Thứ Ba, 13 tháng 12, 2022

HUẾ XƯA 

"Dạ thưa xứ Huế bây giờ

Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương" (Có người viết "Núi Ngự vẩn đứng bên bờ sông Hương")

Bùi Giáng


NÉT HUẾ….
Tôi đến Huế vào khoảng thời gian bắt đầu cho một mùa hè rực rỡ.
Cả một con đường bên kia bờ sông Hương phượng nở và tiếng ve kêu vang vang trong nắng mai làm xao xuyến lòng người. Cái cảm giác lúc đó đánh thức những hoài cảm về một cái gì nữa như nuối tiếc nữa như đang thưởng thức cái đẹp chưa trọn vẹn và không có bến bờ!

Tôi lang thang trên con đường hoa phượng đỏ để chỉ chờ đợi giây phút tan trường.

Và khi đàn bướm trắng tỏa ra thì có cái cảm giác như choáng ngợp. Cái đẹp lúc đó chỉ là tổng thể, màu trắng của những tà huy phất phới bay màu đỏ của hoa phượng và những mầm xanh vừa mới trổ lá làm thành một bức tranh tuyệt tác.

Thanh âm của dòng sông Hương lặng lờ trôi, tiếng cười đùa của đàn bướm làm tôi nhớ tới một tác phẩm mà cụ Bùi Giáng dịch ra là "Chuông gọi hồn ai". Vâng tiếng chuông của tâm hồn vang vang trong cái không gian trầm mặc của xứ Huế mộng mơ. Nó không ồn ào làm tôi thức giấc nhưng nhẹ nhàng đưa tôi vào những rung động của một giấc mơ.. tiên!


Đến với Huế mà không thưởng thức những ẩm thực của Huế là một điều thiếu sót!

Món ăn Huế cũng như..."gái Huế" nó đậm đà nhưng đôi lúc....cay xé lưỡi!

Cái ý nghĩ nầy sau mấy mươi năm "ở trọ" trong tim của mệ nhà mới thấy ...đúng!

Huế không ồn ào như SàiGòn, Huế không có mùi gió biển của Nha Trang, Huế không có những phố biển như Đà Nẵng.

Những Huế trầm mặc và tình tự u hoài như một lần tản bộ trong thành nội ngắm những bức tường loang lổ vết thời gian mà nuối tiếc về một thời quân vương đã qua..


Nói về Huế chợt nhớ tới câu hát "Huế, SàiGòn, Hà Nội". Sao lại bắt đầu bằng Huế, Hà Nội xưa hơn Huế nhiều cũng như SàiGòn tân kỳ , tráng lệ hơn Huế xa vậy thì tại sao Huế lại number one? Có lẻ người viết là dân Huế nhưng theo tôi nghĩ cái cốt cách, cái hồn Huế nó đã dẩn dắt người nhạc sĩ viết dzậy?. Thiệt tình mà nói dân Huế cái gì cũng quá quắt! Cai thì cai xé lưởi, ngọt thì ngọt lịm...chết người còn yêu thì dai dẳng dầm dề như...mưa trên phố Huế!

Cái nầy không phải là suy bụng ta nghĩ ra bụng người bởi vì đọc những câu chuyện tình xứ Huế mới thấy cái tình Huế nó dai, nó dính còn hơn ...keo dán sắt! Lở mà dính rồi thì khó lòng gỡ ra! Vì gỡ ra sẻ sướt da rách thịt đau thấy mụ nội ai mà dám gỡ!

Lần đó là lần đầu tiên thăm cấm thành Huế. Tản bộ trên những con đường lát đá nhìn những bức tường rêu phong phủ kín lòng chợt nghĩ đến những vì vua thời Nguyễn một thời vàng son...Chiều tà gió hiu hắt lạnh, cái cảm giác như hồn Quân vương vẫn tản mác đâu đây trên đầu cây ngọn cỏ. Tiếng nhạc cung đình, những tà áo lụa của cung nữ phất phới bay trong điệu vũ thiên thai...cái hồn Huế đó nó ngậm ngùi tiếc thương cho một thời đã qua...

Bây giờ tôi yêu Huế không chỉ qua cái lãng mạn u hoài mà còn yêu Huế...bằng xương bằng thịt!


Ai muốn hiểu sao thì hiểu...no question!

GÁI HUẾ
Vẻ đẹp của người con gái Huế với những tà áo dài tha thướt đã đi vào không biết bao nhiêu lời thơ ý nhạc. Đó có thể là một tà áo tím như trong sáng tác của nhạc sĩ Hoàng Nguyên:

"Một chiều lang thang trên dòng Hương giang. Tôi gặp một tà áo tím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím ôi luyến thương. Màu áo tím ôi vấn vương".


Mời anh chị và các bạn xem và nghe TÀ ÁO TÍM theo link dưới đây :

"Tà Áo Tím - Tác giả Hoàng Nguyên

Tiếng hát Quỳnh Dao"

https://youtu.be/cOEuE7R7eHM


Đó có thể là một màu áo trắng như trong thơ của Thu Bồn:

"Áo em trắng hỡi thuở tìm em không thấy

Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền

Nón rất Huế mà đời không phải thế

Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng"

(Tạm biệt Huế).


Vẻ đẹp tha thướt của tà áo dài cùng sự e ấp mềm mại của những kiều nữ sông Hương cũng đã được Nguyễn Bính tả trong bài thơ "Tựu trường":

"Những nàng kiều nữ sông Hương

Da thơm là phấn, môi hường là son

Tựu trường san sát chân thon

Lao xao nón mới màu sơn sáng ngời

Gió thu cứ mãi trêu ngươi

Đôi thân áo mỏng tơi bời bay lên

Dịu dàng đôi ngón tay tiên

Giữ hờ mép áo làm duyên qua đường".

Dĩ nhiên, bên cạnh những sắc màu tươi tắn rạng rỡ cùng là không ít những số phận buồn. Có nỗi buồn man mác nhớ nhung:

"Có người cung nữ họ Vương

Lên lầu nhìn dải sông Hương nhớ nhà"

(Thu rơi từng cánh – Nguyễn Bính).


Những thân phận Huế, đi vào thơ Văn Cao, thấy nhiều hơn những đồng điệu sẻ chia và sau cùng là nỗi quyến luyến không dứt. Ông trìu mến gọi người kỹ nữ trên sông Hương là phấn nữ:

"Giọng hát sầu chi phấn nữ ơi

Từng canh trời điểm một sao rơi…

Em cạn lời thôi anh dứt nhạc

Biệt ly đôi phách ngó đàn tranh

Một đêm đàn lạnh trên sông Huế

Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh"

(Một đêm đàn lạnh trên sông Huế).

Những ai đã từng yêu một người con gái Huế thì mới thấm thía cái phút biệt ly trên đất cố đô, thấy đau đáu cồn cào trong lòng một ánh mắt buồn thương xa vắng không muốn rời:

"Màu mắt Huế buồn rưng rưng.

Khiến cho anh suốt đời không quên.

Ôi mắt thơ đẹp ai oán mà phong ba vẫn luôn đón chờ.

Tàn mùa Đông trên bến sông.

Đôi mắt buỗn tiễn biệt anh đi. Chiều mây tím giăng mắt sầu.

Xa dưới mưa tiếng vọng đò đưa"

(Mắt Huế xưa – Nhạc và lời: Quốc Dũng- Đinh Trầm Ca).

Nỗi nhớ nhung người con gái Huế sẽ còn theo mãi tâm hồn người nghệ sĩ, một ngày chia tay, một lần quay lại kiếm tìm nhau mà chẳng còn bao giờ thấy được:

"Sông Hương nước chảy thuyền trôi lững lờ.

Em trao nón đợi và em hẹn hò…

Trở lại Huế yêu lần theo ân tình câu hát.

Tìm người con gái áo tím mộng mơ.

Sông Hương tấp nập tìm răng được chừ.

Không nguôi kỷ niệm vòng tay học trò…"

(Huế Thương – Nhạc và lời: An Thuyên).


Và nỗi nhớ nhung ấy có thể lặn sâu trong lòng thành một lặng câm vô vọng, nhưng nỗi vô vọng ấy lại được giữ gìn mãi mãi như một báu vật thiêng liêng:

"Tạm biệt Huế với em là vĩnh biệt

Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya

Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng

Anh trở về hóa đá phía bên kia"

(Thu Bồn).

Cố đô Huế, từ cảnh đến người, từ người đến cảnh, mang những vẻ đẹp thật đặc trưng không nơi nào có. Như lời bài hát của nhạc sĩ Trương Tuyết Mai phổ thơ Đỗ Thị Thanh Bình (Huế tình yêu của tôi), đó là vẻ dịu dàng pha lẫn trầm tư”, “sâu lắng”,  “sẻ chia đắng cay gian khổ

Huế cũng là nỗi buồn man mác đã thấm vào từng giọt nước sông Hương mà người thi sĩ đôi khi muốn được hòa tan mình trong đó bởi tình yêu thiết tha quê hương xứ sở:

"Vắng khách đôi khi về chở gió

Không tiền, không bạc vẫn cười vang

Dừng lại bên cầu nghe nước chảy

Chợt thấy mình: một giọt nước Hương giang"

(Giọt nước Hương giang).


Tôi yêu Huế, đã yêu Huế và bây giờ cũng đang yêu Huế.

Cái tình yêu đó đôi lúc bị khuấy động bởi những tiếng kàm ràm nghe vui tai vì giọng Huệ!

Nhưng đôi lúc cũng ngọt ngào vì tô bún bò hay dai dai như cái bánh bột lọc.

Cái nhìn về Huế đôi khi bị lệch lạc vì cái người nằm kế bên nhưng nói chung là vẫn yêu Huế ra riết.

Chắc tại cái duyên với Huế trời đã định cho tôi!

Trời cho thì mình hưởng ngu gì mà không thưởng thức? nhưng đôi lúc cắn nhầm trái ớt Huế cay xé lưỡi mà sao vẫn thấy ..cay!

Cái đó gọi là "nửa hồn thương đau" Hổng sao...dù đã thấy ...ngàn sao!

Cay thấy mụ nội luôn!

(LẠI-VĂN-LÝ)

--
Xem Thêm :HUẾ RẶT - Võ Hương An


1 nhận xét: