Thứ Bảy, 5 tháng 11, 2022

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: GIẤY NGẮN TÌNH DÀI

                      Tình chôn cuối phố – Tranh: Thanh Châu

Người phương Tây chúng tôi vốn hay chót chét véo von, nên mới có câu dằn bụng: “Cả tháng, cả năm không có ông phát thư xuất hiện trước cửa nhà thì cũng mất vui”, nghe có suôi tai lọt con nhĩ hay chăng cũng còn tùy theo bá nhơn bá tính. Mà quả có vui hơn thiệt, một ngày thầy ký lững thững bước ra ngòai với nắng vàng mây xanh, mở hộp thư thấy một cái phong bì dầy cộm, lòng dạ bồi hồi xốn xang, thầy chắc mẻm rằng tình cũ không hẹn mà gặp, chẳng kêu mà tới. Nhưng lật tới lật lật cái thư thấy tên trước, họ sau, ắt hẳn gửi từ thung lũng hoa vàng chi đây. Ngó cái địa chỉ lại lạ hoắc và dài ngoằng như công thức tóan học, không lẽ ở Cà Mau, Thốt Nốt.

       Để rồi thầy ký thắc mắc: “Ủa, chớ ai kia vậy cà…”.

       – Dạ, thưa đó là tôi.

       Nghe vậy thầy sẽ nhíu mày tiếp: “Mà tôi là ai…”, cái đó thì hãy từ từ tính, hồi sau sẽ phân giải vì có tích mới có tuồng….Tôi cũng tự hỏi là cắc cớ gì phải viết về gã, lại gửi cho thầy ký đọc chơi, không lẽ để mua vui cũng được một vài trống canh. Chưa bóc cái phong bì, thầy lại phe phẩy cái thư như quạt gió đuổi ruồi: “Gã nào ta…”. Hỏi chi mà hỏi gấp dữ thần vậy thầy ký, thì gã cũng như thầy vậy, đàn ông cũng có ba bẩy đường, gã này thì sáng say chiều sỉn, tối guắc cần câu, mượn chén rượu để tiêu sầu cố quận, lấy bạn bè gần xa làm thú tiêu dao. Từ ngày có giấy thô, bút sắt như cánh bằng bạt gió, thêm con quạ, con cò bắc cây cầu Ô Thước thì gã bò ra lăn lộn với chữ nghĩa để gửi gió cho mây ngàn bay. Rồi thẩn thơ thẫn thờ, thư qua tin lại, chiều chiều ra đứng góc vườn, trông về quê mẹ ruột đau chín chiều. Thấy có người giống mình y chang, thầy ký bỗng dưng cười mỉm chi như đắc ý: “Ngộ ha, mà có thiệt không chớ…”

       Vậy đó thầy, áo không mặc qua khỏi đầu nên cũng chẳng dấu gì, gần mực thì đen, gần đèn thì…lu, gần gã lâu ngày tôi cũng lây cái bệnh…”giấy ngắn tình dài kể sao cho xiết”. Không có lửa sao có khói, khói lam cuộc tình thì lằng nhằng cho lắm, chẳng qua cũng chỉ vì bấy lâu nay vướng víu hai chữ “bạn đời” với “bạn đường”. Như cái rằm nằm bẹp dí trong lòng bàn tay, lại nằm chấn ngang xưong giữa đường tình với đường gia đạo, nhức nhối và ngứa ngáy khôn nguôi. Nghĩ lại cái tuổi đang xuân ngày nào, tôi ngu ngơ cứ tưởng như chuyện đời sẽ êm ru bà rù như như ăn với ngủ, ngỡ thảnh thơi vài năm để chọn lựa tào khang, ai dè số kiếp buông xuôi để nghiêng trời đất méo, biết làm sao hơn. Lớn lên một chút, chịu cảnh cô liêu chích bóng cùng vết thương nhớ đời. Thét rồi thì nhớ từ cơn đổ vỡ nhớ đi, nhớ trong hồi đọan chia lìa nhớ lại. Thấp thóang giữa đám lau lách trí nhớ bội bạc, tôi nhớ như một nguời tình bị phụ rẫy, nhớ nỗi bất hạnh của chính mình, như bị bỏ bê xua đuổi với lá úa tiễn người đi, nên mới có lá thư này.

       Trước lạ sau thân, nay trộm có mấy hàng thô thiển gửi đến thầy ký, gia dĩ biết thầy là người đi Tây đi Tầu, lịch duyệt nhân tình thế thái, thấu hiểu chuyện đời, rành tâm lý, biết phân biệt giả chơn, xin thầy ký chỉ giáo đôi điều thì đội ơn lắm thay. Nhưng hãy khoan hối hả, hãy để tôi tâm sự hết rôi thầy sẽ rõ.

       Vì rằng thư bất tận ngôn, tôi xin mạn phép vào truyện….

***

       Ngày qua tháng lại, cũng cả mấy năm nay, tôi là người bạn đời của…chàng.

       Nói chí đáng, hình như tôi không hạp với cái danh xưng “chàng” thì phải, nghe như chuyện tình của hai cô cậu ở cái tuổi mươi tám đôi mươi, dắt díu nhau ra ngòai bãi cát nói chuyện trên trời dưới biển. Và ai ai cũng đóan được đọan kết không có hậu cùng tình vỡ, tình buồn, tình cuối chân mây, như dã tràng xây cát biển Đông. Thêm một lần Đông Tây chẳng bao giờ gặp nhau, chữ nghĩa xà bát gọi nhau ở đây chỉ vỏn vẹn “mày, tao”, nên tôi gọi bằng “gã”, nghe cụt ngủn vậy đó thầy, nhưng nó thể hiện một phần nào cá tính ngắn và gọn của người mắt xanh tóc vàng quê hương tôi. Ngôn ngữ bất đồng là thế, như chàng…Ấy quên, như gã bao lần giải bầy cho tôi chữ bạn qua đất lề quê thói, như bầu với bí, nào là bầu ơi thương với bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn, để có…bầu bạn.

