Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2024

Xung đột Israel - Palestine (Diển Đàn Khai Phóng )


Tac giả : Tom Khaled Würdemann, ZEIT, ngày 17.8.2024
Biên dịch: Nguyễn Phú Lộc

Xung đột ở Trung Đông được coi là cuộc đối đầu giữa hai cực: trên chống lại dưới. Nếu khuếch đại góc nhìn, chúng ta có thể thấy: Hai loại thù địch khác nhau đang thúc đẩy cuộc chiến này.

***

Gần đây tôi đã nói chuyện với một người lính Israel. Tôi gặp người sĩ quan trẻ, một sinh viên trong lúc còn đời sống dân sự, tại một hội nghị đại học vào tháng sáu. Ông kể lại một cách cay đắng về trải nghiệm của mình trong chiến tranh: Ở Gaza bạn có thể thấy các bản sao cuốn Mein Kampf của Hitler . “Họ được dạy để ghét chúng tôi,” ông nói về người Palestine, và đồng thời cũng vỡ mộng với chính xã hội của mình: “Hầu hết người Israel không quan tâm có bao nhiêu người chết ở Gaza.”

Nếu bạn nói chuyện với những người như anh ấy hoặc với những người tị nạn từ Gaza, những người từng trải qua quá trình lớn lên dưới sự cai trị của Hamas, bạn sẽ thấy rõ ràng rằng có hai kiểu thù địch có thể phân biệt rõ ràng, đặc trưng cho cuộc xung đột Israel-Palestine. Về phía Palestine, nó thường tuân theo logic bôi nhọ của chủ nghĩa bài Do Thái: nhiều người Palestine coi kẻ thù vừa mạnh vừa yếu. Không thể có sự thỏa hiệp nào với sự phản bội của họ, sự đau khổ của họ được hoan nghênh. Về phía Israel, sự thù địch thường đi theo logic phi nhân tính của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc: nhiều người Israel phớt lờ nỗi đau khổ của người Palestine và từ chối mọi trách nhiệm về điều đó. Những người Israel này bác bỏ ý tưởng đối xử bình đẳng với mọi người ở cả hai bên. Họ cho đó là sự ngây thơ.

Tác giả và nhà khoa học Tom Khaled Dürremann © Đại học Nghiên cứu Do Thái

Bất cứ ai nhìn cuộc xung đột theo cách này đều lẫn tránh việc xác định các nhóm thủ phạm và nạn nhân cứng nhắc. Người ta thường cho rằng tình hình ở Israel và Palestine là một chiều do động cơ ý thức hệ như “sự căm thù người Do Thái” hay “sự phân biệt chủng tộc của người định cư thực dân”. Lời giải thích hợp lý hơn là đơn giản có hai phong trào dân tộc đấu tranh cho một quốc gia. Xung đột này nảy sinh từ cuộc đụng độ giữa hai nhóm không quốc tịch [1] trong giai đoạn hậu chủ nghĩa đế quốc. Tuy nhiên, hệ tư tưởng mới là nguyên nhân chính tiếp tục thổi bùng ngọn lửa xung đột lãnh thổ. Ngược lại, những nguồn nhiên liệu này khác nhau đáng kể: Khuôn mẫu lý tưởng là sự thù địch về mặt ý thức hệ từ phía Israel đi theo mô hình phân biệt chủng tộc như một sự oán giận “xuống bên dưới”. Về phía Palestine, chủ nghĩa bài Do Thái được coi là một hình thức oán giận với lớp người „ở trên“. Có những lý do giải thích cho điều này trong lịch sử các tư tưởng, nhưng nó cũng có thể được giải thích bằng cấu trúc bất đối xứng của xung đột, điều (dường như) đã xác nhận những hệ tư tưởng đó.

Chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại coi cuộc đàn áp người Do Thái là một cuộc nổi loạn chống lại các thế lực đang bí mật kiểm soát thế giới của chúng ta. Trong hệ tư tưởng này, người Do Thái không hề thua kém những dân tộc khác mà còn vượt trội hơn một cách quỷ quái. Họ là trung tâm của thế giới trong vũ trụ học bài Do Thái. Chẳng hạn, người phát xít Thổ Nhĩ Kỳ Nihal Atsız từng viết trong một bức thư: “Người Do Thái là kẻ thù bí mật của tất cả các dân tộc”. Do đó, kết cục của người Do Thái sẽ là một chiến thắng của điều thiện, một sự cứu rỗi nhân loại. Văn hóa thánh chiến của người Palestine cũng bao gồm truyền thống tôn vinh cái chết của thậm chí cả cá nhân người Israel trong các cuộc tấn công khủng bố. Những điều này không được che dấu kín đáo, mà được bất tử hóa như những cột mốc quan trọng trên con đường dẫn đến chiến thắng, vốn dĩ họ tin là sắp sửa xảy ra. Bất chấp sức mạnh của họ, người Do Thái cuối cùng vẫn yếu so với lực lượng tổng hợp của “nhân dân”.

Những động cơ này hình thành nên chủ nghĩa bài Do Thái hiện đại đang nổi lên ở châu Âu. Nó được du nhập vào Trung Đông từ cuối thế kỷ 19 trở đi – đặc biệt là bởi các tầng lớp có học thức đã tiếp cận với các diễn ngôn châu Âu. Nó đã trở nên đặc biệt vững chắc do kết quả của cuộc xung đột Israel-Palestine. Ở đó, nó đưa ra cho phía Ả Rập một khuôn mẫu để giải thích ý nghĩa rõ ràng cho cuộc xung đột về vùng đất hiện nay trong phong trào dân tộc Do Thái.

Ví dụ, linh mục Boulos Abboud, người từng làm việc ở Jaffa, đã phàn nàn vào năm 1921 rằng Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái đang nỗ lực giành quyền cai trị duy nhất đối với Palestine thuộc Ả Rập . Đây là nhận định đúng vào thời điểm lịch sử. Tuy nhiên, Abboud liên kết nó với một cách giải thích bài Do Thái: những người Do Thái hèn hạ luôn lập kế hoạch chinh phục các dân tộc khác. Chỉ khi nào họ không có quyền lực thì họ mới buộc phải che giấu nó. Ngay từ năm 1905, nhà dân tộc chủ nghĩa Ả Rập-Kitô giáo Naguib Azouri đã mô tả cuộc xung đột Ả Rập-Do Thái đang nổi lên là cuộc đấu tranh giữa các dân tộc đại diện cho “các nguyên tắc đối lập”, cụ thể là thiện và ác. “Số phận của thế giới“ sẽ được quyết định bằng kết quả của cuộc xung đột đó.

Mô hình biện chứng về quyền lực vượt trội và sự khinh miệt đó vẫn chưa hề được kìm hãm, đặc biệt trong chủ nghĩa Hồi giáo ngày nay. “Israel yếu hơn mạng nhện” là một trong những khẩu hiệu của Hezbollah – sức mạnh của người Do Thái cuối cùng chỉ là ảo ảnh, được tạo ra bởi những âm mưu. Trong thế giới quan này, người Do Thái thể hiện mình vừa là kẻ thù áp đảo vừa là nạn nhân thấp hèn. Chủ nghĩa bài Do Thái như vậy không thể thỏa hiệp với Israel. Làm thế nào người ta có thể làm hòa với những kẻ chủ mưu bí mật của cái ác, mà những âm mưu của chúng phải chấm dứt?

Ngược lại, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hiện đại coi đối tượng của nó là thấp kém. Người thấp kém có thể có thể chất khỏe mạnh, nhưng giống như con bò ngoài đồng, người mạnh hơn điều khiển nó bằng sự thông minh của mình. Có thể sống chung miễn là có một hệ thống phân cấp rõ ràng. Nếu những nỗ lực này thất bại – hoặc kẻ được cho là hoang dã thậm chí còn tấn công – họ phải bị gạt sang một bên, hoặc bị tiêu diệt. Cảm giác bị đe dọa từ các nhóm “thấp kém”, dù được xác định về mặt dân tộc hay văn hóa, thường biểu hiện dưới dạng nỗi sợ hãi về một “sự tràn ngập ” hoặc “sự xâm lược tự nhiên” vào xã hội văn minh, vốn tự xác định bằng cách tránh xa những kẻ được cho là hoang dã.

Chủ nghĩa Phục quốc Do Thái thời kỳ đầu có cái nhìn gia trưởng đối với người dân Ả Rập ở Palestine. Theodor Herzl [2], người tiên phong của phong trào quốc gia dân tộc Do Thái, tin rằng người Ả Rập sẽ đón nhận chủ nghĩa Phục quốc Do Thái với lòng biết ơn. Sự trịch thượng đã có sẵn rồi; Trước chủ nghĩa Phục quốc Do Thái, người Ả Rập sống như “gia súc”, Herzl viết trong cuốn tiểu thuyết Altneuland năm 1902 của ông. Phong trào Phục quốc Do Thái những năm 1920, được chủ nghĩa thực dân Anh ủng hộ, cũng đã tạo ra một tầm nhìn tích cực về sự chung sống trong tương lai. Tuy nhiên – ngay cả trước khi xuất hiện các kế hoạch phân chia – nó đã phủ nhận quyền tự quyết về chính trị của số đông người Ả Rập ở Palestine, vào thời điểm đó chiếm 85% tổng cộng dân số. Những người theo chủ nghĩa Phục quốc Do Thái thời kỳ đầu thường chê bai người Palestine là “những người Bedouin thiếu văn minh” và “những kẻ ngu dốt”.

Mặt trận cứng rắn và sự thiếu đồng cảm

Ở Israel, những cách giải thích như vậy chưa bao giờ bị giới hạn ở quyền chính trị. Sự ác cảm của các chính trị gia cánh tả như Golda Meir đối với “người Ả Rập” ngay cả ở đất nước của họ đã được ghi chép rõ ràng. Suy nghĩ này trở thành một bức tranh biếm họa phân biệt chủng tộc khi nhà phân tích người Israel Dan Schueftan, người cũng là một đối tác phỏng vấn và diễn giả nổi tiếng ở Đức, giải thích xung đột với khán giả của mình như sau : “Ở Mỹ có động đất, lở đất, bão và lốc xoáy. Người dân sống ở đó về bản chất sống trong một môi trường khắc nghiệt. Chúng tôi có một môi trường rất khắc nghiệt khác, là những người sống ở đó, nơi mà sự giết chóc lẫn nhau là một phần của văn hóa chính trị.” Nói tóm tắt: Các nước khác có thiên tai, Israel có người Ả Rập.

Hiệu quả của lối suy nghĩ như vậy được thể hiện rõ ràng trong cuộc chiến hiện tại – và có lẽ cũng phát triển mạnh nhờ cảm giác về mối đe dọa ngày càng gia tăng sau cuộc tấn công ngày 7 tháng 10 và tình hình mối đe dọa địa chính trị thực sự kể từ đó: sự đau khổ ở Gaza hầu như không được đề cập đến trong cộng đồng người Do Thái-Israel một cách công khai, như trường hợp của các phương tiện truyền thông Israel như Ha’aretz đã phản ánh nhiều lần. Nhiều người Israel mà tôi đã nói chuyện, từ tài xế taxi đến giáo sư, đều phản ứng giận dữ về sự đề cập đến thương vong dân sự ở Gaza. Không có sự đồng cảm với kẻ thù là điều đáng buồn trong một cuộc chiến tranh sinh tồn, và đó chính là đặc điểm của cuộc xung đột Israel-Palestine hiện nay.

Điều thú vị hơn là ở Israel, người ta thường không thông cảm rằng, người ngoài nhìn mọi việc đều khác và tập trung vào thảm họa nhân đạo ở Gaza. Người Israel thật kiêu ngạo khi cho rằng, không thể chuyển nhượng cho người Palestine “ở bên dưới” những quyền căn bản không thể mua bán được. “Họ đã đối xử với nhau như động vật vậy thì tại sao chúng ta phải…” – đó là tâm điểm của nhiều bình luận. Gần đây, nhiều người Israel – trong đó có bộ trưởng tư pháp – đã phản ứng phẫn nộ và kinh hoàng khi quân cảnh cố gắng bắt giữ binh sĩ Israel bị cáo buộc tra tấn dã man tù nhân Palestine. Để ngăn chặn việc bắt giữ, một đám đông đã đột nhập vào trại.

Các cấu trúc khác nhau của lòng căm thù ý thức hệ có tác động đến cách các tác nhân tưởng tượng về mối quan hệ với phía bên kia. Phía Israel thường sẵn sàng tìm kiếm giải pháp thỏa hiệp hơn: đàm phán với những kẻ man rợ bị coi thường dễ dàng hơn là với những kẻ âm mưu quỷ quái. Và hai hình thức thù địch đang diễn ra còn có một hậu quả khác. Cuộc xung đột ở Israel và Palestine thường được miêu tả như một cuộc đối đầu giữa các cực: “thuộc địa” chống lại “bản địa”, “phương Tây” với “chống phương Tây”. Đây thường là những ứng dụng thô sơ của khuôn mẵu “trên” so với “dưới” – thật là quá thô thiễn và không hiệu quả.

Nhưng toàn bộ sự việc cũng có cốt lõi thực sự. Xung đột giữa Israel và Palestine được đặc trưng bởi sự mất cân bằng quyền lực rõ ràng, sự bất cân xứng. Người ta có thể kết luận như thế này: Tiêu diệt kẻ thù của họ là điều đơn giản đối với binh lính Israel , ít nhất là ở cấp độ tác chiến, do sự mất cân bằng về lực lượng. Kể từ khi Israel xâm chiếm Gaza sau ngày 7 tháng 10, ước tính có khoảng 35 chiến binh Hamas thiệt mạng trên mỗi binh sĩ Israel thiệt mạng. Nghĩa vụ quân sự ở Bờ Tây đã xã hội hóa hàng nghìn lính nghĩa vụ Israel mỗi năm để coi người Palestine là một khối vô danh cần phải được kiểm soát.

