Thứ Ba, 29 tháng 11, 2022

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già

 

Khổng Tử nói: "Thất Thập Nhi Tùng Tâm Sở Dục, Bất Du Củ" (七十而從心所欲; 不逾矩).

Có nghĩa là con người tới 70 tuổi sẽ đạt đến tình trạng kiện toàn về phương cách đối nhân xử thế nên mọi hành động đều nằm trong khuôn khổ và nguyên tắc đạo lý của đời thường.

Tôi nay đã hơn 70, thời gian qua cuộc sống có nhiều thử thách, biến thiên. Tâm thường bị giao động bởi những sự việc không thuận ý hoặc những lời ăn tiếng nói cố ý hay vô tình của người khác có ý tứ tổn thương. Tôi thấy mình có vẻ đi hơi xa tiêu chuẩn của khổng Tử đề ra cho lứa tuổi 70. Vì thế, tôi cố gắng tìm tòi học-hỏi, tự kiểm thảo để tìm ra những khuyết-điểm trong các trải nghiệm vui buồn của cuộc đời.

Theo quan niệm cá nhân của tôi, tâm tư xác trộn trước thế sự nhiễu nhương là do sự cố chấp và chủ quan. Nếu nhìn sự việc dưới góc độ cởi mở, lạc quan, tha thứ sẽ khiến ta trải rộng lòng mình ra và mọi sự việc sẽ được giải quyết một cách dễ dàng hơn, tâm tư cũng được thoải mái nhẹ nhàng hơn.

Tuần vừa qua, tôi lại gặp phải một số chuyện nghịch ý, tôi tự nhủ không cố giữ lấy chủ kiến của mình nữa, mà cố gắng lắng nghe và cảm nhận ý kiến của người khác. Điều này mang đến kết quả là, công việc được giải quyết một cách hợp lý hơn, ổn thỏa hơn, đồng thời không làm buồn lòng người khác.

Thu nhặt kinh nghiệm kể trên, tôi muốn viết vài lời để bày tỏ và chia sẻ cảm nhận của mình. Bài viết của tôi chủ yếu là để cảnh giác chính mình, đồng thời muốn tìm hiểu về thế giới tâm linh của con người, rút lấy phần chân thiện mỹ để cùng các bạn và thiện tri thức học hỏi và khuyến khích lẫn nhau.

Văn dĩ tải đạo, dùng ngôn từ để truyền đạt đạo lý vốn là một việc làm rất có ý nghĩa và sâu xa. Vì vậy, mỗi lần chia sẻ bài viết là một sự vinh hạnh và niềm vui lớn. Muôn ngàn lời nói, chất chứa dâng trào trong lòng, nên cảm tác đề tựa: “Thế sự dưới cái nhìn của tuổi già”.

Thế Sự Dưới Cái Nhìn Của Tuổi Già

Ngày xưa, khi còn trẻ, bồng bột nóng tính, ai nói gì hơi nghịch ý, tôi cũng tìm cách phản bác. Bây giờ già rồi, nhìn đời qua lăng kính tuổi già, thấy cuộc đời quá đa dạng, tôi trở nên dễ dãi hơn, ai nói gì cũng… gật đầu xuôi thuận.

Sáng nay, xem lại mấy tấm hình cũ của nhóm mình từ hồi thập niên 70, khuôn mặt trẻ trung của lứa tuổi 18, đôi mươi đưa tôi về khoảng thời gian huy hoàng của thời sinh viên Đà Lạt. Trân quý biết bao! Thật lòng mà nói càng tiếc nuối thanh xuân thì càng ý thức được: "mình đã già rồi”!

Thời gian gần đây, lắm lúc hàn huyên phiếm đàm cùng mấy ông bạn già trong hội từ thiện, chúng tôi thường chia sẻ với nhau:

Về già, tai thì điếc lác, nên khi nghe ai nói gì thì tiếng được tiếng mất; nghe nhạc cứ như "đàn gẩy tai trâu", "nước đổ đầu vịt" không có khả năng tiếp thu, nghe không rõ hoặc trì độn. Tuy nhiên lảng tai cũng có cái hay là mình bớt nghe được những lời chê bai, trách móc và cả những lời thóa mạ, chửi bới nữa. Họ nói họ nghe, mình vô can.

Về già, mắt thì kém cỏi, đọc sách báo một lúc hoặc nhìn lâu vào màn ảnh của tivi, máy vi tính, hình ảnh bị nhòe đi. Nghĩ cũng bực nhưng cũng hay, mắt nhìn không rõ sẽ ít thấy những khiếm khuyết, ít thấy thì ít động tâm. Tâm có tĩnh lặng thì lòng đời sẽ an yên, vui vẻ.

Về già, đầu óc không còn minh mẫn nữa, nói trước, quên sau. Cũng hay, bởi nhiều thứ đang cần vứt bỏ bớt đi cho tâm hồn thanh thản, nhẹ nhàng, giữ lại cũng chẳng ích lợi gì mà còn khiến mình cứ phải suy nghĩ vẩn vơ.

Về già, sức khỏe là vốn quý. Tuy nhiên, những khi đau ốm mới cảm nhận hết được cái vốn quý ấy. Theo kinh nghiệm bản thân, lỡ khi ốm đau thì ngoài người thân trong gia đình tới lui chăm sóc, may mắn hơn còn được sự chiếu cố của vài người bạn cố tri đến vấn an, an ủi. Thế chẳng phải là hạnh phúc lắm sao?

Nói thế thôi, sức khỏe vẫn phải được đặt lên tiêu chí hàng đầu. Phải ăn uống có chừng mực, nghỉ ngơi đầy đủ, tập thể dục thường xuyên, giữ tâm thanh tịnh mà suy ngẫm về cuộc đời đã cho mình nhiều may mắn, mà tạ ơn Trời Phật.

Một hôm trước đây, tôi bỗng thấy yêu đời, thế nên, muốn đi nhuộm tóc. Đến tiệm tóc nói rõ ý định của mình, chẳng hiểu có phải người thợ thấy mình già nua, quê mùa, họ nhìn tôi một hồi và đề nghị với tôi: "đầu chú đã hói, chỉ lưa thưa ít sợi tóc, nhuộm chi cho tốn tiền". Tôi bực lắm, cảm thấy tự ái bị xúc phạm. Hồi trẻ, chắc chắn là to chuyện, giờ thì già rồi, tôi tự nhủ : “Một câu nhịn, chín câu lành”.

Già rồi, nhịn riết cũng quen. Không nên để tâm bực bội những chuyện vu vơ nữa, cũng không nên đôi co cùng thiên hạ làm chi để tiêu hao sinh lực, tổn hại tình thân hữu. Thế sự như cuộc cờ, đánh cờ là để giải trí, không nhất thiết phải thắng, thắng chưa chắc là được là hơn, thua không hẳn là thiệt là mất.

Già rồi, khi bị chê bai, mình cười, không buồn, không oán trách.

Già rồi, nghe thiên hạ huênh hoang, mình cứ giả vờ tin như thật. Mình chẳng mất gì, mà làm cho thiên hạ hoan hỉ vui sướng, lên tận mây xanh.

Già rồi, thỉnh thoảng gặp gỡ bạn bè hàn huyên dăm ba câu chuyện bên tách trà nóng, ôn lại buồn vui sự đời, đó là hạnh phúc hiếm hoi.

Già rồi, còn gặp nhau được ngày nào biết vui ngày đó, nên phải trân quý.

Già rồi, ai nói đúng sai gì, cũng không sao. Cuộc đời muôn hình vạn trạng, nên ai nói gì cũng có cái lý của riêng họ. Mình chỉ nên lắng nghe, cảm nhận và gật đầu.

Già rồi, không phản bác trước những sự oan ức, sự hiểu lầm của người khác, sẵn sàng bao dung buông bỏ, dễ dãi cho người khác tức là dễ dãi cho chính mình.

Mấy hôm nay, trời vào đông, thời tiết se se lạnh. Tôi cầu chúc mọi người “già” thêm một tí, “hồ đồ” thêm một tí, “lép vế” thêm một tí để tuổi già vui thêm một tí, để cuộc đời tươi thêm một tí và để thiên hạ “sướng” thêm một tí...

Chợt nhớ ca từ một bài hát (Hoa ngữ) có câu:"Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (留一點自己給自己.)
Nghe Nhạc: 
" Hãy để dành một chút gì của mình cho chính mình." (có thể chọn phụ đề theo ngôn ngữ mình chọn)

Phải chăng mình nên: “để dành một chút gì của mình cho người khác, và hãy dành một chút gì của người khác cho người khác?"

Già rồi, sống đơn giản cho mình, dành chút vui vẻ cho người. Hề chi ??

“Bầu trời rộng rãi cõi bao la
Thoắt đó mà nay tuổi đã già
Tóc bạc chưa tròn câu chuyện cũ
Tình bạn dặm trường vẫn thiết tha…”

Trường
11-20-2022


Xin chia sẻ bài thơ tuổi già với các bạn,


Trăng già


Bây giờ sức kiệt... còn đâu 
Làm lụng vất vả ngưỡng cầu cho ai!
Một đời cần mẫn hăng sai
Gia đình, xã hội tương lai vẫn còn!

Trước sau gìn giữ sắt son,
Nhớ về cố quốc núi non rạng ngời.
Quê hương cách biệt trùng khơi, 
Bình tâm ngoảnh lại thế đời qua mau.

Lo chi những chuyện làm giàu,
Bận chi những chuyện đảo chao của đời.
Giữ tâm an ổn thảnh thơi
Du lịch, viết, đọc... sáng ngời trong ta.


Cung đàn điệu nhạc lời ca,

Câu kinh tiếng kệ ngân nga chuông chiều.

Hoàng hôn gió mát hiu hiu

Thân tâm thanh tịnh thêm nhiều niềm vui.


Mạnh khỏe luôn có nụ cười
Bỏ buông phiền não thì đời bình an
Đã mang số kiếp trần gian

Sinh, lão, bịnh, tử chẳng màng để tâm.


Bây giờ tóc đã hoa răm,

Biết bao nhiêu cảnh thăng trầm trải qua.

Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà,

Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?


Ngô Văn Thành


********

Bài thơ của anh Thành hay quá, khiến người đọc trải rộng lòng ra, thoải mái và nhẹ nhàng. Nhất là 2 câu sau:
"Bâng khuâng ngắm ánh trăng ngà
Hỏi trăng, trăng có tuổi già không trăng?"

Thế giới ta bà nhân duyên hỗ tương tác động lẫn nhau mà khiến cuộc đời đa sắc đa màu.

"Núi xanh vốn không già, vì tuyết phủ mà bạc đầu,
Nước biếc vốn vô sầu, bởi gió thổi mà nhăn mày".
(青山原不老,為雪白頭;綠水本無憂,因風皺眉)

Nếu hỏi trăng có tuổi già chăng, trăng sẽ trả lời:
"Tôi sẽ mãi tròn trịa viên mãn khi người đời không còn oán hận thù hằn (月若無恨月常圓)."

Tiếc nuối làm chi tuổi xế tà
Cuộc đời vui vẻ cứ hát ca
Sống sao cho tròn nhân với nghĩa
Sống cả cho người và cho ta!

Trường
 
Nguồn :http://tneu.blogspot.com/2022/11/the-su-duoi-cai-nhin-cua-tuoi-gia.html 
 

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...