Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2022

KỶ NIỆM NHỮNG LẦN GẶP LẠI CÔ TRẦN THỊ HOÀNG

NHÂN NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO VIỆT NAM NAY LÀ NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM XIN ĐĂNG LẠI BÀI VIẾT ĐỂ TƯỞNG NHỚ ĐẾN CÔ...

 


Sau khi hoàn thành chương trình trung học tôi vào đại học và ra đi ít khi có dịp trở lại mái trường xưa. Sau năm bảy mươi lăm người tôi còn liên lạc thường xuyên ở Sài Gòn đó là Lộc, tức nhạc sỹ Trương Quang Lộc bây giờ. Thời điểm đó rất khó khăn anh em gặp nhau uống ly cà phê đen giá năm mươi xu là quá lắm rồi, cuộc sống thật khó khăn nhưng hai thằng vẫn nhâm nhi cà phê nói chuyện văn nghệ văn gừng cho vui và tôi chợt nhớ mấy câu thơ của ai đó đọc cho Lộc nghe.
Nên mới yêu nhau mà cư xử rất vợ chồng.
Rất thật tình khi lựa quán bình dân…
Và nói thẳng – Anh uống cà phê đen
Bởi thiếu tiền uống cà phê đá.
Thời điểm đó nghèo đều nhau chứ không riêng gì mình, nhà nhà ăn độn khoai mì, xe cộ đi lại khó khăn, lên được chuyến xe ca hay xe bus là cả một vấn đề,. Có người sắp hàng từ 2 giờ đêm đến 8 giờ sáng chưa mua được một vé xe ca đi đường dài về các tỉnh. Tôi và Lộc cũng gặp nhau trong chốc lát rồi mỗi người quay lại công việc của mình nhưng thỉnh thoảng cũng hẹn hò uống cà phê tâm sự thăm hỏi tin tức thầy cô và bạn bè cũ đỡ buồn.
 
Khoảng năm 1977 trên làng đại học Thủ Đức tôi đứng đón xe buýt Dĩ An xuống để về Sài Gòn, sau khi chờ đợi hơn một tiếng đồng hồ giữa nắng trời gay gắt thì mới lên được xe, không còn chỗ ngồi đành phải đứng nhưng có yên đâu người sau lên xe thì những người lên trước phải dồn chật cứng chỉ còn thấy lưng nhau. Xe chạy đến đâu anh lơ xe hô to có ai xuống không thì mới biết đang ở vị trí nào. Mồ hôi mồ kê tươm ra ướt cả áo. Khi đến bến chợ Bến Thành bước xuống xe thì bất ngờ tôi nhận ra Cô Trần Thị Hoàng cũng cùng đi chung chuyến xe đó.
 
Trước năm 1975 Cô dạy trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh. Tôi chào cô - Cô cho biết hiện nay đang dạy ở trường nông nghiệp thành phố ở Cát Lái –Thủ Đức. Từ xa lộ đi vào khoảng 3-4 km. Do vội vả lên cho kịp chuyến xe về Bà Hom nên cô chia tay tôi mà chưa kịp nói được gì nhiều... Tôi tiễn cô và trong khi cô đang bước lên xe tôi vội nói- Em sẽ đến thăm cô tại trường vào một ngày gần đây và tôi đã thực hiện trong tháng sau.
Một buổi sáng khoảng 10 giờ tôi mượn một chiếc xe đạp cà tàng , đi từ làng đại học qua Cát Lái giữa cái nắng oi bức, những lúc lên dốc mệt tôi dừng lại nghĩ. Đến ngã ba Cát Lái men theo con đường đá đỏ vào khoảng 3-4 cây số thì đến ngôi trường cô đang dạy. Khu vực nầy là khu giản dân thuộc Thủ Đức. Tôi dừng xe ngoài đường nhìn ngôi trường trên một gò đất đỏ cao không một bóng cây, có lẽ trường mới xây dựng nên chỉ có hai dãy trệt quay ra mặt đường với khoảng sân rất rộng. Toàn bộ khu đất đỏ với đá phún lam nham trên mặt Tôi đẩy xe đến bậc thềm thì tình cờ cô cũng vừa từ văn phòng bước ra, cô vẫy tay gọi , chỉ cho tôi chỗ để xe và hướng dẫn tôi lên văn phòng có lẽ là phòng khách của ban giám hiệu.Cô rót nước mời và hỏi thăm nơi ở và công việc của tôi như thế nào. Cô mặc bộ đồ tây đẹp, gọn gàng và lịch thiệp chứ không như ở những nơi khác mà tôi thường thấy. Sau 30/4 /75 không còn ai mặc áo dài đi dạy nữa có lẽ vì như thế bị đánh giá là phi lao động ,biểu hiện của tính tiểu tư sản trí thức? hay là vì sao không biết nhưng toàn quốc kể cả các trường đại học, tất cả mọi người đều ăn mặc giản dị , thậm chí ở tỉnh lẻ mặc cả đồ bà ba đến lớp là chuyện bình thường. Tôi ngồi tâm sự thăm hỏi cô khoảng hơn một tiếng đồng hồ thì đã 12 giờ 30 phút . Chung quanh ngôi trường không thấy một tiệm quán ăn nào cả nên muốn mời cô cũng chẳng được, tôi đành xin chào cô ra về vì nhà ăn tập thể mọi người đang ăn sắp xong, để cô còn cơm nước và chuẩn bị lên lớp buổi chiều. Cô đứng trên bậc thềm chào và chúc tôi thành đạt trong cuộc sống..
Tôi đạp chiếc xe cà tàng đôi khi sút dây sên giữa trưa nắng gắt vừa đói nhưng cảm thấy vui vì mình đã thực hiện được một điều nho nhỏ là thăm cô và thấy cô vẫn khỏe mạnh, tiếp tục với nghề dạy học. Niềm vui và hạnh phúc thật giản dị , tôi vừa đạp xe bụng đói và khát nhưng nhận ra được bài học: Hạnh phúc thật đơn sơ ,dù giàu hay nghèo , dù no hay đói , ai cũng có một tấm lòng, một tình cảm tốt đẹp, một niềm tin trong tâm hồn để sống.
 
Hai mươi mấy năm sau lần thăm cô ở Cát Lái Thủ Đức, tôi nhận được tin cô bị bệnh qua một người bạn ở Sài Gòn và hẹn nhau để đi thăm. Địa chỉ nhà ngày xưa bây giờ đã thay đổi nhưng người bạn tin chắc rằng cứ đến Bà Hom đi thẳng tỉnh lộ 10 rồi dò hỏi sẽ tìm được vì còn nhơ nhớ vài khung cảnh ở đây. Tôi liên lạc với Quang Lộc và đúng hẹn chúng tôi cùng vài người bạn lên đường đi tìm nhà cô. Dù tìm được hay không chúng tôi cũng ghé chợ mua một vài hộp bánh và vài loại trái cây để làm quà thăm viếng.
Thật may mắn đến nơi hỏi thăm thì có người biết và chỉ dẫn tận tình thì ra người ấy là cháu của Cô.- Các anh đi qua một dãy cửa hàng sẽ thấy một cái cổng nhỏ, đi vào trong một đoạn quẹo sang phải sẽ thấy nhà cô. 
Chúng tôi đị theo sự hướng dẫn, đường vào nhà cô rất tối vì đất rộng mà không có đèn . Thế rồi chúng tôi cũng đứng trước cửa một ngôi nhà cổ mái ngói âm dương, các song cửa bằng gỗ có thể nhìn vào bên trong. Ngôi nhà thắp một bóng đèn đỏ như đèn ngủ nên trông có vẽ âm u. Chúng tôi quyết định gõ cửa và gọi chủ nhà. Chờ một lúc lâu thì đèn néon rực sáng. Qua song cửa chúng tôi nhận ra cô mập mạp, chậm rãi bước những bước chân nặng nề ra mở cửa.
Thật diễm phúc người đầu tiên cô nhận ra là tôi. Sau khi vào nhà tôi giới thiệu tên từng bạn cho cô nhớ lại. Cô phân trần nhà không có ai, người cháu giúp việc chỉ làm ban ngày , ban đêm chỉ có mình Cô, việc di chuyển đi lại của Cô cũng là khó khăn vì chân bị đau nhức..
Cô ở ngôi nhà cổ lợp ngói âm dương cũng là nhà hương hỏa , cột gỗ to tròn có gắng những câu liễng, bên trên bàn thờ có những chữ Nho to và dát vàng, hai bên có nhũng bức hoành phi trông nghiêm trang cổ kính và rất đẹp…
Cô mừng rỡ mời các em dùng nước và kể những kỷ niệm, những câu chuyện thời cô còn đi học ở Bảo Lộc. Cô vui vẻ kể lại những cảm giác và rung động đầu đời của mình một cách tự nhiên khiến chúng tôi cười thỏa thích. Cô nói về tình yêu, quan niệm tình yêu của riêng mình một cách nghiêm túc và chúng tôi cũng biết Cô rất nghiêm túc trong cuộc sống. Cô nói về những kỷ niệm thời dạy học ở Tây Ninh… Cô kể có những lúc xem phim truyền hình cô thấy một cậu đóng vai thầy giáo sống với đồng lương ít ỏi của mình ở ngoại thành và phải chăn nuôi heo thêm để cải thiện trong khi cô vợ đang se sua bươi chải trên thương trường. Cô nhận ra người đóng vai ấy là học trò mình nhưng không nhớ tên gì…Tôi và Quang Lộc nhắc cho cô nhớ đó là Văn Thênh hiện nay là một đạo diễn có tiếng . Cô à thật to và cười thật hạnh phúc khi nhận ra tên người học trò năm xưa của mình.
 
Sau những giây phút vui tươi cô lại trầm giọng khi nói về bản thân mình. Cô bị đau và sưng khớp tay chân kể cả giãn các tĩnh mạch chủ. Cô đã điều trị hầu hết các bệnh viện nổi tiếng ở Sài Gòn kể cả các người bạn là bác sỹ từ Hoa Kỳ về khám chữa trị cho cô nhưng đều không có kết quả. Đôi lúc Cô cảm thấy đồng tiền vô nghĩa… Cô có gần mười cửa hàng cho thuê , thu nhập hằng tháng khoảng trên 20 triệu đồng vào thời điểm mà cán bộ công nhân viên nhà nước lương bình quân mỗi tháng khoảng 300.000 đồng.. Cô bảo tiền rất cần thiết cho cuộc sống nhưng không là tất cả, như cô có đất đại ở thành phố nầy nhiều, tiền hằng tháng thừa chi xài nhưng bệnh tật làm cô đau đớn, lực bất tòng tâm và đôi khi cảm thấy cô đơn trong cuộc sống. Cô ít đi đâu cứ quẫn quanh trong nhà dù biết tin các em có tổ chức họp mặt hằng năm. Hiện Cô chỉ biết đến bệnh viện khám bệnh rồi về nhà….
Những câu chuyện, những kỷ niệm xưa và nay cứ đang xen tiếp nối khi nhìn chiếc đồng hồ cổ treo trên tường thì đã hơn 22 giờ đêm. Chúng tôi xin phép ra về để Cô còn nghỉ ngơi. Cô quyến luyến chúc các em vui khỏe trong cuộc sống và gởi lời thăm các em học trò ngày xưa…Cô hy vọng năm sau nếu khỏe mạnh đi lại tốt cô sẽ đến Tây Ninh tham dự họp mặt và gặp gỡ các em.
 
