Thứ Ba, 6 tháng 12, 2022

Truyện ngắn : ÔNG ĐỘI TÀN THUỐC - Ngô Viết Trọng (Việt Báo )

-Đội Tàn Thuốc tới đó! Đội Tàn Thuốc tới đó! Vè vẻ vè ve, Nghe vè Đội Thuốc...

Hễ nghe một đứa báo động, bọn trẻ con lại túa ra vừa cười vừa chạy vừa chỉ trỏ vừa bắt đầu hát lên bài "Vè vẻ vè ve...". Đằng kia, một người đàn ông rách rưới, hốc hác, chân nam đá chân chiêu nghênh ngang đi lại. Miệng gã cứ lầm bầm chửi rủa:

-Tao có say thật, nhưng tao chỉ say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha chứ tao có say cái mả cha chúng nó đâu mà chúng nó xía vào?

Gã cứ chửi liên miên, chửi khàn cả tiếng. Lũ trẻ con thì cứ reo hò trêu chọc. Vài lúc gã cố đuổi đánh một đứa nào đó nhưng gã không thể nào bắt kịp chúng. Thế là gã lại chửi, lại lảo đảo bước đi trong khi lũ trẻ cứ bám theo gã mà reo hò.

Người lớn qua đường ai cũng nhìn gã bằng cặp mắt ái ngại. Họ chán ngấy gã rồi, họ cố tránh gặp mặt gã. Họ ngại gã chửi bới bậy bạ, họ cũng không muốn để gã hổ ngươi - nhiều người vẫn cho rằng gã chỉ khùng từng lúc. Nhưng lũ trẻ con vô tư vô tình lại không chịu buông tha gã...

"Vè vẻ vè ve,

Nghe vè Đội Thuốc..."

Tại sao gã có cái tên Đội Tàn Thuốc?

Cái tên Đội Tàn Thuốc ra đời ở làng Thanh Trung đã đánh dấu một giai đoạn đầy sóng gió trong đời gã. Có thể nói, nó giống như một cuộc cách mạng trong một đất nước nào đó. Nó đã đến một cách đột ngột và nổ như một quả bom, làm đảo lộn hoàn toàn cuộc đời gã. Ngay bước đầu xuất hiện, cái tên Đội Tàn Thuốc đã gắn chặt với thân xác gã như một thứ tinh tà ác nghiệt. Gã hết sức sợ hãi, hận thù nó nhưng không thể nào tách gỡ nó ra được. Bây giờ thì cả xóm giềng làng xã người ta chỉ biết tên gã là Đội Tàn Thuốc. Nó đã hoàn toàn chế ngự gã, đã phủ trùm lên người gã, thay thế hẳn cái tên khai sinh do cha mẹ gã đặt ra.

Tên thật gã là gì nhỉ? Nhiều người lớp trước gã thường phải đập tay lên trán mấy cái mới nhớ ra được. À, thằng Cối!

Gia đình Cối đã trải nhiều đời sống bằng nghề làm ruộng với số công điền quân cấp cho mỗi đầu người từng ba năm một lần của làng Thanh Trung. Ngoài ra họ chỉ làm thuê làm mướn thêm chứ không có nghề gì khác. Khi Cối hơn hai mươi tuổi thì nước Pháp lâm vào cuộc thế chiến thứ hai. Cối được tuyển vào quân đội Pháp lên tàu viễn chinh đánh nhau với giặc Đức. Thật ra người Việt đi lính viễn chinh cho Pháp vốn nhỏ con nên hầu hết chỉ được giao phó công tác sản xuất hoặc giữ việc phụ bếp. Cùng đi chuyến viễn chinh với Cối, có một người bạn cùng làng, tên là Dũng.

Rồi cuộc thế chiến chấm dứt với sự chiến thắng của Pháp và các nước đồng minh. Những người phục vụ trong quân đội Pháp đã được hồi hương với một vầng hào quang sáng chói (ít nhất cũng có do những người trong cuộc tự nghĩ). Riêng Cối lại càng cảm thấy vinh sang hơn nữa, vì trong làng đi hai mà áo gấm về làng chỉ một. Cối lại được đeo lon Đội nhất, một quân hàm khá hiếm thời bấy giờ.

Người ta rất ngạc nhiên về sự thăng tiến trong binh nghiệp quá nhanh chóng của Cối. Cối vốn không học hành bao nhiêu, tánh lười biếng, chậm chạp lại nhỏ con, chẳng hiểu gã đã lập được thành tích gì phi thường? Nhiều người ở quân ngũ đã lâu, đánh giặc có sỏi trải bao nhiêu năm, leo lên cái cấp Cai (hạ sĩ) cũng trầy ruột rồi, thế mà Cối chỉ vào lính vỏn vẹn hai ba năm lại đóng lon Đội (trung sĩ) nhất!

Theo Cối kể lại với dân làng, nhiều lần ra trận gã thường gan dạ đi đầu và sẵn sàng lăn xả vào giặc Đức khiến người Pháp khiếp phục vô cùng.

Một lần trận Pháp bị vỡ, Cối đã bị một tên Đức to gấp ba gã bắt sống. Tên Đức đã kẹp gã vào nách mà đi. Gã đang tuyệt vọng thì chợt thấy con dao găm tên Đức đeo lủng lẳng ở túi quần một bên bắp vế, gã nhanh trí lén rút con dao ấy ra, cố sức lụi một phát vào hông tên Đức làm nó thét lên một tiếng và ngã xuống. Giựt được cây súng của tên này, Cối lập tức hạ sát được ngay hai tên Đức khác đang dẫn giải một một số lính Pháp bị bắt, trong đó có viên một đại úy. Thế là cả bọn tù chạy thoát hết.

Lần khác, lúc ấy Cối ở trong một đồn nọ trên phòng tuyến đối diện phòng tuyến bên Đức. Trong đồn có một cây sồi rất cao, trên đó có một tổ chim. Vốn thích nuôi chim từ thuở nhỏ, Cối muốn leo lên bắt lắm nhưng cấp chỉ huy không cho, sợ nguy hiểm. Vào một buổi chạng vạng ít người để ý, Cối lén leo lên ngọn cây. Vô tình, Cối thấy bên trận Đức đang rầm rộ chuyển quân hướng về phía phòng tuyến Pháp. Cối lật đật leo xuống báo với cấp trên. Thế là phía Pháp chuẩn bị sẵn giương bẫy đợi chờ. Tất nhiên đêm ấy quân Đức bị thua lớn...

Đó là lý do Cối đã được thăng cấp nhanh chóng.

Cối cũng cho biết, Dũng – người bạn cùng làng - vì chậm chạp nên đã phải hi sinh trên chiến trường. Cối đã tự tay vuốt mắt cho Dũng, nhưng sau đó quân Pháp bị quân Đức đẩy lùi nên rồi không còn biết thân xác Dũng nằm ở đâu nữa.

Lúc Dũng ra đi, ở làng Dũng còn có gia đình ông chú ruột, ông Ân. Nhưng năm sau thì ông Ân đưa gia đình vào Đà Nẵng làm ăn. Khi được tin Cối hồi hương, ông Ân lập tức trở về làng thăm hỏi. Nghe Cối cho biết tình trạng Dũng, ông Ân rất thất vọng. Ông nói khi trở vào Đà Nẵng sẽ liên lạc với chính phủ Pháp để biết rõ thêm tin tức.

Mỗi lần nghe Cối nói chuyện về chiến trận, xóm giềng từ già đến trẻ đều chắc lưỡi thán phục. Cối còn kể về những pha khi chiến thắng trở về anh đã được các cô gái Pháp ôm hôn, choàng vòng hoa, được chiêu đãi những bữa tiệc vô cùng sang trọng. Cối cũng được nhiều cô gái Pháp yêu thương đề nghị đi đến hôn nhân. Chỉ cần Cối gật đầu một cái, anh có thể được sống xa hoa thoải mái trên đất Pháp suốt đời. Nhưng vì tình yêu quê hương, anh nhất định trở về với bà con xóm giềng.

Những thanh niên nghe Cối kể chuyện, nhiều người tiếc rẻ cái cơ hội bằng vàng như thế. Nếu bây giờ có một cơ hội tuyển lính viễn chinh khác, họ sẵn sàng tình nguyện đi ngay.

Cũng có một vài kẻ tỏ vẻ nghi ngờ Cối, nói lén: "Trước kia ở nhà đây, anh ta nhát như thỏ, lười như mèo, làm sao khi sang Pháp lại can đảm giỏi giang như thế được kìa?" Nhưng rồi cái kết quả hiển nhiên Cối đường đường chính chính mang lon Đội nhất ai dám bác bỏ được?

Niềm vinh quang mà Cối mang theo từ chiến trường châu Âu về đã giúp Cối dễ dàng cưới được một cô vợ đẹp con nhà giàu có, cô Sáu. Cô Sáu người hiền lành, nết na, rất phục tùng người chồng mà trước đây từng làm thuê làm mướn cho cha cô theo đúng đường hướng đạo nho.

Thường tình, những người trong đời có sự lên xuống bất thường thì mọi nếp sinh hoạt của người ấy vẫn hay thay đổi một cách quá đà. Cối đã mang về được niềm vinh quang cho gia đình, Cối cũng mang vào người được một cái thú đam mê mới: uống rượu. Cối cho biết rượu là tượng trưng cho tính hào hùng, hào hoa... Đàn ông không biết uống rượu là Nguyễn thị, là kẻ nhát. Dĩ nhiên, cô Sáu tuy hơi vẩn vơ suy nghĩ về câu nói ấy, nhưng bên ngoài cũng tỏ ra hãnh diện vì việc uống rượu của chồng.

Sau thời gian nghỉ phép, Cối không đăng lính tiếp mà xin được giải ngũ. Cối nói gã thật sự muốn trở lại với ruộng đồng. Nhưng Cối không làm ruộng được nữa. Mặc dầu Cối chưa đến ba mươi tuổi, nhưng uy tín Cối quá lớn ở làng xã, truyền đến cả huyện nữa. Người làng đã bầu Cối làm lý trưởng làng Thanh Trung, thay thế ông lý Quách đã già xin nghỉ.

Từ đó, Cối nghênh ngang làm chủ tể một làng. Trước đây, người ta nể trọng Cối vì gã có một quá khứ lẫm liệt, hào hùng. Giờ đây người ta càng nể sợ vì Cối đã thành người lãnh đạo chỉ huy, có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mình.

Với hào quang quá khứ, với địa vị lý trưởng Thanh Trung hiện tại, Cối bắt đầu bước vào cuộc sống phong lưu tài tử theo ý mình. Đã từng nếm bao nhiêu thứ rượu quí từ phương Tây, Cối rất sành rượu. Theo Cối, cuộc sống phong lưu tài tử phải đi liền với bầu rượu bên mình. Mọi việc rắc rối trong làng, lý Cối đều có thể giải quyết dễ dãi trên cuộc rượu.

Trước đây hội đồng hương lý Thanh Trung đã thảo luận vấn đề cái cồn mồ ở chân một ngọn đồi của làng càng ngày càng lấn về khu dân cư, có thể gây ảnh hưởng không tốt cho các mạch nước chảy ra các giếng trong làng. Hội đồng đã quyết định cấm dân làng không được chôn thêm mồ mả ở vùng ấy nữa. Từ khi có lệnh ấy, trong làng tuyệt nhiên không có ai vi phạm.

Nhưng vừa rồi, bà vợ của ông Cửu Giao bị yếu, không còn hi vọng gì, ông muốn chọn sẵn một chỗ đất cho vợ. Vì sẵn có nhiều mồ thân nhân gom gần khu đã cấm, ông nghĩ rằng nếu chọn được một chỗ nơi đó thì tiện việc chạp giỗ săn sóc hơn. Cửu Giao đánh tiếng hỏi ý ông phó lý Hai. Ông phó lý Hai bèn nói lại với lý Cối. Lý Cối xua tay một cách cương quyết:

-Không được là nhất định không được! Hội đồng hương lý đã quyết định rồi ai cũng phải phải triệt để tôn trọng. Không ai có quyền cho phép một người nào chôn thân nhân ở khu vực đã cấm ấy nữa.

Cửu Giao nghe thế vẫn không tỏ ra nản lòng. Ông sai người nhà chuẩn bị một bữa tiệc rượu, mời vài viên chức cùng cánh trong làng đến dự với lý do mừng nhờ ơn trên vợ ông đã được phục hồi sức khỏe. Dĩ nhiên ông Cửu không quên mời thêm lý Cối. Nửa chừng cuộc tiệc, Cửu Giao ân cần bưng ly tới mời rượu lý Cối rồi nói:

-Nhờ ơn trên, vợ tôi đã đỡ nhiều, hi vọng thoát khỏi bàn tay tử thần. Bình sinh bà ấy vẫn muốn được chôn gần mồ mấy đứa con, ngặt một nỗi nơi muốn chôn đó lại phạm vào khu vực cấm. Chôn thêm một cái chắc chẳng quan trọng gì ông lý nhỉ?

Lý Cối trong lúc tửu hứng, huênh hoang nói:

-Dễ thôi, cho chôn hay không là quyền mình cả chứ ai! Ông cứ việc tìm một huyệt gần đó đi, ai nói gì cứ bảo tôi cho phép.

Nói xong, lý Cối gật gật cái đầu như thỏa mãn về quyền hạn của mình. Cửu Giao chợp ngay cơ hội nói với mấy người khác:

-Ông lý đã nói thì như đinh đóng cột, đại trượng phu nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy mà!

Lý Cối hí hửng lập lại:

-Tôi đã nói ra thì có trời mà cản được! Ông Cửu cứ thế mà làm, đừng ngại chi cả.

Trong làng có một cái hồ sen, người ta vẫn nuôi cá tự nhiên trong đó, mỗi năm lại cho tát vét một lần, bán lấy quỹ dùng cho việc làng. Dân làng tuyệt đối không ai được phép câu cá ở hồ này. Thế nhưng một bợm nhậu tên viên Đới, một hôm trong một cuộc nhậu đề nghị với lý Cối:

-Hồ sen làng mình thấy cá nhiều quá, ông lý cho phép tôi làm một lưới tổ chức một bữa "sanh cầm" cho đã nhé!

Lý Cối cười ha hả:

-Ừ, phải đấy, chú nói có lý, bao giờ thì làm được?

Phó lý Hai cũng có mặt đấy, xua tay bảo:

-Không được đâu. Lệ làng xưa nay không bao giờ cho ai bắt cá trước khi tát vét như thế. Có muốn “sanh cầm” thì cũng chờ ngày làng tát vét hồ. Mình đã cấm không cho ai câu bây giờ làm thế là phá lệ mất, còn cấm ai được?

Lý Cối gay gắt nói:

-Lệ cũng do mình đặt ra chứ đâu! Mình đặt ra được thì mình thay đổi được! Không nghe ngày xưa Lý Bạch bán cả ngựa quí để nhậu hay sao mà mình tiếc vài con cá của làng? Cứ làm đi! Ai cản trở cứ bảo lệnh tôi đó.

Thấy phó lý Hai im miệng, lý Cối nói thêm:

-Một cái thằng vào sinh ra tử tận bên trời Âu để mang lại vinh quang cho làng mình, bây giờ lại ăn cơm nhà vác la ngà cho quan há lại không hưởng được chút đặc ân hay sao?

Phó lý Hai bực tức bước ra sân lầm bầm một mình:

-Khi nào cũng nói hi sinh ăn cơm nhà vác la ngà cho quan! Mấy ai xé mắm mà không mút tay? Cứ âm thầm mà hi sinh tự khắc thiên hạ biết đến cần gì phải rêu rao? Rõ ràng là có hậu ý mua tiếng tốt cho mình! Miệng thì hi sinh mà chiếu rượu nào cũng nhảy lên trước ba quân thiên hạ, nói không sợ người ta cười!

Dĩ nhiên, vụ lưới cá trên hồ làng để nhậu không phải chỉ một lần đó mà cứ tiếp tục mỗi khi họ muốn. Một số phụ lão trong làng rất bất mãn vì việc này.

*

Từ vụ phá rào của Cửu Giao, vụ lưới cá trên hồ làng để nhậu, người trong làng bắt đầu đua nhau dùng rượu khi cần sự giúp đỡ của lý Cối. Có rượu thì việc lớn việc nhỏ đều xuôi hết. Người dân nào muốn đấu tranh một chuyện gì mà yếu rượu tất nhiên biết chắc mình phải thua. Gần như chỗ nào có chiếu rượu đều có mặt lý Cối. Những chức sắc trong làng càng ngày càng thấy khó chịu vì chuyện đó. Nhưng lý Cối không cần để ý đến những sự xầm xì của bất cứ ai. Càng ngày lý Cối càng hãnh diện vì sự chịu rượu của mình, lý Cối ngang nhiên tự gọi mình là tửu tiên như Lý Bạch.

Kẻ có quyền thì dễ sinh tật, khi có vài giọt rượu vào lý Cối càng hay sàm sỡ với phụ nữ. Một lần giữa hội làng, Cối cớt nhã với mấy bà bưng dọn rồi cao hứng, véo vào đùi một bà góa làm bà này nổi giận la lên. Ông cựu lý Quách thấy mất mặt, nói:

-Thôi, ông lý về nhà mà nghỉ đi, chắc ông uống hơi nhiều rồi đó!

Lý Cối hếch mặt lên nói:

-Phải, tôi say chứ, không phải là tôi không say đâu nhé... Nhưng mà...

Nói đến đây, lý Cối ngưng lại một chốc rồi dằn mạnh tiếng:

-Nhưng mà... tôi say đây là say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha... chứ đâu phải say... như hạng ông lý cựu!

Người cháu của ông lý Quách nóng mũi nói vào:

-Tới nay nghe ông lý Cối nói tôi mới biết thơ Lý Bạch, đàn Bá Nha nằm ở chỗ ấy... Phải, ông lý có say cũng chỉ say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha thôi chứ say gì! Cũng nhân tiện đây có đông đủ nhiều người, xin ông lý đọc cho chúng tôi nghe một vài bài thơ của Lý Bạch để chúng tôi được thưởng thức thì hay biết mấy!

Mấy người khác hưởng ứng:

-Phải rồi, đọc thơ Lý Bạch đi ông lý!

Lý Cối lúng túng nhìn mọi người rồi nổi cáu:

-Uống rượu cũng tùy nơi, đọc thơ cũng tùy chốn, đâu phải chỗ nào cũng đọc được! Không nghe người ta nói đàn gảy tai trâu nào lợi ích gì à! Bộ các người xứng đáng để nghe thơ của nhà tiên tửu ấy sao?

Lý Quách nổi giận bồi thêm:

-Giữa tiệc tùng đọc thơ đọc phú là đúng lúc chứ còn dịp nào nữa? Tôi nói thế có phải không bà con?

-Đúng! Đúng! - Nhiều người cười ồ lên - lý Cối đuối lý hậm hực lấy cớ đi tiểu tiện rồi chuồn luôn.

*

Giữa đồng ruộng làng Thanh Trung có một cái cồn cao, rộng ước hơn hai mẫu. Cồn này cao quá không biến thành ruộng được, vào mùa mưa người ta dùng để gieo mạ hoặc trồng lang. Đặc biệt là chất đất nơi này rất hạp khi trồng dưa hấu, dưa gang. Người trong làng vẫn quen gọi cồn này là cồn Dưa. Trồng dưa ở đây có khi đạt kết quả lạ thường. Nếu nước tưới đầy đủ, bao giờ trái cũng gấp đôi, có khi gấp ba so với những vùng đất tốt khác cùng diện tích. Chỉ khó hai việc: Thứ nhất, nước tưới phải gánh lên một cái dốc khá cao nên phải có sức trẻ, khỏe mới làm nổi. Thứ hai, đêm đêm phải canh chừng trộm cắp. Vì cái lợi tức khác thường ấy, mỗi năm làng lại cho dân đấu giá cồn Dưa một lần. Ai thắng cuộc đấu giá sẽ được tùy tiện chia chác cho ai hoặc kêu người phụ giúp mà trồng.       

Năm ấy, có ba cặp vợ chồng trẻ hùn nhau thắng cuộc đấu giá: cặp Trai Hảo, cặp Thông Hiền và cặp Bính Chất. Thế là ba gia đình định làm một mâm cỗ nhỏ trước tạ ơn trên sau mời anh em nhậu nhẹt. Bất ngờ đến ngày làm cỗ anh Bính cho biết có người chú gọi vợ chồng anh vào Nam làm ăn, anh muốn giao phần mình cho hai gia đình còn lại tùy ý sắp xếp. Lúc đó, lý Cối cũng có mặt, gã nhanh nhẩu nói:

-Nếu gia đình anh Bính đi, để gia đình tôi thế vào chỗ đó cũng được!

Cả bốn người, Trai, Hảo, Thông và Hiền đều chưng hửng. Khi nghe anh Bính cho biết sẽ ra đi, không hẹn nhưng cả bốn người đã có ý định bao luôn công việc này. Anh Thông quay sang cười với lý Cối:

-Ông lý nói đùa chứ ông lý bận việc làng làm gì được?

Lý Cối nói giọng chắc nịch:

-Đừng lo, tôi sẽ thu xếp thì giờ để làm với anh em.

Bây giờ làm sao cản được ý muốn của ông lý đương tại chức đây? Mất lòng quá! Thế là bốn người kia đành bấm bụng chấp nhận sự tình nguyện của Lý Cối.

Những ngày đầu tiên dọn đất xuống hạt vợ chồng lý Cối coi bộ cũng sốt sắng, siêng năng làm hai vợ chồng kia đều khấp khởi mừng. Nhưng sau đó không bao lâu thì cô Sáu vợ lý Cối coi vẻ đã thấm mệt, còn lý Cối thì... hay bận việc lên tổng xuống huyện bất ngờ. Điều đó làm cho hai cặp Trai Hảo, Thông Hiền lấy làm khó nghĩ. Việc lỡ rồi, nói ra cũng ngặt, không nói ra thì ấm ức khổ lòng. Thế là hai cặp này tự an ủi nhau mà làm, mà cố gắng.

Vợ lý Cối hằng ngày vẫn đến nhưng vì lý do gánh nước không quen đau vai, chỉ vẩn vơ nhổ cỏ bắt sâu cho có lệ. Thật ra cô Sáu hiền và biết điều. Cô thấy mình làm không bằng người ta thì cô dùng lời ngon lẽ ngọt nói cho họ dịu lòng. Cô còn biết đem cái này cái nọ mời họ lót bụng, giải khát... Chính điểm này đã làm cho hai cặp vợ chồng kia càng cố gắng nhẫn nhịn.

Riêng lý Cối thì vẫn tỉnh bơ dựa dẫm. Một ngày nắng gắt, lý Cối vắng mặt, mấy người kia tưới quá mệt, họ chừa một ít đất dặn lý Cối phải tưới trong đêm. Thế nhưng đêm ấy lý Cối lại uống say mèm, bỏ lơ. Cô Sáu bực quá, nói với chồng:

-Ba gia đình hùn trồng dưa với nhau, em yếu đuối không gánh gồng nổi như người ta được, em áy náy lắm. Nếu không kêu ai làm phụ thêm được thì anh cũng nên cố gắng hơn một chút cho người ta vui lòng chứ! Sao anh cứ lơ là làm lấy rồi như vậy mà không thấy chướng ư?

Lý Cối cười nói:

-Kệ chúng! Bộ chúng dám đuổi mình ra hay làm gì mình à?

Thấy lý Cối đã lười lại còn hay cao ngạo hếch hếch cái mặt làm kẻ lớn, Hảo nóng mặt quá không chịu được, một hôm chị nói thẳng:

-Anh chị làm sao chứ cứ tình trạng này tụi tôi gẫy lưng mất!

Lý Cối bào chữa:

-Mấy người thông cảm đi, dù sao tôi cũng từng là một thầy Đội nhất, giờ lại là một lý trưởng đang tại vị, nếu giữa nắng nôi cong lưng mà gánh nước như mọi người thì giống ai? Thôi cứ để chiều tối vắng người tôi gánh cũng được! Dù sao cái tiếng có mặt tôi đây sẽ làm cho bọn xấu né sợ không dám dòm ngó trộm cắp cũng tốt lắm chứ bộ!

Câu nói của lý Cối làm cho mấy người lắc đầu nhìn nhau. Chiều tối lý Cối cũng có gánh nước tưới thật. Nhưng Cối chỉ làm mặt, nghĩa là tưới phớt qua cho chỗ nào cũng có dấu nước là được. Những người bạn cùng làm chung tất nhiên biết tỏng cái mánh đó, nhưng biết cũng chỉ để ấm ức thêm thôi. Họ đành bảo nhau "Lỡ một lần thôi, từ rày về sau không bao giờ làm ăn chung với vợ chồng thằng cha ấy nữa. Giờ thì phải ráng hết mùa dưa này chứ so đo tất xôi hỏng bỏng không mất. Hãy làm ngơ chịu nhịn thằng điếm vậy!" Tuy đã bảo nhau gắng nhịn, nhưng khi gánh nước tưới dưa mệt người, trong đầu những người chịu thiệt thòi lại nóng lên hừng hực. Nhiều khi có người bất giác vung văng khiến cặp thùng tưới va chạm lung tung đến nỗi bị móp, bị bể. Thậm chí, có người bực quá đã bứt rễ vài dây dưa phơi lên cho hả dạ. Chuyện này đã khiến có lúc người khác ngờ rằng có kẻ nào bên ngoài đã nhúng tay phá hoại.

Nhưng rồi kết quả cũng khả quan. Dưa càng tốt trái lý Cối càng huênh hoang với xóm làng, ý chừng như Cối đã khéo điều hành công việc mới tạo được kết quả này. Trong khi đó, dân làng bắt đầu đàm tiếu về sự hùn hạp vụ trồng dưa năm ấy...

Những trái dưa hấu thu hoạch đầu tiên thật hết sẩy. Lý Cối chưa bao giờ thấy được những trái dưa lớn và đẹp như thế.

*

Ngày kia, lý Cối lựa sáu trái dưa đẹp nhất đem về biếu quan huyện... Chỉ chừng ấy mà thằng mõ gánh niễng cả lưng. Lý Cối mặt mày hớn hở hếch hếch với mọi người, hãnh diện vì cái kết quả do công sức mình tạo nên.

Cũng ngày ấy, trong khi lý Cối về huyện, có hai người đàn ông ăn mặc sang trọng về thăm làng. Mọi người đều chưng hửng: chẳng ai xa lạ hết, chính là hai chú cháu ông Ân và Dũng.

Người làng hết sức ngạc nhiên về sự xuất hiện của Dũng. Ngược lại chính Dũng cũng hết sức ngạc nhiên khi nghe người ta nói về mình. Theo lý Cối cho biết thì Dũng đã chết rồi, chính Cối là người vuốt mắt cho Dũng, thế sao bây giờ Dũng lại còn đây? Người ta gọi nhau, báo tin cho nhau, họ xúm lại hỏi chuyện chú cháu Dũng rất đông, có cả nhiều viên chức làng xã nữa. Lúc ấy lý Cối đang ở huyện lỵ, có lẽ gã đang hí hửng gặp quan huyện với mấy trái dưa lớn đầu mùa.

Chuyện sau đây là do Dũng kể lại:

Số là ngày Cối và Dũng mới đến đất Pháp, cả hai liền được bổ sung cho một đơn vị hậu cần. Nhưng chưa làm việc được mấy ngày thì đơn vị ấy bị quân Đức tấn công dữ dội, phải đầu hàng. Thế là Dũng và Cối đều trở thành tù binh. Hai người bị nhốt trong một trại tập trung lớn được vây bọc bởi một vòng rào thép gai kiên cố. Trại này nhốt đủ các cấp binh sĩ và cả dân sự nữa. Chỉ huy trưởng đơn vị của hai người là Đại tá Bon cũng bị nhốt trong đó. Vị Đại tá này bình thường hút thuốc lá liên miên. Bấy giờ ở tù thiếu thuốc, ông khổ sở lắm. Bên cạnh trại giam có một vườn cây bóng mát có đặt nhiều ghế dài bằng đá cho binh sĩ Đức nghỉ. Hằng ngày lính Đức vẫn hay kéo nhau ra đó chơi. Họ hút thuốc nhiều và quăng tàn ngổn ngang trong khi đám tù binh nhìn vói sang thèm thuồng đến tội nghiệp.

Thế rồi viên Đại tá quan sát cái vòng rào, thấy một lỗ rào người nhỏ con có thể chui qua được. Ông nghĩ ngay đến những người lính Đông Dương. Ông gợi ý và hứa hẹn nhiều với họ. Rốt cuộc, binh nhì Cối chịu xăm mình làm thử. Anh nằm xuống để chui qua hàng rào - kết quả thành công mỹ mãn. Một túi tàn thuốc anh mang về đã làm cho viên Đại tá cảm động ôm Cối mà hôn lia lịa.

