Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2022

Điều trị tâm linh...siêu tốc


 

Biết bà bệnh nhân khó qua được đêm nay, tôi quyết định không sang Đại học Kyoto để nghiên cứu nữa mà ở lại bệnh viện để nói chuyện thêm với cả gia đình.
Trong căn phòng phảng phất không khí u buồn, chồng bà vẫn ngồi đó, lặng im, chỉ còn biết cầm tay, xoa lưng như mong xuất hiện thêm phép màu.
Thật biết nói gì hơn khi bệnh phát hiện muộn, lại quá ác tính mà 2 liệu trình hoá trị đã không đẩy lui được tí nào. Bệnh nhân đột ngột rơi vào giai đoạn cuối cùng khi ung thư xâm lấn tủy xương. Việc có thể làm lúc này là chăm sóc giảm nhẹ để giúp bà dễ chịu nhất có thể.
Cũng may là thuốc giảm đau Oxycodone chuyển sang đường truyền kèm thuốc giảm nôn đã phát huy tác dụng tốt, giúp bà nằm thoải mái hơn để nói chuyện thều thào. Nhưng chúng tôi cũng biết rằng không còn cầm cự được lâu nữa vì các rối loạn đông máu nghiêm trọng đã xuất hiện.
Tôi phá vỡ sự im lặng bằng cách gợi chuyện về gia đình, về con cái của bà. Suốt mấy tháng qua, bao nhiêu quan tâm của người bệnh và người nhà đều đổ dồn vào chuyện hoá trị phác đồ gì, ăn uống ra sao, chống táo bón hay giảm đau như thế nào....
Dù hiểu rằng phải giúp bà lo liệu cho cả chuyện bất trắc và điều trị tâm linh, thú thật là tôi đã không có đủ thời gian và không gian để thực hiện thấu đáo. Hơn nữa, không ai có thể tưởng tượng ra chuyện như hôm nay cho tới khi chúng ta đối mặt thực sự...
Gợi chuyện mới biết, hoá ra, bà ấy đã một mực thương yêu chồng con, hi sinh thời gian của mình để đầu tư cho con gái đi du học Đức. Cô tốt nghiệp đại học Âm nhạc, trở thành nghệ sĩ bán chuyên và trở về quê hương phụng sự. Dù đang thất nghiệp do dịch bệnh, cô không bao giờ quên công lao nuôi dưỡng của mẹ mình. Tôi đùa rằng ắt có nhiều người mong có con là nghệ sĩ để được nghe nhạc miễn phí suốt ngày như bà.
Tôi nói tiếp rằng hiếm có người chồng nào sát cánh với vợ mình như ông nhà. Bà hẳn là người may mắn nhất rồi đấy! Bà nhìn ông cảm kích và kể tiếp chuyện hai người đã tằn tiện như thế nào để có được ngôi nhà và tổ ấm hôm nay.
Sau 30 phút trò chuyện đó, chúng tôi thấy bà khóc rồi lại nở một nụ cười trên môi. "Cô ấy là người vợ tuyệt vời nhất thế giới!" Ông chồng khen vợ, rồi cũng được vui lây khi nghe chính vợ nói lại rằng "Bà cũng hạnh phúc khi làm vợ của ông, một người chồng tuyệt vời"...
Bà qua được đêm hôm đó khá êm đềm.
Sáng hôm sau, bà mở mắt nói rằng "Ủa tui chưa chết hả?" "Tui thấy chết cũng thường thôi" "Tui không còn sợ chết nữa rồi bác sĩ ơi".
Làm sao một người ở đáy vực thẳm tuyệt vọng lại có thể thốt lên những lời mạnh mẽ, xem cái chết như tơ hồng?
Phải chăng, khi hiểu rằng mình đã sống hết mực để yêu thương, người ta sẽ không còn sợ chết nữa?
Lạ lùng hơn, những thay đổi này chỉ xảy ra sau 30 phút trò chuyện thật sự.
Nói là "thật sự" vì tôi đoán rằng gia đình này chưa bao giờ ngồi lại với nhau để ghi nhận và tri ân nhau trong không khí căng thẳng mấy tháng rồi. Có những thứ chúng ta làm cho nhau hằng ngày nhưng ít được ghi nhận hay trân trọng vì "quá bình thường". Nhiều người còn ngại nói ra vì "sợ sến súa" như phim.
Sáng nay, bà đã ra đi thanh thản với bao tiếc thương.
Cá nhân tôi sẽ luôn nhớ về bà với bài học chứng nghiệm hiệu quả của Điều trị tâm linh...siêu tốc. Trong điều trị và chăm sóc người bệnh ung thư, phác đồ hoá trị và thuốc men đi kèm quan trọng thật đấy, nhưng hàn gắn được vết thương lòng bằng vật liệu "có sẵn trong nhà" mới là thành công của đội ngũ hỗ trợ. 
 

1 nhận xét: