Thứ Tư, 23 tháng 11, 2022

Nằm Chơi - Võ Phiến

Hồi xưa, khi vừa biết chữ võng (Hán tự) có nghĩa là cái lưới, tôi liền hoan hỉ thấy công việc tầm nguyên chữ nghĩa xem ra thoải mái quá. Cái võng do cái lưới mà ra: Đích rồi. Mặt võng khác gì mặt lưới? Giằng ra bắt chim bắt thú, gọi là lưới; còn treo nó lên để nằm đu đưa thì gọi là võng. Cũng nó thôi.

Afficher l’image source

Thừa thắng xông lên, tôi phăng ngay ra quê quán của chiếc võng. Lại gốc từ phương bắc nữa đây. Tiếp xúc với văn minh Trung Quốc có nhiều cái lợi; ít nhất là cái lợi cho thuở bé nằm bú sữa mẹ, và khi lớn lên thỉnh thoảng được nằm toòng teng về nhà ngoại.
Tôi hài lòng về sự học hỏi của mình, và xếp vấn đề qua một bên, cái bên những chuyện đã được giải quyết thoả đáng.
Đến khi gặp bài thơ ‘Tức sự’ của Cao Bá Quát liền nhận ra sự lố lăng của mình. Cao Bá Quát mở đầu:
Nhãn khan cao điểu độc phàn lung
Tự ỷ thằng sàng bất ngữ trung
Hoá ra cái võng nó không hề là cái lưới bao giờ cả; nó là ‘thằng sàng’, là cái giường dây!
Giường dây là cái quái quỉ gì lạ vậy? Văn thơ của Siêu của Quát, nó "vô Tiền Hán" có phải do chỗ này chăng? Trong vô vàn thơ phú từ đời Hán đời Đường đời Tống để lại, đâu có thơ nào có ‘thằng sàng’? Thua họ Cao là cái chắc. Thậm chí đi ngược lên tới thời cổ đại xa xưa, lục soát các câu hò câu hát của dân gian do cụ Khổng sưu tầm, e cũng không tìm ra cái giường dây.
Các cụ ta xưa kia vung tay viết lách, hễ cái gì Tàu nói thì ta nói, Tàu không nói thì ta cho qua luôn. Tuyết, liễu, con chim oanh, con phượng hoàng, cây phong, lầu hồng, gác tía v.v... đầy dẫy trong thơ ta. Còn cái võng, cái áo tứ thân, tiếng sáo diều v.v... thì không thấy trong văn thơ cổ điển của ta bao giờ, mặc dù hằng ngày chúng sờ sờ ngay bên mình. Ông Cao đưa luôn cái võng vào câu thơ: ông tả chân, ông cách mạng, ông táo bạo quá.
Trước ông Cao, Hải Thượng Lãn Ông lên kinh bốc thuốc, trông thấy cái võng trong phủ chúa, có kể lại. Nhưng đó chẳng qua là ký sự, là ghi chép sự việc thôi, không cốt ở văn chương. Tôi không biết trong nguyên bản Hán văn Lãn Ông dùng tiếng gì để gọi cái võng. Ngày nay, trong sách báo Trung Hoa, có nơi người ta gọi nó là điếu sàng, có nơi là bố sàng. Giường dây, giường treo, giường vải là... giường cả. Ối, võng là một thứ giường! Công việc loay hoay tìm đặt một cái tên cho loại giường kỳ cục nọ, nhọc nhằn thay, vất vả thay.
Như vậy rõ ràng là ở Tàu võng không có tên, không có mặt. Người Tàu khi cần nói đến nó, phải tìm cách phiên dịch tiếng nước ngoài. Thế là cái võng mất quê quán ở phương bắc.
Không sao. Sách Tây mách: Quê nó ở Nam Mỹ. Ngay chuyến đi tân thế giới đầu tiên, trông thấy cái võng, nằm thử, ông Kha Luân Bố lấy làm khoái, rước ngay nó về Âu châu. Cây hamack cung cấp chất liệu làm ra nó, Tây và Mỹ gọi nó là hamac, là hammock, là hamaca...
Claude Lévi-Strauss nói gọn: Dân Indian ở Nam Mỹ phát minh ra cái võng (1).
Đã có công ‘phát minh’, tất họ xài kỹ. Mọi giống Indian vùng nhiệt đới Mỹ châu đều nằm võng, ngoại trừ giống Nambikwara. Nhóm dân này toàn loã lồ nằm lăn ngay ra đất mà ngủ, sát cạnh bếp lửa cho được ấm; sáng ra mình mẩy lấm lem. Như thế thật tồi tệ, thật thảm hại. Nambikwara, có nhóm dân khác gọi họ là tụi ‘ngủ đất’ (uaikoakoré). Ngủ đất là biểu hiện cái nghèo khổ đến chỗ tuyệt mức, là một trình độ sinh sống đáng chê.
Xài cái võng từ buổi sơ khai, người Nam Mỹ tiếp tục mang chiếc võng theo, qua các giai đoạn văn minh. Hơn nửa thế kỷ trước đây, ông Claude Lévi-Strauss đi khảo sát, đêm đến có những khách sạn ở Ba Tây cho khách tự do lựa chọn hoặc ngủ võng hoặc ngủ giường. Không biết ngày nay ở Nam Mỹ có còn tục lệ thú vị ấy nữa chăng? Nửa thế kỷ có là bao? Giá mà họ cố gắng vài ba năm nữa, chịu khó dìu chiếc võng sang luôn những khách sạn chọc trời của thế kỷ 21 thì vui biết mấy.
Bảo người da đỏ Nam Mỹ phát minh ra võng, theo cái nghĩa da đỏ là thầy dạy võng cho dân Bắc Mỹ với dân Âu châu, bảo thế thì không sao, thì có lý lắm. Nhưng nếu muốn ngầm ý cho rằng da đỏ Nam Mỹ là thầy dạy võng toàn cầu, thì nhà nghiên cứu không nghiêm chỉnh đâu. Mà ý ấy, có vẻ là ý ngầm của ông. E tôi phải chê ông Claude Lévi-Strauss quá. Eo ôi!
Châu Mỹ, nó chỉ là ‘tân thế giới’ đối với ông Kha Luân Bố và lớp người Âu châu sau Kha Luân Bố. Trước đó, Âu châu chưa biết tới nó; phải chờ tới thế kỷ 15 nó mới được ‘khám phá’ ra. Kỳ thực châu Mỹ không mới đến thế. Trong khoảng hai chục nghìn năm tách lìa với Âu châu, nó vẫn liên hệ mật thiết với Á châu. Claude Lévi-Strauss nói văn vẻ rằng trong khi Đại Tây Dương vắng lặng thì hai bên bờ Thái Bình Dương lại tấp nập xôn xao như bầy ong. Ông minh định là cái liên hệ rộn ràng này diễn ra ở Đông Nam Á châu chứ không phải ở Bắc Á. Trung Hoa bấy giờ không dính líu gì vào bầy ong này.
Trong hoàn cảnh giao lưu rộn rịp ấy, cả hai bờ Thái Bình Dương đều có tiếng võng đưa kẽo kẹt. Võng anh đu qua võng nàng đưa lại, suốt hai chục thiên niên kỷ. Bỗng có kẻ chỉ tay riêng về một phía, kêu đích danh: Đây là phía ‘phát minh’. Như vậy phía bên kia là gì? Là phía ‘đạo võng’ (cũng như đạo văn) à? Không phát minh ra, cũng không mượn tạm, làm sao có võng mà đu đưa? Còn như mượn mà bóc đi cái nhãn hiệu sản xuất, mà không nêu lên danh hiệu của chủ nhân, thì... chả hoá ra là gian lận, là trộm cắp à? Nhà nghiên cứu nọ không nói toạc, nhưng quả có ý ngầm. Thế mới là lỗi lớn.
Dân ta không có truyền thống đạo tặc. Mượn của ai cái gì, nói ngay cái ấy: dừa xiêm, táo tàu, váy đầm, giày tây, cái đi-văng, món lẩu, đĩa bíp-tếch v.v... Lớn như ông hoàng đế, nhỏ như đứa cu-li, chức phận nào mang nguyên tên gốc nấy, nhãn hiệu xuất xứ còn giữ rành rành, nhất nhất đều minh bạch. Sá gì một cái võng. Nếu vay mượn, tại sao nó không mang tên là cái ha-mã, cái hàn-mặc, cái hàm-mô? Tại sao sừng sững một cái tên lạ hoắc? Không Tàu, không Tây, không Mỹ; nó trương cờ độc lập một cõi, thấy không?
Hung hăng như thế xong, nghĩ lại thấy không ổn. Bên này Thái Bình Dương đâu phải chỉ riêng dân ta nằm võng?
Xem nào. Thái Lan có võng. Mở tự điển, không đọc được thứ chữ loằng ngoằng, nhờ mấy người bạn Thái Lan phiên âm giúp: kẻ bảo là pay yuan, người gọi play yuan.
Phi Luật Tân cũng có võng. Tiếng Tagalog gọi là duyan. Một bạn Phi cùng sở, người Ilocano, gần Manila, bảo tiếng địa phương cô ta là indayon.