Từ đó, ba bốn đêm Cối lại chui hàng rào một lần. Nhờ tàn thuốc, Cối có thể có bất cứ cái gì những người tù khác có được mà anh thấy thích, thấy cần. Từ hai giai cấp cách biệt, từ hai dân tộc cai trị và bị trị khác nhau, Đại tá Bon và binh nhì Cối bỗng trở thành "tri kỷ".

Sau khi Đức đầu hàng, Đại tá Bon đã dẫn Cối về nhà mình ở lại mấy ngày. Trong thời gian này, ông cho phép Cối chơi bời thoải mái, hưởng lạc từ gái đến rượu và bất cứ cái gì Cối muốn. Chính trong dịp này, Cối đã thưởng thức được nhiều thứ rượu tốt của Tây phương (theo lời Cối kể lại với đồng đội).

Khi Cối trở về đơn vị, đại tá Bon đã đặc cách thăng cấp cho Cối từ binh nhì lên Đội nhất (năm cấp), một việc rất hiếm thấy trong quân đội. Những người lính Việt trong đơn vị nhân đó gọi đùa Cối là Đội Tàn Thuốc. Đội nhất Cối được đơn vị trưởng thương yêu, gã có thể đăng ký ở lại đất Pháp và hi vọng sẽ còn thăng tiến nhiều. Nhưng cái tên Đội Tàn Thuốc mà đồng đội gán cho đã làm Cối nản lòng. Vì thế, gã đã xin hồi hương trong đợt hồi hương đầu tiên. Dũng cũng xin hồi hương cùng đợt đó.

Hai chiếc tàu thủy lớn đã được lệnh chở một số lính Đông Dương hồi hương. Nhưng nửa đường trên biển không may một chiếc đã đụng phải đá ngầm mà vỡ. Dũng lại là người ở trên chiếc tàu bị vỡ đó. Theo tin tức cho biết thì hầu hết thuyền nhân ở chiếc tàu trên đều mất tích. Hình như chỉ có năm ba người được một chiếc tàu buôn cứu vớt. Tin chắc Dũng đã làm mồi cho cá biển, cho nên Cối đã mạnh miệng khoe dối khi về làng.

Không ngờ Dũng là một trong số người hiếm hoi được cứu vớt ấy. Sức khỏe anh bị ảnh hưởng trầm trọng, phải đưa trở lại Pháp để điều trị một thời gian. Sau đó, anh được giải ngũ. Anh đã xin một việc làm tạm thời tại Pháp trước khi hồi hương...

*

Chuyến trở về thăm làng của Dũng như một nhát búa đập bể cái lồng kiếng huyền thoại người hùng của lý Cối. Ngay trong chiều hôm ấy, lý Cối như đã nhận lãnh một cú đấm vào mặt đến tá hỏa tam tinh...

Lâu nay bao nhiêu người nể trọng lý Cối vì quá khứ huy hoàng hơn là vì chức quyền hiện tại của anh ta. Thực tế từ khi lên làm lý trưởng, Cối chưa hề làm được một cái gì đáng kể cho dân. Người ta chỉ thấy ở anh ta một con người ba phải, vô trách nhiệm và ham rượu. Chỗ nào có rượu thì có mặt Cối, Cối không từ chối chiếu rượu nào bao giờ. Vì tính bất nhất, ba phải, Cối đã làm mếch lòng nhiều người nhưng không ai dám tỏ thái độ. Người ta vẫn còn phải nể nang cái quá khứ oanh liệt của Cối. Bây giờ cái huyền thoại oanh oanh liệt liệt ấy vỡ tan cả rồi! Thế là những người vốn không ưa Cối tụ họp lại, đua nhau nói chuyện tếu về Cối. Bao nhiêu hành động lố bịch lâu nay của Cối được họ diễn lại để làm trò cười...

Giữa lúc ấy, bất ngờ lý Cối trên huyện về lại đi ngang qua đó. Mặt anh ta hơi đỏ vì chất rượu, vẫn vẻ hí hửng, vẫn hếch hếch cái mặt như mọi ngày. Có thể anh ta vừa được huyện giao phó một việc gì đó và mới ghé một chỗ nào lai rai vài ly. Nhìn thấy đám đông đang nói cười ngồ ngộ, Cối ra vẻ quan trọng, hách dịch hỏi:

-Làm gì mà tùng tam tụ ngũ đông thế?

-Đi họp ở huyện về có chi lạ không thầy Đội Tàn Thuốc?

Tiếng của ai đó cất lên và tiếp theo là tiếng cười vang rân của mọi người. Lý Cối dội người lại như sét nổ trên đầu. Anh ta tái mặt trố mắt nhìn đám đông. Lát sau Cối mới định tĩnh lại được. Cối hỏi:

-Ai mới nói cái gì đó?

Một thanh niên nghịch ngợm cười to:

-Người ta muốn hỏi ông lý có biết ông Đội Tàn Thuốc là ai không?

Mọi người càng cười lớn lên làm lý Cối sượng trân người. Lý Cối hét lên:

-Mả cha thằng nào đặt điều nói xấu tao gì đó? Khốn nạn! Rồi bây coi chừng tao!

Rồi lý Cối hậm hực đi một mạch về nhà trước tiếng cười vang dội của đám đông.

Một thanh niên khác lại nói:

-Có tật giật mình thấy rõ, thế thì quả là ông Dũng nói thiệt rồi. Nếu ông Dũng đặt điều thì khi nghe tên Đội Tàn Thuốc ông lý phải ngạc nhiên ngơ ngác mới phải chứ! Sao lại phải giận dữ đến thế ấy?

Một người khác lý thêm:

-Oan chi nữa? Ngay từ khi nghe ông ta tự kể thành tích chiến đấu tôi đã nghi rồi. Nếu quả ông ấy can đảm xông xáo ngoài chiến trường thì tại sao ở làng lại thấy lúc nào cũng bon chen, dựa dẫm đến ai cũng phát sợ thế kia!

Lại có tiếng người khác cất lên:

-Cần gì phải suy cho xa, nội cái việc lý Cối bảo tự mình vuốt mắt cho ông Dũng mà giờ đây ông Dũng còn sống nhăn cũng đã lòi chuyện láo ra hết rồi!

Lý Quách, người tiền nhiệm của lý Cối cũng có mặt ở đó. Ông vốn hơi gàn nên cũng có nhiều người không ưa. Khi lý Cối mới giải ngũ với thành tích huy hoàng do anh ta tuyên bố ra, được nhiều người hâm mộ, họ đã chỉ trích, xoi bói lý Quách và đề nghị đưa đội Cối lên thay. Lý Quách thấy đội Cối hào quang sáng chói quá, biết mình có lì rồi cũng bị truất, đành tự nguyện rút lui nhưng vẫn ấm ức lắm. Giờ đây biết tẩy lý Cối chỉ là một anh hùng giả hiệu, ông quá sung sướng hùng hổ tuyên bố:

-Chúng ta không thể để một tên anh hùng giả hiệu làm lý trưởng. Đó là một vết nhục cho làng! Tôi đề nghị dân làng phải có ý kiến. Chúng ta phải vạch mặt tên lừa gạt ấy và bầu một người khác xứng đáng hơn làm lý trưởng!

Đám đông ó lên:

-Đúng! Đúng! Phải cho Đội Tàn Thuốc nghỉ việc lập tức!

-Phải, phải để cho lý Cối trở về say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha...

Đám đông cứ ồn ào diễu cợt mãi cho đến lúc trời tối hẳn mới hoàn toàn giải tán.

*

Lý Cối về nhà với vẻ mặt cau có, vội vả chui vào giường nằm vật xuống, chửi đổng:

-Mả cha chúng nó! Mả cha chúng nó!

Chị Sáu đang lui cui trong bếp, thấy thái độ của chồng ngạc nhiên hỏi:

-Mình đem dưa biếu quan huyện chưa? Có chuyện gì xảy ra thế?

-Câm cái mồm! Đàn bà biết cái gì mà nói!

Tiếng nạt nộ vô lý thất thường của lý Cối làm chị Sáu cụt hứng. Chị đang sửa soạn cho chồng cả ký lòng heo ngon lành, định bảo chồng mời vài người bạn tới nhậu mừng ruộng dưa trúng mùa. Giờ thì có nhậu chắc cũng chẳng vui vẻ chi! Chị Sáu thở dài, đậy đằn mọi thứ lại rồi ra ngồi cú rũ trước hiên.

*

Lý Cối đã tránh không tham gia những ngày thu hoạch dưa. Gã cứ để mặc những người kia muốn tính sao thì tính. Lần này những người làm chung không thắc mắc, oán trách gì vợ chồng gã nữa. Họ chỉ gọi chị Sáu đến rồi chia cho một phần ba số dưa hái được. Chị Sáu cho biết vợ chồng chị sẽ không tham gia tưới dưa tiếp để thu hoạch lứa sau nữa. Chị xin lỗi về những thiếu sót của vợ chồng chị trong thời gian hùn hạp. Thật ra lúc này, hai cặp Trai Hảo, Thông Hiền đều đã cảm thấy thương hại vợ chồng lý Cối. Họ biết mấy ngày liên tiếp sau khi Dũng về thăm làng, lũ trẻ không ngừng quấy rối lý Cối. Ở đâu gã cũng gặp những toán con nít vừa chạy vừa hát:

Vè vẻ vè ve,

Nghe vè Đội Thuốc,

Được đi mẫu quốc,

Liều mạng phụng thầy,

Không ngại thép gai,

Ròng ròng máu chảy,

Cấp trên đẹp ý,

Phong Đội vinh qui,

Hỏi công trạng gì?

-Ấy lượm tàn thuốc!

Về làng nói dốc,

Nay bị phơi bày,

Nhục thay! Nhục thay!

Chun đâu mà tránh?

Dĩ nhiên là có người ngầm phát động cái trò kia mục đích hạ nhục lý Cối, đánh ngã lý Cối. Thật ra không phải ai cũng đã rõ chuyện Đội Tàn Thuốc. Ngay cả lũ trẻ đang hát kia cũng lắm đứa a dua bắt chước nhau thôi chứ chẳng hiểu ý nghĩa gì, ám chỉ ai. Nhưng người trong cuộc thì phải hiểu nó, đau đớn vì nó. Trong những ngày ấy lý Cối phải nằm lì ở nhà, đành lỡ hẹn với nhiều chiếu rượu.

Kẻ thù của lý Cối đã nhắm trúng nhược điểm nên lý Cối đã bị đốn ngã dễ dàng. Chỉ một tháng sau biến cố này, lý Cối bàn giao chức lý trưởng cho người khác.

Nhưng giã từ những chiếu rượu đông người xong, Cối vẫn tiếp tục theo đuổi những cuộc say riêng của mình. Lúc đầu Cối sai vợ con mua rượu về nhà cho mình uống. Uống say Cối lại đánh đập chửi bới vợ con. Chị Sáu nghĩ rằng chồng đang ở thời kỳ tinh thần bị kích động mạnh nên vẫn cố gắng chìu chuộng. Không ngờ theo đà đó, Cối chẳng chịu đụng tới công việc làm ăn nào khác nữa. Không có rượu, Cối cứ ngáp lên ngáp xuống, bần thần, ngồi cú rũ chờ, mà có rượu vào lại hăng miệng mắng vợ chửi con. Tình trạng đó cứ kéo dài.

Chị Sáu vốn con nhà giàu có, mẹ chị mất sớm, ông Bát cha chị rất thương chị. Lâu nay ông vẫn hay tư trợ cho gia đình chị. Chị cũng có giữ riêng một số vốn do gia đình tặng chị giấu không cho chồng biết. Từ khi Cối sinh tật say sưa hư đốn, ông Bát để lộ thái độ khinh bỉ gã và không giúp đỡ nữa. Cối lấy thế làm hờn, không cho vợ về nhà thăm gia đình, kể cả khi trong nhà có việc.

Vào dịp giỗ ông nội chị, chị phải lén chồng về thắp hương cho phải đạo. Không ngờ Cối lại biết được. Thế là khi chị vừa trở lại nhà, Cối liền kéo chị ra đánh cho một trận tơi bời làm chị phải khóc la vang xóm. Những người ở gần nghe tiếng chạy tới can ngăn đều bị Cối chửi bừa không nể nang. Chị Sáu phải chịu đau đớn nằm quệ cả tháng mới bớt được.

Thấy Cối lẩn quẩn trong nhà cứ gây lục đục không chịu nổi, một hôm chị Sáu đưa cho gã một nắm tiền và nói:

-Ông cầm lấy mua rượu đi đâu mà uống cho mẹ con tôi nhờ một tí!

Cối sáng mắt lên, cầm tiền ra đi thật. Có lẽ vì gã thấy ở hoài trong nhà cũng tù túng. Trên đường, gã vừa đi vừa núc rượu, vừa chửi bới lung tung cho hả giận. Thế là lũ trẻ và những người ghét gã cứ trêu chọc làm gã hăng tiết thêm cứ chửi mãi. Ngày đó gã đi tới tối mịt mới về.

Chị Sáu bị bức xúc tinh thần, muốn yên thân vài ngày, tiếp tục chi tiền cho gã. Sẵn rượu, Cối lại lang thang đường này qua nẻo khác, lấy hơi rượu chửi bới trả thù. Chịu đựng nhất là những người láng giềng, những người này có lần can thiệp khi Cối đánh vợ nên bị Cối ghét nhất. Hễ gặp mặt họ là Cối chửi liền.

Sau cùng, không còn chịu đựng được nữa, mấy người hàng xóm thấy cần phải dạy Cối một bài học. Một hôm họ đã hè nhau đánh Cối một trận nhừ tử. Nhưng cái miệng quen chửi quá dẻo của Cối vẫn không chịu nhịn. Phẫn nộ quá, họ đã phải vạch miệng Cối ra cho mấy đứa trẻ đái vào. Cối phải một phen sặc sụa nuốt hết bao nhiêu nước tiểu mới chịu đầu hàng. Từ đó Cối không dám chửi thẳng những người hàng xóm nữa.

Nhưng không chửi được hàng xóm thì Cối càng đổ những uất ức ấy lên đầu vợ con mình. Bất cứ lúc nào người ta cũng có thể nghe Cối mắng vợ chửi con.   

Tiếp đó chị Sáu còn phải chịu đựng thêm một kỷ niệm nhớ đời nữa. Đó cũng lại là một ngày giỗ - ngày giỗ mẹ chị. Hôm ấy, kinh nghiệm trận đòn lần trước, chị phải đợi lúc chồng ngủ mê mệt, mới lén làm một ít bánh trái rồi cất giấu cẩn thận. Chuẩn bị bánh trái xong, chị Sáu kiên nhẫn ngồi đợi chồng mà không dám đánh thức. Mỗi lần gã trở mình là chị mừng lắm. Nhưng mãi đến trưa gã mới thật sự ngáp dài vươn vai ngồi dậy. Chị sửa soạn một bữa ăn cho chồng hơi khác thường. Khi Cối ăn xong xuôi, chị đưa cho gã một ít tiền. Gã thản nhiên không hỏi han gì cả, hớn hở khoác áo ra đi.

Lát sau, chị Sáu mới dám thay vội áo quần rồi cũng bưng khay bánh bước ra khỏi nhà. Chị đi một cách hồi hộp, dè chừng, lo lắng sợ chồng bắt gặp dọc đường. Nghĩ thân phận mình, chị vô cùng tủi hổ, ấm ức. Ngày về giỗ mẹ mà chị phải giấu chồng và phải đi len lén như một tên ăn cắp.

Khi chị về đến nhà cha thì bà con đến giỗ đã ra về gần hết rồi. Chỉ còn lại mấy người đàn bà đang quây quanh ảng nước rửa chén bát.

-Sao cô Sáu về muộn thế?

Chị Sáu vừa ngượng vừa tủi thân vùng khóc òa. Một người đàn bà có lẽ hiểu hoàn cảnh chị, đỡ lấy khay bánh trên tay chị đem vào đặt lên bàn thờ mẹ chị.

-Thôi, vô mà thắp cho dì một cây hương!

Cha chị tuổi đã ngoài bảy mươi, bước ra thấy con gái mình tiều tụy quá cũng không cầm được nước mắt. Ông gào lên:

-Lỗi tại cha hết! Chỉ tại cha hấp tấp thiếu suy nghĩ một chút để con phải khổ cả đời. Cha cứ ngỡ người đi qua Tây ít nhất cũng hấp thụ được cái gì cao đẹp, ai ngờ cái giống Đội Tàn Thuốc muôn đời vẫn chỉ là Đội Tàn Thuốc!

Đây là lần đầu tiên trong đời chị thấy dòng nước mắt của cha mình!

*

Bây giờ mọi sự đã thành thông lệ. Mỗi lần Đội Tàn Thuốc xuất hiện ở đâu thì xóm làng đều biết hết. Bởi ở đâu gã xuất hiện bọn trẻ lại nhất loạt ca bài "Vè vẻ vè ve..." ở đó. Còn Đội Tàn Thuốc vẫn lang thang lầm bầm chửi bới, chửi liên miên bất tận nhưng nội dung cũng chỉ là một ý quen thuộc:

-Mả cha bây, tao có say cũng chỉ say thơ Lý Bạch say đàn Bá Nha chứ có say cái mả cha bây đâu mà bây xía vào?

Ngô Viết Trọng (Việt Báo )



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

ĐÓN XUÂN : Thơ Hưng Quốc Và Thơ Họa

ĐÓN XUÂN Chuẩn bị mừng Xuân đã sẵn rồi Chỉ còn đợi Tết đến mà thôi Lư đồng sáng bóng chùi hai cặp Bánh tét thơm ngon nấu chục đôi Thịt cá kh...