Thứ Hai, 21 tháng 11, 2022

Cảm Nhận Bài Hát “Trả Lại Em Yêu” - Lê Trung Ngân

 
Những năm 60-70 thế kỷ trước. Tôi và những bàn cùng thời đang độ tuổi đôi mươi. Chiến tranh lúc đó đang đi vào thời khắc ác liệt. Buồn bả, bất lực, chán nãn là tâm trạng chung của lứa tuổi chúng tôi khi không có lý tưởng, không có niềm tin vào tương lai của chính mình. Lúc đó, những tác phẩm âm nhạc được Phạm Duy viết cho lứa tuổi sinh viên học sinh như đi “phót” vào tâm trạng chúng tôi - những người đang là học sinh, sinh viên. Đó là những bài hát: Con Đường Tình Ta Đi, Ngày Xưa Hoàng Thị, Thà Như Giọt Mưa Rớt Trên Tượng Đá, Tuổi Ngọc… và đáng kể nhất là Trả Lại Em Yêu – bài hát đậm chất bi thiết về nỗi buồn chia tay của mối tình sinh viên khi người con trai từ biệt người yêu, giảng đường để lên đường nhập ngũ. Bài hát như tiếng lòng của lớp học sinh sinh viên thời đó; đã hòa nhịp theo nỗi buồn khắc khoải của tuổi trẻ để rung lên những giai điệu da diết của lớp thanh niên hồi đó để cất lên lời ca mà bất cứ người trẻ nào khi nghe cũng như thấy được hoàn cảnh và thân phận của mình trong đó.

Tôi nhớ bản nhạc được phát hành năm 1972 – với Mùa Hè đỏ lửa, khi khắp nơi trên miền Nam tin tức chiến sự đã dồn dập đăng lên trang đầu của các báo. Và các sinh viên học sinh của chúng tôi ai cũng phấp phỏng lo âu vì lệnh tổng động viên đã ban hành. Đang học đây hôm nay, biết đâu ngày mai bước vào quân trường, học sinh sinh viên nào cũng đã từng nghe, từng hát và từng nghe tâm hồn mình ray rức theo từng giai điệu:
 
Trả lại em yêu, khung trời Ðại Học
Con đường Duy Tân cây dài bóng mát
Buổi chiều khuôn viên mây trời xanh ngát
Vết chân trên đường vẫn chưa phai tàn.
 
Đa phần ở lứa tuổi đó, ai cũng có cho mình một tình cảm, tình yêu với ước nguyện sẽ có cuộc sống lứa đôi hạnh phúc. Nhưng khó khăn trước mắt là lệnh tổng động viên có nguy cơ làm chia ly, thậm chí làm tan vỡ mối tình vừa mới chớm. Mà chia ly nào cũng buồn, và càng buồn hơn khi còn đang êm ấm dùi mài kinh sử dưới mái trường thân yêu mà phải trả lại cho người yêu khung trời Đại học.
 
Nhân đây xin nói thêm về đường Duy Tân. “Con đường Duy Tân cây dài bóng mát” từ khi đi vào nhạc Phạm Duy đã trở thành con đường học trò, con đường kỷ niệm, là con đường nổi tiếng nhất trong âm nhạc miền Nam (ngày nay có tên là đường Phạm Ngọc Thạch). So với các con đường đẹp của Sài Gòn thì đường Duy Tân hồi ấy chưa đẹp lắm đâu, chưa “cây dài bóng mát” lắm đâu, nhưng nhờ ngón tay phù thủy phả vào âm nhạc của Phạm Duy mà con đường này được nhiều người biết đến. Con đường Duy Tân gắn liền với “khung trời Đại Học” một thuở, có lẽ là bởi gần nơi này có 2 ngôi trường nổi tiếng là trường Đại Học Luật (nay là Đại học Kinh Tế) và trường Đại Học Kiến Trúc. Ở bên cạnh còn có Hồ Con Rùa, nơi chứng kiến biết bao nhiêu buổi hẹn hò, yêu đương, hờn giận, chia tay… của cả một thế hệ sinh viên Sài Gòn.
 
Trả lại em yêu, khung trời mùa Hạ
Ngọn đèn hiu hiu nỗi lòng cư xá
Vài giọt mưa sa hôn mềm trên má
Tóc em thơm nồng, dáng em hiền hòa
 
Giai điệu buồn, chậm rãi và ca từ thì từng lời, từng câu giống như thơ. “Ngọn đèn hiu hiu” và “nỗi lòng cư xá” là ca từ được nhạc sĩ sử dụng một cách thần tình như một bài thơ khi ghép cụm từ này lại với nhau. Sài Gòn ngày xưa có nhiều cư xá (mà sau này người ta thường dùng cái từ kém thi vị hơn là “khu tập thể”). Đó là cư xá Chu Mạnh Trinh – nơi ở của các văn nhân, nghệ sĩ, hay cư xá Lữ Gia – nơi của những người có địa vị, lắm tiền nhiều của, và cũng có cả những cư xá sinh viên với “ngọn đèn hiu hiu” với tù mù ngọn nến.
Ca từ của Phạm Duy trong bài này mới đầu thì tưởng bình dân, nhưng khi nghe lại, đọc lại thì sang trọng và nền nã lắm, khác biệt với những ca khúc của các nhạc sĩ đương thời khác khi viết về nỗi buồn chia tay tuổi học trò phần nhiều ưa kể lể dài dòng tâm sự.
 
Anh sẽ ra đi về miền cát nóng
Nơi có quê hương mịt mù thuốc súng
Anh sẽ ra đi về miền mênh mông
Cơn gió Cao Nguyên, từng đêm lạnh lùng
Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó
Ðem dấu chân soi tuổi đời ngây thơ
Ðem nỗi thương yêu vào niềm thương nhớ
Anh sẽ ra đi chẳng mong ngày về.
 
Đó hẳn là lời tâm sự buồn của chàng sinh viên chúng tôi: “Anh xin trả lại cho em hết tất cả kỷ niệm của mình, của một thời đại học. Anh sẽ nhớ con đường Duy Tân với hàng cây dài bóng mát. Những buổi chiều khuôn viên mây trời thật xanh. Vết chân của đôi ta, trên đường, chắc sẽ không phai nhạt trong tim anh. Anh dường như vẫn có thể nhìn thấy những bước chân của đôi mình. Em yêu, anh sẽ trả lại cho em khung trời mùa hạ. Mỗi chiều chiều, ta đã từng ngồi ngắm nhìn những ngọn đèn đường vàng hắt hiu, buồn bã như nỗi lòng của cư xá đại học. Và những hôm mưa bay lất phất, bám trên tóc, trên má, trên môi em. Anh nhớ mùi tóc em, mùi thơm nhẹ thoảng hương chanh. Anh nhớ dáng em ngồi yên lặng, nhẹ nhàng, hiền hòa. Anh rất nhớ.
Ngày mai, anh sẽ phải đi xa. Rất xa. Chốn ấy, nơi khói súng mịt mùng. Những vùng cát nóng, những núi đồi trùng điệp, những suối sông mù tắp. Đêm đêm, anh sẽ nằm nghe gió rít từng cơn lạnh lùng; gió cao nguyên thật buồn, làm anh thêm nhớ những ngày tháng bên em. Anh đi rồi, mang theo trong ba lô là mớ hành trang kỷ niệm, những thương yêu và nhung nhớ, của một thời tuổi trẻ anh phải bỏ lại sau lưng. Anh đi, và không biết bao giờ trở lại. Anh sẽ nhớ từng con đường đôi ta đã đi qua, những ngày thủ đô đường phố rộn rã tưng bừng. Anh sẽ nhớ từng buổi hẹn hò, những quán bên đường, những ly rượu, ly cà phê, chanh đường. Và đôi môi em, anh vẫn nhớ những nụ hôn thơm thơm mùi chanh, mùi hoa bưởi. Anh sẽ nhớ:
 
Trả lại em yêu con đường học trò
Những ngày Thủ Ðô tưng bừng phố xá
Chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó
Uống ly chanh đường, uống môi em ngọt… “
 
Vẫn điệp khúc trả lại em yêu từng con đường từng kỷ niệm, những ngày phố xá bình yên những lần hò hẹn đưa đón. Câu: Uống ly chanh đường/ uống môi em ngọt được chúng tôi truyền miệng nhau bắt đầu từ đó, khi cho là Phạm Duy đã truyền khẩu được một câu thần khẩu để cho giới sinh viên học sinh ngưỡng mộ lấy làm câu ghi vào trong trí nhớ cũng như trong bộ sưu tập những câu thơ, lời nhạc hay nhất thế kỷ!
 
Trả lại em yêu mối tình vời vợi
Ngôi trường thân yêu, bạn bè cũ mới
Ðường buồn anh đi bao giờ cho tới
Nỗi đau cao vời, nỗi đau còn dài…
Trả lại em yêu! Trả lại em yêu!
Mây trời xanh ngát …
 
Và ngày mai anh đi, mối tình trở nên vời vợi cùng ngôi trường sẽ trở thành mông lung ký ức. Ngày mai anh đi, lao vào con đường biết bao giờ cho tới, như dự cảm về nỗi buồn chiến chinh mà tuổi thư sinh lớp lớp lên đường mà nhiều chàng trai còn mơ hồ chưa hiểu lý tưởng là gì. Chỉ biết là nỗi đau khi xa khung trời Đại học của mình cao vời lắm, còn dài lắm.
Trả lại em yêu! Mây trời xanh ngát…
Tôi đã nghe bản nhạc này mùa Hè năm đó khi còn là học trò vừa, lên đại học khi tuyệt phẩm này mới thịnh hành. Xen lẫn với tâm trạng lo âu cho một ngày mai biết đâu mình cũng trở thành: “Anh sẽ ra đi nặng hành trang đó” là lòng xót xa cho những đôi tình nhân phải chia tay nhau như chuyện tình trong bài ca này.
 

Lê Trung Ngân


Mời Xem :


Sử Dụng Podcast – Mách Cùng Bạn _Lê Trung Ngân  

1 nhận xét:

Người Đưa Tiễn Trong Tống Biệt Hành Của Thâm Tâm

  Hành là thể thơ thất ngôn tràng thiên nhưng không bị buộc theo niêm luật của thơ Đường luật, do đó bài thơ dưới đây nghe như thơ mới. Tống...