Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2022

Bài 2: Đem hào quang đến vận mệnh

Điều 2 – Phát huy hữu hiệu vận mệnh của mình (1)

Tác giả: MATSUSHITA Kônosuke
Người dịch: Nguyễn Sơn Hùng

Cố gắng hết sức mình rồi chờ trời định đoạt. Tùy theo cách sống, bạn có thể phát huy hữu hiệu hơn vận mệnh trời cho bạn (2).

Phải chăng phần lớn của đời người được quyết định bởi cái được gọi là vận mệnh? Khi hồi tưởng lại con đường tôi đã đi qua đến nay, tôi không thể nào tránh được cảm giác như vậy!

Thí dụ tại sao tôi đã bắt đầu công việc chế tạo và buôn bán dụng cụ xài điện (đồ điện) (3), và tại sao tôi đã may mắn xây dựng được hình ảnh thành công ở mức độ nào đó trên con đường đi này? Chỉ một chuyện này cũng buộc tôi nghĩ rằng vận mệnh đã cho tôi được như vậy. Ngoài cách này tôi không có một cách giải thích nào khác.

Lý do là trên đời này có rất nhiều người tài giỏi. Xét đến việc có thân thể khỏe mạnh, có học vấn cao, được trời ban có năng khiếu, tài năng v.v…tôi nghĩ điều nào tôi cũng thuộc cấp hạng thấp phía dưới. Mặc dù như vậy, nếu ngày nay tôi có một ít thành công trong sự nghiệp, tôi phải nghĩ rằng đó là do tôi đã được vận mệnh cho như vậy. Có lúc tôi đã tận sức cố gắng nỗ lực là sự thật nhưng tôi không thể nghĩ là mình học hỏi hoặc nỗ lực đặc biệt hơn người bình thường.

Tuy nhiên, mặc dù nói vậy, nếu suy nghĩ ở thời điểm hiện nay thì có thể nói như sau. Đó là tôi đã tự bảo mình phát huy vận mệnh theo cách của tôi tự nghĩ ra hoặc theo chiều hướng tích cực hướng tới trước và dần dần trở thành tự nhiên.

Do gia đình nghèo khó, cha mẹ đã cho tôi đi học nghề không lương (học thí công). Nhờ vậy mà tôi đã được huấn luyện làm thương nhân từ nhỏ, và nếm ít nhiều hương vị đắng cay của thế gian. Bởi vì cơ thể sinh ra yếu đuối nên biết giao việc cho người khác để thực hiện thay mình. Bởi vì không có học lịch (quá trình đã học chính thức ở trường học) nên thường nhờ người khác chỉ dạy hướng dẫn. Hoặc nhờ kinh nghiệm trải qua bao lần thập tử nhất sinh nên tôi có thể tin rằng vận mình lớn. Từ những sự việc như vậy, tôi tiếp nhận vận mệnh trời cho mình, và không biết từ lúc nào tôi có cách suy nghĩ sống tích cực hướng lên, có lẽ chính nhờ thế mà con đường tôi đi được mở rộng ra.

Không cần phải nói, cái gọi là vận mệnh vượt qua ý chí và sức lực của con người. Chính chúng ta sinh ra làm người cũng không phải do ý chí của chúng ta mà được như vậy. Sinh ra là trai hay là gái, và là người Nhật hay người nước khác chúng ta cũng không thể lựa chọn. Hoặc là chúng ta được sinh ra với thiên phận như thế nào, nghĩa là bẩm sinh có tố chất (năng khiếu) gì chúng ta không thể tự mình quyết định mà là do thiên mệnh quyết định.

Tuy nhiên, nếu hỏi như vậy phải chăng cuộc đời của chúng ta tất cả đều do vận mệnh định đoạt, và với khả năng của con người chúng ta không thể làm gì được sao? Tôi nghĩ rằng không hẳn là như vậy.

Tôi nghĩ chính điểm này thật sự là chỗ vi diệu khó hiểu của vận mệnh. Tùy theo ý thức và hành động của bản thân như thế nào mà cách xuất hiện của vận mệnh trời ban phú cho mình sẽ khác đi. Do đó có câu nói “Hãy cố gắng hết sức mình rồi chờ trời định đoạt”. Có thể suy nghĩ rằng tùy theo cách sống của chúng ta, chúng ta còn có thể vận dụng linh động hoặc phát huy tốt hơn vận mệnh trời cho mình. Tôi nghĩ điều này áp dụng cho tuổi thọ, năng khiếu, tài năng v.v…mọi chuyện khác của đời người. Tôi cảm thấy rằng có thể nói cách sống của tôi từ trước đến nay, không biết từ lúc nào, cũng là cách sống phát huy vận mệnh trời cho ở một mức độ nào đó. 

Như vậy mức độ mà trời để lại cho con người có thể làm thay đổi vận mệnh của mình khoảng bao nhiêu? Tôi không biết diễn tả mức độ mà trời để lại cho con người bằng con số có thích hợp không nhưng theo kết quả quan sát về tình trạng của nhiều người tôi nghĩ rằng mức độ này từ 10 đến 20 phần trăm. Nghĩa là, tùy theo cách tận sức nỗ lực, 10~20 phần trăm này của con người quyết định 80~90 phần trăm còn lại của vận mệnh tỏa sáng đến đâu.

Nếu như vậy, tôi nghĩ rằng đối với mọi người chúng ta việc nỗ lực tận hết sức người trong phạm vi 10 đến 20 phần trăm là rất quan trọng. Mặc dù trong đời người của mình có mặt nào đó không thể làm gì được nhưng trong phạm vi 10 đến 20 phần trăm nói trên, nếu chúng ta có niềm tin như thế và nỗ lực mạnh mẽ đi con đường của mình thì cho dù có thành công to lớn cũng không cao ngạo như bay trên mây, và dù có thất bại cũng không chán nản. Tôi nghĩ rằng phải chăng bằng sống như vậy, chúng ta có thể đi con đường xử thế như thể đi dễ dàng trên con đường rộng lớn?

Nguyễn Sơn Hùng, 20/9/2022

Nguồn: MATSUSHITA Kônosuke: NHÂN SINH TÂM ĐẮC THIỆP (人生心得帖), Viện Nghiên Cứu PHP xuất bản 1984 khổ A5, xuất bản 2001 khổ A6.

Nhận xét của người dịch

Chủ trương “cuộc đời phần lớn được quyết định bởi vận mệnh nhưng bằng sự phấn đấu nỗ lực của cá nhân có thể thay đổi được” của tác giả trong bài trên không phải là ý tưởng mới lạ mà đã được nhiều người đi trước từng đề cập đến. Tuy nhiên, điểm mới là tác giả đã thử định lượng số phần trăm mà cá nhân con người có thể thay đổi vận mệnh của mình. Không biết số phần trăm này có đúng không nhưng theo người dịch đây là đặc điểm đánh giá của Matsushita Kônosuke: ông thường trình bày vấn đề cụ thể. Một thí dụ thiền sư Bankei đề cập về tâm bất sinh nhưng không nói cụ thể về làm thế nào để có tâm này. Vương Dương Minh khuyên nên làm theo lương tri như không nói cụ thể làm thế nào để có được lương tri. Trong khi đó, Matsushita Kônosuke chủ trương sunao na kokoro (tâm tự nhiên) quan trọng và đề xuất làm thế nào để có được tâm này (4).

Ở Nhật Bản người nói “Cố gắng hết sức mình rồi chờ trời định đoạt”Câu tiếng Hán tương ứng là “Tận nhân sự nhi đãi thiên mệnh”. Theo từ điển sự cố thành ngữ của Nhật Bản xuất xứ của câu này trong mục Tấn Ký- Vũ Đế của sách “Độc Sử Quản Kiến” (5) 読史管見 (nghĩa là tư kiến khi đọc sử) do Hồ Dần (6) viết. Hồ Dần đã dùng câu nói này trình bày cảm nghĩ về việc tướng Tạ An của Đông Tấn đánh bại Phù Kiên của Tiền Tần ở Phì Thủy. Sách Nhật thường trích “Độc Sử Quản Kiến” dùng từ thính聴 với nghĩa giao phó, phó thác thay vì từ đãi 待 nghĩa là chờ đợi.

Trong khi ở Việt Nam người ta thường trích dẫn “Tận nhân lực, tri thiên mệnh”, không hiểu tại sao đổi thành tri知nghĩa là biết, và không thấy ghi cụ thể xuất xứ! “Nhân sự” trong tiếng Nhật có nghĩa việc con người có thể làm được.

Ghi chú

  1. Tựa bài dịch theo nguyên bản. Tựa phụ trong ( ) do người dịch đặt thêm để quý độc giả dễ nhớ và tổng kết các điều trọng yếu mà tác giả đề xuất để chúng ta có cuộc sống tốt đẹp hơn.
  2. Đại ý của bài viết. Trong nguyên tác, đại ý được viết ở đầu của mỗi bài.
  3. Chữ nhỏ viết trong ( ) để giải thích nghĩa hoặc từ đồng nghĩa.
  4. Xem Ghi chú (4) của bài “NHỮNG ĐIỀU NÊN GHI NHỚ ĐỂ SỐNG”.
  5. Quản Kiến. “Quản”: ống dài và nhỏ hẹp; “kiến”: cách nhìn sự vật, ý tưởng, lập trường. Nghĩa đen là nhìn thông qua ống.Trong từ điển Hán Hòa có 2 nghĩa: 1) kiến thức hoặc cách nhìn hạn hẹp, chuyển qua cách nói khiêm tốn; 2) trình bày kiến thức, ý kiến của mình. Trong Hán Việt Từ Điển của Đào Duy Anh chỉ ghi nghĩa 1).
  6. Hồ Dần (1098~1165): con nuôi của Nho gia nỗi tiếng Hồ An Quốc (trước tác sách Xuân Thu Truyện). Lúc bé ông cứng đầu nhưng mẫn tuệ bị cha nuôi nhốt trong phòng trống với 1000 quyển sách, và trong vài năm ông học thuộc lòng hết. Sau trở thành tiến sĩ trong các năm Tuyên Hòa (1119~1125). Độc Sử Quản Kiến gồm 30 quyển.

 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...