Ngược lại, các chiến binh Palestine rất khó tiêu diệt kẻ thù của mình. Khẩu hiệu của liệt sĩ “Bạn yêu sống, chúng tôi yêu chết” đã phản ánh điều này. Một số lượng lớn các nỗ lực tấn công khủng bố đều kết thúc không thành công, tức là không có nạn nhân Do Thái nào. Hầu như tất cả những kẻ tấn công người Palestine đều bị tiêu diệt hoặc bắt giữ. Tính đến ngày 7 tháng 10, chưa có vụ tấn công lớn nào vào Israel trong nhiều thập kỷ. Mọi “thành công” đều được tôn vinh nhiều hơn – đôi khi thậm chí còn được dàn cảnh giống như vở kịch về các cuộc tấn công thành công, như đã xảy ra ở Nablus năm 2001 trong Intifada thứ hai . Cấu trúc tư tưởng của cuộc xung đột – ở một bên, sự thờ ơ trước nỗi đau khổ, và bên kia, sự hân hoan trước nỗi đau khổ – và sự bất đối xứng của cuộc xung đột xác nhận lẫn nhau trong một vòng phản hồi.

Cuộc chiến hiện tại cũng đang có tác động cực đoan hóa đối với những người thực sự tham gia vào cuộc xung đột. Ở Israel, một sự xích lại gần thái độ thù địch “ác quỷ” đang diễn ra. Những giải thích mang tính tôn giáo về cuộc xung đột đang trở nên phổ biến. Một ví dụ là việc đồng nhất người Palestine với người Amalek, kẻ thù truyền kiếp của người Do Thái được nhắc đến trong Kinh thánh; Thủ tướng Israel Netanyahu đã đưa ra sự so sánh này, cũng như Bộ trưởng Tài chính cực đoan cánh hữu Bezalel Smotrich – người sau này thậm chí còn bổ sung rõ ràng mệnh lệnh thần thánh là tiêu diệt người dân Amalek. Về phía Palestine, sự thù địch trước đây ngày càng gia tăng: Israel, kẻ thù không bao giờ có thể hòa bình, giờ đây xuất hiện như một mô típ đặc biệt thường xuyên liên quan đến khái niệm diệt chủng: Sống chung với người bán thịt của chính mình là điều không thể chấp nhận được, Israel giờ đây phải bị tiêu diệt.

Người Israel và người Palestine có quan niệm khác nhau trong cuộc xung đột này; Những cách giải thích phiến diện trong đó phía bên kia được cho là là kẻ xấu xa tột cùng, có thể dễ dàng được thừa nhận và bác bỏ điều mà người ta có thể xem như là hai loại thù địch.

Đồng thời, quan điểm này có thể giúp hiểu được điều gì sẽ phải thay đổi để có hòa bình: về phía Israel, niềm tin thoải mái rằng ưu thế quân sự cho phép họ vi phạm các quyền của người Palestine theo ý muốn. Tuy nhiên, về phía Palestine, trên hết, sự tồn tại của quyền tự quyết của người Do Thái là điều không nên coi là một âm mưu ác ý chống lại Palestine. Thật không may, trong hiện tại, trong tình hình vô cùng căng thẳng hiện nay, đây hoàn toàn chỉ là một giấc mơ viển vông.

./.

Tác giả: Tom Khaled Dürremann

Nguồn : Hai kẻ thù, hai ác ý, (Zwei Feinde, zwei Ideen von Bösen – ZEIT 17/08/2024)

Tom Khaled Dürremann viết luận án về lịch sử Palestine trong chương trình sau đại học tại Đại học Heidelberg. Ông cũng đã tham gia giảng dạy các học trình chống phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa bài Do Thái và chủ nghĩa cực đoan trong nhiều năm.

Ghi chú của người dịch:

[1] Sau Thế chiến I, vùng đất hiện nay của Do Thái và người Palestine chưa có một ranh giới quốc gia. Một nước Do Thái chưa từng có, và một quốc gia Palestine cũng chưa được thành lập. Cho đến tiền bán thế kỷ 20, vùng đó có thể được gọi là vùng Ả Rập mang tên Palestine.

[2] Theodor Herzl được xem như người sinh thành phong trào phục quốc Do Thái. Tác phẩm “Quốc gia Do Thái” xuất bản năm 1896 chính là bản tuyên ngôn đầu tiên của một quốc gia Do Thái độc lập.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang Thơ NKĐ : CHÓ SĂN,CHÓ CẢNH ,BẼ BÀNG,VỨT ĐI , TRÁNH ĐÂU,BÂY GIỜ, ĐỔI KHÁC (T.12/2024 . 2 )

CHÓ SĂN , CHÓ CẢNH Con chó săn trung thành với chủ "Suỵt" tiếng thôi, lành dữ sợ chi ! Lao về phía trước tức thì Ngoạm con mồi đó,...