Tôi cũng có thử tìm hỏi thêm về tiếng gọi của mấy giống dân khác, nhưng có lẽ không nên làm rườm tai người nghe. Mỗi tiếng nói có lắm cách nghe cách ghi: kẻ nghe ra Phnom Penh người lại nghe thành Nam Vang; kẻ viết ra Swar Tonnh, người lại nghe thành xà-tón, người khác ghi là Tri Tôn! Rắc rối quá lắm. Vả lại mình biết phận mình: có nghiên có khảo gì tới nơi tới chốn được đâu? Chẳng qua nhón lấy vài sự kiện trong tầm tay, nêu lên để gợi ý các bậc cao minh vậy thôi.
Trong mấy tiếng Thái Lan, Phi Luật Tân vừa kể, bỏ qua những pay với play, những du với inda, tôi chú ý đến một âm cuối cùng thì thấy hoặc yuan hoặc yan, hoặc yon, đọc lên nghe vẫn gần với cái tên Việt Nam của ‘nó’ lắm. Từ nam Trung phần vào đến khắp Nam phần, chúng ta không có phụ âm ‘v’. ‘Đi về’, người dân quê ở Bình Định, Phú Yên bảo ‘đi dìa’ hay ‘đi gỳa’. ‘Mắm và rau’, giọng Nam đọc ‘mắm già rau’. Cho nên cái võng, từ Trung vào Nam, nó mang tên cái giõng. Cái giõng ấy, cùng với những cái yon, cái yan, cái yuan, coi bộ gần gũi đa. Tại sao chúng nó không thể cùng nhau lập nên một nhóm, đối lập với nhóm hamac, hammock, hamaca?
Như thế là không dám có quyết ý cho rằng chúng ta đã ‘phát minh’ ra cái gì. Chẳng qua chỉ mong cái vinh dự nọ được san sẻ cho cả hai bờ Thái Bình Dương. Được chăng?
Ở hai bờ, cái võng có hai địa vị khác nhau. Bên phía Nam Mỹ, cái võng là cái để nằm thiệt; bên phía Nam Á, cái võng là cái để nằm chơi.
Võng Nam Mỹ xuất thân từ các bếp lửa của những bộ lạc thiểu sổ ở trình độ văn minh thấp nhất; nó là cái phương tiện căn bản để cứu con người khỏi cảnh lăn thân xuống đất lẫn lộn với tro bụi. Các bộ lạc sơ khai Nam Á, cũng như tổ tiên chúng ta thời xưa, thì không cần đến võng vẫn khỏi ngủ đất: chúng ta ở nhà sàn, nằm ngủ trên ‘chồ’ cao ráo, sạch sẽ. Võng không là phương tiện tối thiểu phải có của dân cùng; mà là tiện nghi để nghỉ ngơi lấy khoái ở những cuộc sống đã thảnh thơi. Cái võng Nam Á, nó ‘xuất thân’ ra sao? Không biết. Chỉ biết đến thời lẫy lừng, trong khoảng đôi ba trăm năm trở lại đây, nó đã được vinh thăng vào tận phủ chúa, vào khắp dinh thự các quan, khắp các chỗ quyền cao chức trọng.
Trong tuồng Hộ sinh đàn của cụ thượng thư Đào Tấn, có chỗ tên Tiết Nghĩa cao giọng phách lối đối với Tiết Cương: "A! cái thằng mới dại chớ, lại còn xưng rằng tiện hữu mới gớm chớ. Bạn tao là võng điều ngán ngà, quạt lông, khăn chữ nhất, chớ tao làm bạn chi với cái thằng chân không, áo hạn, mà cũng xưng là bạn?" Cựu tổng đốc Phạm Phú Tiết giải thích rằng ngày xưa các quan to thì dùng võng giá nhuộm điều với cặp ngán bằng ngà voi, quan nhỏ thì võng xanh với cặp ngán bằng gỗ.
Kẻ viết tuồng cùng người chú giải tuồng đều là quan lớn cả. Đều rành rẽ về phép tắc nhà quan cả. Duy cụ thượng Đào đã đem phép quan ta gán cho quan Tàu: Quan Tàu nào lại có thứ quan đi võng, dù võng đỏ hay võng xanh. Chuyện võng với cáng, với ngán nọ ngán kia, ông Đào đều xài tiếng Việt trong câu nói lối, tuyệt nhiên không đả động tới những món ấy bằng Hán văn trong các câu hát khách. Trong Hán ngữ làm gì có tiếng gọi cái võng và nhất là cái... ngán! Vả lại ông Đào thỉnh thoảng vẫn có lời đùa nghịch: trong tuồng Trầm hương các có sâm banh, với sữa bò ở chỗ cung điện Trụ vương cùng Đắc Kỷ, thì trong Hộ sinh đàn quan Tàu có lỡ ngồi lầm vào võng ngán ngà cũng dễ hiểu thôi. Nhưng đùa nghịch ấy chỉ xảy ra ở những câu nói lối. Còn ở các câu hát nam hát khách, ở các bài từ, thì nghiêm chỉnh, không có thế bao giờ.
