Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Sự ra đời của Lễ Tạ Ơn ở Mỷ

Lễ Tạ Ơn gợi lên cho bạn suy nghĩ gì? Nếu bạn nói đến gia đình, gà tây nướng, nước sốt cranberry hoặc bánh bí ngô, tất cả những điều này đều có thể sẽ khơi gợi ký ức trong hầu hết người Mỹ. Tuy nhiên, nếu được hỏi về nguồn gốc thực sự của Lễ Tạ Ơn, thì câu trả lời có thể gây ra tranh cãi với những hiểu biết có giới hạn.

Bạn đã học được gì về Lễ Tạ Ơn tại trường học? Liệu điều đó có liên quan đến Plymouth Rock, những người hành hương, một vụ chung tay thu hoạch với sự giúp sức của người da đỏ bản địa, và các cuộc thảo luận về hòa bình hay áp bức không? Trong khi những người hành hương đã tổ chức các lễ hội tôn vinh Chúa ban tặng cho họ những vụ mùa bội thu và có những câu chuyện về các bộ lạc người da đỏ bản địa được mời đến dùng bữa được kể lại, thì cũng tồn tại rất nhiều tuyên truyền bóp méo sự thật về các sự kiện lễ lạc của người Mỹ.

Một số người xem Lễ Tạ Ơn thành “Ngày của Gà tây”. Một số phủ nhận cả sự tồn tại của Chúa lẫn lòng biết ơn. Tuy vậy, những người trân trọng sự thật và truyền thống ít nhất phải tìm hiểu chính xác lịch sử liên quan đến ngày lễ này.

Tuyên bố của Tổng thống Washington năm 1789

Vào ngày 03/10/1789, George Washington, tổng thống đầu tiên của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mới thành lập, đã ban hành Tuyên cáo đầu tiên về Lễ Tạ Ơn. Theo lời của Ngài Washington:

“Xét rằng tất cả các Quốc gia có trách nhiệm công nhận những an bài của Chúa toàn năng, tuân theo ý chỉ của Ngài, cảm tạ những ân lành Ngài ban cho, và khiêm cung cầu xin sự bảo vệ và ân điển của Ngài… Do đó, tôi đề xướng và ấn định thứ Năm ngày 26/11 tới đây là ngày mà người dân các tiểu bang xin phụng sự Đấng vinh quang vĩ đại, đã ban những phước lành từ xưa tới nay và mãi về sau – Để chúng ta có thể cùng nhau phụng sự Ngài với lòng biết ơn và khiêm tốn… vì quyền công dân và tự do tín ngưỡng mà chúng ta được ban cho… chúng ta có thể cùng nhau dâng lời cầu nguyện và khẩn nài lên Thiên Chúa, người trị vì các quốc gia, và cầu xin Ngài tha thứ cho những sai phạm của đất nước chúng ta và những lỗi lầm khác.”

Một số gọi tuyên bố của Washington là lệnh hành pháp đầu tiên, một số cho là lệnh hành pháp thứ nhì. Các nhóm khác dường như có xu hướng bỏ qua sự tồn tại của tuyên bố này. Tổng thống George Washington luôn coi trọng việc gửi lời cảm ân. Ông đã viết một lá thư cho James Madison bày tỏ mong muốn thiết lập một ngày lễ quốc gia để tỏ lòng biết ơn đối với Chúa vài tháng trước khi ông trình lên Quốc hội. Ông cũng được biết đến là người đã chỉ định những ngày cầu nguyện đặc biệt sau chiến thắng trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ. Sau Washington, nhiều tổng thống Mỹ tiếp tục gìn giữ truyền thống Lễ Tạ Ơn, và nhiều tiểu bang đã giữ nguyên Tháng 11 hoặc tuyên bố thêm ngày tạ ơn Chúa trong suốt cả năm. Tạ ơn Chúa là một truyền thống căn bản của Hoa Kỳ. Từ lâu việc này đã được hiểu là điều cần thiết để hình thành một bản sắc dân tộc.

Sự chữa lành 

Vào ngày 03/10/1863, đáp lại chiến thắng quan trọng của Liên minh tại trận Gettysburg, Tổng thống Abraham Lincoln tuyên bố cả nước sẽ kỷ niệm ngày Lễ Tạ Ơn chính thức vào ngày 26/11/1863. Quốc gia đã bị tàn phá bởi cuộc nội chiến và nhà lãnh đạo đáng kính đã cầu xin Chúa để được giúp đỡ và chữa lành, bắt đầu bằng lời cảm ơn. 