Một buổi trưa khoảng 13 giờ 30 tôi nhận được điện thoại của một người chị đang nuôi mẹ bị tai biến mạch máu não nằm ở bệnh viện 115 : - Alô phải em không? – Dạ chào chị, em nghe đây.- Em có biết cô Trần Thị Hoàng trước dạy học ở Trường Trung Học Nông Lâm Súc Tây Ninh không? – Dạ, là Cô dạy học của em.. – Vậy em đến bệnh viện 115 phòng cấp cứu dãy sau ở trên lầu 2 thăm cô Hoàng đi, Cô yếu lắm và đang nằm cạnh giường của mẹ chị. Tôi vội mặc quần áo, lấy xe đi ngay và thầm nghĩ thật là cơ duyên xui khiến cho mình biết tin Cô.. ...
Từ thang máy bước ra tôi vội vào phòng cô đang nằm thì gặp Vinh và Thu (vợ chồng em trai của Cô) đang bên cạnh gường Cô. Tôi chào hỏi người chị thân mến và bà mẹ đang nằm cạnh gường cô Hoàng xong và quay sang nắm bàn tay Cô. Tôi nói lớn : - Cô nhớ em không? Cô từ từ quay mặt về phía tôi, đôi mắt lờ đờ… Cô nhìn tôi một lúc lâu rồi chớp mắt như hàm ý nhận ra tôi. Tôi nắm bàn tay cô và cô cử động nhè nhẹ trong lòng bàn tay tôi và tôi cảm nhận được Cô đã nhận biết mình. Tôi nhìn thấy Cô ốm rất nhiều so với lần tôi gặp trước đây. Thu ( em dâu của Cô cũng là cựu học viên Nông Lâm Súc Tây Ninh ) vừa sọan đồ đạc bỏ vào giỏ vừa nói với tôi là chuẩn bị xuất viện về nhà, anh Vinh đã gọi và đang chờ xe đến để đưa cô về, chỉ chờ cô y tá đến chích một mũi thuốc nữa là đưa ra xe. Đúng lúc đó cô y tá đến, cô rút nước thuốc vào ống tiêm, nắm bàn tay no tròn của cô cẩn thận lụi vào nhưng không đúng tỉnh mạch, cô lại rút ra và đâm kim một lần nữa lại không kết quả. Cô y tá nói mạch chìm khó chích quá thôi bỏ mũi thuốc nầy nhé. Tôi lên tiếng : Nhứt quá tam một lần nữa không xong thì đành chịu... Tôi nắm bàn tay cô co gập lại một tay nắm chặt trên bắp tay, còn một tay từ từ kéo tay cô ra cho nổi tỉnh mạch , vừa làm tôi thầm cầu nguyện mọi sự tốt lành đến với Cô. Cô y tá đâm kim lần cuối và cô thốt to mừng rỡ – Được rồi ! Cô bơm thuốc từ từ nhưng chỉ được nửa ống thì không thể bơm được nữa và đành phải rút ra bỏ phần còn lại…
Cô y tá và vài người giúp tôi và Vinh rinh cô lên xe đẩy, chúng tôi đẩy Cô ra thang máy. Vinh vào trong để kéo xe, tôi bên ngoài sửa và đẩy cho xe lọt vào thang máy ngay ngắn. Trước khi cửa thang đóng lại tôi nắm nhẹ bàn tay và nhìn thẳng vào đôi mắt Cô . Những ngón tay cô cử động nhẹ nhàng trong tay tôi, đôi mắt Cô lờ đờ vẫn mở và nhìn tôi trong ánh nhìn yếu ớt , lòng tôi bổng dưng rung động và thương cảm lạ thường vì tôi biết đây là lần cuối tôi gặp Cô và lúc đó cửa thang máy từ từ đóng lại ……
 
Hơn hai tuần lễ sau tôi nhận được tin Cô đã qua đời. Chúng tôi những cựu học sinh Nông Lâm Súc Tây Ninh hiện cư ngụ tại Thành Phố hẹn nhau vào chiều tối đến dự tang lễ của Cô. Tại tang lễ chúng tôi gặp các thầy cô năm xưa như: Thầy Phạm Văn Nê, Cô Thân Thị Đời, Cô Nguyễn Thi Xuyến ….Chúng tôi vào cúng bái Cô một mâm tế và một tấm liễng với dòng chữ: Thầy, Cô và cựu học viên Trường Trung học Nông Lâm Súc Tây Ninh đồng kính điếu.
Những nén nhang hương thơm thoang thoảng trước bàn vong, bài vị và ảnh chân dung của cô. Chúng tôi cầu nguyện cho hương hồn cô được siêu thăng tịnh độ trong cõi vĩnh hằng – Vĩnh biệt Cô.
 
NGUYỄN QUỐC NAM
( Ngày 9 tháng 11 năm 2009 )
Cô Hoàng bìa trái và HS NLS Tay ninh  
 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...