Thứ Năm, 24 tháng 11, 2022

TÓC XƯA - Một “ love story “ và một bài thơ hay , thấm thía 

Tôi sắp kể cho các bạn nghe một chuyện tình. Đây không phải là chuyện tình ly kỳ, lãng mạn của những người trẻ yêu nhau. Cũng không phải là một chuyện tình gay cấn, đầy tình tiết  éo le như trong tiểu thuyết. Mà đây là một chuyện tình nhẹ nhàng, êm đềm, một chuyện tình đơn giản nhưng sâu đậm, mà dấu ấn của nó sẽ tồn tại suốt đời ngay cả khi một trong hai người đã vĩnh viễn ra đi.
 
Niên khoá 1967-1968, tôi học năm thứ nhất Y Khoa Saigon. Khi đi thực tập mổ xác người chết tại Cơ Thể Học Viện, đường Trần Hoàng Quân gần trường Chu Văn An, trong nhóm thực tập với tôi năm ấy có Thiệt., cựu học sinh trường Petrus Ký, người miền Nam, cao ráo trắng trẻo, tương đối đứng đắn, ít đùa giỡn bông lơn như đa số chúng tôi. Sau khi ra trường cuối năm 1973, tôi gia nhập binh chủng Biệt Động Quân, sống đời lính thú "trấn thủ lưu đồn" nơi núi rừng biên ải. Th. được hoãn dịch vì lý do gia cảnh, ở lại Saigon làm việc cho một nhà thương.
 
Thiệt. lấy vợ tương đối sớm. Anh quen bà xã, T.C., khi còn là sinh viên Y Khoa, gặp chị khi ấy đang học trường Dược. Sau 30/4/1975, anh tiếp tục làm việc trong nhà thương, cảm tự ti. Một thời gian sau, Th. chán nản,  nên tìm đường vượt biên cùng vợ và con nhỏ. May mắn được tàu Anh quốc vớt, gia đình anh được đưa vào định cư tại xứ sở Nữ hoàng năm 1979.
 
Sau vài năm định cư, cả anh lẫn chị đều lấy lại được bằng hành nghề. Anh chị dọn về ở Bolton, một thành phố nhỏ gần Manchester. Th. hành nghề bác sĩ gia đình, được nhân viên và bệnh nhân (đại đa số là dân địa phương người Anh) quí mến. Chị thì làm việc cho một dược phòng. Đời sống của họ trôi qua êm đềm hạnh phúc. Các cháu đều học hành giỏi giang, tốt nghiệp đại học và đều có việc làm vững chắc. Ngoài công việc làm ở phòng mạch, anh cũng tích cực tham gia các sinh hoạt  của cộng đồng người Việt tại Anh quốc, luôn luôn có chị bên cạnh hỗ trợ.
 
Tháng 3 năm 2012, anh chị sang Úc thăm cô con gái út, đã đỗ bác sĩ bên Anh và sang Sydney làm việc tại một bệnh viện. Vợ chồng tôi và vợ chồng anh N. - cũng là người bạn cũng lớp - có dịp tiếp đón hai người, đưa đi chơi đây đó.  Chúng tôi cũng đưa anh chị  vào tham dự Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương năm đó trong Trung Tâm Sinh Hoạt Cộng Đồng ở Bonnyrigg. Chị TC rất vui tính và dễ thương, nói chuyện có duyên nên mấy bà trò chuyện cười đùa với nhau rất thoải mái.
 
Chỉ mấy tháng sau đó, chúng tôi bàng hoàng nhận được tin chị TC đã qua đời. Sau này hỏi ra, mới biết rằng chị đã mắc bệnh ung thư phổi từ năm 2010, và bệnh đã chuyển di đến các cơ quan khác, cho nên dù chữa trị cũng chỉ để kéo dài thêm thời gian chứ khó có thể mong hết bệnh. Biết chị không còn nhiều thời gian nữa, Th. đã nghỉ hưu sớm để săn sóc chị, đưa chị đi du lịch các nơi để chia sẻ với nhau những tháng ngày ngắn ngủi còn lại. Té ra là khi gặp chúng tôi lần trước, chị đã biết mình không còn sống bao lâu nữa, nhưng vẫn bình thản vui vẻ với bạn bè, không hề hé lộ một dấu hiệu bệnh hoạn hay rầu rĩ nào để tránh gây buồn bã hay bối rối cho mọi người chung quanh! Thật khó tìm được một người đàn bà can đảm và bản lĩnh như chị!
 
Chị mất đi, tinh thần Th. suy sụp đáng kể. Anh biếng ăn, ngủ không được vì cảm giác hụt hẫng, thiếu vắng hình bóng của người bạn đời đã bốn mươi năm chia ngọt sẻ bùi, cùng nhau trải qua biết bao nhiêu khổ đau nguy hiểm. Căn nhà vốn đã vắng vẻ vì các con của anh chị đều đã lớn, rời nhà đi làm xa, nay càng trống trải dễ sợ. Anh cô đơn lủi thủi ra vào, nhìn đâu cũng thấy đầy ắp kỷ niệm của chị. Nỗi đau mất mát tưởng chừng như không bao giờ nguôi.
 
Một vài tháng sau khi chị mất, Th. gửi cho tôi bài thơ này, cảm tác trong một đêm mất ngủ, quay quắt nhớ chị.
 
NGUYỆT LẠNH
 
Đánh thức dùm ta trăng của ta,
Chưa khuyết mà sao bóng nguyệt tà.
Đêm soi trên gối, giờ đâu thấy,
Có phải vì ta mắt nhạt nhòa?
 
Bao đêm say đắm khúc nghê thường,
Ngờ đâu giờ cất tiếng thê lương!
Trăng hỡi đêm dài chưa muốn sáng,
Hãy giấu dùm ta nỗi đoạn trường.
 
Xin cho đôi cánh để ta bay,
Tìm trăng mòn mỏi suốt đêm dài.
Hình đây sao vẫn chưa thấy bóng,
Không rượu nhưng mà muốn tỉnh say.
 
Say không men rượu giấc chẳng nồng,
Tỉnh thức mình ta chốn thinh không.
Trăng ta ai nỡ đem đi giấu,
Hay đã lạc vào cõi mênh mông?
 
Ta hẹn chờ trăng suốt canh thâu
Có lẽ từ đây đến bạc đầu
Gối lạnh từ ngày trăng xa vắng
Hãy chỉ cho ta trăng ở đâu?
 
Ta mộng trăng về từ nẻo xa,
Đêm nay ta đón trăng về nhà.
Trăng ấm giờ sao là nguyệt lạnh,
Thức dậy đi trăng, trăng của ta...
 
Dương văn Thiệt
 
Năm ngoái. trong chuyến đi du lịch Âu Châu, vợ chồng tôi ghé Anh quốc, đến Bolton thăm Th. và ngủ lại một đêm để có thời giờ hàn huyên tâm sự. Căn nhà rất xinh xắn và gọn ghẽ của anh tọa lạc tại một khu vực yên tĩnh, có mảnh vườn nhỏ phía sau trồng đầy hoa. Anh đưa chúng tôi vào xem phòng của chị, vẫn giữ nguyên trạng như khi chị còn sống. Tấm ảnh chị trên bàn thờ, hai con mắt đen láy nhìn xuống chúng tôi, lấp lánh như chứa nụ cười.
 
Gần đây, Th. lại gửi cho tôi một bài thơ nữa anh mới sáng tác. Thuở trước trong khi chị đang phải chữa bệnh ung thư bằng hoá trị và xạ trị, tóc chị rụng nhiều. Ngày nào Th. cũng phải đi vòng vòng nhặt tóc rụng của chị rơi rớt quanh nhà. Anh cũng cất giữ một số tóc rụng đó để làm kỷ niệm. Nay nhìn tóc nhớ người, anh cảm tác nên bài thơ này:
 
TÓC XƯA
 
Ngày nào nhặt tóc quanh đây,
Sợi nằm trong gối, sợi bay ra vườn.
Sợi dài buộc mối yêu thương,
Sợi ngắn cột lấy nỗi buồn xa quê.
 
Mượt mà một thuở tóc thề,
Gió lùa qua tóc mân mê vai mềm.
Sợi nào đánh rớt bên thềm,
Nhặt về chờ tối ru đêm giấc nồng.
 
Sợi nào sáng gội, chiều hong,
Gió đưa hương tóc qua song cửa mành.
Lạc vào ngõ vắng nhà anh,
Quen người quen cảnh, không đành rời xa.
 
Tóc nào đen óng hôm qua,
Gởi vào trang sách, bên ta mỗi ngày.
Sợi nào là sợi tóc mai,
Loà xoà bên trán làm ai phải lòng.
 
Để mà sáng đợi chiều trông,
Sợi kề bên má, sợi hôn môi người.
Sợi nào từ thuở đôi mươi,
Tóc tơ se kết, tiếng cười nỗi đau.
 
Sợi nhìn ngày tháng qua mau,
Tóc xanh hôm trước, bạc màu hôm nay.
Tóc xưa giờ đã xa bay,
Sợi buồn ở lại, ngắn dài xót xa...
 
DVTh
 
Lời thơ thật thấm thía, mỗi chữ đọc chậm tưởng như một giọt nước mắt rơi đều xuống tim, lột tả tâm trạng đau đớn của người ở lại nhớ thương người đã ra đi. Hai câu kết nghe bâng khuâng như một tiếng thở dài...
 
Theo suy nghĩ của tôi, những bài thơ hay phải là những rung  động đi thẳng từ tim ra mặt giấy mà không qua quá trình sàng lọc, chọn chữ, suy nghĩ của óc. Bài Tóc Xưa này, với tôi, là một bài thơ hay theo cách nhìn đó. Tôi đã xin phép tác giả để kể lại câu chuyện và đăng bài thơ lên số báo Xuân này, để mọi người cùng đọc và chia sẻ./-
 
Nguyễn Mạnh Tiến 

Hoa Huỳnh chuyển

1 nhận xét: