Thứ Hai, 19 tháng 12, 2022

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 93 : SÁU, SẮC, SẮT, SẮN, SÂM - Đỗ Chiêu Đức

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 93 : 


                               SÁU, SẮC, SẮT, SẮN,SÂM.

Đó là hai câu thơ trong đoạn kết có hậu của truyện thơ Lục Vân Tiên của Cđồ Nguyễn Đình Chiểu, tả khi Trạng nguyên Vân Tiên cưới Tiểu thơ Kiều Nguyệt Nga ở cuối truyện. SÁU LỄ chữ Nho là LỤC LỄ 六禮, là 6 cái nghi lễ phải tiến hành khi con trai con gái ngày xưa muốn kết hôn với nhau. Đó chính là : 
       1. Nạp Thái 納采 : Sau khi người mai mối cho biết là nhà gái đã đồng ý, nhà trai sắm sanh lễ vật và chọn ngày Nạp Thái cầu hôn. Như khi đến mua Thúy Kiều, Mã Giám Sinh cũng phải tiến hành thủ tục nầy :
                          Định ngày NẠP THÁI vu quy,
                     Tiền nong đã có việc gì chẳng xong ?!

       2. Vấn Danh 問名 : Nhà trai nhờ người mai mối hỏi tên họ và bát tự ngày sanh tháng đẻ của cô dâu. Đồng thời cũng phải cho nhà gái biết ngày sanh tháng đẻ và tên họ của mình. Mặc dù đến mua Thúy Kiều, Mã Giám Sinh cũng phải khai rõ tên họ gốc gát, nên khi :

                           Gần miền có một mụ nào,
                  Đưa người viễn khách tìm vào VẤN DANH.
                           Hỏi tên rằng : Mã Giám Sinh,
                  Hỏi quê rằng : Huyện Lâm Thanh cũng gần !

       3. Nạp Cát 納吉 : Nhà trai mang tên tuổi, bát tự của cô dâu vào nhà Tổ miếu để tiến hành bói toán kiết hung.
       4. Nạp Trưng 納徵 : Còn gọi là Nạp Tệ, tức nhà trai đưa tiền sính lễ sang cho nhà gái.
       5. Thỉnh Kỳ 請期 : Còn gọi là Tinh Kỳ 星期. Nhà trai chọn ngày lành tháng tốt đưa lễ vật sang nhà gái để xin nhà gái đồng ý ngày rước dâu đã chọn. Như sau khi đã chọn ngày xong thì Thúy Kiều chỉ còn chờ đợi :
                               Việc nhà đã tạm thong dong,
                               TINH KỲ giục giã đã mong độ về.
                               Một mình nàng ngọn đèn khuya,
                               Áo đầm giọt tủi tóc se mái sầu...

       6. Nghinh Thân 親迎 : Ta gọi là Rước dâu; trước đó một ngày nhà gái phải đưa tất cả đồ hồi môn sang nhà trai; hôm Nghinh thân chú rể chỉ đến rước cô dâu về làm lễ động phòng mà thôi.

       Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Hoàng Trừu Công Chúa Đội Đèn thì sử dụng thẳng từ LỤC LỄ :
                       Sắm làm LỤC LỄ phương viên,
                 Truyền quan viết điệp dâng lên cửu trùng.
 

  Ngoài SÁU LỄ ta còn có SÁU CUNG. Theo sách Chu Lễ《周礼·天官·内宰》chương Thiên Quan, Nội Tể : Nơi Hoàng Hậu ở gồm có sáu cung: Một cung chính tẩm 正寝 là phòng ngủ chính ở phía trước, năm cung ở phía sau chỉ dùng để nghỉ ngơi, gọi là Yên Tẩm 燕寝, gộp chung lại là SÁU CUNG, chữ Nho là LỤC CUNG 六宫. LỤC CUNG là từ dùng để chỉ Hoàng Hậu, nhưng truyền đến đời Đường thì Lục Cung là từ dùng để chỉ chung các Phi Tần ở hậu cung. Trong bài thơ trường thiên "Trường Hận Ca" của Bạch Cư Dị khi tả về Dương Qúy Phi lúc mới nhập cung có câu :

                  回眸一笑百媚生,    Hồi mâu nhất tiếu bách mị sanh,
                  六宫粉黛無颜色.     Lục cung phấn đại vô nhan sắc.
Có nghĩa :
      - Quay đầu lại liếc mắt mĩm cười một cái toát ra vẻ đẹp thiên kiều bá mị, làm cho son phấn của sáu cung (chỉ chung các phi tần ở hậu cung) đều lu mờ hết cả nhan sắc, không còn ai dám sánh đẹp với nàng nữa cả ! 

              Quay đầu mắt liếc cười xinh đẹp,
              Son phấn SÁU CUNG cũng nhạt màu !

 Trong bài "Văn Tế Vua Quang Trung" của Ngọc Hân Công Chúa bắt đầu bằng hai câu :

       Than rằng:
                       Chín từng ngọc sáng bóng trung tinh, 
                                        ngoài muôn dặm vừa cùng trông vẻ thụy;
                       Một phút mây che vầng Thái Bạch, 
                                        trong SÁU CUNG thoắt đã nhạt hơi hương.

       Sau SÁU CUNG ta còn có SÁU ĐẠO mà chữ Nho gọi là LỤC ĐẠO 六道, là 6 con đường mà tất cả chúng sinh đều phải trải qua, gồm có Tam Ác Đạo 三恶道 là : Địa ngục đạo 地獄、Ngạ qủy đạo 餓鬼、Súc sinh đạo 畜生、và Tam Thiện Đạo 三善道 là : A-Tu-La đạo 阿修羅、Nhân đạo 人、và Thiên đạo 天。Hễ ai làm ác thì sẽ bị luân hồi vào Tam Ác Đạo và những người làm việc thiện sẽ được luân hồi vào Tam Thiện Đạo. 
       Trong tác phẩm SÃI VÃI của cụ Nguyễn Cư Trinh đã cho ông Sãi luận về chữ VUI như sau :

             ... Trong ba ngàn, Sãi vui để một bầu;
                 Ngoài SÁU ĐẠO, Sãi vui thông tam giới.
                 Non Bồng Lai bước tới Sãi vui với Bát Tiên;
                 Núi Thương Lãnh tìm lên, Sãi vui cùng Từ Hạo...
 
 Còn trong "Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnh" (1874) của cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu thì gọi là "Sáu Nẻo Luân Hồi" :

              Như vậy thì...
                 Số dẩu theo SÁU NẺO LUÂN HỒI,
                 Khi sau để trăm năm uất ức !

       Ngoài ra trong văn học cổ còn có nhóm từ SÁU DẬT QUY LINH để chỉ tuổi thọ những quan viên sống hơn một Hoa giáp (60 tuổi) theo chế độ ưu đãi trong Tống Sử 宋史 : Tống chế , thiết từ lộc chi quan, dĩ dật lão ưu hiền...宋制,設祠祿之官,以佚老優賢... Có nghĩa : Chế đô nhà Tống, lập ra chức quan ăn lộc để làm yên vui người già và ưu đãi kẻ hiền tài... QUY LINH 龜齡 là tuổi của con rùa, theo quan niện xưa, Rùa là con vật trường thọ, nên Quy Linh là chỉ sống dai, có tuổi thọ cao, như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái tả Trương Công đã trên 60 tuổi mà còn nạp vợ lẻ với hai câu thơ như sau :

                          ... Đã ngoài SÁU DẬT QUY LINH,
                      Phương đông lại rạng tiểu tinh một nàng. 

      Còn SẮC 色 là màu sắc, là hình tướng của sự vật; Có SẮC là có màu đẹp, nên SẮC là Đẹp; SẮC NƯỚC chữ Nho là QUỐC SẮC 國色 chỉ những người đẹp nhất nước; nói theo bây giờ là "Người đẹp cấp Quốc gia". Nhưng trong văn học cổ từ Quốc Sắc thường dùng để chỉ những cô gái rất đẹp mà thôi, như cụ Nguyễn Du đã so sánh giữa Thúy Kiều và Kim Trọng là :

                      Người QUỐC SẮC, kẻ thiên tài,
                   Tình trong như đã mặt ngoài còn e !
       
      Trong truyện thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính, khi tả Thị kính là cô gái đẹp thì gọi là SẮC NƯỚC :
                 
                           Đặt cho Thị Kính tên nàng,
                  Đậm nhuần SẮC NƯỚC, dịu dàng nét hoa.

      Đi liền theo SẮC NƯỚC là HƯƠNG TRỜI; là Sắc của Nước và Hương của Trời để chỉ "Người đẹp thật đẹp thơm thật thơm" không chê vào đâu được, như khi Sở Khanh trông thấy Thúy Kiều đẹp là thế thơm là thế mà lại luân lạc vào chốn lầu xanh, nên đã buông lời tiếc rẻ :

                      Than ôi, SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI,
                    Tiếc cho đâu bỗng lạc loài đến đây !?

 
SẮC NƯỚC HƯƠNG TRỜI là dịch từ thành ngữ QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG 國色天香. Như khi đến để mua Thúy Kiều, thì Mã Giám Sinh cũng đã rất hài lòng mà đánh giá rằng :

                      Đã nên QUỐC SẮC THIÊN HƯƠNG,
                  Một cười này hẵn ngàn vàng chẳng ngoa.

      SẮC theo Phật giáo còn là cái hình tướng mà ta cảm nhận và nhìn thấy được, trái với KHÔNG là không có không thấy gì cả. Theo Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh có câu "Sắc tức thị không, không tức thị sắc 色即是空,空即是色". Trong văn học cổ thường dùng để chỉ cảnh thế gian hư hư thực thực, biến ảo khôn lường, tựa có tựa không. Trong truyện thơ Nôm Quan Âm Thị Kính khi khen Thiện Sĩ có câu :

                         Sư khen rằng kẻ Nho phong,
                   Đã xem đến chữ SẮC KHÔNG đâu mà !

      Còn chữ SẮT 瑟 (bằng mẫu tự T) là một loại Đàn xưa, tương đương như là CẦM 琴. CẦM lúc đầu có 5 dây, gọi là Ngũ Huyền Cầm, sau thêm 2 dây, gọi là Thất Huyền Câm; còn SẮT thì có từ 25 dây cho đến 50 dây như câu thơ của Lý Thương Ẩn trong bài Cẩm Sắt 錦瑟 là Đàn Gấm :

                  錦瑟無端五十弦,   CẨM SẮT vô đoan ngũ thập huyền,
                  一弦一柱思華年.   Nhất huyền nhất trụ tư hoa niên.
Có nghĩa :
       - Đàn Gấm bỗng dưng lại có đến 50 dây,
       - Mỗi một dây mỗi một trục đều làm cho người ta nhớ đến tuổi hoa niên.
Hai thứ đàn CẦM và SẮT thường hay được đánh hòa âm với nhau nghe rất vui tai và hòa hợp, nên CẦM SẮT thường dùng để chỉ vợ chồng thương yêu và hòa hợp nhau như trong Kinh Thi 詩經 chương Quan Thư 關雎 có câu  :

                    窈窕淑女,  Yểu điệu thục nữ,
                    琴瑟友之.   CẦM SẮT hữu chi.
      Có nghĩa :
                       Yểu điệu thục nữ đây rồi,
                Cùng người quân tử sánh đôi SẮT CẦM.

       Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc diễn ngâm, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã diễn Nôm rất hay các câu sau đây lúc người chinh phụ nhớ chồng :

                     SẮT CẦM gượng gãy ngón đàn,
                Dây loan kinh đứt, phím loan ngại chùng !

      Còn SẮN BÌM là Dây Sắn và dây Bìm Bịp, là hai loại thảo mộc thuộc dây leo phải sống bám vào thân cây lớn, nên trong văn học cổ dùng để ví với thân phận của những người vợ lẻ. Như khi về với Thúc Sinh Thúy Kiều cũng biết thân phận lẻ mọn của mình :

                           SẮN BÌM chút phận con con,
                 Khuôn duyên biết có vuông tròn cho chăng ?!

      Còn SÂM THƯƠNG 參商 là hai vì sao ở trên trời. Sao SÂM nằm trong Tây quan Bạch Hổ thất tú 西官白虎七宿; Sao THƯƠNG nằm trong Đông quan Thương Long thất tú 東官蒼龍七宿. Sao SÂM ở phía Tây, còn sao THƯƠNG ở phía Đông. Cái nầy mọc thì cái kia lặn; Cái kia lặn thì cái nầy mọc, nên hai vì sao nầy không bao giờ gặp nhau trên bầu trời. Thường dùng để chỉ bạn bè, thân nhân, nhất là vợ chồng cách biệt hai nơi khó lòng gặp mặt. Trong Tuyện Kiều, khi Thúy Kiều báo ân báo oán đã nói với Thúc Sinh rằng :

                      SÂM THƯƠNG chẳng vẹn chữ tòng,
                      Tại ai há dám phụ lòng cố nhân !

 
Hẹn bài viết tới !

                                                                                        杜紹德
                                                                                    Đỗ Chiêu Đức




  MỜI XEM :
       

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 92 : SÁNH SÀNG SAO SÀO SÁT - Đỗ Chiêu Đức
                    

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...