Thứ Tư, 9 tháng 11, 2022

những nhân chứng sau cùng

S ♦ Chuyển ngữ: ♦ 

Lời người dịch: Chào đời ở Ukraine, làm đặc phái viên cho tạp chí văn chương Nyoman ở Minsk. Trong thời gian hành nghề ký giả, bà thu thập chuyện kể về những biến cố lớn lao trong lịch sử Liên Xô: Thế Chiến II, chiến tranh Afghanistan, sự tan rã của Liên Bang Xô-Viết, tai họa Chernobyl… và đem vào tác phẩm qua một thể loại mà bà gọi là văn chương dữ liệu (documentary literature.)

Hàn Lâm Viện Thụy Điển quyết định trao giải Nobel Văn Chương cho bà năm 2015 vì bà đã sáng tạo ra một thể loại văn chương mới, và mô tả tác phẩm của bà như “lịch sử của những cảm xúc… lịch sử của linh hồn.”

Là nhà báo đầu tiên được trao giải Nobel Văn Chương, bà phủ nhận ý nghĩ cho rằng bà là nhà báo, và, đúng như vậy, thể loại bà chọn (documentary literature) là một cách diễn tả những sự kiện có thật qua mắt nhìn nghệ thuật, và đầy hơi hướm thi ca.

Tác phẩm Những Nhân Chứng Cuối Cùng: Những câu chuyện về Thế Chiến II qua mắt nhìn trẻ em ghi lại lời kể của những người đã đối mặt chiến tranh, đã cận kề cái chết khi họ còn là những đứa bé. Nguyên tác: Last witnesses: an oral history of the children of World War II. Random House (New York) xuất bản năm 2019. ISBN: 9780399588754

Trích đoạn dưới đây tác giả viết theo lời kể của Zhenya Belkevich, lên sáu tuổi khi chuyện xảy ra. Hiện giờ là công nhân

“Ông không dám quay lại nhìn…”

Tháng sáu 1941.

Tôi vẫn còn nhớ. Lúc ấy tôi còn nhỏ lắm, nhưng tôi nhớ tất cả mọi chuyện.

Điều cuối cùng tôi nhớ về một cuộc sống yên ổn là một chuyện cổ tích mẹ vẫn đọc cho tôi nghe mỗi tối. Tôi thích nhất chuyện Con Cá Vàng. Muốn xin gì thì tôi lại hỏi Cá Vàng: “Cá Vàng ơi… Cá Vàng thân mến ơi…” Em gái tôi cũng xin. Nhưng hỏi cách khác: “Theo lệnh của cá măng, điều tôi thích là…”

Chúng tôi muốn nghỉ hè ở nhà bà ngoại và muốn bố đi cùng. Đi với bố vui lắm.

Buổi sáng tôi thức dậy trong sợ hãi. Có những tiếng động lạ…

Bố mẹ tưởng chúng tôi vẫn còn ngủ, nhưng nằm bên em gái, tôi chỉ giả vờ ngủ. Tôi thấy bố hôn mẹ một lúc lâu, hôn mặt rồi hôn tay mẹ, và tôi thắc mắc trước đây bố không bao giờ hôn mẹ như thế. Hai người đi ra ngoài, tay trong tay. Tôi chạy ra cửa sổ – mẹ níu lấy người bố không cho bố đi. Bố gỡ tay mẹ ra và tuông chạy, mẹ chạy theo kịp, níu bố lại và hét lên câu gì đó.

Trong này tôi cũng hét lên: “Bố ơi! Bố ơi!”

Em gái và em trai Vasya của tôi thức dậy, em gái tôi thấy tôi khóc, nó cũng khóc theo, và gào lên: “Bố ơi!”

Chúng tôi chạy ra hàng ba, đua nhau gào: “Bố ơi!”

Bố nhìn thấy chúng tôi, và tôi nhớ hệt như mới hôm qua, ông ôm lấy đầu và bước đi, vội vã như đang chạy. Ông không dám nhìn lại.

Nắng chiếu vào mặt tôi. Tia nắng ấm áp. Và ngay cả bây giờ tôi vẫn không tin là buổi sáng hôm ấy bố tôi đi vào cuộc chiến. Tôi còn nhỏ lắm, nhưng tôi cũng nhận ra là tôi nhìn bố tôi lần cuối. Rằng tôi sẽ không bao giờ gặp bố tôi nữa.

Tôi còn nhỏ, rất nhỏ.

Và nó in đặm trong trí nhớ tôi, rằng chiến tranh là khi bố tôi không còn…

Rồi tôi nhớ: bầu trời đen và những chiếc máy bay màu đen. Mẹ tôi nằm bên đường hai cánh tay buông xuôi. Chúng tôi kêu mẹ đứng dậy, nhưng mẹ không đứng dậy. Mẹ không dậy nữa. Những người lính phủ tấm vải bạt lên người mẹ và chôn mẹ dưới cát, ngay chỗ đó.

Chúng tôi gào thét, năn nỉ: “Đừng vùi mẹ chúng cháu dưới đất. Mẹ sẽ thức dậy để tiếp tục đi với chúng cháu.”

Những con bọ hung to bò trên cát. Tôi không thể tưởng tượng làm cách nào mẹ tôi có thể sống với chúng nó ở dưới đất. Làm sao chúng tôi có thể tìm được mẹ, làm sao để gặp mẹ? Rồi ai sẽ viết thư cho bố đây?

Một trong những người lính hỏi tôi: “Cháu gái, tên cháu là gì?” Nhưng tôi quên mất rồi. “Thế họ của mẹ cháu là gì hở cháu gái? Tên của mẹ cháu là gì?” Tôi không nhớ. Chúng tôi ngồi bên mô đất của mẹ cho tới khi đêm xuống, cho tới khi người ta kéo chúng tôi lên một chiếc xe bò. Chiếc xe đầy trẻ con. Một ông già đánh xe, ông ta gom tất cả mọi người trên đường. Chúng tôi đến một ngôi làng lạ lẫm và những người lạ đón chúng tôi đến những căn nhà khác nhau.

Biết bao lâu tôi không nói năng gì hết. Tôi chỉ nhìn.

Rồi tôi nhớ. Mùa hè. Mùa hè rực rỡ. Người đàn bà lạ xoa đầu tôi. Tôi bắt đầu khóc. Và tôi bắt đầu nói…

Bắt đầu kể về mẹ, về bố. Về bố chạy trốn chúng tôi như thế nào và bố không dám quay đầu lại nhìn. Mẹ nằm như thế nào. Những con bọ hung bò trên cát ra sao…

Người đàn bà xoa đầu tôi. Trong giây phút ấy tôi nhận ra: trông bà giống mẹ tôi…

 

 

1 nhận xét: