THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 92 :
SÁNH, SÀNG, SAO, SÀO, SÁT.
Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền SÁNH PHƯỢNG đẹp duyên CƯỠI RỒNG
SÁNH PHƯỢNG là "Sánh cùng chim Phượng" chỉ việc lấy được chồng
tốt, theo tích sau đây《Điền Kính Trọng Hoàn Thế Gia 田敬仲完世家》trong Sử Ký 史記 của Tư Mã Thiên 司馬遷 đời Tây Hán như sau :
Điền Hoàn 田完 vốn có tên là Trần Hoàn 陳完,
tự là Kính Trọng, Công Tử của nước Trần, vì nước Trần có loạn mà lưu
vong sang nước Tề mới đổi thành họ Điền. Quan Đại phu của Tề là Ý Trọng
muốn gả con gái cho, nèn bói được một quẻ Đại Nhã trong Kinh Thi có câu :
Phụng hoàng vu phi, Hòa minh tương tương 鳳凰于飛,和鳴锵锵 Có nghĩa : Phượng
hoàng cùng cất cánh bay, Hoà chung giọng hót vui thay vang lừng. Nên
SÁNH PHƯỢNG chỉ vợ chồng hòa hợp vui vầy hạnh phúc, sau thường dùng để
chỉ kén được chồng tốt, rể qúy... như 2 câu thơ mở đầu bài chỉ Thúy Kiều
gặp được Từ Hải là gặp được người chồng tốt :
Trai anh hùng gái thuyền quyên,
Phỉ nguyền SÁNH PHƯỢNG đẹp duyên CƯỠI RỒNG.
CƯỠI RỒNG là Thừa Long 乘龍 cũng chỉ Chàng rể qúy do thành ngữ Thừa Long Khoái Tế 乘龍快婿 theo tích trong Liệt Tiên Truyện 列仙傳 của Lưu Hướng 劉向 đời
Tây Hán : Tần Mục Công có cô con gái tên là Lộng Ngọc thích thổi tiêu
sáo, gả cho Tiêu Sử là chàng trai tài hoa giỏi thổi tiêu. Vợ chồng cùng
nhau thổi tiêu và cùng tu tiên. Một đêm khi đang cùng hòa tấu thì có
rồng phượng hiện ra, vợ chồng cùng cởi phượng cởi rồng mà bay tuốt lên
trời. Nên CƯỠI RỒNG cũng chỉ gặp được rể qúy, chồng tốt.
Nối tiếp theo điển tích chỉ chàng rể qúy, còn có từ ĐÔNG SÀNG 東床. Ta thường nghe nói "Kén rể Đồng Sàng" là do điển tích sau đây :
Theo Thế Thuyết Tân Ngữ của Lưu Nghĩa Khánh đời Tống 宋·劉義慶《世說新語》kể
lại : Hy Giám 郗鑒 là Thái Úy đời Đông Tấn, muốn kén một chàng rể qúy cho
con gái tài mạo song toàn của mình là Hy Tuyền 郗璿; nghe nói trong nhà
của Thừa tướng Vương Đạo 王導 có nhiều con cháu toàn là những chàng trai
văn hay chữ tốt, bèn ngõ ý với Thừa tướng muốn kết thành thông gia.
Vương Đạo cũng rất hài lòng nên ưng thuận. Hy Giám bèn hẹn để cử người
coi mắt các chàng trai ở Vương phủ. Đến ngày hẹn, các chàng trai đều ăn
mặc chải chuốt để tạo dáng môt thư sinh đẹp trai tài giỏi và đều mong
ước mình được chọn làm rể của Thái Úy. Sư gia của phủ Thái Úy đến tiếp
xúc và xem qua một lượt rồi về bẩm báo lại rằng :"Các chàng trai qủa
nhiên đều "Phong tư tài mạo tuyệt vời", nhưng có một chàng lại
không chải chuốt gì cả mà nằm phơi bụng ở trên giường mé đông hiên nhà
ăn bánh đọc sách như chẳng có chuyện gì xảy ra cả !". Hy Giám nghe xong
cả cười mà bảo rằng :"Đó chính là chàng rể qúy của nhà ta đó !". Bèn cho
người mai mối biết là mình sẽ gả đứa con gái cưng tài hoa cho cái chàng
trai nằm phơi bụng ở giường đông đó. Qủa nhiên không nhầm, vì chàng
trai đó sau nầy chính là nhà quân sự và là nhà thư pháp nổi tiếng VƯƠNG
HY CHI 王羲之 của đời Đông Tấn đó. Thiếp Lan Đình 蘭亭帖 của Vương Hy Chi là
thư pháp kiểu mẫu còn truyền lại cho đến hiện nay. Trong Truyện Kiều, cụ
Nguyễn Du đã cho Hoạn Thư khen Thúy Kiều viết chữ đẹp khi nàng chép
kinh ở Quan Âm Các là :
Khen rằng :"Bút pháp đã tinh,
So vào với THIẾP LAN ĐÌNH nào thua !"
Vì tích trên đây mà chàng rể qúy được gọi là ĐÔNG SÀNG 東床 hay SÀNG ĐÔNG như trong truyện Nôm Hoa Tiên Ký của Nguyễn Huy Tự và Nguyễn Thiện có câu :
Khéo thay lời nói hữu tình,
SÀNG ĐÔNG rầy mới là đành có nơi.
Hay như trong Sơ Kính Tân Trang của Chiêu Lỳ Phạm Thái thì gọi là
GIƯỜNG ĐÔNG và nhắc cả tích "Tước Bình" và "Thừa Long" nữa :
Lẽ đâu dám kẻ GIƯỜNG ĐÔNG,
Tước Bình xin đợi, Thừa Long xứng tài.
SAO PHÚC chữ Nho là PHÚC TINH 福星, là ngôi sao mang phước lành đến, theo tích sau đây :
Trong Tống Sử Ký Sự 宋史纪事 có ghi : Tiên Vu Thân 鲜于侁 là Chuyển Vận Sứ
của đất Kinh đông. Dưới sự cai quản và chăm sóc của ông dân chúng cả
một vùng Kinh đông đều an cư lạc nghiệp, nên Tư Mã Quang gọi ông là PHÚC
TINH của nơi đó. Trong Thông Tục Biên 通俗编 đời Thanh thì gọi ông là NHẤT
LỘ PHÚC TINH 一路福星 với hàm ý là "Một ông quan tốt mang hạnh phúc đến cho
dân chúng.
Trong tác phẩm Sãi Vãi của Nguyễn Cư Trinh
khi cho ông Sãi phân bua mình chưa chắc đã tu thành Phật, nhưng cũng đã
từng là một ông quan tốt, cụ Nguyễn Cư Trinh cũng đã viết :
Dù chẳng Vạn gia sinh Phật,
Cũng là NHẤT LỘ PHÚC TINH.
Còn trong truyện thơ Nôm khuyết danh Phan Trần thì gọi là SAO PHÚC :
Niềm công chính, dạ trung trinh,
Phương dân SAO PHÚC, triều đình quyền cao.
SÀO PHỦ 巢父 và HỨA DO 許由 là hai cao nhân ẩn sĩ đời Đường Nghiêu,
không màng danh lợi. Vua Nghiêu nghe tiếng tìm đến định nhường ngôi cho
Sào Phủ, Phủ không nhận; ít lâu sau lại tìm đến với Hứa Do cũng định
nhường ngôi. Hứa Do nghe xong bèn từ chối và chạy ra bờ sông để rửa tai,
vì cho rằng tai của mình đã dơ vì phải nghe những lời danh lợi phàm tục
tầm thường; lúc đó Sào Phủ định cho trâu uống nước, nghe thế, bèn dắt
trâu lên trên dòng thượng lưu mới cho trâu uống, vì sợ trâu uống phải
những dơ bẩn trong nước mà Hứa Do đã rửa tai trôi ra. Cao khiết một cách
quá đáng đến như thế là cùng !
Trong văn học cổ thường
dùng Sào Phủ và Hứa Do để chỉ những cao nhân ẩn sĩ không màng danh lợi,
như trong thơ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm :
Của Thạch Sùng nào của ấy,
Danh SÀO PHỦ há danh không ?!
Trong bài "Tụng Tây Hồ Phú" của Nguyễn Huy Lượng một danh sĩ đời Lê
mạt, Tây Sơn và Nguyễn sơ, thì gọi tắt Sào Phủ Hứa Do là SÀO, DO :
Mặt đất đùn này thóc này rau, rầu lòng Cô Trúc;
Mặt nước chảy nọ dòng nọ bến, mặc chí SÀO, DO.
Còn trong thơ của cụ Nguyễn Trãi thì gọi là SÀO HỨA như sau :
Lâm tuyền thanh vắng bạn SÀO, HỨA,
Lễ nhạc nhàn chơi tạo Khổng,Chu.
Trong truyện thơ Nôm LỤC SÚC TRANH CÔNG khi nói về Gà và Heo có câu :
Mời Xem : THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 91 : RUỔI RUỘNG RÚT RỪNG RƯỢU Gà biết chữ "Xả sinh thủ ngãi",
Heo đặng câu "SÁT THÂN THÀNH NHÂN".
XẢ SINH THỦ NGÃI (NGHĨA) 捨生取義 là "Buông bỏ cuộc sống của mình để
lấy cái nghĩa", tức là "Hy sinh thân mình để làm việc nghĩa".
SÁT THÂN THÀNH NHÂN 殺身成仁 là "Giết thân mình để hoàn thành việc nhân đức", tức là "Hy sinh thân mình để làm việc nhân".
Nói chung, hai câu thành ngữ nêu trên thường dùng để chỉ những
người chí sĩ dám hy sinh cho tổ chức đoàn thể hay những người yêu nước
dám hy sinh thân mình để bảo vệ Tổ quốc. Đó là câu nói của Đức Khổng Phu
Tử có xuất xứ từ chương Vệ Linh Công của sách Luận Ngữ 論語 衛靈公 子曰:「Chí
sĩ nhân nhân, vô cầu sinh dĩ hại nhân, hữu sát thân dĩ thành nhân
志士仁人,無求生以害仁,有殺身以成仁。」Có nghĩa : Người chí sĩ nhân nghĩa, không vì tham
sống mà hại đến việc nhân nghĩa, nhưng có thể hy sinh thân mình để giữ
tròn nhân nghĩa".
Trong LỤC SÚC TRANH CÔNG, sau khi nghe Gà và Heo kể lể tranh công với nhau thì nhà chủ nghe thấy, nên :
Vậy chủ bèn phân đoán,
Phê một câu khúc tận kỳ tình:
"Gà biết chữ Xả Sinh Thủ Ngãi;
Heo đặng câu Sát Thân Thành Nhân"
bài viết rất hay
Trả lờiXóa