mây màu vàng màu bạc rực rỡ ở phía trời đông khi mặt trời vừa mọc, nhưng buổi chiều thì lại gọi là Vãn Hà 晚霞, mà ta quen gọi là Ráng Chiều, là những áng mây màu rực rỡ phía trời tây khi mặt trời sắp chen lặn. Hà 霞 là Mây đủ màu đẹp đẽ, nên Hà Y 霞衣 là áo có thêu hình chim phượng hoàng và mây màu ngũ sắc rất đẹp cho hoàng hậu và các qúy phi mặc. Trong Truyện Kiều, Khi đã "nghênh ngang một cỏi biên thùy" rồi,  thì Từ Hải cho mười vị tướng quân và cung nga thể nữ đi đón Thúy Kiều với :

                  Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,
                 Hoa quan chấp chới HÀ Y rỡ ràng !
Trên thực tế, ta chỉ thấy mây đủ màu sắc khi hoàng hôn xuống ở phía trời tây, nhưng trong hội họa hay điện ảnh thì mây ngũ sắc xuất hiện ở dưới chân hoặc sau lưng của các Thần Thánh Tiên Phật, và những đám mây đó được gọi là Tường Vân 祥雲, là Mây Lành rực rỡ để tôn tạo thêm hình tượng thiêng liêng khả kính của các vị Bồ Tát đó mà thôi. Chớ ban ngày ban mặt làm sao có được mây ngũ sắc để mà thấy ! Ta chỉ thấy mây với ba màu thường xuyên là : Xanh, Trắng và Đen .

       Mây xanh là Thanh Vân 青雲 : Có thể đây chỉ là ảo giác và lầm tưởng của " người trần mắt thịt ", vì Mây Xanh mà ta thường nhìn thấy chính là bầu khí quyển dày trên 100 cây số bao bọc quanh địa cầu. Nên ta cũng thường hay nghe câu : Cao vút tận mây xanh ! Thanh Vân ngày xưa vốn dùng để chỉ chí hướng của những người quân tử đức cao vọng trọng, sau mới dùng để chỉ những người hiển đạt làm quan, và  vì thế mà người xưa ví với việc thi đậu Tiến sĩ, Trạng Nguyên là Nhẹ bước Thanh Vân, là lên tận mây xanh rồi đó. Nên ta lại có các thành ngữ như : Thanh Vân Đắc Chí 青雲得志, hay Bình Bộ Thanh Vân 平步青雲, mà trong tiếng Nôm ta gọi là Nhẹ Bước Thang Mây, hay nói như cụ Nguyễn Công Trứ trong bài Chí Làm Trai là : 

               Đường Mây rộng thênh thang cử bộ, 
               Nợ tang bồng trang trắng vổ tay reo.

       Hay như cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều khi viết tiếp " Vương Kim cùng chiếm bảng xuân một ngày " để diễn tả Kim Trọng và Vương Quan thi đậu cùng khoa là :

                    Cửa trời rộng mở Đường Mây,
              Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần.  
 
       Và cụ thể hơn là tâm trạng rất có hậu của chàng Kim Trọng khi thi đậu là nhớ ngay đến nàng Kiều :

                    Kim từ nhẹ bước Thanh Vân
               Nỗi nàng càng nghĩ xa gần càng thương
  
       Thanh Vân không chỉ chỉ thi đậu, mà còn chỉ chung cho tất cả bá quan văn võ khi đạt đến đĩnh hiễn vinh, như khi cô Kiều khuyên Từ Hải quy hàng, vì : " Nghĩ mình mặt nước cánh bèo,Đã nhiều lưu lạc lại nhiều gian truân ", nếu quy thuận triều đình vẫn hơn suốt đời làm một loạn tướng :  
                   Bằng nay chịu tiếng vương thần,
             Thênh thang đường cái Thanh Vân hẹp gì !
 
   
      Sau mây xanh là mây trắng, là Bạch Vân 白雲. Đây mới là mây thật sự mà bất cứ lúc nào ngước nhìn lên bầu trời ta cũng thấy được. Nhắc đến mây trắng, ta cũng nhớ ngay đến câu : " Bạch vân thiên tải không du du 白雲千載空悠悠 " trong bài Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu, mà cụ Tản Đà đã thoát dịch rất hay là :

               Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay ...
                     
      Hay như trong bài Ức Đông Sơn 憶東山 của Thi tiên Lý Bạch :

               不向東山久,    Bất hướng Đông sơn cửu,
               薔薇幾度花?    Tường vi kỷ độ hoa ?
               白雲還自散,    Bạch vân hoàn tự tán,
               明月落誰家?    Minh nguyệt lạc thùy gia ?
Diễn Nôm :
                Đông Sơn lâu quá không qua,
                Tường vi mấy độ hoa đà phôi phai ?
                Ngẩn ngơ mây trắng còn bay,
                Trăng vàng rụng xuống nhà ai đêm này ?!

     ... và như mây trắng quyện lấy núi xanh trong bài " Ỷ Hồ 欹湖 " của Thi Phật Vương Duy :

               吹簫凌極浦,    Xuy tiêu lăng cực phố,
               日暮送夫君。    Nhựt mộ tống phu quân..
               湖上一回首,    Hồ thượng nhất hồi thủ,
               山青卷白雲。    Sơn thanh quyển bạch vân.

                Diễn Nôm :   
                     Thổi tiêu ra tận bờ,
                     Tiễn chàng chiều ngẩn ngơ.
                     Bên hồ quay nhìn lại,
                     Núi xanh mây trắng mờ !

Lục Bát :
                Thổi tiêu vẳng tận bến bờ,
                Trời chiều lòng thiếp ngẩn ngơ tiễn chồng.
                Quay đầu lòng những bâng khuâng,
                Núi xanh quyện lấy bạch vân ngỡ ngàng !

      " Ôi, cảnh biệt ly sao mà buồn vậy !" Thổi tiêu ra tận bờ hồ để tiễn chàng đi, nhưng khi người đà khuất bóng vẫn còn lưu luyến nhìn theo để chỉ còn thấy "Núi xanh quyện lấy bạch vân ngỡ ngàng" mà thôi !                                                                           
        Nhìn mây trắng bay còn làm cho kẻ ở miền xa nhớ nhung về quê cũ, vì tự ngàn xưa đã có biết bao nhiêu là thơ văn tả cảnh nhìn mây trắng bay mà nhớ thương về cố quốc. Như tâm trạng của Thúy Kiều khi hầu hạ Hoạn Thư :

                 Bốn phương Mây Trắng một màu,
                 Trông vời cố quốc biết đâu là nhà.

        Nhìn mây trắng bay mà nhớ nhà, có xuất xứ từ điển tích ghi trong Toàn Ðường Thư : Ðịch Nhân Kiệt 狄仁傑 (630-700) đời Ðường khi bị biếm làm quan tham quận ở Tinh Châu, nhưng cha mẹ ông cư ngụ ở Hà-Dương. Một hôm, lên núi Thái Hàng ngắm nhìn mây trắng bay nơi chân trời, ông nói với thuộc hạ rằng : "nhà cha mẹ ta ở dưới đám mây trắng kia kìa !". Từ đó văn học cổ lấy hình tượng mây trắng để nói lên nỗi nhớ thương cha  mẹ, và nơi chôn nhau cắt rốn đã sản sinh ra mình.
      Nhìn mây nhớ nhà còn là tích của Hàn Dũ (768-824), sau khi " Nhất phong triêu tấu cửu trùng thiên, Tịch biếm Triêu Dương lộ bát thiên 一封朝奏九重天, 夕貶潮陽路八千 " ( Một phong tấu sớ buổi sáng  dâng lên vua, thì buổi chiều đã bị đày đi Triều Dương xa tám ngàn dặm  đường ). Khi đi đến Lam Quan thì trời đổ tuyết lớn, nên ông lại viết thêm hai câu thơ bất hủ là :

              雲橫秦嶺家何在,  Vân hoành Tần Lĩnh gia hà tại ?
              雪擁藍關馬不前。  Tuyết ủng Lam Quan mã bất tiền.
Có nghĩa :
                 Mây ngang Tần Lĩnh nhà đâu tá  ? 
                 Tuyết phủ Lam Quan ngựa khó đi !

        Mây vắt ngang Tần Lĩnh, gọi tắt là Mây Tần, như lòng của cô Kiều nhớ nhà sau mười mấy năm lưu lạc :

                   Đoái thương muôn dặm tử phần,
                 Hồn quê theo ngọn Mây Tần xa xa !

       Hay như Nguyễn Bính, một thi nhân Tiền Chiến khi đi theo kháng chiến, lưu lạc vào Nam đã nhớ về đất Bắc mà kể lể với "Chị Trúc" là :

                     Em ra bến nước trông về Bắc
                  Chỉ thấy Mây Trôi chẳng thấy làng !

       Hay như Quang Dũng, nôỉ tiếng là nhà thơ tài hoa của xứ Đoài mây trắng. Thơ ông hào sảng mà kiêu hùng, đầy thi vị như hai câu thơ sau đây :

                 ...Tôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắm
                    Em có bao giờ em nhớ thương ?

       Trong ca dao dân gian, hình ảnh mây trắng cũng rất nên thơ gợi cảm với các câu :

                    Trên trời mây trắng như bông,
               Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây.
                       Cô kia má đỏ hây hây,
               Đội bông như thể đội mây về làng !
       Hết mây trắng thì đến mây đen. Mây Đen là Hắc Vân 黑雲 mà còn gọi là Ô Vân 烏雲 nữa. Ta có thành ngữ Ô Vân Mật Bố 烏雲密布 là Mây đen dày đặc, là mây đen mù mịt như bài học thuộc lòng ngày xưa của lớp Đồng ấu :

                     Ác vàng đang lúc tỏ trời,
              Bỗng đâu mây kéo khắp nơi mịt mù.
                     Giông giục giục, gió vù vù,
              Cây run lá đổ lao xao chật đường.
                     Bộ hành gặp cảnh thê lương,
              Tiểu thương buôn bán tìm phương ẩn mình.
                     Trên không sấm nổ liên thinh,
              Bên trời lửa nháng đầu ghềnh sóng xao..
                     Mưa tuôn xối xả ào ào,
              Giọt dài giọt vắn phủ bao mịt trời ...
               Lần đầu tiên xa nhà, lại phải theo cái tên Mã Giám Sinh còn chưa biết rõ lai lịch ra sao, lại ra đi một cách vội vã tất bật với "Đùng đùng gió giục mây vần, một xe trong cỏi hồng trần như bay", cụ Nguyễn Du đã miêu tả tâm trạng Thuý Kiều với :

                      Nàng thì dặm khách xa xăm,
                Bạc phau cầu giá Đen Rầm Ngàn Mây.
                        Vi lô san sát hơi may,
                 Một trời thu để riêng ai một người !

        Một điều thú vị nữa là Ô Vân 烏雲 còn có nghĩa các lọn tóc  được bới cao có hình thù như là những vần mây đen trên trời của các giai nhân cổ điển, như một câu trong bài từ của Hoa Nhạc 華岳 đời Tống :

               金钗不整烏雲侧     Kim thoa bất chỉnh ô vân trắc
Có nghĩa :
               Thoa vàng không chỉnh tóc mây nghiêng. 
 
        Cái búi tóc trên đầu của các người đẹp, còn gọi là Vân Kế 雲髻, Vân Mấn 雲鬢, như trong Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị tả lúc Dương Qúy Phi tiếp sứ giả của Đường Minh Hoàng :

              雲髻半偏新睡覺,  Vân kế bán thiên tân thụy giác,
              花冠不整下堂來.    Hoa quan bất chỉnh hạ đường lai.
Có nghĩa :
              Tóc mây nghiêng lệch vừa tan mộng,
              Hoa miện nghiêng chao bước xuống giường.

       Tóc mây dã dượi cũng là một nét hấp dẫn của người đẹp !

                          Ô Vân, Vân Mấn hay Vân Kế, là Búi Tóc của các giai nhân xưa 
 
         Khi mới tấn cung, mới được nhà vua yêu dấu, thì Dương Quý Phi đã đủng đỉnh nũng nịu làm dáng với :
                   雲鬢花顏金步搖   Vân Mấn hoa nhan kim bộ diêu
Có nghĩa :
         Tóc mai buông xõa như mây khi mới tắm xong với nét mặt  đẹp như hoa và cành trâm vàng "kim bộ diêu" lắc lư trên mái tóc. 

        Các bà các cô ngày xưa làm đẹp với làn tóc Mây, thề thốt với làn tóc Mây, như cô Kiều đã cắt tóc ăn thề với Kim Trọng : " Tóc Mây một món dao vàng chia đôi, Vầng trăng vằng vặc giữa trời, Đinh ninh hai mặt một lời song song ... ". Vợ chồng lấy nhau thì gọi là Kết tóc xe tơ, như Hoạn Thư với Thúc Sinh đã " Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày, Ở ăn thì nết cũng hay, Nói điều ràng buộc thì tay cũng già ..." Đến khi chán đời thì cắt tóc đi tu, như Thuý Kiều ở Quan Âm Các : " Tam quy ngũ giới cho nàng xuất gia, Áo xanh đổi lấy cà sa, Pháp danh lại đổi tên ra Trạc Tuyền... ". Khi về với Thúc Sinh và khi khuyên Thúc về thăm Hoạn Thư, thì Kiều cũng nhớ đến Kim Trọng với : " Tóc thề đã chấm ngang vai, nào lời non nước nào lời sắc son ...". Đến khi được sư Giác Duyên cứu về thảo lư thì lại sống với cuộc sống của Thiền môn : " Bốn bề bát ngát mênh mông, Triều dâng hôm sớm mây lồng trước sau "....

        Các giai nhân hồng nhan tạ thế còn được ví như Mây tan, hoa tàn, trăng khuyết ... như giai thoại văn chương lý thú sau đây :

        Mạc Đĩnh Chi (1284 – 1361) tự là Tiết Phu, người làng Lan Khê huyện Bàng Hà lộ Lạng Giang. Ông tướng mạo xấu xí, nhưng trí tuệ cực kỳ thông minh mẫn tiệp.
       Năm Hưng Long thứ 12 (1304) đời Trần Anh tông, ông đỗ trạng nguyên, làm Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung Nội thư gia, sau thăng đến Tả Bộc Xạ dưới thời Trần Hiến Tông (1329-1341). Ông học rộng thông minh, tính liêm khiết, thẳng thắn, làm quan nhưng vẫn nghèo. Năm 1308 phụng mệnh Trần Anh tông đi sứ Nguyên, nhiều lần bị thử tài nhưng đều ứng đối trôi chảy, tỏ ra rất nhanh trí, tài năng và phẩm chất thông minh của ông khiến Nguyên triều trên dưới đều phải nể phục, nên được phong là Lưỡng Quốc Trạng Nguyên.
      Truyện kể rằng công chúa nhà Nguyên mất, sứ thần An Nam vào tế lễ, vua Nguyên đưa cho chánh sứ ta bài điếu văn viết sẵn, bảo đọc lên cho mọi người cùng nghe. Mạc Đĩnh Chi mở ra thì chỉ thấy viết có một chữ  Nhất 一, biết rằng đó là cách vua Nguyên thử tài, ông bèn lấy chữ "Nhất" đó làm đề văn, ung dung ứng khẩu đọc luôn:

               青天一朵雲,     Thanh thiên nhất đóa vân
               烘爐一點雪,     Hồng lô nhất điểm tuyết
               上苑一枝花,     Thượng uyển nhất chi hoa
               瑤池一片月,     Dao trì nhất phiến nguyệt
               噫! 雲散 雪消 花殘 月缺.
               Y! Vân tán, tuyết tiêu, hoa tàn, nguyệt khuyết !
Có nghĩa :
              Trời xanh một đóa mây,
              Lò hồng một điểm tuyết,
              Thượng uyển một cành hoa,
              Dao trì trăng một mảnh,
          Ôi ! Mây rả, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !

       Qủa là một bài điếu văn thương tiếc cho một giai nhân cành vàng lá ngọc một cách ngắn gọn mà vô cùng thương cảm với lẽ vô thường : Mây rả, tuyết tan, hoa tàn, trăng khuyết !

                                                                                         杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem : Tạp ghi và Phiếm luận : ĐỊA là ĐẤT - Đỗ Chiêu Đức
         

1 nhận xét:

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...