Thứ Tư, 7 tháng 8, 2024

Tiểu Lục Thần Phong: HÀNH TRÌNH CỦA GIỌT NƯỚC (7) (trang T.Vấn và Bạn Hửu )

(Tập tùy bút viết trong những ngày ở Vancouver)

TRỞ MÌNH MẮC NGHẸN

Xíu tiếp tục cuộc hành trình bất tận của mình, đừng tưởng Xíu chơi hoang hay đi rông, phiêu bạt giang hồ vô tích sự. Chính sự lang bạt kỳ hồ của Xíu và anh em nhà Xíu đã đem lại mưa thuận gió hòa,  đem lại nguồn sống cho loài người và vạn vật muôn loài. Lần này Xíu quay về lại góc Đông Nam Á châu, nơi có dòng sông thiêng liêng chảy qua.

Dòng Mê Kông bắt nguồn từ tuyết sơn Tây Tạng, chảy qua bao nhiêu vùng đất Phật giáo khác nhau, trước khi về với biển nó vờn quanh một vùng châu thổ mà người phương Tây quen gọi là Mê Kông Delta. Bắt đầu từ những giọt nước tan ra từ tuyết sơn, vô số giọt tí tách suốt ngày đêm, bất kể tháng năm. Xíu và anh em xíu cũng từng từ đây  mà ra, từng chu du khắp mười phương và cũng từng bao bận quay về. Những giọt nước tan ra và tích tụ lại để rồi vạch ra những khe, lạch ngoằn nghèo như một mạng lưới khổng lồ. Rồi từ mạng lưới này nhập lại thành dòng Mê Kông. Mê Kông chảy qua những vùng đất với nền văn hóa khác nhau và người xứ ấy lại gọi Mê Kông bằng những tên gọi khác nhau, nào là: Lan Thương, Trác A Khúc, Trác Na Khúc, Tonle Thom, Tonle Sap, Ménam Khong, Tiền Giang, Hậu Giang, Cửu Long…Dòng sông chảy qua những quốc gia Phật giáo, những vùng đất thiêng nên Mê Kông cũng linh thiêng theo. Người ta cho rằng Mê Kông là dòng sông thiêng, sông Phật giáo. Dòng Mê Kông nuôi sống hàng chục triệu cư dân hai bên bờ suốt từ thượng nguồn đến cửa biển. Suốt chiều dài đó, bao nhiêu là thành thị, đô thành, thị trấn, đồng quê, ruộng nương, bãi bồi… Phù sa của sông đã bồi đắp nên, đã đem lại mùa màng tươi tốt sum xuê, đem lại bao nhiêu là thủy sản. Mê Kông không chỉ nuôi người mà còn nuôi những cánh rừng nhiệt đới, nuôi muôn loài động thực vật và thủy tộc trong sông.

Xíu sung sướng bay là là trên mặt nước Mê Kông, ngắm nhìn những ngôi chùa cổ kính, những đền tháp hai bên sông. Cứ như thế bay tới bay lui, bay lên bay xuống vô số lần mà ngắm nhìn không chán. Xíu mê mẩn với những tòa tháp Tây Tạng trên cao nguyên, những chóp chùa Miên, chùa Thái, chùa Lào,. Miến Điện… Bay chán chê Xíu cùng với anh em vẫy vùng trong dòng nước mát, bơi từ thượng nguồn với làn nước lạnh và trong veo về đến tận cửa biển với dòng nước ngầu phù sa. Xíu với giọt Xinh, giọt Thừa, giọt Út, giọt Tròn… vui đùa trong dòng nước, cười nắc nẻ như trẻ thơ, thỉnh thoảng lại bay lên hư không nhảy tùm xuống. Xíu đi về vô số lần kể từ khi tạo thiên lập địa đến giờ, dòng Mê Kông cũng có lúc đổi dòng, nhất là ở những khúc cong, lở bên này, bồi bên kia. Mê Kông có chảy thế nào đi nữa thì Xíu và anh em vẫn quen thuộc như thuở hồng hoang.

Ấy vậy mà lần này về thì lại khác, Xíu thật sự bị sốc, bị mắc nghẹn đến đau mình. Trong vòng hai mươi năm trở lại đây, người ta đã xây mấy chục cái đập ngăn sông, lấy trộm nước sông để tích chứa vào hồ, ngăn nước sông để làm thủy điện. Những cái đập ngăn dòng đầy ích kỷ, tham lam. Bọn người xây đập mưu cầu cái lợi nhỏ cho quốc gia của họ. Xây đập với sự tự tư tự lợi của những phe nhóm, băng đảng, lợi ích nhóm…Bọn người âm mưu biến Mê Kông thành của riêng. Người Tàu, người Thái, người Lào, người Miên…thi nhau đắp đập ngăn sông, tuy nhiên kẻ đầu têu chủ mưu chính là chính quyền người Tàu. Bọn họ muốn điều khiển sông Mê Kông theo ý đồ bắt chẹt những nước ở hạ nguồn. Bọn chúng xúi dục và bỏ tiền ra gọi là viện trợ xây dựng nhưng đó chính là cái bẫy để gài những con nhạn la đà. Các chính phủ yếu kém kia vay và không trả nổi thế là đem cảng biển, cảng hàng không, đặc khu cống nộp cho Tàu. Bọn họ đang bức tử dòng Mê Kông. Mê Kông đã thực sự nghẽn dòng.

Những năm này không còn mùa nước lớn tràn đồng, mùa nước lớn đã thế thì mùa khô còn tệ hại hơn, nước sông bị chặn từ phía trên, phía dưới nước biển tràn vào xâm nhập sâu nội đồng. Thế là vườn cây ăn trái chết, ruộng lúa chết, đất nhiễm mặn coi như cũng chết luôn. Nước không về, nguồn phù sa không còn nữa, mùa màng thất bát, nguồn thủy sản cũng cạn kiệt dần. Hàng chục triệu dân nghèo từ Mê Kông Delta lên đến Biển Hồ coi như kiệt quệ. Đời sống đã khổ giờ lại khổ thêm. Các loài thuỷ tộc trong sông cũng bị tận diệt. Xưa nay các loài thủy tộc bơi xuôi người sông theo mùa di cư, sinh sản, kiếm ăn… giờ cũng chịu chết không sao qua được những con đập chết tiệt ấy! Những con đập đã chặn đứng đường xuôi ngược của các loài thủy tộc. Trong số các loài thủy tộc ấy có một loài cá heo nước ngọt qúy hiếm được ghi tên trong sách đỏ và người dân quen gọi là cá nược. Loài này vốn có nguy cơ tuyêt chủng, nay cái nguy cơ ấy còn nguy hiểm hơn. Những con đập ngăn sống gây tác hại khôn lường cho thiên nhiên, môi trường sống của tự nhiên và của con người. Những nhà khoa học, những tổ chức tranh đấu cho môi trường, những người yêu tự do và thiên nhiên đã và đang tranh đấu nhưng chẳng ăn thua gì, khi sức mạnh của đồng tiền lên tiếng và khi sự tham lam, vô minh của con người quá lớn.

Những con đập ngăn sông chưa yên, giờ lại thêm một mối nguy hiểm khác. Chính phủ Cao Miên đang chuẩn bị cho đào kênh Funam-Techo , đây là tham vọng ngông cuồng của nhà độc tài và chính phủ Hun Sen. Nội cái tên cho thấy sự hoang tưởng của y, y muốn khôi phục lại đế chế Phù Nam xa xưa. Kênh Funam-Techo sau khi làm xong sẽ lấy đi một lượng lớn nước của cả sông Tiền và sông Hậu. Nước đã bị chặn ở phía trên, giờ lại lấy nước để đổ qua Funam – Techo nữa thì còn gì là Mê Kông? rồi đây đồng bằng sông Cửu Long sẽ ra sao?  Vựa lúa bao đời nay của người dân sẽ ra sao? Đời sống tự nhiên của các loài thủy tộc và các loài cộng sinh với sông nước sẽ ra sao? Và cả biển Hồ của chính người Miên cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kênh đào Funam-Techo là ý muốn chủ quan của những nhà chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Khmer cực đoan. Nó đượcc sự ủng hộ tuyệt đối về kỹ thuật và tiền bạc của Tàu. Thật sự thì Cao Miên làm gì có tiền và khả năng để làm, Tàu làm đấy thôi! Để rồi tàu chiến Tàu có thể chạy thẳng vào nội địa Cao miên. Người Tàu đã đóng quân ở hải cảng Sihanoukville,  Xiêm Riệp, Ream. Người Tàu đã và đang xâm nhập, điều hành nhiều mặt ở Cao Miên. Hoang tưởng của lãnh đạo Khmer phù hợp ý đồ bành trướng của Bắc Kinh, giờ đây Cao Miên là căn cứ hậu cần, là bãi đáp để Tàu có thể dễ dàng tấn công mọi địa điểm trong khu vực.

Xíu không quan tâm chính trị, không thích chuyện chính trị nhưng vấn đề này nó rõ ràng quá, ai cũng có thể thấy. Xíu nói vì uất ức muốn khóc. Lần này về với Mê Kông nhìn những con đập mà trở mình đau đớn. Trong thoáng chốc Xíu ước mình là bộc phá để nổ tung những con đập ấy để cho dòng Mê Kông được tự do xuôi về biển, để muôn loài lại thong dong xuôi ngược như xưa.

Những con đập ngăn sông là những con quái vật bằng xi măng cốt thép vô cùng xấu xí, xấu cả ngoại hình và cả cái tâm. Xíu bay là là dọc sông, Xíu nói với giọt Xinh:

– Người ta làm hỏng cả dòng sông rồi em ơi! Còn đâu dòng Mê Kông đầy ắp phù sa, rồi đây kênh Funam- Techo làm xong thì Mê Kông Delta sẽ ra sao?

Giọt Xinh đồng cảm với Xíu, cũng mang niềm đau như Xíu, toàn bộ anh em nhà Xíu đều trăn trở về tương lai của dòng sông. Đau mà chẳng biết phải làm sao. Giọt Ròm nhỏ nhẹ:

– Bao năm nay họ xây đập ngăn sông, thời tiết thất thường, không còn mưa thuận gió hòa. Em cũng gầy thêm mấy phần. Anh em nhà mình cũng không còn tụ hội đông đủ để mưa xuống ruộng đồng. Nước mặn từ biển xâm nhập ngày càng sâu, nhiều vườn cây chết đứng, nhiều loài thủy tộc mất tích mất tăm. Người nơi đây lại thêm kiếp nạn nữa rồi.

Giọt Thừa khẳng định chắc nịch:

– Thời đại hôm nay loài người nhiều kiếp nạn, kiếp nạn cũ chưa qua thì kiếp nạn mới lại đến. Kiếp nạn xảy ra dồn dập hơn, nặng nề hơn, khốc liệt hơn.

Giọt Cả ngưng lại, trầm ngâm ra vẻ triết gia:

– Cái nhân ác chín muồi thì cái quả xấu xảy ra, chính từ cái quả xấu lại dễ tạo thêm nhân xấu mới, cứ như thế này thì nhân quả xoay vòng không bao giờ dứt, kiếp nạn vì thế không bao giờ hết được!

Giọt Xíu thì thầm:

– Nhớ ngày xưa khi mình về đây, tụi mình bơi suốt một mạch từ thượng nguồn ra biển, rồi từ biển lại quay về nguồn. Tụi mình tha hồ tung tăng khắp nơi, giờ thì không thể làm được cái điều đơn giản ấy nữa. Đành rằng vô thường thay đổi trong từng phút giây, nhưng sự thay đổi này tác động bởi sự tham lam, ích kỷ của con người. Sự thay đổi này làm tổn hại nặng nền đến mẹ thiên nhiên.

Giọng giọt Xinh thật thiểu não:

– Còn gì là dòng sông thiêng nữa, từ ngàn xưa chảy ra từ miền đất huyền bí ở thượng nguồn, chảy qua bao miền đất Phật với vô số cảnh chùa tháp thân thương, chảy qua những khu rừng già nguyên sinh thâm u trầm mặc, những cánh đồng phù sa bát ngát và trù phú…Muôn loài thủy tộc và bao loài chim muông thú rừng cùng tương tác cộng sinh, dù là mang thân thú, thân súc sanh nhưng cũng thọ nhận được sự sung túc của môi trường tự nhiên. Chúng vui vẻ ngược xuôi theo dòng… Giờ thì mấy chục con đập ngăn sông, chia chẻ ra từng khúc cứ như thể người ta cắt nát thân.

Giọt Cả thật xứng đáng với danh hiệu của mình, lúc nào cũng bao dung đàn em, lại rất thông thái, chuyện gì cũng biết:

– Loài người ở vào trung vị, phước tội cân phân, nhờ vậy mà loài người dễ tiếp nhận và tu học Phật pháp. Chư thiên thì phước báo lớn nên chẳng có lòng tu học. Súc sanh và các loài khác thì hoàn toàn chịu nghiệp báo nên không thể tu học Phật pháp. Ngay trong loài người thì tầng lớp trung lưu, tiểu khang mới dễ tu học, tầng lớp trên thì hưởng thụ tháng ngày hoan lạc cũng ít chịu tu học, tầng lớp cùng đinh bên dưới thì quá khổ, quá vất vả mưu sinh nên cũng khó tu học, bởi vậy mà người ta mới nói: “Bần cùng bố thí nan, giàu sang học đạo khó”. Loài người mê đắm trong ngũ dục lục trần, dính chặt vào cái “ta”, “của ta”… mà khôg biết rằng chẳng có cái gì để gọi là “ta”, “của ta”. Loài người tham đắm sắc dục, vật chất, lợi danh… nên mê mờ, cộng với cái “ta” ảo tưởng nên sân hận toàn gây nghiệp bất thiện. Sơn hà đại địa, đất đai… vốn chẳng của riêng ai. Những tộc người hay quốc gia chỉ chiếm hữu một thời gian nào đó chứ không thể sở hữu vì bản thân con người còn chưa làm chủ được thì làm sao làm chủ ngoại vật? Ấy vậy mà con người vô minh tranh giành, chém giết, tru diệt lẫn nhau. Ngay cả đắp những con đập trên sông Mê Kông này cũng là sự tham lam, ngông cuồng, vô minh. Nay đào kênh Funam- Techo nữa thì thảm họa lớn cho thiên nhiên muôn loài và cũng cho chính loài người.

Giọt Xíu, giọt Xinh, giọt Út… lòng buồn rười rượi bay là là nhìn dòng Mê Kông lần nữa trước khi bay qua xứ khác. Từ trên hư không nhìn xuống, Xíu chợt kêu to và chỉ cho những người anh em mình:

– Nhìn kìa, trời ơi dòng Mê Kông như con rồng, phần thân dưới của nó bị người ta chặt ra mấy chục khúc!

Tiểu Lục Thần Phong

Vancouver, 0724

                  Hồ Tahoe (Mỷ )

Xem Thêm :https://www.facebook.com/

Trương Nhân Tuấn: Dự án kênh đào Funan-Techo sẽ khai trương vào ngày mai

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận : NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2) (Đỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :            NHỮNG TỪ NGỮ LÝ THÚ NGÀY XUÂN (2)                                                                      ...