Cao sang như vua chúa, quan quyền, thì... chơi võng. Ông nghè mới đậu xong, lắm khi cảnh nhà hãy còn thiếu thốn, bà nghè đang cấy đang gặt ngoài đồng cũng vội rửa tay chải tóc, chỉnh đốn y trang, mà nằm võng một chuyến theo sau ngựa chàng cho vẻ vang. Con nhà thường dân, nếu cố gắng chơi nổi, khi đưa dâu về nhà chồng cũng chơi một chuyến đi võng cho sang.
Ngoài ra, trong cuộc sống thường nhật, hoặc mẹ nằm võng ru con ngủ, hoặc bà nằm võng kể chuyện xưa tích cũ cho cháu nghe, hoặc ông Nhất Linh nằm võng bên suối Đa Mê mà viết văn, thổi sáo v.v..., đều không phải cốt đáp ứng một nhu cầu căn bản, thiết yếu nào cả. Chẳng qua là nằm chơi, nằm lấy thích lấy thú cả. Là cái nằm ở một xã hội đã có trình độ văn minh tương đối cao. Võng như thế là môi trường của câu hát, điệu ru, môi trường của cuộc sống tình cảm, cuộc sống tinh thần, của những cảm xúc tinh tế.
Như thế e cái võng Nam Á, tuổi của nó không mấy cao chăng? Đáp ứng nhu cầu căn bản mới là xưa, chứ đáp ứng nhu cầu tinh thần thì xưa sao được?
- Hầy, đã bảo chưa biết về cái xuất thân của nó. Ai mà dám chắc nó già trẻ đến đâu. Gác chuyện đó lại đi. Cái gì chưa có chứng cớ đích xác thì khoan nói. Nói qua chuyện khác, vui hơn.
Bắt đầu, ông Cao Bá Quát có một câu thơ võng. Chẳng bao lâu sau, ông Bàng Bá Lân liền có cả một tập thơ võng: Tiếng võng đưa. Không phải ông Bàng là chuyên gia về võng. Chẳng qua khi văn thơ Việt Nam nó thoát ra khỏi vòng Hán ngữ thì nó dễ dàng đề cập tới cuộc sống dân tộc hơn.
Ông Bàng có ba thi phẩm về tiếng nọ tiếng kia: Tiếng thông reo (1934), Tiếng sáo diều (1939), Tiếng võng đưa (1957). Trừ tiếng thông reo ra, hai tiếng sau đặc biệt thân thuộc với lỗ tai Việt Nam.
Trong bài ‘Tiếng võng đưa’ có câu:
...Tiếng võng nhà ai ru trẻ
Nặng nề chậm chạp đong đưa...
Nặng nề chậm chạp đong đưa...
Cót ca cót két nhịp thơ muôn đời.
Lại có câu:
Dân tộc Việt Nam
Lớn trong tiếng võng
Trong bài ‘Quê tôi’ có câu:
Đêm dài, nhịp tiếng võng đưa
Lời ru ời ợi ngàn xưa vọng về...
Kẻ đề tựa cho tập Tiếng võng đưa là ông Lê Văn Siêu, một học giả từng có những công trình nghiên cứu về văn hoá, về văn minh, của nước Việt Nam văn hiến. Trong bài tựa có lời rằng: "Tiếng võng đưa kẽo kẹt ấy, vẫn là tiếng ngân dài của năm nghìn năm lịch sử trong lòng người con dân đất Việt."
‘Muôn đời’, ‘ngàn xưa’, rồi ‘năm ngàn năm’, rồi lại dân tộc ‘lớn trong tiếng võng’. Nghe ra vẫn chưa mấy đích xác. Chỉ biết võng là cái cố cựu, là mật thiết với dân tộc. Còn cái đích xác thì hãy chờ thôi./.
 
Võ Phiến

 

1 nhận xét:

Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891]

  Trường thi Hương Nam Định, kỳ thi năm Tân Mão [1891], các thí sinh đang lều chõng đi thi, một cụ làm bài xong ra ngoài ngồi, còn các cụ kh...