Theo lời của ngài Lincoln:

“Năm sắp kết thúc đủ đầy phước lành với vụ mùa bội thu và trời đất an hòa. Những đặc ân này, vốn luôn có được nên đôi khi chúng ta quên đi nguồn gốc của chúng, còn có những đặc ân khác, phi thường đến mức có thể thâm nhập và làm tan chảy cả những trái tim vô cảm trước những an bài chu toàn của Chúa toàn năng.”

“Đó là những món quà đầy tình thương của Thiên Chúa tối cao, Đấng đầy lòng thương xót dù Ngài đang thịnh nộ vì những tội lỗi của chúng ta. Đối với tôi, dường như toàn thể người dân Hoa Kỳ đã đồng lòng đồng thanh ghi nhận một cách trang trọng, tôn kính và biết ơn. Vì vậy, tôi mời gọi người dân từ mọi vùng miền của Hoa Kỳ, những người đang lênh đênh trên biển hay đang lưu trú tại hải ngoại, hãy dành riêng thứ Năm cuối cùng của tháng 11 này để cử hành Lễ Tạ Ơn và Ngợi ca Cha nhân từ của chúng ta, là đấng ngự trên thiên đàng.”

Ngay từ những tuyên bố đầu tiên, Lễ Tạ Ơn đã được dự định là một ngày lễ của người Mỹ nhằm tôn vinh Chúa và cảm ơn Đấng toàn năng vì hòa bình, những đặc ân và vụ mùa bội thu mà Ngài đã ban cho vùng đất quý. Không ai cố gắng thay đổi Ngày Lễ Tạ Ơn do Lincoln đề xướng mãi cho đến đời Tổng thống Franklin Delano Roosevelt thế kỷ 20. Để tối đa lợi ích thương mại trước Giáng sinh, năm 1939, Franklin Delano Roosevelt quyết định dời Lễ Tạ Ơn sang Thứ Năm của tuần thứ hai thay vì Thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Việc ưu tiên các chính sách về kinh tế hơn là một ngày để đơn thuần bày tỏ lòng biết ơn đã không hoàn toàn được các tiểu bang đồng ý; 32 tiểu bang đưa ra tuyên bố chấp nhận sự thay đổi của Tổng thống và 16 tiểu bang đã từ chối.

Trong hai năm 1939 và 1940, đất nước Hoa Kỳ tổ chức Lễ Tạ Ơn vào các tuần riêng biệt. Cho tới ngày 06/10/1941, Quốc Hội đề nghị đặt Ngày Lễ Tạ Ơn thành một ngày lễ cố định, là ngày thứ Năm cuối cùng của tháng 11. Vì các lợi ích được thỏa hiệp, Thượng viện đã sửa đổi nghị quyết sang Thứ Năm thứ tư của tháng (sau khi đã suy xét đến những mối quan tâm của giới tư bản liên quan đến các tháng 11 có 5 ngày thứ Năm.) Tổng thống Roosevelt đã ký nghị quyết vào ngày 26/12/1941 và ngày Lễ Tạ Ơn trở thành một ngày lễ chính thức của liên bang. 

Chính phủ Hoa Kỳ được thành lập để tôn trọng và bảo vệ ý chí, tự do và đức tin của người dân Hoa Kỳ. Tuy nhiên, như các Tổ phụ lập quốc đã dạy, điều đó không bao giờ được coi nhẹ.

Năm 1854, một bức tranh sơn dầu có tựa đề “Washington triệu tập quân đội tại Monmouth” được một người Mỹ nhập cư gốc Đức tên là Emanuel Leutze sáng tác. Leutze ngưỡng mộ lý tưởng của người Mỹ đến nỗi ngay cả khi trở lại Âu Châu để học hội họa, ông đã chọn nghệ thuật để gây ảnh hưởng đến những người cải cách ở Âu Châu, ông đã đề cập đến đức hạnh và chủ nghĩa anh hùng của Cách mạng Mỹ. Khung cảnh mô tả Tướng quân Washington trên lưng ngựa, vung thanh kiếm đầy quả cảm trên chiến trường, dẫn dắt những người lính Mỹ đến chiến thắng.

Một nông dân Washington giản dị

Sau thời gian tận hiến cả cuộc đời để chiến đấu cho tự do như một người lính, rồi phục vụ hai nhiệm kỳ tổng thống, thay vì nắm giữ quyền lực chính trị vĩnh viễn, Washington đã từ bỏ vị trí của mình, ông quay về làm việc trên mảnh đất mà ông hằng yêu quý. 

Washington là một nhà lãnh đạo quyết đoán của các quốc gia và cũng là một nông dân giản dị, đầy lòng biết ơn. Khi trở về Mount Vernon sau Cách mạng, Washington đã viết cho một người quen như sau: “Hầu tước thân mến của tôi, từ lâu rồi tôi đã trở thành một công dân bình thường bên bờ sông Potomac, dưới bóng cây nho và cây vả của riêng tôi.”

George Washington đã đề cập đến cây nho và cây vả trong suốt các tác phẩm cá nhân về cuộc sống nông trại, ám chỉ tinh tế đến đoạn Kinh Thánh, “Judah và Israel an cư lạc nghiệp, ai nấy đều sống an lành dưới bóng cây nho và cây vả của mình.” (1 Kings 4:25)

Bức tranh “Để trở thành một người nông dân” 

Còn một bức tranh thứ hai mà bạn có thể thấy thú vị trong kỳ nghỉ này. Đó là một tác phẩm màu nước nhỏ xinh của một họa sĩ người Mỹ khác tên là Winslow Homer. Tác phẩm có tựa đề “Để Trở Thành một Chàng trai Nông Dân” được vẽ vào năm 1887. Trong tranh là hình ảnh chàng trai trẻ đứng giữa vụ mùa bí ngô và rau xanh tươi tốt. Theo Viện Nghệ Thuật Chicago, thông qua phương pháp chụp X-quang và các cách kiểm tra khác, bầu trời rực sáng ban đầu được tô bằng màu vàng chrome và màu hồng phấn, cả hai đều là sắc tố không bền (có nghĩa là chúng sẽ mờ dần theo thời gian nhưng tạo ra cảm giác mạnh về ánh sáng mặt trời vào cuối ngày).

Bức tranh “Để trở thành một chàng trai nông dân” 1887,  Winslow Homer. Màu nước trên giấy canson; 36 x 51 cm. Viện Nghệ Thuật Chicago. (CC0)

Ý nghĩa của tác phẩm vẫn rất rõ ràng. Mặc dù khuôn mặt che khuất trong bóng râm, ta có thể thấy một chàng trai chăm chỉ đang chiêm ngưỡng khung cảnh hoàng hôn. Tên của tác phẩm dựa trên một bài hát tiếng Anh cổ xưa nói về một chàng trai trân trọng cơ hội được làm việc dù tuổi đời hãy còn non trẻ. Trong bức tranh rực rỡ này, tác giả Homer khắc họa một vụ mùa bội thu và sức mạnh nội tâm của tuổi thanh xuân Hoa Kỳ. Trở thành một chàng trai hay cô gái nông dân ở xứ sở cờ hoa này có nghĩa là bạn đang được thừa hưởng di sản đức tin, tự do và những thành tựu ý nghĩa từ những bậc tiền bối đáng kính.

Chúng ta là một quốc gia nơi một nông dân có thể trở thành tổng thống, và có những vị tổng thống vĩ đại nhất đã tận tâm làm việc cho một vụ mùa bội thu. Nỗ lực khiêm tốn và anh dũng của những người Mỹ dưới sự bảo trợ của Chúa thực sự truyền cảm hứng cho lòng biết ơn.

Cầu mong điều đó cũng truyền cảm hứng cho chúng ta, dù già hay trẻ, tiếp tục làm việc để giữ gìn truyền thống thiêng liêng về lòng biết ơn trong dịp Lễ Tạ Ơn 

Andrea Nutt Falce là một người vợ hạnh phúc, là bà mẹ có bốn con. Cô cũng là một nghệ sĩ hiện thực cổ điển được đào tạo tại Florentine và là tác giả của cuốn sách dành cho trẻ em, “It’s a Jungle Out There”. Tác phẩm của cô ấy có thể xem tại AndreaNutt.com

Phương Du  Trường An biên dịch

TrucChi chuyển

Xem Thêm : Lễ Tạ Ơn – Thanksgiving Day là gì và diễn ra vào ngày nào?

 

 

1 nhận xét: