Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Về Quỉ Hoc Bổng cho HS.Nghèo Năm 2023-2024

Tổng Kết THU VÀ CHI QHB.Cho HS.Nghèo,Hiếu hoc Năm hpc 2023-2024

 1./ MTQ hải ngoại (anh Hồ Xưa vận động :

3.500 USD ,đổi ra VNĐ - 83.125.000 Đ (1 USD - 23750 )

2./ MTQ.tại Tây Ninh :

21.875.000 VNđ  và 5 xe đạp

TRAO NGÀY 5/9/2023 CHO CÁC TrƯỜNG NHƯ SAU :

 1./ Cấp 3 Trung hoc Tây Ninh.................35.000.000 VNđ

  2./ Cấp 2 Trần Hưng Đao TN...................35.000.000 VNđ

và 5 xe đap

 3./ Cấp 3 Nguyễn Chí Thanh TN................35.000.000 VNđ

 Tổng cộng ; 105.000.000 VNđ và 5 xe đap

(Một trăm lẻ năm triệu đồng ) 

Tất cả giây tờ thu chi đều có chứng nhận của BGH nhà trường và HS thụ hưởng )

 

Mời Xem :

 Về "Quỹ học bỗng Tây Ninh" 2022-2023

Hai nhà văn khiến gà tây trở thành món ăn truyền thống trong Lễ Tạ Ơn

Lễ Tạ Ơn mà không có món gà tây cũng như Lễ Giáng Sinh thiếu cây thông noel vậy.

Tổng thống George Washington từng viết rằng “bổn phận của tất cả các dân tộc là nhận biết thiên ý của Đức Chúa Trời Toàn Năng, tuân theo ý chỉ của Ngài, biết ơn những phước lành Ngài ban, khiêm tốn cầu xin sự che chở và ân điển của Ngài.” Điều này được nêu trong phần đầu bài tuyên bố Ngày Lễ Tạ Ơn được ông ban hành vào ngày 03/10/1789. Thông qua tuyên bố này, Tổng thống Washington đã ấn định Ngày Lễ Tạ Ơn đầu tiên của đất nước là ngày 26/11, để tất cả người dân Mỹ có thể “cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ chân thành và khiêm tốn của chúng ta.”

Dẫu vậy, suốt 74 năm sau đó, “Liên minh hoàn hảo hơn” này đã gần như hoàn hảo khi ăn mừng Lễ Tạ Ơn cùng lúc. Ngày Lễ Tạ Ơn trên khắp Mỹ quốc [trước đó] thường được tổ chức vào bất cứ thời điểm nào từ tháng Mười đến tháng Một. Lịch sử là vậy, nhưng rồi người Mỹ đã dành hẳn một ngày để bày tỏ lòng biết ơn đối với những phước báu mà họ nhận được. Ngày Lễ Tạ Ơn này đã từng như thế nào?

Nhà văn Charles Dickens và món gà tây trứ danh




Ông Charles Dickens là nhà văn kiêm nhà phê bình xã hội người Anh. Cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh) của ông đã có ảnh hưởng trong việc đưa món gà tây trở thành biểu tượng trung tâm trong các bữa ăn ngày lễ.
Những người Mỹ thuở sơ khai có thể đã học hỏi những người hành hương và thổ dân trong dịp Lễ Tạ Ơn đầu tiên diễn ra vào năm 1621 ở vùng Plymouth. Theo hồi ký của thống đốc thuộc địa William Bradford thì vào mùa đó họ có loài chim nước (waterfowl), một kho “gà tây hoang dã lớn,” cùng với hươu và bắp bản địa. Món gà tây gần như chỉ được nhắc đến thoáng qua, vì vậy người ta không rõ liệu món gà tây có được phục vụ trong dịp đặc biệt này hay không.

Nhà văn người Anh là Charles Dickens đã đóng một vai trò quan trọng trong việc biến món gà tây thành tâm điểm trong các bữa ăn ngày lễ, cũng giống như cách người Anh đã góp phần nào đó — ít nhất là như vậy — trong việc thành lập thuộc địa Plymouth lẫn Cuộc Cách mạng Mỹ.

Trong câu chuyện đạo đức kinh điển “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh), nhân vật Ebenezer Scrooge giàu có nhưng keo kiệt. Ông ta trả lương cho người phụ việc Bob Cratchit ít đến mức anh không thể mua nổi một con gà tây cho bữa tối Giáng Sinh. Gia đình Cratchit tội nghiệp chỉ có thể mua được nhiều nhất là một con ngỗng. Mãi đến cuối câu chuyện, khi nhân vật Scrooge được trao cho cơ hội kỳ diệu để soi xét lại quá khứ, hiện tại, và tương lai của mình, ông ta mới quyết định bù đắp cho những việc làm xấu của bản thân. Suy nghĩ đầu tiên của ông là giúp đỡ gia đình Cratchits, may mắn thay, đây là thời điểm hoàn hảo để làm điều đó — Lễ Giáng Sinh.

Khi ông Scrooge mở cửa sổ vào buổi sáng ngày Giáng Sinh, ông nhìn thấy một cậu bé đi ngang qua và hỏi thăm cậu về con gà tây treo trên cửa sổ của “cửa hàng gia cầm” nơi góc phố.

“Cháu có biết con gà tây tuyệt hảo treo ở cửa hàng đó đã bán hay chưa? — Không phải con gà tây nhỏ: con to ấy nhé?” …

“Con gà tây vẫn được treo ở đó bác ạ,” cậu bé trả lời. Ông Scrooge sau đó hứa cho cậu bé nửa đồng crao nếu cậu đến cửa hàng mua con gà tây và quay trở lại “trong vòng năm phút.”

Đó là một con gà tây! Con chim đó không bao giờ có thể đứng trên đôi chân của mình được nữa. Anh ta sẽ cắt nhỏ con gà trong vòng một phút, dễ như đổ sáp để niêm phong thư vậy.

Ông Mark Connelly, giáo sư môn lịch sử Anh hiện đại ở Đại học Kent từng viết, “Câu chuyện này gợi lên hình ảnh về một Lễ Giáng Sinh thời Victoria hoàn hảo và hoài cổ, đầy ắp món gà tây, cây tầm gửi và lòng tốt.”

Theo bà Cathy Kaufman, chủ tịch của Hiệp hội Culinary Historians of New York (Hiệp hội các sử gia ẩm thực New York), người Anh tin rằng “Giáng Sinh không phù hợp với thế giới công nghiệp đô thị,” mà đúng hơn là ở London — bối cảnh đặc trưng trong truyện của tác giả Dickens. Ở Mỹ quốc, Lễ Giáng Sinh được nhìn nhận gần như giống nhau — có lẽ chỉ ngoại trừ miền Nam, nơi người dân ở đây thường tổ chức ăn mừng Giáng Sinh trong 12 ngày.

Sau khi ông Dickens xuất bản cuốn sách của mình, Lễ Giáng Sinh ở Anh quốc đã quay trở lại truyền thống thời trung cổ trước đó, nơi ngày lễ này được tổ chức nhiều hơn một ngày và các bữa tiệc sẽ kéo dài. Như bà Kaufman viết, “Cuốn tiểu thuyết ‘Hồn Ma Đêm Giáng Sinh’ của Dickens đã mang đến một diện mạo tốt lành vào dịp Giáng Sinh, xoay quanh kỳ nghỉ gia đình dưới thời kỳ Victoria cổ kính và yên bình, với điểm nhấn là những việc làm thiện nguyện nhỏ.”

Nhà văn Dickens ở Mỹ quốc

Khi cuốn sách được phát hành ở Mỹ quốc vào tháng 01/1844, theo một bài giảng của nhà văn William Makepeace Thackeray vào năm 1852, sự thay đổi có ảnh hưởng lớn hơn nữa vì cuốn sách đã tạo nên “một cảm xúc dào dạt về Lễ Giáng Sinh tốt lành; về cách pha chế rượu punch cho đêm Giáng Sinh; lượng lớn gà tây bị làm thịt, và món thịt bò Giáng Sinh được phết dầu và nướng.”

Món gà tây chỉ được nhắc đến một lần trong đoạn cuối của cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh), và độc giả chưa bao giờ được chứng kiến bữa tối cuối cùng ở nhà Cratchit. “Tất cả những gì chúng ta biết là nhân vật Scrooge đã gửi cho nhà Cratchit con gà tây to nhất trong cửa hàng bán gia cầm,” ông Kaufman phỏng đoán. “Đó cũng là hình ảnh ẩm thực gây tiếng vang sâu sắc nhất ở Mỹ quốc.”

Gà tây là một loại gia cầm của người Mỹ, và đã trở nên phổ biến hơn ở Hoa Kỳ sau tiểu thuyết ngắn của ông Dickens. Nhưng vào năm 1844, Lễ Tạ Ơn vẫn được ăn mừng trong các tháng khác nhau tùy theo tiểu bang, và gà tây vẫn chưa trở thành “hình ảnh ẩm thực” được lựa chọn cho ngày lễ này. Cần có một tác giả người Mỹ nữa để đưa gà tây vào ngày Lễ Giáng Sinh.

Bà Hale và sự khởi đầu của một truyền thống ở Mỹ quốc


Bà Sarah Josepha Hale là nhà văn, nhà hoạt động, kiêm biên tập viên người Mỹ của Tạp chí Godey’s Lady’s Book. Bà đã vận động để Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ quốc gia.

Bà Sarah Josepha Hale là một trong những người có tầm ảnh hưởng nhất đối với văn hóa Mỹ ở thế kỷ 19. Bà sinh năm 1788, năm Hiến Pháp được phê chuẩn, và gần đúng một năm trước khi cựu Tổng thống Washington đưa ra tuyên bố về Lễ Tạ Ơn. Bà là góa phụ và là mẹ của năm đứa con, cuốn tiểu thuyết đầu tiên của bà “Northwood; Or, Life North and South: Show the True Character of Both” (Vùng đất Northwood; Hay là, Cuộc Sống Hai Miền Nam Bắc: Cho Thấy Nét Chân Thực giữa Hai Miền), xuất bản vào năm 1827 — 16 năm trước khi cuốn “A Christmas Carol” của ông Dickens ra đời. Thành công của cuốn tiểu thuyết này mở ra cơ hội cho bà trở thành biên tập viên của Tạp chí Godey’s Lady’s Book, một tạp chí có tầm ảnh hưởng thời bấy giờ. Dưới sự dẫn dắt của bà, số lượng độc giả ghi danh mua tạp chí tăng gấp 15 lần, từ 10,000 lên 150,000.

Tạp chí này ảnh hưởng đáng kể đến thời trang, nghi lễ, và ẩm thực của người Mỹ. Với vai trò là biên tập viên, bà cũng viết một chuyên mục hàng tháng. Năm 1846, bà bắt đầu thúc đẩy Lễ Tạ Ơn trở thành ngày lễ quốc gia. Bà viết thư cho tất cả các tổng thống từ ngài Zachary Taylor cho đến ngài Abraham Lincoln, nhấn mạnh vào việc tạo nên một ngày nghỉ cho Lễ Tạ Ơn quốc gia.

Các vị tổng thống sau ngài Washington đều từng ban hành tuyên bố về ngày Lễ Tạ Ơn trước đó. Ngay cả tổng thống Lincoln cũng ban hành một tuyên bố vào năm 1861, một tuyên bố khác vào năm 1862, và một tuyên bố thứ ba vào mùa hè năm 1863. Tuyên bố năm 1863 được ban hành vào giữa tháng Bảy và ấn định ngày 06/08 “là ngày Lễ Tạ Ơn quốc gia, ca ngợi, và cầu nguyện”, và cho phép người dân “tụ hội ở những nơi thờ phượng theo phong tục của họ.”

Bà Hale cho rằng Lễ Tạ Ơn nên diễn ra vào một ngày cụ thể hàng năm. Bà đã gửi một lá thư cho Tổng thống Lincoln vào ngày 28/09/1863, bày tỏ rằng “trong vài năm qua ngày càng có nhiều người quan tâm đến việc tổ chức Lễ Tạ Ơn trong cùng một ngày trên đất nước chúng ta, ở tất cả các tiểu bang; bây giờ chỉ cần có sự công nhận và phê chuẩn từ người có thẩm quyền quốc gia, để ngày này trở thành cố định, một phong tục và truyền thống của người Mỹ.”

Năm ngày sau, Tổng thống Lincoln ban hành một tuyên bố mới, nêu rõ: “Đối với tôi, dường như phù hợp và đúng đắn rằng [món quà này] nên được công nhận một cách trang trọng, tôn kính, và biết ơn với cùng một trái tim và một tiếng nói của tất cả người dân Mỹ quốc. Do đó, tôi mời gọi các công dân của tôi trên khắp Hoa Kỳ, cả những ai đang ở trên biển hay đang sống ở hải ngoại, hãy dành riêng và xem ngày thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một là ngày lễ để Tạ Ơn và Ngợi ca Đức Cha nhân từ của chúng ta, Đấng ngự trên Thiên Đàng.”

Một năm sau, Tổng thống Lincoln ban hành một tuyên bố khác về việc ăn mừng Ngày Lễ Tạ Ơn vào thứ Năm cuối cùng của tháng Mười Một. Đây là lần đầu tiên ngày lễ này được đón mừng cùng một ngày trên khắp các tiểu bang trong nhiều năm liên tiếp. Ngày này không thay đổi cho đến năm 1939, khi cựu Tổng thống Franklin Delano Roosevelt đưa ra tuyên bố thứ hai rằng Lễ Tạ Ơn [sẽ bắt đầu] vào thứ Năm tuần trước đó trong một nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế bằng cách kéo dài mùa mua sắm vào dịp lễ.

Lễ Tạ Ơn đúng kiểu

Khi đề cập đến việc “Lễ hội tráng lệ” này sẽ trông như thế nào, nhà văn Hale đã khắc họa bức chân dung chi tiết trong cuốn tiểu thuyết của mình:

Chiếc bàn được phủ bằng một tấm vải gấm hoa … giờ đây sẽ dành cho cả gia đình, mỗi đứa trẻ đều có một chỗ ngồi trong dịp này, và càng đông người càng tốt. Đó được xem là vinh dự cho người đàn ông khi được ngồi ăn bữa tối Lễ Tạ Ơn cùng đại gia đình của mình.

Bà Hale tiếp tục thảo luận về các món ăn, bao gồm thăn ngoại bò, giò heo, sườn cừu, bánh gà mặn, chén nước sốt thịt, đĩa rau, món ăn muối chua, các loại mứt, bơ, bánh mì ngũ cốc, bánh trái cây hấp (plumb pudding), bánh sữa trứng, bánh nướng, bánh ngọt, đồ ăn ngọt, trái cây, rượu làm từ quả lý chua, thức uống lên men từ trái cây, và bia gừng. Ấy vậy mà, chính món gà tây mới nổi bật trên bàn ăn của Lễ Tạ Ơn hư cấu này, dù chỉ là trong tiểu thuyết nhưng đầy sức ảnh hưởng.

Món gà tây nướng được ưu tiên trong dịp này, được đặt ở đầu bàn; và đó là vị trí tuyệt vời để tỏa ra mùi hương đậm đà của phần nhân nhồi thơm ngon, và được áo mỏng bằng một lớp mỡ bóng bên ngoài.

Theo Hiệp hội Lịch sử New England (New England Historical Society), phần miêu tả của bà Hale về cách bày biện bàn ăn trong ngày Lễ Tạ Ơn “đã trở thành khuôn mẫu cho phần còn lại của đất nước.”

Mặc dù bà Hale đã viết cuốn sách trước nhà văn Dickens 16 năm, nhưng theo một nhà phê bình ẩm thực, thì chính tiểu thuyết gia Dickens đã “khiến món gà tây tuyệt hảo dịp Lễ Giáng Sinh trở nên phổ biến … thay thế cho món ngỗng truyền thống bằng một loại gia cầm mang tính biểu tượng hơn.” Hai mươi sáu năm sau khi cuốn tiểu thuyết “A Christmas Carol” (Hồn ma đêm Giáng Sinh) đến được bờ biển Mỹ quốc, Quốc Hội đã thông qua một dự luật đưa Lễ Tạ Ơn thành ngày lễ quốc gia. Tổng thống Washington và cựu Tổng thống Lincoln đều tuyên bố rõ ràng mục đích đằng sau Lễ Tạ Ơn, nhưng chính hai tác giả Dickens và Hale mới là những nhân vật có ảnh hưởng đến cách chúng ta ăn mừng ngày lễ này.

 Dustin Bass  - Minh Châu biên dịch

--


 

 

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

CHUYỆN KHÔNG THỀ - Thơ Songquang và 9 Bài Họa của Các Thi Hửu


 CHUYỆN KHÔNG THỀ

Cây rừng lá rụng quét sao đang…
Phủi sạch Trần gian bớt bụi ngàn
Sầu khổ không còn trong cõi thế
Để đêm nhìn thấy bóng trăng tan

Biển xô sóng vỗ mãi miên man…
Chận đứng làm sao được gió gào
Để chú Dã Tràng xe cát mãi
Đắp thành lầu mộng chốn trần gian

Con người phiền não mãi không an!
Trút bỏ sân si chẳng dễ dàng
Thanh thản tâm hồn đâu có được
Cửa Thiền rộng vậy khó lần sang
Songquang
20231115


Thơ Họa:

  1./ CÓ THỂ MÀ THÔI

Cho dù tình muộn cũng còn đang
Ngó núi thương sông cuốn lũ ngàn
Khiến sóng trùng dương quên vỗ gió
Biển buồn đau cát lở bờ tan

Hay là tiếng dế khóc mê man
Sợ hãi triều dâng nước ngập tràn
Trên mỗi ưu tư về khắc khoải
Kéo mây sầu lại lấp không gian

Nhưng vì đôi nẻo vẫn bình an
Tiếng hát bâng khuâng rất dịu dàng
Có thể, mà thôi không thể nữa
Trễ rồi, lần cuối hẹn hò sang...
Rancho Palos Verdes 15 - 11 – 2023
CAO MỴ NHÂN


2./ BIẾT BAO GIỜ

Chặn hết làm sao những kẻ đang...
Chặt rừng phá hại núi non ngàn
Ngăn sông đắp đập gây tai họa
Lũ cuốn nhà trôi cảnh nát tan.

Ngăn được nào đâu kẻ dối man
Tham ô, lừa lọc tội muôn vàn
Không hề nghĩ đến tình nhân loại
Đói khổ, cơ hàn khắp thế gian.

Bao giờ được sống cảnh bình an
Người đối với nhau thật dịu dàng
Tràn ngập tình thương trong cõi thế
Người nghèo bình đẳng kẻ giàu sang ?
Sông Thu
( 16/11/2023 )


3./ NẾU ĐƯỢC XIN ĐỪNG

Cửu Long chín cửa nở nào đang
Nước ngọt trời ban đến ruộng ngàn
Chỉ biết vì tiền làm thủy điện
Mưa nhiều xả đập cảnh nhà tan.

Thương cho nghịch cảnh lụy nhân man
Sóng biển ầm vang tựa tiếng gào
Những kẻ lừa dân luôn sống ảo
Xây lâu đài máu chốn dương gian.

Làm sao kiếm được chữ bình an
Khi mỗi dân oan sống dập dàng
Nếu được xin đừng đem đất tổ
Giao cho nước lạ để cầu sang.
LAN
(Thứ năm, 16/11/2023)



4./ CHỜ ĐÒ SANG SÔNG

Rừng phong lá rụng vẫn còn đang. . .
Khách tục còn đi mấy dặm ngàn;
Nghiệp khổ bao giờ thôi trả hết,
Đêm sang chờ nắng tuyết chưa tan. . .

Trường giang sóng vỗ tiếp miên man
Thơ thẩn ngồi xem gió thét hàn;
Bìm bịp gọi ai đem nước lớn,
Đợi đò hy vọng khách trần gian.

Trần gian nóng đợi dạ không an !
Thời khắc qua đi quá dễ dàng;
Chột dạ gặp Thầy xin học Đạo,
Thiền môn trước mắt cách bờ sang.
Namle
(16-11-2023)

5./ BUÔNG XẢ

Làm sao quét hết lá rừng đang….?
Chắn gió xua mây bủa núi ngàn ?
Xồng xộc cái già không thể cản
Trăng già trăng khuyết lạnh lùng tan !

Ngồi buồn nhiều lúc nghĩ lan man
Thương cánh nhạn cô gió thét gào.
Thấm thía ta bà dòng khổ lụy
Kinh hoàng dưới gót nện thời gian !

Giữ lòng chánh niệm để tâm an
Buông xả, tâm như phút dịu dàng
Quên hết ngày qua vui hiện tại
Trần gian đẹp lắm mỗi mùa sang!
Mailoc
Nov-16-23

6./ CHUYỆN THẾ SỰ

Phú Quý mồi câu tránh sao đang?...
Đỉnh Chung như gió tan mây ngàn...
Sanh Linh đồ thán nơi Trần Thế...
Ánh Nguyệt rạng soi mây xám tan...

Vận Nước Nghiệp Nhà mãi mãi mang...
Dân tình đau khổ chiến tranh lan...
Người say quyền lực Đồ Vương mãi...
Cuộc chiến bao giờ thương Thế gian...

Muôn việc đều do Thiên Mệnh ban...
Nhân gian thay đổi sẽ Vinh quang.
Thênh thang Dân Chủ Con Người mới...
Hồn Nước dâng cao khúc Khải Hoàn....
Mỹ Nga
16/11/2023 ÂL, 06/10/Quý Mão



7./ KHÔNG THỂ HAY CÓ THỂ

Dừng ngay có thể tiếng la đang-
Vang dội khắp nơi, khói ngút ngàn .
Diệt lũ ác tâm gây chết chóc
Chận ngang điêu đứng cảnh nhà tan

Khác thú với người chỗ dã man
Hung hăng sát hại lệ tuôn tràn
Lợi danh huyễn ảo không tồn tại
Chấm dứt hận thù phúc thế gian

Hãy ngồi thiền định để tâm an
Giảm bớt sân si đổi dịu dàng
Cũng tại loài người luôn ảo vọng
Hơn thua được mất chuyển luân sang
Hưng Quốc
Texas 11-16-2023


8./ BẤT KHẢ

Trần gian gánh nợ vẫn còn đang
Nặng trĩu trên vai ước biến tan
Ước thế nhưng mà mơ chẳng được
Cười thôi lại quảy gánh băng ngàn…

Đêm về tự dỗ giấc mơn man
Ngẫm cách làm sao đỡ thế gian
Muôn sự nghiến đời ta bã nát
Vô phương đành chịu bánh xe càn

Đành vui tìm lẽ dỗ tâm an
Lệ nhỏ, châu rơi nếm dịu dàng
Đoạn tháng, qua ngày đời cũng hết
Thiên đường khi thác bước chân sang
CAO BỒI GIÀ
18-11-2023



9./ LÊN NGÀN

Thức dậy soi gương thấy vẫn đang…
Trần ai quẩy gánh bước lên ngàn
Hương mai gió lộng hồn mơ tưởng
Thoáng đã mưa chiều mộng vỡ tan

Thác đổ gầm gào thật dã man
Bọt tung bờ đá, nước dâng tràn
Lũng sâu tăm tối nhìn rờn rợn
Tưởng tượng lòng đời, vực dối gian

Đi giữa núi rừng cũng bất an
Non xanh vút thẳm quá dềnh dàng
Nhỏ nhoi, đơn độc ta thui thủi
Nhóm lửa đêm chờ nắng mới sang…
Lý Đức Quỳnh
18/11/2023


Mời Xem :

Thơ Mời Họa : GIỞN TÌNH (Songquang và Các Thi Hửu (15 Bài Họa )

Mời Họa :KÍNH MỪNG TRĂM NĂM TUỔI ĐẠO

 
 
KÍNH MỪNG TRĂM NĂM TUỔI ĐẠO
 
Mừng tuổi trăm năm Đại Đạo khai,
Chí Tôn giáng bút lập Cao Đài.
Tam Kỳ tận độ toàn sanh chúng,
Thánh đức xây đời buổi hậu lai.
Thế giới đại đồng qui nhứt bổn,
Thương yêu công chánh hiệp muôn loài,
Trường thi mở hội Long Hoa tuyển,
Ngôi vị sẳn dành cho những ai ?

Những ai chí quyết việc tu hành,
Mong mỏi ngày về giải thoát nhanh.
Công quả trường thi tua gắng chí,
Tứ thời tụng niệm lại trì danh.
Gìn tâm chí thánh thương đồng loại,
Bố đức thi ân cứu chúng sanh.
Công nghiệp phi thường trong một thuở,
Ngàn năm Tiên tịch mãi nêu danh.
Quang Thông (5-11-2023)

Kính Họa Vận : 100 NĂM-ĐẠO CAO ĐÀI…

Trăm năm Đại Đạo đã hoằng khai 
Cơ bút Chí Tôn giáng lập “Đài”
Phổ độ nhơn sanh về nẻo Chánh 
Tam Kỳ thế giới dựng tương lai 
Đại đồng nhân loại qui nguyên giáo 
Thiên lý minh tâm hiệp vạn loài
Đại Hội Long Hoa phong tuyển chọn 
Cho Người đắc Đạo chẳng trừ ai…
                          *
                   *        *
Đệ muội tỷ huynh quyết học hành 
Cửu Huyền thất tổ được thăng nhanh 
Trường thi công quả luôn bền chí 
Tụng niệm Tứ Thời vẫn vững danh 
Phục nhất Ngũ Chi chung một gốc 
Qui nguyên Tam Giáo, Hội Nhơn Sanh 
Phi thường Đại Đạo nên công nghiệp 
Tiên tịch ngàn thu mãi rạng danh…
   MAI XUÂN THANH 
Cựu Kim Sơn Vùng Vịnh 
        (11/07/2023)

 2./  KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY KHAI ĐẠO

Bách niên kỷ niệm Đạo Thiên khai 

Cơ bút chỉ ban tạo dựng Đài

Bá tánh tu hành xoay nghiệp lực

Tín đồ rèn đức mở tương lai

Ngũ chi hợp nhất xây nền tảng 

Tam giáo qui nguyên tụ các loài

Phán xét Chí Tôn Ngài định vị 

Tâm từ thanh tịnh thiếu phần ai

                        ***

Đạo Trời đã mở ráng Thiền hành

Công quả một đời phước đến nhanh

Kinh sách chuyên tâm thường tụng niệm 

Dữ lành biện giải chẳng lưu danh

Tiền tài sự nghiệp trò hư giả 

Lợi lộc hơn thua phí kiếp sanh

Giữ trọn đức tin cùng chánh pháp 

Cao Đài mãi mãi rạng phương danh 

Hưng Quốc 

Texas 11-7-2023 


 

Kính Mời Quí Thi Hửu Họa Tiếp.....

KÍNH ĐỌC và HỌA (NẾU THÍCH) THƠ "CON THUYỀN KHÔNG BẾN ĐẾN"- Hồ Nguyễn



THUYỀN KHÔNG BẾN ĐẾN

Con thuyền không bến biết về đâu?
Trôi dạt phương xa rước khổ sầu.
Sóng bổ tung ầm bay nóc trống,
Mưa tuôn xối ập ngập hầm sâu.
Trưởng tàu tim xoáy trơ đôi mắt,
Thủy thủ ngỡ ngàng sợ xót đau.
Xa thẳm chốn về vô định hướng,
Hết mồi hết gạo biết về đâu?
*
Bấp bênh còn tiếp đến bao lâu?

HỒ NGUYỄN (27/11/2023)

Các Bài Họa


1./ AO NHÀ VẪN HƠN

Vẩn vơ chẳng biết sẽ đi đâu
Thơ thẩn đường xa động nét sầu
Lạc lỏng như chim non lạc lối
Cô đơn lặng lẽ đáy sông sâu
Bao giờ trở lại căn nhà cũ
Đã bấy nhiêu năm xứ quặng đau
Phú quý không đâu bằng tổ quốc
Giàu sang chỉ vật phiếm đâu đâu
Trần Đông Thành


2./HỌA: CON THUYỀN VÔ ĐỊNH

Con thuyền vô định mãi trôi đâu,
Lãng tử lênh đênh với túi sầu.
Tri kỷ rời xa, buồn chất nặng,
Tri âm giã biệt, nhớ hằn sâu.
Ngoái nhìn quê quán, lòng chua xót,
Vời ngắm mây trời, dạ nhói đau.
Sông nước mênh mông nào điểm đến,
Cuộc đời trôi giạt tới nơi đâu?!
*
Sóng to, thuyền lật chắc không lâu

! SÔNG THU (28/11/2023)

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2023

CON XIN GIÁNG SINH BÌNH AN-Ca Nhạc Cao Đài

CON XIN GIÁNG SINH BÌNH AN - Ca nhạc Cao Đài - Nhạc và lời - Từ Nguyên - Người hát Từ Danh.

 


Thưa cùng quý thân hữu,
Trong tình thế nhiễu nhương trên toàn thế giới, khi tình thương, đối thoại giữa người và người vô cùng hiếm hoi, người yếu thế chúng ta đành phải quay về với những lời cầu nguyện.
 Có lẽ lời cầu nguyện thích hợp nhất hiện nay là CON XIN GIÁNG SINH BÌNH AN. Dù còn một tháng nữa mới đến nhưng năm nay chúng ta hãy cầu nguyện ngay từ bây giờ. Chúc quý thân hữu cùng gia đình một mùa Giáng Sinh an lành. Tình thân.

Giai Thoại Văn Chương : BÀI THƠ ĐỂ ĐỜI CHỈ CÓ HAI CÂU - Đỗ Chiêu Đức

Giai Thoại Văn Chương :
 
                       BÀI THƠ ĐỂ ĐỜI CHỈ CÓ HAI CÂU

                                       Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt
     
    Theo kiến thức thông thường về khuôn phép và quy củ luật lệ của thi ca cổ, thì một bài thơ phải có ít nhất là bốn câu, như Thất ngôn Tứ tuyệt gồm có bốn câu bảy chữ, vị chi là hai mươi tám chữ; hay như Ngũ ngôn Tuyệt cú gồm có bốn câu năm chữ, vị chi chỉ có hai mươi chữ; như các ví dụ sau đây :


     * Thất ngôn Tứ tuyệt như bài Chinh Nhân Oán 征人怨 của Liễu Trung Dung 柳中庸 đời Đường :

               歲歲金河復玉關,  Tuế tuế Kim Hà phục Ngọc Quan,
               朝朝馬策與刀環。  Triêu triêu mã sách dữ đao hoàn.
               三春白雪歸青冢,  Tam xuân bạch tuyết quy thanh chủng,
               萬里黃河繞黑山。  Vạn lý Hoàng Hà nhiễu Hắc Sơn.
     Có nghĩa :
                Kim Hà rồi Ngọc Môn Quan,
                Năm năm chinh chiến lan tràn đôi nơi.
                Xuân tàn cỏ úa tuyết rơi,
                Hoàng Hà muôn dặm chẳng rời Hắc Sơn !  

      Bốn câu thất ngôn nói lên hết cái bôn ba vất vả dãi tuyết dằm sương của người lính thú vùng biên tái xưa hết năm nầy qua năm khác từ Hoàng Hà cho đến Ngọc Môn Quan xa xôi cách trở để bảo vệ cương thổ của hoàng triều.
                

     * Ngũ ngôn Tuyệt cú như bài Đăng Quán Tước Lâu 登鸛雀樓 của Vương Chi Hoán 王之渙 cũng ở đời Đường :

                白日依山盡,   Bạch nhật y sơn tận,
                黃河入海流。   Hoàng Hà nhập hải lưu.
                欲窮千里目,   Dục cùng thiên lý mục,
                更上一層樓。   Cánh thướng nhất tằng lâu.
     Có nghĩa :
                  Mặt trời chen lặn núi xa,
                  Đổ về biển cả Hoàng Hà chảy mau.
                  Muốn nhìn mút mắt lên cao,
                  Non sông ngàn dặm muôn màu xa xa !

      Chỉ có bốn câu hai mươi chữ đã nói lên cái khí thế của núi sông hùng vĩ trong cảnh trời chiều, mặt trời chen lặn xuống núi trong khi nước sông Hoàng Hà đang cuồn cuộn chảy xuôi về biển cả. Cái chí hướng cao xa và cái triết lý nhân sinh trên bước đường tiến thủ :"Dục cùng thiên lý mục, Cánh thướng nhất tằng lâu !".


      Đó là thơ "Tứ Tuyệt", bài thơ chỉ có bốn câu. Còn "Tam Cú Thi" là bài thơ chỉ có "ba câu" thì hiếm vô cùng. Bài thơ mà mọi người thường biết đến và nhắc nhở nhiều nhất là bài "Đại Phong Ca 大風歌" của ông vua khai sáng ra nhà Tây Hán là Hán Cao Tổ Lưu Bang 劉邦. Sau khi chiến thắng loạn quân cuả Anh Bố (256-195) trên đường về Trường An ngang qua quê hương Bái Huyện, Lưu Bang đã ghé lại thiết yến để chiêu đãi những cố tri và phụ lão ở quê nhà. Khi rượu ngà ngà say ông đã gỏ vào cây đầm để đập đất mà hát rằng : 

                 大風起兮雲飛揚,       Đại phong khởi hề vân phi dương,
                 威加海内兮歸故鄉。    Uy gia hải nội hề quy cố hương.
                 安得猛士兮守四方!    An đắc mãnh sĩ hề thủ tứ phương !
   Có nghĩa :
                 Gió lớn nổi lên mây cuốn bay,
                 Uy trùm bốn biển về quê này.
                 Sao có dũng sĩ giữ bốn phương ngay !

      Bài thơ tuy có ba câu nhưng bao quát cả hoài bão của nhà vua từ quá khứ, hiện tại đến tương lai. Câu đầu là qúa trình khởi nghĩa và chiến đấu như mây bay cuốn theo chiều gió lớn; Câu hai chỉ chiến thắng bình định thiên hạ về thăm lại quê hương; Câu ba lo lắng cho sự ổn định lâu dài của đất nước. Chỉ có ba câu với lời lẽ mộc mạc chất phác bày tỏ được nỗi lòng của một ông vua có chí lớn biết sáng lập và gìn giữ cơ nghiệp đế vương của mình. 
      Lời thơ được xuất phát một cách tự nhiên trong cơn tửu hứng, không theo một quy luật thơ ca nào cả, vì đời Hán niêm luật thơ chưa thành hình, chỉ dựa vào ngẫu hứng, nhưng lại biểu hiện được sự hào hùng khảng khái tự nhiên như thơ ca dân gian. Người đời Hán gọi bài thơ nầy là "Tam Hầu Chi Chương 三侯之章", người đời sau mới đặt tựa là "ĐẠI PHONG CA 大風歌". Dần dà niêm luật thi ca mới thành hình, đến đầu đời nhà Đường thì hoàn chỉnh. Nhưng...


      Trong thời kỳ Đường Tống; thời kỳ cực thịnh của thi ca; khi tất cả thi nhân làm thơ điền từ đều tuân theo niêm luật một cách chặc chẽ, thì cũng chính trong thời kỳ nầy một thi nhân "vô danh tiểu tốt" lại đi ngược lại với quy luật thi ca, làm ra bài thơ chỉ có hai câu duy nhất, nhưng lại cho kết quả thực tiễn ngay trước mắt mà còn hình thành một thành ngữ để "Lưu danh thiên cổ" cho đến hiện nay nữa mới là lạ chứ ! 
     Mời tất cả cùng nghe giai thoại sau đây :
    
     PHẠM TRỌNG YÊM 范仲淹(989-1052)tự là Hi Văn. Tổ tịch ở Phần Châu, sau di cư qua Ngô huyện của Tô Châu. Ông là một nhà chính trị kiệt xuất, đồng thời cũng là một nhà văn học nổi tiếng với câu nói bất hủ trong bài phú "Nhạc Dương Lầu Ký 岳陽樓記" là :"Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu; Hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc 先天下之憂而憂,後天下之樂而樂". Có nghĩa là : Làm quan thì phải "Lo cái lo trước hơn cái lo của thiên hạ, và Vui cái vui sau cái vui của thiên hạ". Ông nổi tiếng thanh liêm chính trực và luôn luôn để ý đề bạt cất nhắc những quan viên nhỏ bên dưới của mình để cho họ được đãi ngộ xứng đáng với chức trách và cống hiến của bản thân họ, nên rất được mọi người thương yêu kính trọng. Khi ông phát động cải cách tân chính không thành bị biếm làm Tri phủ Hàng Châu, thì tất cả quan viên lớn nhỏ ở Hàng Châu đều được ông đề bạt cất nhắc giúp đỡ, duy chỉ có một người giữ chức Tuần Kiểm 巡檢 là Tô Lân thì bị lãng quên.
     TÔ LÂN 蘇麟 (969 - 1052) Ông là người kín tiếng chất phác hiền lành. Sau khi đậu Cử nhân thì giữ chức Tuần Kiểm cho một huyện nhỏ trong phủ Hàng Châu, Do chức vụ Tuần Kiểm luôn luôn di chuyển nên ít khi diện kiến quan Tri Phủ Phạm Trọng Yêm, nên không được chiếu cố đề bạt lên chức vụ mới. Dần dà ngày tháng, ông cũng cảm thấy mình như bị lãng quên một cách thiệt thòi, trong khi mình cũng luôn luôn hoàn thành chức trách được giao phó, nên trong một lần đến trình báo công vụ với quan Phủ Phạm Trọng Yêm, ông đã trình lên hai câu thơ "khiếu nại" một cách nhẹ nhàng và... vu vơ như sau :

                 近水樓台先得月,   Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
                 向陽花木易為春.    Hướng dương hoa mộc dị vi xuân.
     Có nghĩa :
            - Những lâu đài được cất gần nước (sông hồ biển cả) sẽ thấy được ánh trăng mọc trước hơn là những nơi khác. Và ...
            - Những hoa cỏ cây cối hướng về ánh mặt trời thì sẽ dễ dàng đón nhận mùa xuân hơn là những cỏ cây hoa lá khác.

                 Gần nước lâu đài trăng ngắm trước,
                 Hướng dương cây cỏ d chào xuân !


                           Phạm Trọng Yêm       và                Tô Lân 

      Ý bóng gió là : Những người làm viêc gần gũi với quan lớn thì dễ được chiếu cố cất nhắc hơn là những người làm việc di động ở xa. Người ở trên lâu đài gần bến nước thì sẽ thấy trăng mọc  trước. Còn những người làm việc ở xa, tuy vẫn làm việc tích cực nhưng lại hay bị quên lãng vì ít ai nhớ tới, như cây cỏ ở xa ánh nắng mặt trời thì sẽ đón mùa xuân muộn hơn vậy ! 
      Bóng gió vẩn vơ là thế, những lời lẽ như than thân trách phận mình bạc bẽo hơn người khác mà thôi, thế mà ngài quan lớn Phạm Trọng yêm cũng nhận ra được cái tâm tư hoài bảo ấp ủ trong lòng của Tô Lân, nên lần cất nhắc sau cũng đã trình lên triều đình đề cử thăng chức cho Tô Lân từ Cửu phẩm lên thành quan viên Thất phẩm. Hai câu thơ "khiếu nại" có tác dụng ngay trước mắt và sự tích của Tô Lân cũng theo hai câu thơ được truyền tụng rộng rãi trong dân gian như một giai thoại mãi cho đến hiện nay.

      Câu thơ "Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt 近水樓台先得月" được rút ngắn lại thành một thành ngữ bốn chữ là CẬN THỦY LÂU ĐÀI 近水樓台 để chỉ những ưu tiên của người có vị trí gần gũi với những người hay sự vật mà mình mong mõi hay muốn có được. Ví dụ như :"Vì nó là thư ký của xếp, cận thủy lâu đài, nên được tăng lương sớm hơn là những nhân viên khác". Một ví dụ khác...
     Hai chàng theo đuổi một nàng, chàng nào ở gần nhà nàng là "Cận thủy lâu đài" sẽ có nhiều cơ hội và sẽ dễ dàng chiếm được quả tim vàng của người đẹp hơn. Ở một tình huống nào đó thì   "Cận thủy lâu đài" tức là cái tiện nghi của "Địa lợi" đó. Ngoài ra...

    CẬN THỦY LÂU ĐÀI cũng có mặt tiêu cực của nó, khi dùng để chỉ những người hay dựa vào sự gần gũi với người có quyền thế để ức hiếp người khác. Ví dụ như : Nó ỷ mình là phụ tá cuả xếp, cận thủy lâu đài, nên hay bắt nạt hiếp đáp những nhân viên khác.


    Trở lại với xuất xứ của bài thơ chỉ có HAI CÂU, vì căn cứ vào Du Văn Báo đời Tống 宋·俞文豹 viết trong《Thanh Dạ Lục 清夜录》:“Phạm Văn Chính công trấn Tiền Đường, binh quan giai bị tiến, độc tuần kiểm Tô Lân bất kiến lục, nãi hiến thi vân 范文正公镇钱塘,兵官皆被荐,独巡检苏麟不见录,乃献诗云:"Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân 近水楼台先得月,向阳花木易為春”. Có nghĩa :
    "Phạm Văn Chính công (tức Phạm Trọng Yêm) khi trấn thủ ở Tiền Đường (Hàng Châu), các quan binh đều được tiến cử, chỉ có tuần kiễm Tô Lâm là không có trong danh sách, nên mới dâng thơ lên rằng : Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân".

     Theo thiển ý, thì đây là hai câu đầu hoặc hai câu cuối của một bài thơ Thất ngôn tứ tuyệt. Phải có "cái gì đó" trước hoặc sau của "Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt, Hướng dương hoa mộc dị vi xuân". Nhưng vì "cái nhà ông anh" Du Văn Báo đời Tống "lười biếng" chỉ ghi lại có "Hai Câu Thơ" nầy mà thôi, nên BÀI THƠ HAI CÂU nầy được gọi là "ĐOẠN CÚ THI 斷句詩", là "Thơ bị ngắt quãng", và Tô Lân cũng bị người đời gọi là "Nhà Thơ Lười Biếng" nhất trong các nhà thơ cổ. Vì ngoài bài thơ hai câu nêu trên, các nhà nghiên cứu sưu tập vẫn không tìm ra được thêm câu thơ nào của Tô Lân nữa cả !
      So với Thi Tiên Lý Bạch làm đến hơn hai vạn (20,000) bài thơ, thì Hai Câu Thơ của TÔ LÂN thật qủa đáng giá ngàn vàng. Chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà thành công "Một đơn khiếu nại", chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà được "Thăng quan tiến chức", và đáng nói nhất là "Chỉ vỏn vẹn có hai câu thơ mà hình thành được một Thành Ngữ và Lưu Danh Thiên Cổ !". Mặc dù tiếng tăm không bằng được Thi Tiên Lý Bạch, nhưng Tô Lân vẫn nghiễm nhiên là một vì sao lắp lánh trong bầu trời cực thịnh của nền thi ca cđương thời. 

     Bài thơ "Hai câu" của Tô Lân nêu trên đến năm Vạn Lịch đời Minh được các Nho gia biên tập vào quyển "Tăng Quảng Hiền Văn 增廣賢文" với dị bản như sau đây :

                近水樓台先得月,   Cận thủy lâu đài tiên đắc nguyệt,
                向陽花木早逢春.    Hướng dương hoa mộc TẢO PHÙNG xuân. 
 Câu sau có nghĩa : 
               - Hoa cỏ hướng dương, tức là hướng về ánh mặt trời thì sẽ ĐÓN NHẬN mùa xuân ngay tánh nắng ban đầu SỚM HƠN là những hoa cỏ khác không... hướng dương !                

                 Gần nước lâu đài trăng ngắm trước,
                 Hướng dương cây cỏ sớm chào xuân !
  
                
       Xin được khép lại Giai thoại Bài thơ đđời chỉ vỏn vẹn có HAI CÂU mà thôi ! 

       Hn bài viết tới !

                                                                                      杜紹德
                                                                                  Đỗ Chiêu Đức

















HỒN THƠ TUỆ SỸ

 

Thầy Tuệ Sỹ nổi tiếng là một học giả uyên bác về Phật giáo, một nhà sư sống nghiêm cẩn và khắc khổ. Nhưng ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u...
Khoảng năm 1970, một hôm Tuệ Sỹ đọc cho nhà thơ Bùi Giáng nghe hai câu thơ chữ Hán của ông:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vị liễu lạc hoa phi
(Tạm dịch nghĩa :
Đêm khuya gió thổi đùa bóng nghiệp
Trước mắt làm liễu lạc hoa bay)
Nhà thơ Bùi Giáng lúc ấy mới đùa rằng Tuệ Sỹ nên nhờ Ni cô Trí Hải tiếp giùm. Ông ngượng nghịu bảo đừng nên rỡn đùa như thế. Bùi Giáng bèn viết tiếp hai câu :
Phiêu bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ty
(Tâm sự lâng lâng, dòng lệ khổ
Hổ thẹn với biển trí vì chưa thâu đắc được / rừng trúc rối như tơ)
Ở đây Bùi Giáng có ý đùa là Thầy Tuệ Sỹ "bị khớp" trước Ni Sư Quản Thủ Thư Viện Trí Hải. Thầy Tuệ Sỹ không giận Bùi Giáng nhưng Thầy rất ngượng nghịu rồi vài hôm sau Thầy trao cho Bùi Giáng bài thơ "Không Đề" mà Bùi Giáng nhận xét là "đủ khiến ta khiếp vía mất ăn mất ngủ".
 
Không đề
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn
 
Bùi Giáng kể mới nghe 4 câu đầu tiên ông đã "cảm thấy lạnh buốt linh hồn, tê cóng cả cõi dạ". Và đọc đủ bài thơ thì ông đề nghị: Đại Sư nên gác bỏ viết sách đi. Và làm thơ tiếp nhiều cho, Nếu không thì nền thi ca Việt mất đi một thiên tài quá lớn!
Thầy Tuệ Sỹ đùa lại :
- Để về hỏi lại cô Trí Hải xem có đúng như lời thế chăng.
Hãy cùng đọc và ngẫm lời bình của nhà thơ Bùi Giáng về bài thơ Không đề được thiền sư Tuệ Sỹ viết khi ông ở tuổi ngoài 30 :
"Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời
Hội cũ
Xin xuống giòng thư thả như thế. Ắt nhìn thấy chất trang trọng dị thường của hoài niệm. Hoài niệm gì? - Cung trời hội cũ.
Một hội đạp thanh? Một hội nao nức? - "Giờ nao nức của một thời trẻ dại?".
Đôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ...
Mở lời ra, nguồn thơ trực nhập vào trung tâm cơn mộng chiêm niệm. Đầy đủ hết mọi yếu tố bát ngát: một cung trời xán lạn bao la, một hội cũ xao xuyến, một tuổi vàng long lanh... Một đôi mắt ướt ngậm ngùi của hiện tại.
Nhưng mạch thơ đi ngầm. Tiết nhịp âm thầm nhiếp dẫn. Thi sĩ không cần tới một hình dung từ nào cả, vẫn nói được hết mọi người đều "phải nói" với mọi người "muốn nghe" với riêng mình "không thiết chi chuyện nói".
Người thi sĩ xuất chúng xuất thần thường có phong thái khác thường đó. Họ nói tất ít mà nói rất nhiều. Họ nói rất nhiều mà chung quy hồ như chẳng thấy gì hết. Họ nói cho họ, mà như nói hết cho mọi người. Nói cho mọi người mà cơ hồ chẳng bận tâm gì tới chuyện thiên hạ nghe hay chẳng nghe. Nỗi vui, nỗi buồn của họ, dường như chẳng phi giống lối vui buồn của chúng ta. Do đó chúng ta trách móc họ một cách lệch lạc hết cả (par manque de justice interne).
Trong một cuộc vui, ta hỏi họ vài điều. Họ lơ đễnh thờ ơ, ta tưởng họ kiêu bạc. Trong lúc mọi người đang gào khóc giữa đám tang, họ phiêu nhiên đi qua, trông có vẻ như mỉm cười, niêm hoa vi tiếu. Ta tưởng họ tàn nhẫn thô bạo.
Vua Gia Long ngày xưa đã từng lấy làm quái dị về thái độ Nguyễn Du: "Trẫm dùng người, không phân biệt kẻ Nam kẻ Bắc. Ai có tài thì trẫm trọng dụng (...). Cớ sao khanh lại u sầu ít nói suốt năm như thế?".
Ông vua kia lấy làm lạ là phải lẽ lắm, hợp với lương tri thói thường thiên hạ lắm. Ông không thể hiểu vì sao vị di thần kia cứ miên man như nằm trong cõi mộng thần di, hồn dịch!
Vua đã ban cho chan hòa mưa móc, lộc trọng quyền cao đặc ân thâm hậu như thế, cớ sao Liệp Hộ chưa vừa lòng, vẫn chưa cứ thả mộng chạy lang thang về chân trời hướng khác.
Đáp: Ấy chính bởi đôi mắt nhìn đây mà thấy những đâu đâu.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Đôi mắt ướt? Đôi mắt của ai? Vì sao ướt? Vì lệ trào, hay là vì quá long lanh?
Thi sĩ không nói rõ. Ấy là giữ một khoảng trống vắng lặng phóng nhiệm cho thơ.
Tha hồ chúng ta tự do nghĩ hai ba lối. Hoặc là đôi mắt thi nhân ướt trong hiện tại vì nhớ nhung một trời hội cũ. Hoặc là đôi mắt giai nhân nào long lanh dịu mật như nước suối chan hòa, soi bóng một khung trời hội cũ bất tuyệt nào, mà ngày nay tại hạ đã đánh mất rồi chăng?
"Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang"
Áo nào màu xanh? Màu xanh màu chàm của cô gái Mán gái Mường, gái núi nào xưa kia băng rừng và thi nhân đã ngẫu nhiên một lần nhìn đắm đuối?
Tôi nói không sai sự thật mấy đâu. Vì Tuệ Sỹ vốn xưa kia ở Lào. Cha mẹ ông kiều cư trên đất Thượng Lào Trung Việt. Bà mẹ ông thỉnh thoảng cũng trở về Sài Gòn tới chùa viếng ông đem quà cho ông một đôi dép riêng biệt, một tấm khăn quàng riêng tây.
Đôi mắt ướt tuổi vàng
Khung trời hội cũ
Áo màu xanh
Không xanh mãi
Trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ.
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ?
Mình là thân Bồ-tát, quanh năm kinh kệ trai chay, thế sao bỗng nhiên một phút vội vã lại dám làm thân du thủ? Dám gác bỏ kệ kinh? Dám mở cuộc thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn?
Phải có nhìn thấy khuôn mặt khắc khổ chân tu của Tuệ Sỹ, mới kinh hoàng vì lời nói thăm thẳm đơn sơ nọ. Lời nói như ngân lên từ đáy sâu linh hồn tiền kiếp, từ một quê hương trên thượng du bao la rừng núi gió sương canh chiều nguyệt rung rinh trong đêm lạnh.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Mối tình rộng thả suốt biển non im lìm lạnh lẽo. Một hạt muối vẫn chưa tan. Một nếp u ẩn của lòng mình bơ vơ không gột rửa.
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Ta tưởng như nghe ra "cao cách điệu" bi hùng của một Liệp Hộ, một Nerval, một chỗ trầm thanh nhất trong cung bậc Nietzche.
Thi nhân đã mấy phen ngồi ngó trăng tàn? Ngồi trên một đỉnh đá? Bốn bề rừng thiêng giăng rộng ngút ngàn màu trăng xanh tiếp giáp tới chân trời xa xuôi đại hải?
Đỉnh đá và hạt muối là hai chốn kết tụ tinh thể của núi và biển. Đỉnh đá quy tụ về mọi hương màu trời mây rừng rú. Hạt muối chứa chất cái lượng hải hàm của trùng dương. Đó là cái bất tận của tâm tình dừng sững tại giữa tuyết nguyệt phiêu du:
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồn chăng
Một tiếng "buồn chăng" lơ lửng nửa như chất vấn, nửa như ngậm ngùi ta thán, dìu về cả một khúc tâm thanh đoạn trường:
Sen tàn cúc lại nở hoa
Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân
Đếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Tiết nhịp lời thơ lại biến đổi :
Đếm tóc bạc
Tuổi đời
Chưa
Đủ
Bụi đường dài
Gót
Mỏi
Đi
Quanh
Tiết điệu rạc rời như gót mỏi đi quanh. Một tuổi đời chưa đủ? Một tuổi xuân chưa vừa? Một tuổi vàng sớm chấm dứt? Một tuổi "đá" sớm từ giã mọi yêu thương?
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối nguồn xa
Ngược nước
Xuôi ngàn
Bài thơ dừng lại. Dư âm bất tuyệt kéo dài trong đêm lữ thứ khép mình trong bốn bức tường với nhạt nhòa ủ rũ ngục tù.
Chỉ một bài thơ, Tuệ Sỹ đã trùm lấp hết chân trời mới cũ Đường Thi Trung Hoa tới Siêu Thực Tây Phương.
Thương kính vô vàn...
 
Bức hình trong bài là Chân dung Tuệ Sỹ - Tác phẩm của Dominique de Miscault
 
Chia sẻ từ Huỳnh Thu Vân
TRẦN PHONG VŨ


 

Góc Đường Thi : TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo (2)

Góc Đường Thi :                      TẾ TÁO THI : Thơ Đưa Ông Táo  (2)                                     Như ta đã biết, trong bài trước《T...