Chủ Nhật, 18 tháng 12, 2022

TỰ TÌM RA THIÊN PHẬN - Điều 5: Tự mình tìm ra thiên phận của mình (2)-MATSUSHITA Kônosuke


 Điều 5: Tự mình tìm ra thiên phận của mình (2)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Hãy tự tìm ra thiên phận của bạn. Trước hết hãy thiết tha mong muốn và cầu nguyện. Nếu bền tâm tiếp tục cầu nguyện, tự nhiên tự bạn sẽ tìm ra thiên phận của mình trong cuộc sống hàng ngày (3).

Nếu xem thành công của làm người là phát huy hữu hiệu thiên phận trời ban cho mình đến mức cao nhất, thì để thực hiện được việc này điều trước tiên cần phải làm là biết rõ thật đúng thiên phận của bản thân mình. Nếu không như thế thì không thể nào thực hiện được dù bản thân có suy nghĩ như thế.

Tuy nhiên, trên thực tế việc biết được thiên phận, đặc tính của bản thân rất khó khăn không phải dễ dàng. Bởi vì thiên phận trời ban cho được giấu kín dưới hình thức không dễ dàng phát hiện ra được. Điều này trông có vẻ rất mâu thuẫn, nghịch lý nhưng ngược lại có thể nói là điểm thú vị, phải chăng đó là hương vị được cất giấu kỹ của đời người.

Trong trường hợp muốn tìm ra thiên phận, tôi nghĩ trước hết bạn cần phải ghi nhớ rõ điểm nói trên. Sau đây hãy nói cụ thể về phương pháp. Trước hết quan trọng là bạn phải có nguyện vọng mạnh mẽ mong muốn tìm ra thiên phận của bạn. Đa số trường hợp nếu như nguyện vọng của bạn cường mạnh, bạn sẽ tự nhiên tự mình tìm ra thiên phận thông qua sinh hoạt hàng ngày.

Trường hợp bạn tự phát giác ra được, có lẽ bạn sẽ nghe tiếng nói trong con người bạn cho biết bạn là con người thích hợp với lĩnh vực, phương diện mà bạn đang làm. Cũng có trường hợp một sự kiện hoặc một động cơ gì đó chỉ cho bạn thiên phận của bạn mà bạn không ngờ được trước. Cũng có trường hợp những người chung quanh bảo cho bạn thiên phận mà họ nghĩ  bạn thích hợp. Nếu nguyện vọng muốn biết thiên phận của bạn mạnh mẽ thì khi những trường hợp trên xảy ra bạn sẽ có trực giác cảm nhận ra thiên phận của mình.

Ngược lại nếu nguyện vọng của bạn yếu nhược thì lời của người khác không giúp ích được gì, giống như “đàn khảy tai trâu”. Do đó, điều quan trọng hơn hết là nguyện vọng mong muốn biết thiên phận của bạn phải cường mạnh. Một điều quan trọng kế tiếp là bạn lúc nào cũng phải có tâm trung thực tự nhiên, gọi tắt là tâm tự nhiên. Tâm tự nhiên (4) là tâm không cố chấp vào lòng riêng tư, là tâm biết nhìn sự việc như chúng có, có sao thì thấy vậy, không có thiên kiến hoặc thành kiến. Có thể nói một cách khác, tâm tự nhiên là tâm có thể phán đoán đúng sự việc. Nếu bạn thiếu tâm tự nhiên, bạn sẽ đánh giá bản thân bạn cao hơn thật sự, và có thể bạn sẽ giải thích cong quẹo, sai lầm lời khuyên của người khác theo ý của mình. Từ đó có khả năng bạn khăng khăng cố chấp nghĩ rằng công việc, nghề nghiệp thích hợp cho bản thân mình theo một phương hướng hoàn toàn khác biệt và sai lầm. Từ những điều nói trên, tôi nghĩ rằng để phát hiện được thiên phận của bản thân, việc lúc nào cũng kiên trì nguyện vọng cường mạnh mong muốn tìm ra thiên phận và tâm tự nhiên là rất quan trọng.

Ngoài ra, tôi muốn nói thêm một quan điểm hơi khác với nội dung vừa trình bày ở trên. Đó là đối với mục đích phát hiện ra thiên phận, mọi người chúng ta đối với con cái lúc chúng còn bé, chúng ta nên dạy chúng cách nhìn, cách suy nghĩ sự vật theo cách như đã nói trên, đồng thời tạo lập môi trường hoặc bầu không khí để cho con cái dễ nhận ra thiên phận của chúng là điều quan trọng. Hơn nữa, nếu nói rộng ra hơn, tôi nghĩ rằng mọi người chúng ta cần phải tạo lập ra môi trường, bầu không khí sao cho mọi người có nhiệt tâm với việc tìm ra và dễ phát hiện ra thiên phận của mình.

Có thực hiện điều vừa nói ở trên, tôi nghĩ rằng khi mọi người nỗ lực cố gắng tự tìm ra thiên phận của mình, phải chăng con đường mà tất cả mọi người đều thành công và tất cả đều hạnh phúc sẽ mở ra. Từ đó mọi người sẽ sống theo thiên phận của mình, không làm những việc vô lý không hợp  năng khiếu của mình, không làm việc vô bổ vô ích, không còn cạnh tranh lãng phí, và hoàn thành hoàn hảo thiên phận trời ban cho thì toàn thể xã hội sẽ có hoạt động sống động, và phồn vinh nhân loại càng ngày càng cao một cách ổn định.

Nguyễn Sơn Hùng, 31/8/2022

(*) Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Xem thêm cùng tác giả: Những bài viết và dịch của Nguyễn Sơn Hùng

Nhận xét của người dịch

Đúng như tác giả đã trình bày trong bài viết, việc biết rõ và đúng thiên phận của bản thân thường là việc cực kỳ khó khăn. Có lẽ do nguyện vọng muốn biết thiên phận không đủ cường mạnh và bền bỉ nên đến tuổi thất thập, người dịch vẫn chưa hiểu rõ thiên phận của bản thân là gì!

Tuy nhiên được một may mắn là ở thời lớp 9 bậc trung học phổ thông được vài vị cô thầy dạy bảo nhắn nhủ “Các em tương lai là rường cột của quốc gia nên cố gắng học hành và hấp thụ cái hay đẹp của các nước khác để giúp ích cho đất nước, dân tộc”. Do đó, người dịch thường lấy điều này như sứ mệnh cho bản thân. Tiếc rằng đến nay vẫn chưa thực hiện được điều gì!

Một may mắn khác là được làm công việc mà bản thân yêu thích. Nhờ vậy, dù công việc có cực nhọc nhưng vẫn thấy vui. Nhìn lại cuộc đời đã qua người dịch thấy nội dung tác giả viết trong tác phẩm này rất đúng và thực tế, và tiếc rằng đã không có duyên gặp tác phẩm này lúc còn thanh niên. Đây cũng là một trong các động cơ thúc đẩy người dịch dịch tác phẩm này để giới thiệu cho giới trẻ và giới hữu trách trong nước có quan tâm.

   Hồi tưởng lại cuộc đời đã qua, người dịch tự hỏi phải chăng cuộc đời con người là chuỗi thời gian (time series) lập đi lập lại của 3 yếu tố chính: mài giũa để chuẩn bị, cơ hội đến và chọn lựa. “Cơ hội đến” phần lớn là ngẫu nhiên nhưng chịu ảnh hưởng rất nhiều thứ như thời cuộc, hoài cảnh sống… Có “mài giũa” (Bài 2 và 3) chuẩn bị thì các “cơ hội” tốt có thể chọn lựa của chúng ta sẽ nhiều hơn. Cuối cùng là “chọn lựa” sẽ quyết định con đường chúng ta đi.

Chúng ta khó tạo ra “cơ hội” nhưng “mài giũa” con người của chúng ta càng sáng thì số “cơ hội” và “cơ hội” tốt mà chúng ta có thể chọn lựa tăng nhiều lên. Cuộc đời có rất nhiều con đường để đi. Công sức “mài giũa” con người cũng giúp chúng ta chọn con đường tốt và thích hợp với chúng ta. Dĩ nhiên nếu chúng ta “mài giũa” đúng tư chất thiên tư của chúng ta thì hiệu quả sẽ cao hơn rất nhiều. Nhưng nếu không đúng thiên tư của chúng ta thì cũng vẫn hơn là không “mài giũa” gì cả!

   Người dịch có nghe nói hiện nay có một loại kiểm tra (test) giúp chúng ta biết được chúng ta thích hợp với công việc hay nghề nghiệp gì, không biết có đúng không? Ngoài ra cũng không biết mức độ hiệu quả của loại kiểm tra này ra sao? Nếu có vị độc giả nào biết rõ về đề tài này xin được giới thiệu và rất hữu ích cho nhiều người!

Ghi chú

Thiên phận. Trong tiếng Nhật có 2 nghĩa: 1) Tính chất, tài năng được trời ban phú cho; 2) Thân phận (địa vị và giai cấp hoặc cảnh ngộ) hoặc chức phận (bổn phận của chức vụ) được trời ban phú cho. Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh: cái thiên tư của trời phú cho. Trong bài này, tác giả dùng cả nghĩa 1), và nghĩa 2) kèm theo ý nghĩa “sứ mệnh được trời ban phú hoặc giao phó cho”.

Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.

Tâm tự nhiên: nguyên văn là sunao na kokoro, tâm trung thực một cách tự nhiên. Tâm tự nhiên là một khái niệm triết học quan trọng của Matsushita Kônosuke, nghĩa gốc gần giống như “chân tâm”, “tâm bẩm sinh”, “tâm vô nhiễm” nhưng hàm chứa nhiều ý tưởng khác nên ở đây tạm dịch là “tâm tự nhiên” để phân biệt. Tâm tự nhiên tương tự như “phật tánh” của Phật học, “tâm bất sinh” của thiền sư Bankei Eitaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác, 1622~1693), “lương tri” của Vương Dương Minh (1472-1528). Mười đức tính của tâm tự nhiên là không vị kỷ, biết lắng nghe ý kiến người khác, khoan dung, nhìn thấy thật tướng của sự vật, hiểu biết đạo lý của sự việc, hiếu học, thung dung tự tại, điềm tĩnh, biết giá trị sự vật, bác ái (Theo “Để có được tâm tự nhiên”, Matsushita Kônosuke (2004, 2006), Viện nghiên cứu PHP).


 

Mời Xem : THÀNH CÔNG CỦA LÀM NGƯỜI - Điều 4: Sống theo thiên phận (2)  (3)

 

1 nhận xét: