Thứ Năm, 10 tháng 11, 2022

Cho em một ngày (Từ FB Tony Buổi Sáng )

1. Ngày đầu vào lớp môn Triết ở ĐH bên Mỹ, thầy giáo ra đề bài "hãy viết 1 di chúc". Cả nhóm ngơ ngác vì chưa bao giờ nghĩ đến đề tài kỳ quái này. Có sinh viên TQ còn từ chối làm vì sợ xui, nhưng thầy nói "tui đã viết từ năm 20 tuổi, nay đã 70 và vẫn chạy xe đi thỉnh giảng khắp, chưa thấy xui xẻo gì, đời toàn may mắn". Ông nói, các bạn phải nghĩ đến việc viết di chúc cho ngày đó, để tránh mọi rắc rối mình có thể gây ra cho người còn sống, lưu lại tiếng thơm muôn thuở, và trong di chúc ấy, bạn sẽ để lại quà gì cho thế hệ mai sau, hỡi những mái đầu tinh hoa? Cái chết có thể đến bất cứ lúc nào với bất cứ ai, một cách khách quan mà nói, chúng ta không nên sợ hãi mà phải chuẩn bị thật tốt. Ai trong chúng ta, cũng chỉ 100 năm là hữu hạn đời người. Biết mà sống có thành tựu. Biết mà để lại legacy (di sản, không chỉ về vật chất). Đề tài "ngày qua đời" cũng được nhiều nhà tuyển dụng cũng như nhiều ĐH lớn đánh giá sự lựa chọn của các ứng viên, ví dụ câu hỏi "Nếu bạn chỉ còn 24h nữa tồn tại, bạn sẽ làm gì? Nếu chỉ còn 1 ngày nữa là tận thế, bạn sẽ làm gì?". Có năm, đề thi ban Triết của Tú Tài Pháp còn ra câu này cho học sinh toàn nước Pháp tốt nghiệp trung học.
"Nếu chỉ còn một ngày để sống. Người đưa tôi về đến quê nhà. Để tôi thăm làng xưa nguồn cội. Cho tôi mơ, mơ tiếng mẹ cha. Nếu chỉ còn một ngày để sống. Làm sao ta trả ơn cuộc đời. Làm sao ta đền đáp bao người. Nâng ta lên qua bước đời chênh vênh. Nếu chỉ còn một ngày để sống Làm sao ta chuộc hết lỗi lầm. Làm sao ta thanh thản tâm hồn. Xuôi đôi tay đi giữa hừng đông". Bài hát này khi xuất hiện đã gây tiếng vang và được nhiều người yêu mến. Phút cuối, người ta lại mơ về quê nhà, gần cha gần mẹ. Phút cuối, người ta lại muốn trả ơn người. Phút cuối, người ta lại ân hận về những lỗi lầm. Phút cuối, người ta muốn thanh thản về lương tâm, mắt khép, môi cười, đôi tay xếp xuôi mãn nguyện đi về phía mặt trời. Và nhiều người không cần phải chờ phút cuối và tiếc nuối. Họ chọn đi về phía quê hương trong những ngày còn sống. Họ chọn một cuộc đời hào sảng cho đi để không phải nói 2 chữ giá như. Họ không tham lam để không phải chảy nước mắt sám hối vào giây phút sinh ly tử biệt.
 
2. Người phương Đông thấy cấm kỵ khi nói về cái chết, vì sợ xui. Nhưng vẫn có những người vượt lên sự mê tín ấy một cách khách quan mà đề cập đến nó. Nhiều nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ....cũng thường nói về cái đích cuối cùng của đời mình. Kỳ lạ thay, những người này, lại không có chết sớm (dù họ rất thích uống rượu, hút thuốc, thức khuya, sống không theo trật tự nào). Nguyên nhân chính của sự thọ này chính là, khi con người nhận ra cái mốc cuối là cái chết, sẽ sống rất tử tế và trân quý cuộc đời. Họ quý giá mạng sống và sự trải nghiệm hơn tất cả tiền bạc, của cải, danh vọng.....từ đó khắc chế được lòng tham, sự sân hận, sự mê muội quyền lực và danh tiếng. Ai rồi cũng chết, cái vật chất mình ham muốn tột độ 10 năm trước, giờ nghĩ lại rất buồn cười. Nó có thể chỉ là sự viển vông với người ít tài, hoặc khi đạt được ước mơ cũng là lúc khó thấy chán nản nhất với người có năng lực. Vui chỉ vài giây, rồi lại thấy không thoả mãn nữa. Hạnh phúc, luôn nằm trong quá trình đi tìm kiếm và chinh phục chứ không phải là sở hữu, càng tham của người thì càng thấy vô nghĩa khi đạt được, vì trong thâm tâm mình biết đó không phải của mình. Khi nghĩ đến ngày cuối cuộc đời, người ta cũng sẽ sống tốt hơn, biết ăn uống healthy, biết vận động thể dục thể thao cho cơ thể khoẻ mạnh mà thọ thêm 1 chút, biết cho đi và hào sảng để khi mình lìa đời, trên miệng thế gian còn lại là tiếng thơm. Người ta "vô cùng thương tiếc" một cách thật lòng chứ không phải chỉ là 1 câu sáo rỗng trên cáo phó điếu văn.
"Đường nào dìu tôi đi đến cơn say. Một lần nằm mơ tôi thấy tôi qua đời. Dù thật lệ rơi, lòng không buồn mấy. Giật mình tỉnh ra, ồ nắng lên rồi!" (Bên Đời Hiu Quạnh-Trịnh Công Sơn). "Thôi thì thôi để mặc mây trôi. Ôm trăng đánh giấc bên đồi dạ lan. Thôi thì thôi, chỉ là phù vân. Thôi thì thôi nhé, có ngần ấy thôi. Mai ta chết dưới cội đào. Khóc ta xin nhỏ lệ vào thiên thu" (Đưa em tìm động hoa vàng, nhạc: Phạm Duy - thơ: Phạm Thiên Thư). Phạm Duy cũng nổi tiếng với bài "Nếu một mai em có qua đời", bạn thử nghe 1 lần với giọng ca Nguyên Thảo, rất hay.
 
3. Biết một ngày mình sẽ qua đời, thì những ngày còn sống sẽ không lãng phí vô chuyện không đâu, và nhất là, phải sống trung trinh tử tế, lấy nhân cách làm di sản cho con cho cháu cho người thân. Làm sao đó để khi trăm năm, họ nhắc lại tên mình, với sự yêu mến và kính trọng. Câu thành ngữ này bạn có thể in ra để trên bàn làm việc "When you were born, everyone around you was smiling and you were crying. Let's live a meaningful life so when you die, everyone around you is crying while you are smiling" (Khi bạn sinh ra, bạn oa oa cất tiếng khóc chào đời còn mọi người xung quanh cười rạng rỡ nhìn ngắm bạn. Hãy sống sao cho khi bạn qua đời, mọi người nhìn ngắm bạn và khóc thương trong khi bạn thanh thản mỉm cười).
Đoá hoa nào cũng bắt đầu từ hạt giống rồi nẩy mầm, thành cây, thành hoa, rồi trở về với đất. Đến nhân gian một lần, hãy toả hương và rực rỡ.
------------------------------------------------------------------
**** Đây là fanpage duy nhất của Tony Buổi Sáng, có logo là địa chỉ e-mail.

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...