Thứ Tư, 14 tháng 8, 2024

ThaiLy: CHÚ SỬ KHÙNG (T.Vấn Và Bạn Hửu )

Thiệt lòng mà nói, nay tôi cũng thuộc top “tuổi hạc đã cao”. Rảnh rang quá nên cứ nhớ vơ nhớ vẩn. Tự nhiên lại nhớ đến người xa lạ mà ngày ấy “cứ gặp  hoài”. Giờ kể chứ để lâu đã “nguội càng thêm lạnh”. Hơn nửa thế kỷ rồi.

                 Ngày ấy, có một người đàn ông không vợ, không con, cũng chẳng có gia quyến ruột rà, một thân một mình hay la cà, lai vãng ở xóm tôi, trên đường Thống Nhất, gần rạp hát và cũng gần chợ, có lẽ địa bàn này tiện cho việc “kiếm ăn” của chú chăng? Bởi vì, ai sai gì chú cũng làm, ai nhờ gì cũng giúp, tiền công chú trả sao cũng được, đôi khi chỉ quấy quá bánh trái, tô bún, tô mì gì cũng được, miễn no lòng thì thôi. Áo quần chú mặc thì chỉ độc chiếc quần đùi, màu gì miễn nói, áo cũng vậy, lạ là không hiểu do áo đứt khuy, không ai chăm kết, hay là chú muốn vậy, không bao giờ chú cài nút, khi chú đi thì… dáng người thật hùng dũng, hai tay khuỳnh cánh chỏ, bước như giông như gió, hai vạt áo phất phơ theo từng bước chân, những bước chân không bao giờ có giày dép, chú đi nhanh cực kỳ, đố ai theo kịp. Trên mặt chú luôn lấp lánh nụ cười, khoe hàm răng “vàng choé” với mấy cái răng vàng sáng loá…

             Nhưng một ngày kia, đố ai nhìn ra chú, khi tự nhiên chú có một hành vi “lạ”, rất lạ. Hàng ngày, chú lôi thôi, lếch thếch là vậy nhưng bất cứ nhà nào có đám giỗ, đám cưới hay bất cứ đám gì mà có “cỗ bàn”… là chú xuất hiện, thật bảnh choẹ trong bộ veston láng cóong, chân đi giày tây bóng lộn; đầu chải hai mái với đường ngôi giữa, hai mái được bôi dầu láng bóng giá mà có con ruồi nào đậu chắc chắn sẽ trượt chân gãy cổ. Chú đường hoàng, đĩnh đạc bước vào, tay bắt mặt mừng với tất cả những ai chú gặp; có hôm gặp đám cưới, họ nhà trai tưởng là khách nhà gái, nhà gái lại nghĩ đây là khách nhà trai nên thi nhau ân cần thăm hỏi, chú được dịp tỏ oai phong, được mời vào bàn “họ”. Nhưng khi cổ bàn dọn lên thì… hai họ mới té ngửa, mong “vị khách” này không phải người bên mình. Trời ơi, chưa ai kịp mời ai, chú đã xoắn tay áo, cầm đũa lên tay miệng đon đả: tự nhiên, tự nhiên… Chỉ vậy, rồi chú cũng thật tự nhiên “quơ” từ Đông sang Tây, từ phải sang trái, nhanh không thể tả, món này vào miệng, đũa đã vơ vào món khác…, nhoáng cái chú buông đũa, đứng bật dậy, trịnh trọng cám ơn mọi người và bước ra sân đi như cơn lốc… để lại bao nhiêu khách khứa, nhất là khách cùng bàn ngơ ngác nhìn nhau…

       Một đám, hai đám… người ta chưa biết, nhưng nhiều đám tiếp theo thì ai cũng biết. Vậy rồi, ít nhiều gì cũng có những phản ứng ngăn chận vị khách “không mời” này, thế nhưng chú vẫn lọt vào vòng trong cực kỳ ngoạn mục. Chú không “xông” thẳng vào nhà, mà khi đến, chú ân cần “bỏ rua” mọi người, sau khi chỉnh trang y phục và bắt đầu bài chúc “cô dâu chú rể” hạnh phúc trăm năm, tình sui gia ngày càng bền chặt… bài diễn văn cực kỳ lưu loát, chẳng biết chú tự soạn hay nhờ ai soạn mà nghe xong, không thể từ chối chú “một chỗ ngồi”. Nhưng nếu chú thật sự có phiền hà thì đố ai dám “xua đuổi” chú… Tất cả với chú thật nhẹ nhàng, lịch sự mới…yên. 

         Vậy là từ đó, như một chuyện đương nhiên, thỉnh thoảng mọi người sẽ thấy chú thật lịch lãm trong bộ cánh đỏm dáng, vẫn bước đi như “lướt sóng” trên đường, miệng cười cười, đầy hăm hở, ai cũng nói “nó có khùng đâu? Khùng gì khôn vậy?”, cho đến một ngày, chú diện vét nhưng không mang giày cứ chân trần mà bước, rồi cũng đến khi chú mặc áo vét  không giày đã đành mà quần cũng không luôn, chỉ mỗi cái quần đùi… vậy là đã rõ, chú “khùng” thật; đến lúc này, chú cười suốt ngày, đi lang thang bất định rồi chú mất hẳn chẳng tăm hơi. Bây giờ thì mọi người lại thi nhau “nhớ chú”. Cho đến một hôm, chú bất ngờ xuất hiện với một bộ dạng chưa từng thấy, thật thương tâm: chú trở về bóng dáng cũ, quần đùi, áo hở ngực, có điều… ai đó đã hành hung chú, máu loang đỏ từ đầu xuống mặt, đẫm cả chiếc áo vốn chẳng biết màu gì giờ càng khó tả, chú ngồi trước rạp hát Thanh Bình, giờ với chú chẳng còn thanh bình nữa, chú khóc, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng mọi người thấy chú khóc, vì sau đó chú rời đi, mất dạng từ chiều hôm ấy và mãi mãi… Thôi, hãy tạm tin câu “Đất lành chim đậu”, giờ đất chẳng còn lành thì chim đi kiếm ăn nơi khác vậy.

                Không ai biết chú về đâu khi mà chẳng họ hàng thân thích; chú là nhân vật tôi biết thời tuổi nhỏ và là người duy nhất tôi không nghe “đoạn kết” cuộc đời… Kiếp nhân sinh, một kiếp nhân sinh…nổi trôi phiêu bạt. Một cuộc đời vô định nhưng chắc chắn có định phần. Mong lần tái sinh tiếp theo chú sẽ có cuộc đời tươi sáng hơn. Tôi thật vẩn vơ…

                          ThaiLy.

Mời Xem :


 ThaiLy: PHƯỢNG XƯA (T.Vấn và Bạn Hửu )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Thành Ngữ Điển Tích 114 : TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH.

  Thành Ngữ Điển Tích 114 :                                 TRÌ, TRÍ, TRIÊU, TRIỆU, TRÌNH. Ao Chuôm  TRÌ ĐƯỜNG 池塘 là Ao chuôm, ao đầm, ao hồ...