       Chưa hết, gã còn nặng nợ với sách vở qua điển xưa tích cũ, qua ông chú bà bác, như cứ cái gì nhúc nhích được gọi là “con”, như con chim, con nhòng, tức giống đực. Cái gì cứ ngồi lì một đống thì được gọi là “cái”, như cái bàn, cái bướm, chạy trời không khỏi nắng là…giống cái. Đực hay cái gì cũng thế thôi, thiên hạ tù mù đều hiểu ráo trọi qua một cái tình, nhỏ có tình trai gái, lớn nhồng có tình vợ chồng, già khú đế có…tình nghĩa. Úi cha, nghe lôm côm quá sức, gã nhồi nhét thêm, trước tôi là bạn sơ giao, sau là bạn đời, chứ không phải là người bạn đường của gã. Nghe đã không thầy ký, vì vậy đến cái nước nôi này tôi chẳng biết tôi là cái giống gì nữa, thêm mấy người mồm có gang có thép: “Hay là tôi là thứ lại đực, lại cái. Nói đại đi cho rồi”.

       Sự cố như vậy tôi phải làm cho ra lẽ, từ sớm hôm tới giờ tôi cứ như Phàn Lê Huê tất bật dọc ngang suôi ngược là thế. Có người lại cắc cớ hỏi sao tôi rành tiếng Việt quá mạng vậy cà, nói năng rôm rốp như voi nhai mía hay sắp trổ mòi gỡ rối tơ lòng cùng thì thầm bên gối chi đây. Họ thương tôi chọc cho vui vậy chớ, tôi có ăn nói lốp bốp chi đâu, thiệt tình chứ chữ nghĩa tôi cũng bí lù, chỉ biết viết mà viết thì cũng không ngòai tập tễnh ghép chữ, ghép câu như ông tề bắt ấn thảo bùa chú. Ngay như mấy trang thư này, tôi o bế đến mấy bữa, săm soi như như nhổ lông gà lông vịt, bứt tới bứt lui cũng bốn, năm hồi lận mà chưa tới đâu đó thầy ký.

       Thầy đang lắc đầu ngán ngẩm, vào đề chi mà lâu lắc kề rề quá ể…Thầy ký à, tội tình chi ở tôi, chẳng qua từ cái thuở khai thiên lập địa, ông già bà cả xa xưa của gã vẫn thường nói ăn cơm mới nói chuyện cũ: Những kỷ niệm cũ xì này lại đắp mô, đắp mồ ở vào những ngày tháng tuổi hồng, tuổi xanh, xa tít mù khơi mãi tận miền Bắc lận. Bên con lộ, góc vườn, gã trửng giỡn với con quay, con vụ đến u đầu sứt trán. Sau đấy, đeo dính cứng tầu há mồm vô đến miền Nam, lớn lên một chút thì gã xớ rớ ngòai mé kinh, sân cỏ, mồ hôi nhễ nhại vật lộn trái banh, trái bưởi đến văng móng chân, lòi ống quyển. Gã như là người hòai cổ, tối ngày ôm ba cái thứ tạp nham như thú chơi cổ ngọan, nâng niu chăm bón như nuôi con mọn. Nhưng nói xa chẳng qua nói gần về gã thì gã là người nặng tình với bằng hữu cùng nỗi sầu cố quận như đã thưa với thầy ở trên. Dông dài thì ở cái tuổi còn đi học cùng năm này tháng nọ, gần gũi thân quen với gã không ngòai mấy con quay, trái bóng vô tri vô giác. Rồi thì lớp xưa với chúng bạn đồng tuế thì gã nhớ vanh vách, chuyện gần thì lại quên tuốt luốt, tối ngày sàng tới sàng lui ỉ ôi như chè khoai nước đường cũng bằng ấy thứ, thằng này thằng kia, chịu trời không thấu, nghe riết muốn khùng luôn.  Không có bạn bè gã làm như muốn đổ bịnh, điệu này ông già bà cả kêu là “Cao sơn lưu thủy trường, nhứt khúc ngộ tri âm” đó thầy ký.

       Qua cơn binh lửa lọan ly mịt mùng, gã tha phương cầu thực tới đây khơi khơi đóng tuồng làm người di tản buồn ở cái tuổi tứ thập nhi bất hoặc,  “bất hoặc” đâu chẳng thấy, chỉ biết rằng hữu duyên thiên lý năng tương ngộ hay vô duyên đối diện bất tương phùng thì chỉ có trời mới thấu. Một ngày mưa gió sập sùi, gã như kép độc lân la làm quen với tôi, mới đầu là bạn đồng nghiệp, lớ quớ sau thành người bạn đời để tôi lao đao vất vả, ăn không đặng ngủ không vô. Nhưng lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đến cái tuổi sương sương, có được vài mạng coi mình là tri kỷ, bảo đảm cuộc đời sẽ không phải là mầu tím hoa sim. Thế nhưng trước đó, ý tôi muốn nói là những năm đầu chân ướt chân ráo của gã, tôi lại chưa sinh ra đời, vớ vẩn thế đấy. Lội ngang lội dọc như cá lòng tong thì yêu nhau yêu cả đường đi lối về, nhưng không có chuyện “Em tan trường về đường mưa nho nhỏ…” ở đây. Ấy là tôi chỉ ví von, ví dầu cho vui chuyện vui trò đó thôi, giữa tôi và gã, hiềm một nỗi vì còn có một khỏang cách hơi khó ăn khó nói trong lúc này.

       Chẳng cầu mong gì hơn là thầy rà sóat hết cái thư để hiểu rõ nỗi niềm của tôi hơn.

       Nhưng sau này là bạn đồng mộng đồng sàng nên tôi thấu rõ những ngày tang thương ngũ lục bỏ xứ mà đi của gã. Tay xách nách mang tới chốn này, đất của cơ hội ở cái tuổi ba mươi muộn màng. Lại lề mề trở về với nho gia, kẻ sĩ cùng cái tuổi tam thập nhi lập, gã “lập thân” bằng vào những buổi tối kẻ đón người đưa, gã thở ngắn vắn dài với sinh ngữ sinh tồn ở mấy lớp đêm, để bắt đầu lại từ con số không, to tròn như cái bánh bao, bánh ú. Vốn liếng còm cõi được mớ chữ dằn túi như cái cần câu cơm, mừng hết lớn và gã tưởng như vậy là đủ khi ra đường đời. Mới tinh mơ mắt nhắm mắt mở, tay vừa lái xe, tay vừa cầm ly cà phê, gã tự bằng lòng là đã thích nghi với tập quán của người bản xứ. Đánh vật với bách nghệ, trôi nổi đầu ghềnh cuối bãi, gã cũng chẳng nhớ làm được những nghề gì, chỉ biết là vất vả tư mùa, may ra vắt mũi sủi tăm cũng đủ đút miệng, nhiêu khê vất vả trăm bề. Gã cầy như hạc, như sáng mò mẫm đi không kịp ngó ngàng đến cái giường chăn gối bừa bãi, chiều lẳng lặng về làm tô mì ăn liền hay cơm tay cầm, chẳng buồn nhìn đến cái máy vô tuyến truyền hình đen trắng. Cuối tuần thì tụm năm túm ba với mấy ông đồng hương đồng xóm, ới thằng này gọi thằng kia, rượu bất khả từ nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ với mấy cái chân gà, giò heo cùng mấy ông bạn nhậu, ngất ngư ứ hự tới khuya mới trót đời. Xong bữa ai về nhà nấy, tuần sau cũng từng ấy mặt, nhàm chán đến buồn tênh.

      Với gã, họ chỉ là bè…Bạn thì sức mấy.

      Bắc Kỳ kỹ khó khăn thế đấy, số sui gì đâu gặp một lần là tôi tởn tới già. Hoa rơi cửa Phật, cũng chẳng lâu lắc gì, đếm trên đầu ngón tay ngón chưn cho đủ bộ, cũng đến hơn cả chục mùa thu lá rụng gã mới hiện diện trong quãng đời xuân sắc chưa lên đã xuống của tôi. Buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, cái ngày đầu tiên gã đến hãng nhận việc thì tôi đang ngồi dũa móng tay trong văn phòng nhân viên. Như bị hớp hồn, gã ngó tôi thấy ớn, như ma nhát mặt người, chắc mẻm tôi là một người hành tinh nào đây. Tôi cũng làm bộ tỉnh queo không buồn nhìn gã, mắc mớ chi tới người dưng nước lạnh, nói chi đến nhếch mép cười tình làm duyên cho phải đạo. Vậy mà đâu có êm, cho đến khi gã đưa giấy tờ và nói chuyện với cô thư ký, tôi mới cháng váng đầu óc và xăm soi thăm chừng. Ui cha, nói thầy ký bỏ qua chớ tôi muốn lủng lỗ nhĩ lòi con mắt vì không biết gã ăn mắm bò hóc, bò tó gì mà nói tiếng Tây tiếng u với cái giọng miệt vừơn nghe ồm ộp như cóc nhái kêu. Vậy mà gã cứ thản nhiên như cái máy hát lên giây thiều cà tưng cà tưng với sừng, cống, xề, xáng, nói năng vung vẩy, chữ rơi chữ rớt, nên tôi càng hổng hiểu gì hết ráo, tôi chắc mẩm gã là một thằng Chệt chết bầm nào đó từ bên Đài Loan qua đây. Rồi gã được đưa lên lầu, nhìn cái lý lịch trích ngang tôi mới hay gã là người Việt Nam chèo thuyền qua xứ tôi tỵ nạn.

       Trước đó tôi có đọc những chuyện vượt biển Đông của những thuyền nhân, ở giữa cái thành phố với nhịp sống đều đặn tẻ nhạt này, đâu cũng giống nhau, giữa ngã tư, ngã ba là một cái nhà thờ, một trạm xăng thì những câu chuyện ấy cuốn hút tôi như những cuộc phiêu lưu của Lỗ Bình Sơn lạc vào hoang đảo. Và rồi tự trong tâm can tôi cũng có một chút đồng cảm, đồng tình với gà, vì dẫu gì cũng đồng hội đồng thuyền, gốc gác họ hàng gia tộc của tôi, theo gia phả thì cũng ở bên Đại Lục từ thời ông Mác-cô-pô-lô với con đường nhung lụa, sau kéo  nhau qua đây làm đường rầy xe lửa. Nhưng đến chi, tông họ “ VI “ của dòng họ tôi thì cũng mới chỉ qua đây trước gã một thế hệ… Thế cho nên tức cảnh sinh tình để sau này gần gũi thân quen là như thế, mà này thầy ký, xin vô phép vô tắc vì đàn bà, con gái đái không qua ngọn cỏ, dốt hay nói chữ, nhớ cái đuôi sam tóc bím, nếu tôi mang mớ chữ Hoa, chữ Hán ra tụng như tụng kinh Khổ Nạn thì thầy đừng để bụng nghe. Thầy không nói tôi cũng hay là thầy đang nghĩ lởn quởn trong đầu: “Cái họ VI này nghe quen quen, hình như gặp ở đâu rồi thì phải”. Rồi thầy gãi đâu gãi tai: “Chuyện gặp nhau ở chốn làm ăn thì có chi đâu mà kể lể”.

       Đâu có dễ vậy thầy ký, vậy không phải vậy, rồi ra mỗi người một việc, ai lo việc nấy, xa mặt cách lòng chẳng ai rỗi hơi ngó ngàng đến nhau, trừ ngày thư sáu cuối tuần gã ghé văn phòng tôi lãnh lương, vẫn cái điệu nín thinh xò câm. Truyện trời ơi đất hỡi giữa tôi và gã chỉ có vậy, chẳng gì hơn như thầy vừa bắt mạch ớ trên, thiệt tình chịu thầy hết biết. Nhưng cũng chẳng dấu lòng, ba hồi nhìn ngang liếc dọc, hình như tôi có hơi nặng nợ với gã cùng những vẩn vơ, vơ vẩn, lẩm rẩm chi đó được mấy năm, kịp bổ sung được mấy món võ mồm phòng thân, kết giao đồng hương dăm bác, gặp đợt tuyển người vào cơ quan dưới phố, gã phấn đấu được một chân. Gã nháo nhào bỏ đi không một lời giã từ hẹn ước một ngày châu về hiệp phố, vô tình để lại trong tôi những não nùng tê tái, cõi đời này y chang như tổ tiên tôi đã dậy: “Niệm thiên địa chi du du, độc thương nhiên nhi lệ hạ”, cái chỗ làm việc sáng vác ô đi tối vác về ở cái đất này chỉ là bến tạm, mà mọi người một lần trong đời trên đường thiên lý phải ghé qua, dù muốn hay không. Đó chẳng phải là cõi trần gian tạm bợ  này sao, đến và đi chẳng ai hay biết, dòng đời cứ chẩy mịt mùng. Không dưng gọi là bến tạm thì nào có khác chi cây đa cũ bến cũ mà tôi là cô lái đò một lần tiễn khách sang sông. Bỗng nhiên tôi khải ngộ được một điều, đưa người ta không đưa sang sông, sao có tiếng sóng ở trong lòng, còn tôi đưa gã, tôi lại đưa sang sông thì sóng vỗ biết cơ man nào mà kể, mộng và thực như vậy đó, bàng bạc từng trên ngọn sóng, từng khúc phà trăn trở.

       Tôi cứ khư khư giữ riết lấy cho mình những hình ảnh cũ, những thương tiếc này, những ngậm ngùi kia với mộng và thực, trong khi gã hơi sức đâu bỏ công đi thương nhớ một chỗ tạm dừng. Đến đây phải thú thiệt với thầy ký, gần gã tôi chịu đèn hết biết câu “Một duyên, hai nợ” của người Việt, tin hay không tin tùy thầy, ở hiền gặp lành, trời thương  thánh độ, sau cơn mưa trời lại hết âm u, ít lâu sau có nơi cần người, mướn tôi làm việc, tôi lại…gặp gã nữa, còn duyên hay nợ là chuyện sau. Chuyến này hai đứa tôi lại ngồi chung trong cái “hộp” dựng đứng mà gã kêu là cái chuồng cu, còn tôi thì hoang tưởng tôi với gã là thuyền nhân lạc vào đảo hoang và tất cả mọi sự ba chìm bẩy nổi chín cái lênh đênh xẩy ra ở cái…hoang đảo này…

       Ngay cái giây phút một nhớ hai quên ấy tôi nhận ra gã ngay, khổ nỗi vừa ngồi xuống là gã cứ e dè nhin cái bản mặt mặt vuông chữ điền tôi như nhìn người cõi trên, miệng câm như thóc, tôi cũng nín thinh xem con tạo xoay vần tới đâu. Ngẫm cho ngay, xấu đẹp tùy người đối diên, nào tôi có tóc vàng như rơm khô, mắt xanh như mắt mèo gì cho cam, nhưng không hiểu tại sao gã khớp tôi thấy rõ. Nhắm chừng khi xáp vô bát quái trận đồ cùng nhau trả nợ áo cơm, thấy tôi nhấp nháy gõ chữ rào rào như sương sa hạt lựu thì gã quýnh quáng, tất bật đánh máy bằng hai ngón tay lóc cóc như chim gõ củi, chữ này sọ qua chữ kia, nhẩy hàng lung tung, thấy mà thảm thiết, như mộng dưới hoa, chưa gặp anh em vẫn nghĩ rằng…Bỏ qua cái bộ gõ, như cung đàn lạc điệu, tôi với gã như mặt trăng với mặt trời, như nước với lửa. Lại Đông Tây chẳng bao giờ gặp nhau, như ai đó nói: “Hãy chỉ cho tôi bạn anh, tôi biết anh là ai”, đại lọai như chanh chua thì khế cũng chua là trật lất. Vì cũng đã có người nói, gã hời hợt, dễ giận nhưng cũng mau quên, tôi hồn nhiên, sâu sắc hay ưu tư, gã xốc nổi dễ bắt chuyện dẫu là người lạ, còn tôi thì lặng lẽ chừng mực ngay cả với những người đã quen. Gã “dễ bắt chuyện” để một ngày bất chợt có cô bạn trẻ ghé qua, cũng là người đồng hương của gã và nói: “Bác già rồi, có  ngày “nó” hại bác đấy”. Má ơi, tôi nghe muốn chết điếng mà cái con nhỏ xàm láp này muốn bày chuyện chi đây, “nó” đây là tôi chứ còn ai trồng khoai đất này, nhưng tôi hơi sức đâu nghĩ đến chuyện tầm phào đó, nói cho ngay tôi còn đang lu bu với cái buổi ban đầu lưu luyến ấy.

        Chuyện là gã đang…”tìm hiểu” tôi, có mòi hạp tánh hạp nhãn sẽ tiến xa hơn thầy ký à. Ít lâu sau, gã kể lể tôi mới biết thêm, nào là thiên hạ phong trần, la cà nhiều nơi, quen lắm cũng nhiều, nên gã từng tự hào, một người quan hệ qua diện mạo, phong thái độ một tuần, nửa tháng thì gã đóan trúng phốc là có  thể  kết tâm giao được hay không. Riêng gặp tôi thì gã tối hu tối hù, ai lại vô tri vô giác như cây…củi khô, cả ngày không động mồm động mỏ. Tôi nghe mà thấy chưng hửng, nhưng nói cho cùng qua mặt thầy ký cũng chẳng đặng, là phận “củi khô” như gã ví von, gần gã hàng tháng hàng ngày, bén hơi bén tiếng, tôi cháy lên từng giờ, từng phút, tim ngực căng cứng cảm xúc ê hề nào ai có hay biết. Nói đến chuyện bén chơn bén cẳng, gã vô tính, vô ngã đến độ đâu hiểu rằng trong công việc hàng ngày, chuyện chẳng đặng đừng là đụng chạm chân tay thế nào mà chẳng tránh khỏi, nào ai có muốn. Tôi thì cứ giả bộ ỡm ờ câm nín, gã khô hốc ráo hỏanh để chẳng mảy may vồ chụp. Chỉ lừng khừng, kiểu lừng khững của một thằng liệt dương, mà không liệt thì cũng sắp liệt, gã như vô tình, vô tư quá đỗi, lững thững ra ngòai…làm một hơi thuốc lá.

        Vào lại cái chuồng cu, gã lại khum khum ngó tôi ”tìm hiểu” tiếp, như coi phim bộ nhiều tập. Thôi rồi, gã học thói mấy bà già trầu ra cái điều lấy vợ xem tông lấy chồng xem giống, đúng là thứ quáng gà, thì cứ ngó cái bảng tên đeo tòn teng trước cái ngực xẹp lép của tôi  là gã dư biết tôi con cái nhà ai, hữu sanh vô dưỡng nhưng cũng còn có tên có họ. Ắt hẳn là gã đang u mê tăm tối với lớn vú bụ con cùng trường túc bất chi lao chi đây, tôi thầm chừng vậy, mà mấy cái ngữ này thì tôi hơi thiếu vắng nên ít ai ngó ngàng rớ tới tôi. Nay có cơ duyên gặp gã này chắc mẩm hết cơn bĩ cực đến tuần thới lai, thế nhưng liễu yếu dựa bóng tùng đâu chẳng rõ, lại nhè anh lừa xương nhả sạn, cái thứ trai tân như gà tây, gà gô, thiệt tình hết biết. Mà nói cho ngon lành cho mát da mát thịt vậy chớ cái mửng này gã có vợ kèo con cột ở cái xứ Bắc Kỳ thì tôi chắc tiêu tùng một đời huê quá, nghĩ cũng ớn lạnh thầy ký à.

       Riết rồi không đâu tôi cứ bị ám ảnh với câu: “Bác già rồi…” để thóang thấy chạnh lòng cho gã. Già thì có già thật, nhìn cái lưng cắm cúi lom khom, hai ngón tay khẳng khiu nhặt nhặn từng chữ đến tội nghiệp, mắt lại kèm nhèm lui cui dò từng dấu chấm, dấu phẩy, thấy thảm sầu gì đâu. Gã cứ lầu bầu tiếc nuối cái thuở vàng son với mấy cái máy cổ lỗ sĩ rơi rớt lại từ thời Tây đánh thành Hà Nội. Ấy vậy mà cũng ngộ, vừa tiện vừa lợi hết sức vậy đó, mấy ông nhà văn, nhà báo xách cái cục sắt như cái máy thâu băng kim thời, sáng ra làm chuyện thời sự, xe cán chó, chó cán xe, ghé bến xe đò, sà vào quán cà phê làm cái xây chừng, ngồi xuống là…“máy tay”, mổ cò chí chát. Xong, kéo tờ bản thảo ra cái rẹc, rồi thẩy vào nhà in cho thợ sếp chữ, chiều về ghé quán cóc lai rai ba sợi thấy ngon ơ, cứ như ông già Ba Tri rà rà, ra từ từ, phẻ gì đâu. Tiếp đến gã rầu rĩ thở than, nay thời buổi hiện đại với cơ khí, cơ tốc là cái máy điện, muốn cho vận hành phải kích động tức bấm nút, muốn tắt thì đi tìm…nút bấm, đèn đuốc chớp lia chia. Vì vậy tôi cũng đồng tình với con nhỏ hương đồng cỏ nội của gã là tuổi tác gã chẳng còn thích hợp với công nghệ “hai-tếch” nữa.

       “…Có ngày nó hại bác đấy”, có giận tràn hông cũng đành bấm bụng nín thinh nhưng với thầy ký thì phải nói cho ra lẽ, gã hại gã thì có, nào tôi mắc mớ gì với chuyện ấy…Chuyện là công việc văn phòng phải rình ràng tới hồ sơ, ngăn này, tủ kia, lớp trên, tầng dưới, gã cử bạ đâu nhét đấy, chỗ này một mớ, chỗ kia một cái, tìm cả giờ không ra, tôi chỉ biết lắc đầu hỡi ơi. Đến cả chuyện bình thường như ba cái chuyện con cò, con tem cùng địa chỉ kẻ ở người đi gã cũng mù chớt, tôi lại phải chỉ vẽ cho gã. Vậy mà gã cứ lò dò như ông già chống gậy, viết thư gã cứ nhè kêu là viết “thơ”, chịu trời không thấu tôi la làng: “Viết thư với làm thơ khác nhau cha nội”, một hồi gã mới chịu im re.

       Kể từ đấy, tôi bắt gặp gã vào giờ ăn trưa, tay khúc bánh mì, tay viết thư…

       Thêm cái đầu đặc sệt, gã cứ khư khư nghĩ rằng làm chỗ nào là bắt chấu, bắt “bù loong” vào ghế ngồi chỗ ấy đến mãn đời, thiếu điều đến đời con, đời cháu, ở đây không vậy, hết việc là dứt tình dứt nghĩa…Như tôi biết thân biết phận, cứ vật vờ, lớt phớt giữa mấy phòng ban cùng phe này cánh kia, muốn thọ thì cứ mềm như cục bột để cho cuộc đời nặn với véo. Biết ăn theo thuở theo thì, bầu tròn ống thẳng, chẳng mích lòng ai thì sớm hôm mai chiều, tương lai cứ lên như diều gặp gió, sống thì phải có lửa, có hương, cuối năm bình bầu phe phẩy bổng lộc. Cầy được mấy năm, gã vẫn lờ đờ há ngoác miệng như mấy con cá trong ao tù, cũng có văn hóa như ai, chỉ thua cái mánh lới và năng nổ nên đường công danh họan lộ của gã như cái biểu đồ đi xuống. Tình trạng thơ thới êm đềm ấy cũng chẳng được bao năm, để rồi một ngày thứ sáu cuối tuần, gã nhận được cái thư, kết cuộc là hai chữ…”Cám ơn” lãng xẹc, lạnh tanh, lạnh ngắt. Thêm một lần chia tay, đường đời muôn vạn ngả.

        Khổ nỗi gã vẫn chưa có một mối tình cho ra hồn để vắt vai.

***

       Ngó trên trời có trăng sao thì tôi tin mỗi người đều có một vận số với những gặp gỡ bất chợt, nhưng run rủi gặp sao tuế, sao nguyệt thì như định mạng đã an bài với cuộc tình sốc nổi chẳng suông sẻ gì mấy. Vầy nè, gặp buổi trăng tà nguyệt tận, gã nằm nhà lâu ngày cũng mụ người, bèn nhàn tản giữa phố đông người qua. Khi không tôi đang thẩn thơ ngắm ông đi qua bà đi lại, bỗng tóc mai sợi ngắn sợi dài cứ dựng đứng lên như lông nhím khi ngó thấy “người xưa” hiện ra một đống trước mặt, miệng cười cầu tài, ăn nói vồn vã như quen nhau tự thuở kiếp nào. Gã nói chuyện trời biển với cái giọng Bắc Kỳ pha tiếng Nam nhẽo nhẹt làm tôi mát dạ mát gan. Gã nói như nhòng lột lưỡi, nói thôi tía lia, nào là đời người không có bạn như cây cổ thụ không có lá, ví dầu như cầu không đinh, như đình không mái. Gã nói như Sơn Đông mãi võ bán cao đơn hòan tán, nhưng khôn trật đời là hậu sự rủ rê tôi về ở chung với gã cho có bầu có bạn, gã hò gã hát “Nước chảy riu riu, lộc bình trôi ríu rít – Anh thấy em nhỏ xíu anh thương”, nghe mà bắt mê. Nhưng nghe chuyện “bầu bì” no tròn như trái dưa hấu xẻ đôi úp lên nghe thấy mà rợn da gà, sau một tuần tính tới tính lui hơn thiệt, khôn ba năm dại một giờ, cũng tại mình hết thảy, trong một phút yếu lòng với Lã Bố hí Điêu Thuyền cùng lời nói chí tình khiến tôi động lòng và khăn gói gió đưa về nhà gã. Đồ đạc gia tư tế nhuyễn ở xứ này như thầy đã hay, không ngòai cái thùng giấy lằng nhằng với ba mớ giây nhợ.

       Về đến nơi thêm một lần thuyền ra cửa biển, phận gái mười hai bến nước trong nhờ đục chịu, như bày đặt sẵn, gã đã dọn dẹp đâu vào đấy cho tôi một cái phòng riêng. Cũng như thầy ký đang lâm râm trong đầu: “Cái gì mà lạ vậy trời”, tôi còn biết thầy đang chộn rộn, lửa gần rơm có ngày cũng bén, giữa bốn bức tường ắt hẳn là có chuyện đờn ông đờn bà chi đây. Với thầy là bậc thức giả, tôi thì bù trất chuyện đời và cũng chẳng cần phải dấu diếm làm chi, mặc dù ở khác phòng, nam nữ thụ thụ bất thân. Tôi thề là trên có thiên lôi dưới có hà bà, tối lửa tắt đèn, nhà ngói cũng như nhà tranh chẳng có mục đầu ấp tay kề với nệm ấm chăn êm, thì cũng không ngòai “Đêm nằm tơ tưởng, tưởng tơ – Chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”. Nhưng sáng đêm chiều tối thủ thỉ với nhau thì cũng có những buồn vui này nọ, nhưng vừa chia tay là tôi đánh một giấc ngon ơ đến sáng, tuyệt nhiên không có cái chuyện nhơn tình, nhơn nghĩa khỉ gió, khỉ tiều chim kêu vượn hú ấy…

       Riêng gã co ro nằm bên kia, tình nhân ngãi non vợ chồng hay “chuối non giú ép chát ngầm” hay chăng là chuyện của gã, tôi nào có hay, tưởng tựợng ba cái thứ ấy chi cho mệt xác để ốm o gầy mòn. Xẹt đi xẹt lại riết rồi tôi cũng sáng mắt ra, gã đúng là thằng chồng chúa vợ tôi, suốt ngày bảo tôi làm cái gì tôi phải làm cái nấy, tôi giả câm giả điếc, đành một bề chịu lép. Nhiều khi ông nói gà bà nói vịt, gã nói tôi không hiểu, gã cứ văng hành quăng tỏi, thiếu điều muốn dở thói vũ phu, tôi sợ gã thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì khốn, nên gã bảo sao tôi làm vậy, tội vạ gì mà gây với gã dở người. Ở với gã thì rầu muốn chết, mà xa thì nhớ đến đứt ruột, rồi tôi cũng làm ngơ để thuận thảo đề huề…”Buồn riêng biết tỏ cùng ai – Cắn răng nuốt hận, nghiêng tai lấp hờn”, tình đời thay trắng đổi đen là vậy vậy đó thầy ký.

       Số là gã càng có tuổi gã càng sinh tật, như cái tật chán đời, đâm ra u uất cùng trời sầu đất thảm, không buồn nhúc nhích chân tay, ngó bóng câu qua cửa sổ, suốt ngày đi ra đi vào, như Vân Tiên cõng mẹ trở lui, đụng phải cột nhà cõng mẹ trở ra, Vân Tiên cõng mẹ trở ra, đụng phải…cái thùng thư thì gã mừng rơn vì tìm ra chơn lý. Như ông “Ác-Chi-Mét” nhẩy vào bồn tắm, nước chẩy ra bèn nhẩy cỡn lên vì phải lau…cái sàn nhà, không thì vợ con nó rầy rà. Từ lúc đó, gã lấy thư với từ làm cái thú tiêu sầu, tiêu dao như đã thưa với thầy ký ở đầu thư. Từ cái khúc rẽ ngang nửa đời nửa đọan ấy, suốt canh trường nhiều khi thâu đêm suốt sáng, trong bóng tối mù u, gã múa bút ngang dọc như Triệu Tử Long phò ấu chúa thấy mà bắt mắt. Gã ra câu xuất cú dễ dàng như gà đẻ trứng vàng, tôi thấy mà bắt thèm, như thèm của chua, như sòai tượng chấm với mắm ruốc bà Giáo Thảo. Thế là gã rủ rê kéo tôi vào ngồi bên cạnh, sát cánh kề vai, nhột muốn chết, rồi mặt kề mặt, miệng gã như cái gạt tàn thuốc lá hôi rình, vô duyên đối diện bất tương phùng là thế. Nói vậy chớ thiệt tình mục đó tôi không ham nên ngó lơ, ngồi đồng trơ thổ địa thầy ký à. Mà thầy đừng học cho ai hay nghe, kỳ cục hết sức vậy đó.

      Nhưng cũng nhờ vậy tôi mới hay những chuyện hết sức tức cười của đám bạn gã, như đã lòng vòng ở trên, gã gom bi được lũ bạn đá banh, đá bóng nay đã ngập đầy trong cái thùng thư, lão nào cũng lục tuần nhi nhĩ thuận nhưng chẳng “thuận” chút nào. Ai nấy cũng đầu hai mái tóc, gặp nhau tay bắt mặt mừng, hè nhau hót như con nhòng, con cưỡng. Đang đông vui vô tư quá sức, thế mà cùng một câu dỡn, bữa trước không sao, bữa sau như trái sầu riêng sẻ làm đôi cùng gai với góc, rồi khi không hờn mát, hờn nóng. Để rồi sầu riêng, sầu chung bày hàng ê hề qua cánh nhạn, bồ câu, báo hại bạn bè lại phải mất công vuốt lông vuốt cánh, mà bồ câu thì mập ú, còn mấy lão ốm nhom, nên sờ mó cũng mất sướng. Nghĩ chơi thấy lãng xẹc, đến như ông Bành Tổ nhân trung dài ba thước sống đến tám trăm tuổi cũng thác, huống chi mấy lão ốm nhom ốm nhách này một sớm một chiều cũng phải gặp tổ tiên, lúc ấy bằng hữu mới hô hóan nhau ô hô ai tai, rồi thơ thẩn thương vay khóc mướn dầm dề cho mà coi. Đúng là tuổi già bằng hai đứa trẻ con hoặc giả như con tắc kè sáng chiều thay mầu đổi sắc rồi nghiến răng trèo trẹo, mụ nội ai mà hiểu nổi mấy lão kỳ nhông là ông kỳ đà này. Kỳ cục thì có thầy ký há.

       Đảo qua chuyện thơ thẩn dầm dề âm u một cõi, thay vì như báo nhựt trình đã đăng: “Mỗi người Việt là một ông quan” thì qua đây với cuộc đổi đời, bạn bè gã mỗi người là một nhà thơ, nhà văn, nhà báo. “Nhà” này, nhà kia, nhà gì mà nhiều quá thể không biết, cũng kỹ sư, cử nhân hạng giỏi cơ đấy, chữ nghĩa chi mà cũng nhiều quá mạng. Lạc lòai qua xứ tôi như sinh lầm thế kỷ, lơ mơ thần trí lạ lùng, thế nên chẳng thèm gì cả, thịt chó, thịt người cũng chê tuốt luốt, đầu óc vất vưởng vào một mảng chữ nghĩa cùng thơ với nhạc, rồi thì giữa tháng cuối năm lúc nào cũng hanh hao như ẩn sĩ với phố vắng chiều hôm, Trời sui đất khiến, khiến tôi cũng buồn nhiều hơn vui, yêu mầu tím thích mầu đen, lặng lờ lên xuống như nước thủy triều theo đám bạn của gã. Riết rồi tôi như bị bịnh tương tư, tương tế, măc tình cho dòng đời xốc nổo, nổi trôi theo mộng: Mộng lớn mộng nhỏ đủ cỡ, mộng xưa mộng nay, mộng viết văn làm báo, mộng xây nhà dựng nước và mộng nào cũng mất thì giờ …như bạn bè gã, mệt kể gì.

       Lan man qua chuyện khác để không hiểu nổi là thư của gã như như theo chim trời mây nước, để thư đi thì có thư về thì không. Như quan viên hai họ, nhận được cái thiệp cưới, chẳng mảy may quan tâm đến hồi âm, hồi báo, cứ như là con chuồn chuồn, khi vui thì đậu khi buồn thì bay. Sự thể có những lão, xuân thu nhị kỳ thư từ chi mà nhút nhít từng chữ, chứ không bung thừa, chém chết không là kỹ sư thực dụng thì cũng là dân võ biền một nghiêm, hai nghỉ. Chẳng bù với mấy lão khác, viết lách phủ phê, nhưng gặp mặt thì ôi thôi, nói năng dè sẻn, bói cả ngày không ra một câu, văn tức là người xem như nửa đời hương phấn. Từng ấy chuyện để cũng có những tuần cái thùng thư rỗng tuyếch rỗng tóac, những lúc ấy, mặt mũi gã trông thật thảm sầu bi thiết, hết chong mắt mười ngày đợi mong, không nghe mưa ngắm nắng ngòai vườn thì cũng nằm dài ra giường ôm mớ tứ thư ngũ kinh nghe cổ nhân dậy khôn trên sách vở. Được một lúc lại lóp ngóp dậy lóc cóc với cái bộ chữ như một cái nghiệp. Nhiều khi tôi nghĩ làm chi mà rầy rà dữ thần vậy không biết nữa, quên phứt cho nó rồi.

       Sự đời cũng có nhiều nỗi éo le, cha mẹ sinh con trời sinh tính, bạn bè của gã cũng chẳng giống ai. Tương tri bất tương kiến, số là có những lão lúc gặp trông mặt mũi hòanh tráng như tao nhân mặc khách, ngôn từ đầy rẫy giáo điều nghiêm và buồn của cụ Khổng, cụ Lão. Thế nhưng buồn tình cầm đến cây bút thì nhấm nha nhấm nhẳng với khẩu xà tâm Phật, rồi sinh chuyện tả tơi hoa lá để máu đổ bãi Thượng Hải cùng trường văn trận bút, sư nói sư phải, vãi nói vãi hay. Cuối cùng thì lật đật xin lỗi với tâm thư, tâm tình lòng thòng như xuống sáu câu mùi quá mạng. Đâu đó được ba bẩy hai mươi mốt ngày, mấy lão này lại ngựa theo đường cũ, chứng nào tật ấy, vợ người văn mình nghe muốn thắt họng. Tôi đâm dạ hồ nghi, chẳng đóan được những ma quỷ gì trong đầu óc hòang hôn của mấy lão u minh tăm tối này, chỉ lờ mờ hiểu rằng mấy lão đang mất an nhiên tự tại thế thôi hay đến cái tuổi gần đất xa trời đốc chứng ra là như vậy, như thế. Chỉ có ông thiên mới hiểu nổi mấy lão ngang như bứa, bướng như gạch nung ấy.

***

      Tôi với gã cũng chẳng hơn gì, hai đứa vẫn như bầu với bí, tuy chung một giàn nhưng vẫn lấp thảm tình sầu với mấy chữ “bạn đời” với “bạn đường”, chẳng qua bạn bè như ngọn cỏ ngòai đồng cùng nước chẩy qua cầu “Trông bậu trông đứng trông ngồi – Trông ngươi có nghĩa bồi hồi lá gan” nói chi đến hai chữ thủy chung với trăm năm đầu bạc. Nào đâu tôi có phải là cây cỏ gỗ đá, đầu tháng rày nhức mình nhức mẩy nhứt là nơi bàn tọa, như bị trúng gió, tôi ngỡ bịnh đàn bà, lây lất mãi tới hồi hôm, ói mửa ho khan, chân tay không chịu cục cựa, mặt mày xanh như tầu lá, cắt không ra hột máu, không ló mặt ra khỏi cái bàn, cái ghế. Gã bèn bốc cái điện thọai cầu cứu bằng hữu, ngay lúc ấy tôi hồi hộp quá thể cho cái số kiếp hồng nhan bé bỏng, còn nhỏ hơn đầu kim mối chỉ, thế nên tôi vái ông thiên gã qua sông không quên đò.

       Bên kia đầu giây có tiếng lao xao hỏi han, bên này gã nhăn nhó nhìn tôi và thở ra:.

       – Chắc phải “ấp-đết”…

Nghe đến chữ “Âp..ấp…” như ấp hộn vịt lộn mà tôi mừng húm, té ra gã không xanh vỏ đỏ lòng, nên mặt mày tôi sáng rỡ, đèn chớp lia chia, như đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn tỏ, đèn lục tỉnh ngọn tỏ ngọn lu. Vậy thì cái thư “Giấy ngăn tình dài…” này không ướt át mùi mẫn như tôi tính, nay đọan kết được coi như có hậu với Thúy Kiều tái hồi Kim Trọng, chuyện ruồi bu lãng xẹc vậy đó, thầy ký đừng rầy rà tội nghiệp tôi nghe. Chẳng qua cũng chỉ vì cái thằng cha già Bắc Kỳ cà chua, cà chớn làm thầy ký mất công hiểu lộn, cái mền mắc mớ chi đi kêu là cái mùng….

       Như tôi đây họ VI tên TÍNH thì gã kêu lãng nhách là cái…“Còm – Píu – Tờ”

       Thiệt tình hết chỗ nói !!!

       Ngộ Không Phí Ngọc Hùng  


 

1 nhận xét: