Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

VẤN ĐỀ NGƯỜI CHĂM VÀ NGƯỜI KHMER TẠI VIỆT NAM - Lê Nguyễn

 
Người Khmer chính là người Campuchia mà thời Pháp thuộc, người Pháp gọi là Cambodgien, còn người Việt gọi là người Miên. Các ông bà xưa ở Nam bộ còn gọi người Khmer sống ở Trà Vinh, Sóc Trăng … là “đàng thổ”, tên đó nay không còn ai nhắc nữa. Người Khmer tại Việt Nam sống từ vùng Bà Rịa trở xuống phía Nam, còn người Chăm, trước 1975, ta vẫn quen gọi là người Chàm, người Chiêm Thành, sống từ vùng Phan Thiết, Phan Rang trở ra phía Bắc.

Trước hết, cần xác định với nhau rằng lịch sử của nhiều dân tộc trên thế giới là lịch sử của một quá trình tương tranh kéo dài để tồn tại và phát triển, và một trong những qui luật chi phối các cuộc tương tranh vào thời Thượng cổ và Trung cổ là “mạnh được yếu thua”. Qui luật này không là ngoại lệ đối với sự phát triển của dân tộc Việt trong mối quan hệ với các lân bang.
* Trong lịch sử của ta, quan hệ Việt –Trung Quốc được nhiều người biết, song quan hệ giữa người Việt với người Chiêm Thành từng sống trên một vùng đất trải dài từ Quảng Bình vào đến Phan Rang, Phan Thiết ngày nay thì nhiều người Việt chỉ biết một cách mơ hồ. Đọc sử, chúng ta biết rằng vào thời Tiền Lê và Lý, Trần, nước ta luôn chịu hai áp lực rất lớn, phía Bắc có nhà Tống thường mang quân đánh phá, phía Nam có Chiêm Thành cũng thường xuyên quấy nhiễu khiến cho nhiều lúc vua Lý phải thân chinh cầm quân chinh phạt. “Phá Tống bình Chiêm” vẫn là câu nói quen thuộc diễn tả chiến công hiển hách của vua tôi Đại Việt thời đó mà tiêu biểu là danh tướng Lý Thường Kiệt.
Trong mối quan hệ với người láng giềng phía Nam là Chiêm Thành, ta hòa thì ít mà chiến thì nhiều. Sự kiện “hòa” tiêu biểu là việc Thượng hoàng Trần Nhân tông gả con gái là Huyền Trân công chúa cho vua Chiêm Chế Mân, nhận “sính lễ” là hai châu Ô, Lý của Chiêm Thành (vùng đất từ Quảng Trị đến Quảng Nam ngày nay). Cuộc hôn nhân không dài lâu, vì vua Chiêm mất sớm, Huyền Trân được đưa trở về Đại Việt trong một tình huống đầy kịch tính. Sau cuộc hôn nhân này là những cuộc chiến triền miên giữa hai dân tộc, người Chiêm Thành yếu thế hơn, lui dần về phía Nam, dời kinh đô từ Quảng Nam vào Qui Nhơn rồi dừng lại ở điểm cực Nam là Phan Rang, Phan Thiết ngày nay, cuối cùng vương quốc Chiêm Thành không còn tồn tại nữa.
* Trước thế kỷ thứ 7, vùng đất từ Bà Rịa trở vào Nam và phần lớn đất Campuchia ngày nay thuộc về một vương quốc rộng lớn có tên là Phù Nam (người Pháp viết là Founan). Vào những thập niên đầu thế kỷ thứ 7, người Chân Lạp nổi lên đánh đuổi người Phù Nam, mở rộng nước Chân Lạp và xóa sổ nước Phù Nam trên bản đồ thế giới. Người Chân Lạp chính là tổ tiên người Khmer hay người Campuchia ngày nay. Từ đó nước Chân Lạp có hai khu vực rõ rệt, khu vực phía trên là Lục Chân Lạp (lục: đất), đất cao ráo, trù phú, có Biển Hồ nhiều tôm cá, dân cư ít nên tập trung vào đây sinh sống, khu vực phía dưới là Thủy Chân Lạp mới được phù sa bồi đắp, đất thấp nên nhiều nơi ngập nước quanh năm. Vùng này có rất ít người sinh sống vì phần lớn là rừng rậm, sơn lam chướng khí, hùm beo, sấu rắn …, không thuận lợi cho đời sống cư dân. Trong lúc quan hệ giữa nước Đại Việt của chúng ta với Chiêm Thành phần lớn là những cuộc chinh chiến kéo dài, thì quan hệ giữa ta và Chân Lạp hòa hoãn hơn, nhất là vào những thập niên đầu thế kỷ 17, khi biên giới cực Nam nước ta mới vào đến Phú Yên ngày nay.
Năm 1620, chúa Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái là công nữ Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II, và ba năm sau (1623), được Chey Chetta II thuận tình cho lập một đồn thu thuế tại Sài Gòn ngày nay, và lập khu dinh điền tại Mỗi Suy (hay Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa, Biên Hòa ngày nay). Vai trò của bà công nữ Ngọc Vạn rất quan trọng trong giai đoạn này, song chưa được nói đến nhiều.
Nhưng có một điều khá rõ là trong thời kỳ này, số người Việt từ các trấn phía Bắc như Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Nghĩa … đi về phía Nam rất đông. Họ là những lưu dân vào khai phá vùng đất Thủy Chân Lạp gần như bỏ hoang hoàn toàn.
Năm 1679, sau khi người Mãn Thanh lật đổ chính quyền của nhà Minh bên Trung Quốc, nhiều thần dân của nhà Minh không phục, bèn bỏ nước ra đi. Trong số này có 3.000 người Hán được hai tướng nhà Minh là Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch dẫn qua nước ta xin lánh nạn. Chúa Hiền vương Nguyễn Phúc Tần nhân đấy cho họ vào phía Nam khai khẩn; nhóm Dương Ngạn Địch tập trung chủ yếu ở vùng Mỹ Tho, nhóm Trần Thượng Xuyên (Trần Thắng Tài) ở vùng Trấn Biên (Biên Hòa). Tuy nhiên phải chờ đến gần 20 năm sau, tức năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới cử Thống suất Nguyễn Hữu Cảnh (Hữu Kính) vào vùng Trấn Biên – Mỹ Tho, lập dinh định phủ, đặt để bộ máy cai trị ở vùng này. Cũng từ đó, các chúa Nguyễn trở thành “thần hộ mệnh” của một đất nước Chân Lạp luôn bị bức hiếp bởi lân quốc Xiêm La (còn gọi là Tiêm La, nay là Thái Lan). Thường thì cứ mỗi lần được cầu cứu, chúa Nguyễn sai tướng cử binh sang Lục Chân Lạp, quân Xiêm sợ uy quân Việt lại rút về. Và sau những lần “cứu khổn phò nguy” như vậy, các chúa Nguyễn lại được vua Chân Lạp cắt dâng thêm phần đất phía Nam Thủy Chân Lạp, từ phía Mỹ Tho trở về Nam, đến phần cực Nam ngày nay.

 
Căn cứ vào những sử liệu trên, chúng ta có mấy điểm cần minh định:
1) Vùng đất miền Nam của ta ngày nay khi xưa là vùng Thủy Chân Lạp, gần như hoang vu, vua Chân Lạp nhân đấy mà cắt dâng dần cho các chúa Nguyễn để “đền ơn” đã bảo vệ đất nước họ hữu hiệu trước sự đe dọa tấn công, xâm chiếm của nước Xiêm. Trong lịch sử bang giao giữa hai nước vào các thế kỷ 17-18 trở đi, không hề có một cuộc tương tranh nào.
Những người Khmer đang sống ở các địa phương Trà Vinh, Sóc Trăng, Châu Đốc… chính là con cháu những người Chân Lạp hoặc đã bám trụ từ khi vùng đất Thủy Chân Lạp được giao cho phía Đại Việt, hoặc di cư từ Lục Chân Lạp (Campuchia ngày nay) qua nước ta sinh sống.
2) Hiện nay, tại nhiều nơi ở miền Nam, còn có dấu hiệu của nền văn hóa Phù Nam chưa được phát hiện và khai phá một cách đầy đủ. Một trong những nơi tiêu biểu của nền văn hóa này là gò Óc Eo, nay thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, được nhà khảo cổ người Pháp Louis Malleret phát hiện vào thập niên 1920, có thể là kinh đô của vương quốc Phù Nam xưa. Cuộc khai quật tiến hành vào năm 1944 tìm thấy nhiều hiện vật cổ của nền văn hóa này. Tuy nhiên, đến nay, ngành khảo cổ học chưa khám phá được bao nhiêu về nền văn hóa Phù Nam rực rỡ một thời.
3) Người Chăm sống chủ yếu từ khu vực Phan Thiết, Phan Rang trở ra Bình Định, Quảng Nam. Song tại miền Nam, có ít nhất hai địa phương có nhiều người Chăm sinh sống, một là Tây Ninh, hai là Châu Đốc. Vấn đề đặt ra là vì sao mà có những nhóm người Chăm lạc loài vào phía Nam như vậy? Theo một giả thuyết có thể tin được là vào thời kỳ chiến tranh giữa hai dân tộc, nhiều gia đình người Chăm đã bồng bế nhau tìm về phía Nam lánh nạn và sinh con đẻ cái, bám trụ lâu dài. Không chỉ riêng miền Nam, mà tại vùng Tây Nguyên ngày nay, theo một số nhà nghiên cứu người Pháp, người Djarai có ngôn ngữ và phong tục pha lẫn ngôn ngữ và phong tục của người Chăm. Như vậy, có thể số người Chăm đi lánh nạn chiến tranh không chỉ đi về phía Nam mà còn dạt lên vùng Tây Nguyên, sinh sống với người Djaria qua nhiều thế hệ nên có sự pha lẫn ngôn ngữ và phong tục, tập quán như thế chăng?
Riêng số người Chăm sống ở vùng Châu Đốc để lại cho tôi ít nhiều kỷ niệm thời thơ ấu. Nơi họ đến định cư ban đầu là làng Châu Giang (Châu Đốc), nên từ đó về sau, người miền Nam gọi họ là “Chà Châu giang”, một cái tên mà những ai sinh trưởng ở miền Nam từ độ tuổi 50-60 trở lên đều có nghe nói đến. Những năm 1950-1960, những người “Chà Châu giang” này xuất hiện rất nhiều ở các chợ, từ khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn đổ xuống. Họ bán chủ yếu vải vóc, và bán rong chứ không có sạp hàng. Một điều rất lạ là nếu bạn đi chợ, được họ mời mọc mua vải mà bạn từ chối với lý do không có mang tiền theo, họ sẵn sàng bán chịu cho bạn mà không cần biết bạn tên gì, ở đâu. Theo giải thích của nhiều người, họ làm vậy vì họ rất giỏi thuật “thư ếm”, bạn lấy vải về rồi mà đến ngày hẹn không mang tiền ra trả là “biết nhau” liền. Chuyện truyền miệng về người “Chà Châu giang”, tức người Chăm sống ở vùng Châu Đốc, không có cơ sở khoa học, xin nghe qua rồi bỏ.
Như chúng ta đã biết, người Chăm luôn rất hiền hòa trong cuộc sống chung đụng với người Việt. Vào những năm 1950, tại Học viện Quốc gia Hành chánh (Sài Gòn), cơ sở giáo dục chuyên đào tạo các công chức trung và cao cấp cho bộ máy chính quyền, ngoài hai ban Đốc sự và Giám sự dành cho sinh viên người Kinh, chính quyền Ngô Đình Diệm còn áp dụng một chính sách khá nhân văn là mở thêm ban Cao nguyên dành cho sinh viên thuộc các dân tộc Chăm, Khmer, cư dân vùng Tây nguyên. Chương trình thi tuyển và học có phần nhẹ nhàng hơn, và khi tốt nghiệp, họ được bổ làm viên chức chỉ huy hành chánh các địa phương, nơi họ am hiểu ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân tộc họ. Sang thập niên 1960, nhiều người Chăm, Khmer hay đồng bào Thượng rất phấn đấu, học rất giỏi, có khả năng tranh đua với sinh viên người Kinh nên chính quyền bãi bỏ ban Cao nguyên tại HVQGHC. Bản thân tôi có hai người bạn đồng môn tại học viện này vào những năm 1960, là hai anh em ruột người Chăm. Người anh là Dohamide, tên Việt là Đỗ Hải Minh, là một người am hiểu rộng về văn hóa Việt và văn hóa Chăm. Anh có nhiều công trình khảo cứu về văn hóa Chăm và là tác giả một loạt bài đăng nhiều kỳ trên tạp chí Bách Khoa (Sài Gòn) về vấn đề này vào giữa thập niên 1960. Người em tên Dorohiem, trước năm 1975 là một viên chức cao cấp thuộc Bộ Phát triển Sắc tộc của chính phủ VNCH.
 
Lê Nguyễn


Xem Thêm :

1/

Dohamide: Giấc mơ Chàm và Bangsa Champa - Ngô Thế Vinh 

 

2/

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây - Lễ hội lớn nhất của đồng bào Khmer

 3/

Đại Ngãi quê hương tôi - Nguyên Lạc (Văn Việt )

1 nhận xét:

AI-Ngu Yên Chuyển Ngữ : Seemi PhD: A.I. định hình tương lai văn học 2024 như thế nào?

  Trong thời đại mà công nghệ dường như phát triển trong chớp mắt, thế giới văn học có thể tỏ ra tương đối tĩnh lặng, một thiên đường truyền...