Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2024

Chuyện kiếp người


  • Tùy bút Nguyễn Minh Kính

    Đây là nói chuyện tuổi già; các bạn trẻ nếu ai quan tâm thì đọc, không thì thôi. Xin cảm ơn.

    Thời tuổi trẻ bốc đồng, lông bông lang bang lo kiếm miếng ăn nên không có duyên sách vở. Tuổi già rảnh rang đọc một số thông tin qua sách báo và nhất là trên mạng xã hội đủ thứ hầm bà làng nên viết vài dòng trao đổi chuyện trò cho vui.Đạo Phật có hai từ quán chiếu rất hay. Trong tiếng Phạn có câu, Quán Thế Âm là đấng quán chiếu âm thanh của thế gian, là vị Bồ Tát hiện thân cho lòng từ bi của tất cả chư Phật và luôn có mặt để cứu độ chúng sinh.

    Quán là “nhìn ra”, là “nhận biết”, khác với “nhìn” là một động từ; nó cũng khác với “thấy” là kết quả của sự “nhìn”. Quán thì nhìn bằng nhục nhãn và tuệ nhãn. Nhục nhãn là mắt thịt. Tuệ nhãn lại bao gồm thiên nhãn, pháp nhãn, trí nhãn, Phật nhãn, toàn nhãn hoặc nhất thiết nhãn. Nghĩa là, mắt của trời và vũ trụ bao la, mắt của sách vở kinh kệ, bằng sự thông minh, bằng Phật tính lòng từ bi,

    Tôi, một lão già tám ba tuổi chỉ có khả năng nhìn chính mình bằng nhục nhãn, nghĩa là bằng mắt thịt mà thôi.

    Mỗi ngày tôi soi gương. Sáng dậy mở mắt, vệ sinh cá nhân soi gương, rửa tay ăn xong soi gương, tắm xong chải đầu soi gương, đi vệ sinh xong rửa tay soi gương, ăn xong phải rửa ráy nữa cũng lại soi gương, đi vào đi ra sẵn gương trước mặt lại soi gương tiếp. Đó là chưa tính những lần soi gương gọi là để ngắm nghía dung nhan bộ dạng. Nghèo, túi rỗng, não trong đầu cũng trơn lu, nghĩa là thuộc típ người hơi… dốt, mà dốt thật, dốt nhiều hơn là thông minh nên lại có thêm hàng ria mép để bù vào khiếm khuyết đó, cũng lại phải soi gương để tỉa tót đôi chút. Nói như thế để biết thời gian soi gương rất chi là nhiều trong một ngày. Nếu tính mỗi tuần lễ, rồi mỗi tháng, mỗi năm, nhất là thời gian nhàn rỗi từ khi nghỉ hưu đến nay hơn hai mươi năm nữa thì… ôi thôi, cả một đời chỉ có việc… soi gương.

    Soi gương nhiều nên tôi thấy tôi ngày một già đi, già rất nhanh.

    Này nha, Chợt một chiều tóc trắng như vôi. “Chợt” là bất ngờ, là nhanh mà tôi không để ý nên không biết mà thôi. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nói chí lý.

    Người ta thường nói, đời người có ba thời kỳ thay đổi rất nhanh. Thời kỳ thứ nhất là khi mới thành hình trong bụng mẹ chỉ như một tế bào; vậy mà chín tháng mười ngày thôi ra khỏi bụng mẹ đã nặng hơn ba ký lô, biết khóc oe oe. Khiếp chưa! Một kỷ lục thay đổi nhanh đột biến.

    Thời kỳ thứ hai là vào giai đoạn tuổi mười tám đôi mươi. Thời kỳ này thường là vào lúc tuổi học sinh cuối những năm trung học. Sau ba tháng hè gặp lại nhau, chỉ ba tháng thôi nha, con trai thấy vai nở ra, nhìn sau lưng cứ tưởng như tấm phản, trổ giò trổ cẳng cao lớn hẳn, trông rất đô con; con gái thì ngực nhô lên căng ra, da cũng căng ra láng bóng mượt mà, biết làm điệu làm dáng, nói năng ý tứ, má đỏ hây hây, miệng cười chúm chím như bông hoa chớm nở đầu mùa.

    Thời kỳ thứ ba là khi chuyển sang tuổi già và già cũng rất nhanh. Thời xưa năm mươi tuổi đã lên lão, “ngũ thập thuần nhĩ”, tuổi sáu mươi “tri thiên mệnh”, biết mệnh trời, ngồi rung đùi vuốt râu ngẫm sự đời, nghĩ suy số mệnh trời cho; bảy mươi tuổi, “thất thập cổ lai hy”, tuổi xưa nay hiếm. Nói thế nhưng “ngũ thập thuần nhĩ”, “tri thiên mệnh” hay “cổ lai hy” gì gì đó thì nó cứ đi ào ào, chạy vù vù nhanh lắm, như bóng câu qua cửa sổ. Dưới con mắt của thuyết nhà Phật nó chỉ là một sát na mà thôi.

    Lúc tôi sáu lăm tuổi, gặp bạn bè có cả các bà, các chị trong những buổi tiệc tùng, ai cũng khen tôi trẻ, cỡ chừng mới năm lăm hay sáu mươi gì đó là cùng. Tôi thấy tôi tự hào lắm lắm, “oai” lắm lắm. Thế rồi tôi chợt thấy mọi thứ nó trôi rất nhanh, trôi tuồn tuột, cảm nhận như “mới bình minh đó đã hoàng hôn”. Tôi nhìn tôi trong gương thấy tóc trắng, da giống da con đồi mồi, nhăn nheo, mấy sợi râu loe ngoe cũng trắng như vôi, tròng mắt đen nâu mới thuở nào giờ cũng đã chuyển sang trắng đục không còn chút tinh anh; vài ngày không chăm chút hàng ria mép làm dáng bù trừ khiếm khuyết thì tôi cũng chẳng nhận ra tôi là ai. Thêm vào đó hai lỗ tai khi không lại mọc ra những sợi lông màu đen dài lòng thòng chìa ra mỗi bên trông chả ra làm sao. Ôi, tôi ơi là tôi! Nhưng nghĩ cũng chẳng sao.

    Mọi người con nhà Phật ai cũng biết, tôi cũng biết, cái nhục thân này và vạn vật là tứ đại, đất, nước, gió, lửa mà sinh ra. Đóa hoa kia cũng là tứ đại, sỏi đá, đám mây trôi bồng bềnh, con chim đang hót líu lo trên cành và cả cành cây nó đang đậu cũng là tứ đại. Nhưng theo đạo Phật, cái thân tôi không tứ đại như sỏi đá, đám mây, mà nó còn có cả không đại, kiến đại và thức đại nữa. Không đại là không khí, là hư không, trống rỗng và rộng lớn vô biên. Kiến đại là cái thấy, cái biết của chúng sinh. Thức đại là cái nhận thức, phân biệt, làm chủ thể sự sống của chúng sinh. Phải đủ bảy thứ đại thì mới có một chúng sinh hữu tình. Sỏi đá, đám mây, bông hoa chỉ là chúng sinh vô tình. Là chúng sinh hữu tình nên tôi đang lắng nghe tôi, lắng nghe người và lắng nghe đời. Lắng nghe và thấy bạn bè ngày một vắng bóng, xa thưa và đời hiu quạnh. “Đường nào quạnh hiu tôi đã đi qua, Đường về tình tôi có nắng la đà… Rồi một lần kia khăn gói đi xa, Tưởng rằng được quên thương nhớ quê nhà”. Một lần nữa Trịnh Công Sơn lại có lý.

    Quê tôi ở miền Bắc Trung Bộ sống chung với những ngọn gió Lào khô cằn thổi suốt mùa hè mà nữ sỹ Xuân Quỳnh đã cảm nhận bằng một tình thương yêu và nỗi nhớ, “Ngọn gió bỏng khi đi thành nỗi nhớ, Cát khô cằn ở mãi hóa yêu thương”, có ông bạn già từ thuở chăn trâu trên nương đang ở đó, lấy thơ của ai đó đọc qua điện thoại cho tôi nghe, “… Kẻ an bần lạc đạo, Kẻ xa nửa vòng trái đất, Quê của người đâu phải quê ta…” như để nói thay lời ông và thay cả lời cho tôi mà thấy lòng rưng rưng. Đúng là mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Thế thái nhân tình, muôn kiếp nhân sinh.

    Tôi từ Mỹ về Sài Gòn hồi đầu năm, nơi tá túc hơn nửa cuộc đời và đi thăm bạn bè còn sót lại bốn ông già. Ông Đinh Sửu sinh năm một chín ba bảy, ông Mậu Dần sinh năm ba tám, ông Quý Mùi sinh bốn ba và ông Ất Dậu sinh năm bốn lăm. Bốn ông thì ba ông đã ngoài tám mươi, chỉ ông Ất Dậu tuổi bảy chín và tất cả đều trải qua binh lửa tương tàn của cả hai phe, “thắng cuộc” và “thua cuộc”.

    Ông Ất Dậu bị bệnh parkinson không thể đi đâu xa, chỉ quanh quẩn một cách khó khăn trong nhà. Tôi mời ba ông đi uống cà phê. Ông Đinh Sửu, tám bảy tuổi điếc lác, cầm cái máy trợ thính móc vào vành tai để nghe mà tay run run, lọng cà lọng cọng không tài nào gắn được. Điếc, ngồi uống cà phê chuyện trò với bạn bè mà lại hay hỏi. Hỏi, bạn trả lời không nghe được mà vẫn cứ hỏi, hỏi hoài, rồi nói chuyện lại cứ oang oang tưởng ai cũng điếc như mình nên cần phải nói to hơn làm khách ngồi uống cà phê ngạc nhiên trố mắt nhìn. Tôi giải thích lý do ông bạn già của tôi nói to cho khách trong quán nghe nên ai cũng thông cảm, gật đầu mỉm cười vui vẻ. Rõ thật khổ, thật thương.

    Nhưng thương nhất là ông Ất Dậu đang bị bệnh parkinson. Quê ông ở Thái Bình. Ông bị bệnh parkinson năm, sáu năm nay rồi. Nghe ông kể hoàn cảnh thời niên thiếu thấy mà thương. Bố ông lên chiến khu Việt Bắc theo kháng chiến, ông ở với ông bà nội. Ông bà nội bị quy địa chủ, nhà cửa tài sản biến thành quả thực chia hết cho nông dân. Đói quá, ông Ất Dậu đi lang thang đến nhà người bác ruột ních một bụng no quá bội thực suýt chết.

    Ông Quý Mùi tuổi tám mốt, sau năm bảy lăm đi tù cải tạo, vợ ở nhà quá nghèo túng, lấy chồng khác, đem đàn con vượt biên sang Úc định cư để ông ở lại một mình. Cô đơn quá, ông đi thêm bước nữa. Bà vợ hai ở với ông không có con. Tháng trước gọi điện thoại về hỏi ông khỏe không; ông trả lời, thôi anh ơi, đau rề rề chỉ lẩn thẩn trong nhà thôi. Vừa rồi gọi điện về qua ông Mậu Dần nghe nói ông Quý Mùi đang nằm bệnh viện Thống Nhất vì xuất huyết dạ dày và thấp khớp. Không có gì ngạc nhiên về căn bệnh này của ông Quý Mùi khi đời sống vật chất thiếu thốn một thời và vợ con bị xa lìa.

    Nói chuyện một lúc, tôi hỏi ông Mậu Dần, nghe nói bệnh viện Thống Nhất chỉ ưu tiên dành riêng cho một số người nào đó chứ ông bạn Quý Mùi của ta là thường dân làm sao được vào đó. Ông Mậu Dần nói, thay đổi rồi anh ơi. Trước năm bảy lăm, cái tên của nó là bệnh viện Vì Dân, ai cũng vào thăm khám và chữa bệnh được; sau năm bảy lăm đổi tên thành bệnh viện Thống Nhất và chỉ dành riêng cho một số người có chức với mức lương nào đó theo quy định. Bây giờ người ta thay đổi chủ trương rồi, ai có đủ tiền đều được vào. Họ thay đổi chủ trương thế mà hay, được cả đôi đường, vừa có thêm tiền vừa được tiếng vì dân.

    Suy ngẫm cuộc đời, thế thái nhân tình, muôn kiếp nhân sinh. Sự sống, không ai ở ngoài quy luật tạo hóa. Các hormone được lập trình đang bắt đầu hóc hỏng dần trong cơ thể. Có người phải dày công tu tập để buông bỏ, nhưng có người tự dưng quên hết mọi sự đời. Con đường mòn ký ức đã nhuốm đầy bụi bẩn chông gai. Quên ngày, quên tháng, quên năm, quên cả tên người, quên nơi chốn, thích đi lang thang, vụng về luộm thuộm…

    Rồi đến một lúc không tự chăm sóc cho mình được mà hoàn toàn phải lệ thuộc. Con người ta đến đó như sống lại cái thuở… tập đi.

    Chợt nhớ, cũng vừa rồi qua điện thoại xa nửa vòng trái đất bên kia Thái Bình Dương, ông Mậu Dần cho biết vợ ông bây giờ như con nít tập đi. Con gái ông đọc câu thơ của ai đó cho ông nghe, “Một đời đi nắng đi sương, Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”. Tôi trả lời ông bằng mấy câu thơ của đạo Phật, “Có thân tứ đại có hưng suy, Thuận pháp hồn nhiên với chữ tùy, Thân dẫu bất an tâm chói sáng, Tánh luôn thanh tịnh tướng tùy duyên’.

    18-08-2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÀN BẦU TRƯỚC NGÕ TG : Nguyễn Ngọc Tư

Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải d...