Kinhtedothi - Hiện vẫn còn 151 người mất tích và hơn 1.000 người bị thương trong vụ động đất mạnh 5,6 độ Richter ở tỉnh Tây Java.
Lực lượng cứu hộ Indonesia tiếp tục đào bới đống đổ nát để tìm những người sống sót sau trận động đất kinh hoàng hôm 21/11. Ảnh: CNN
Theo CNN, trong ngày 22/11, lực lượng cứu hộ Indonesia tiếp tục đào bới đống đổ nát để tìm những người sống sót sau trận động đất mạnh làm sập nhà cửa và các tòa nhà ở khu vực đông dân cư thuộc tỉnh Tây Java.
Theo Cơ quan quản lý thảm họa quốc gia Indonesia (BNPB), trận động đất hôm 21/11 đã khiến ít nhất 268 người thiệt mạng và hiện còn 151 người vẫn mất tích và hơn 1.000 người bị thương.
Quy mô tàn phá của trận động đất tăng dần theo thời gian. Hơn 22.000 ngôi nhà bị phá hủy và hơn 58.000 người phải sơ tán, Thiếu tướng Suharyanto của BNPB cho biết.
Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 21/11, Tỉnh trưởng Tây Java, ông Ridwan Kamil, nói rằng phần lớn những người thiệt mạng là trẻ em. Theo ông, số người chết có thể sẽ tăng thêm.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh 5,6 độ Richter xảy ra tại thị trấn Cianjur ở Tây Java vào khoảng 13 giờ 21 chiều ngày 21/11 (giờ địa phương) từ độ sâu 10 km. Trận động đất đã khiến các tòa nhà và trường học đổ sập trong khi học sinh vẫn đang trong lớp.
Theo tổ chức cứu trợ Save the Children, hơn 50 trường học đã bị ảnh hưởng, các trận động đất mạnh đã buộc trẻ em phải rời khỏi lớp học.
Ông Herman Suherman - một quan chức chính phủ ở Cianjur, nói với truyền thông rằng một số cư dân bị mắc kẹt trong đống đổ nát của các tòa nhà bị sập. Kênh tin tức Metro TV đưa hình ảnh hàng trăm nạn nhân đang được điều trị trong bãi đậu xe của bệnh viện.
Đến thăm các khu vực bị ảnh hưởng trong trận động đất ngày 22/11, Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết chính phủ sẽ bồi thường khoảng 3.200 USD cho mỗi chủ nhân của những ngôi nhà bị hư hại nặng.
Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia (BMKG) đã ghi nhận 25 dư chấn trong vòng hai giờ sau động đất, khẳng định không có nguy cơ xảy ra sóng thần. Cơ quan này cũng cảnh báo người dân gần tâm động đất cảnh giác với những đợt dư chấn tiếp theo.
Indonesia thường xuyên trải qua các trận động đất và phun trào núi lửa do nằm trên "Vành đai lửa", một dải bao quanh Thái Bình Dương có hoạt động địa chất mạnh nhất trên hành tinh, trải dài từ Nhật Bản qua Đông Nam Á.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,1 độ Richter ngoài khơi đảo Sumatra ở miền bắc Indonesia đã gây ra sóng thần tại 14 nước, khiến 226.000 người thiệt mạng, trong đó hơn một nửa là người Indonesia.
Nguyễn Phương
Một trường học tại Cianjur đổ sập sau trận động đất. Ảnh: Reuters.
Xem Thêm :Vì sao mùa mưa kéo dài ở Nam bộ?
nguy hiểm quá
Trả lờiXóa