Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2024

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 112 : TRANG, TRÀNG, TRẮC, TRĂM, TRÂM (Đỗ Chiêu Đức)

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 112 :  

             TRANG, TRÀNG, TRẮC, TRĂM, TRÂM
 

                          Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

                           Ấy là Hồ Điệp hay là Trang Sinh?

       TRANG SINH 莊 生 tức TRANG TỬ 莊 子(369一286 Trước Công Nguyện)tên CHU 周 (CHÂU), người đất Mông nước Tống thời Chiến Quốc. Ông là nhà tư tưởng tiêu biểu của Đạo Gia, cùng thời với Lương Huệ Vương và Tề Tuyên Vương. Tác phẫm duy nhất còn truyền lại hiện nay là quyển "Trang Tử 莊 子".
       Trong phần Tề Vật Luận của sách Trang Tử《莊 子· 齊 物 論》có kể lại câu chuyện sau đây: Một hôm Trang Chu ngủ ngày, mơ thấy mình hóa thành bươm bướm bay lượn khắp nơi vui chơi thỏa thích. Trong một phút xuất thần bướm quên mất mình là do Trang Chu biến hóa mà ra. Sau đó Trang Chu chợt tỉnh giấc, hình ảnh rong chơi trong mơ lúc hóa bướm còn hiện rõ mồn một trong trí nhớ. Ông ngắm nhìn lại thân mình rồi ngơ ngẩn mơ hồ tự hỏi rằng: Không biết là mình đã hóa ra bướm hay bướm đã hóa ra mình? Không biết là trong mơ Trang Chu đã hóa ra bướm hay là con bướm đang trong mơ đã hóa ra Trang Chu? Thực hư lẫn lộn khó mà phân biệt. Ông vô cùng cảm xúc và cảm thấy rằng: Cuộc sống của người đời lắm lúc thực mơ lẫn lộn, tưởng như mơ mà thực, tưởng như thực lại hóa ta mơ. Thì ra mọi vật mọi việc trên đời đều không ngừng thay đổi biến hóa, không có cái gì là vĩnh hằng trường cửu cả!
        Trong Truyện Kiều, sau mười lăm năm lưu lạc chìm đắm trong chốn yên hoa, giờ được đoàn tụ lại với người xưa, Thúy Kiều cứ ngỡ là mình đang ở trong mơ nên cũng thể hiện qua tiếng đàn sum họp:

                    Khúc đâu đầm ấm dương hòa,
                 Ấy là Hồ điệp hay là Trang Sinh ?
                    Khúc đâu êm ái xuân tình,
                 Ấy hồn Thục Đế hay mình Đỗ Quyên ?
TRÀNG KHANH 長 卿 (còn đọc là TRƯỜNG KHANH) : Theo sách Sử Ký 史 記, Tư Mã Tương Như 司 馬 相 如(179—118 trước Công nguyên)là tài tử và là văn học gia nổi tiếng của đời Hán, tự là Tràng Khanh, người đất Thành Đô (Thủ phủ của tỉnh Tứ Xuyên ngày nay) Ở lộ Cầm Đài. Khi đến đất Lâm Cùng, nhờ có người bạn là Tri Huyện Vương Cát tiến cử, nên được nhà cự phú Trác Vương Tôn ở địa phương mời đến nhà khoản đãi. Trong bữa tiệc khách yêu cầu đàn một khúc, Tư Mã Tràng Khanh biết vương tôn có cô con gái mới mười sáu tuổi rất đẹp, lại vừa mới góa chồng là Trác Văn Quân 卓 文 君, bèn giở cây lục ỷ cầm ra dạo rồi đàn hai khúc trong bài Phượng Cầu Hoàng 鳳 求 凰 như sau:

 鳳 兮 鳳 兮 歸 故 鄉,    Phượng hề phượng hề quy cố hương, 
 遨 遊 四 海 求 其 凰...    Ngao du tứ hải cầu kỳ hoàng ...
 有 豔 淑 女 守 蘭 房,    Hữu diễm thục nữ thủ lan phòng,
 室 邇 人 遐 毒 我 腸。    Thất nhĩ nhân hà độc ngã trường.
 何 緣 交 頸 為 鴛 鴦...    Hà duyên giao cảnh vị uyên ương ...
Có nghĩa :
              Về thôi phượng hỡi, phượng hề !
              Cầu hoàng tứ hải bốn bề ngao du.
              Có nàng thục nữ ôn nhu,
              Gần bên mà ngỡ như từ cõi xa.
              Uyên ương sao được một nhà ?   

      Tư Mã Tương Như nghe trong rèm ở phòng bên có tiếng thở dài nhè nhẹ, biết là Trác Văn Quân đang nghe đàn, bèn đàn tiếp khúc thứ hai là:

 鳳 兮 鳳 兮 從 凰 棲,    Phượng hề phượng hề tòng hoàng thê,
 得 托 孳 尾 永 為 妃。    Đắc thác tư vĩ vĩnh vi phi.
 交 情 通 體 心 和 諧,    Giao tình thông thể tâm hòa hài,
 中 夜 相 從 知 者 誰?    Trung dạ tương tòng tri giả thùy ?
 雙 翼 俱 起 翻 高 飛,    Song dực câu khởi phiên cao phi,
 無 感 我 思 使 余 悲。    Vô cảm ngã tư sử dư bi.

Có nghĩa :
              Theo hoàng phượng hỡi, phượng hề,
              Theo nhau mãi mãi đi về một phương.
              Giao tình lòng những vấn vương,
              Giữa đêm theo gót người thương bao ngày.
              Chắp đôi cánh phượng cao bay,
              Lòng ta buồn nhớ ai hay chăng là ?!

        Khúc ca vừa tỏ lòng ái mộ Trác văn Quân, vừa "xúi giục" nàng "giữa đêm theo gót..." nên, nửa đêm hôm ấy, Trác Văn Quân cuốn gói bỏ nhà trốn theo Tư Mã Tương Như về Thành Đô sinh sống ...
        Do tích trên nên TRÀNG KHANH (hay TRƯỜNG KHANH) là từ dùng để chỉ các anh chàng tài tử đẹp trai đa tài giỏi ăn chơi trác táng, như trong Truyện Kiều tả lúc Thúy Kiều ở lầu xanh, cụ Nguyễn Du đã viết:

                        Dập dìu lá gió cành chim,
              Sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm TRÀNG KHANH.
                       Khi tỉnh rượu lúc tàn canh,
              Một mình mình lại thương mình xót xa !

TRẮC DĨ 陟 屺 là nói gọn lại hai câu thơ của chương Ngụy Phong 魏 風, Trắc Hỗ 陟 岵 trong Kinh Thi 詩 經 là:

                 陟 彼 屺 兮,   Trắc bỉ Dĩ hề, 
                 瞻 望 母 兮.       Chiêm vọng mẫu hề. 
Có nghĩa :
                  Trèo lên trên núi Dĩ hề...
           Để mong ngóng bóng mẹ về với con. 

       Khi Thúy Kiều đã bị Khuyển Ưng bắt về làm Hoa Nô cho Hoạn Thư rồi, lúc Thúc Sinh về nhà thăm vợ, Hoạn Thư mới bắt Thúy Kiều ra hầu rượu cho hai vợ chồng. Bấy giờ chàng Thúc mới tá hỏa vì tưởng Thúy Kiều đã chết thiêu ai ngờ lại làm Hoa Nô cho vợ mình, nên thương cho thân phận của nàng Kiều, nhưng "Sợ quen dám hở ra lời, Không ngăn giọt ngọc sụt sùi nhỏ sa". Hoạn Thư gỉa như không biết gì ngạc nhiên hỏi rằng: "Mới về có việc chi mà động dong?"; Vợ chồng lâu ngày gặp mặt sao chàng lại khóc? Chàng Thúc mới nói trớ:

                         Sinh rằng hiếu phục vừa xong,
                 Suy LÒNG TRẮC DĨ đau LÒNG CHUNG THIÊN.

       Nên LÒNG TRẮC DĨ là Lòng tưởng nhớ đến mẹ. Còn CHUNG THIÊN 終 天 thì CHUNG là hết, THIÊN là Trời; CHUNG THIÊN là hết tuổi của trời cho, nên Chung Thiên có nghĩa là suốt đời. Nên câu "Suy LÒNG TRẮC DĨ, đau LÒNG CHUNG THIÊN": Ý của Thúc Sinh muốn nói là Nhớ đến mẹ đã chết nên đau buồn suốt đời, cho nên muốn khóc thì khóc (chớ không phải khóc vì thấy Thúy Kiều bị bắt làm Hoa Nô). Hoạn Thư lại lên tiếng :"Khen rằng: Hiếu tử đã nên! Tẩy trần mượn chén giải phiền đêm thu". Rồi "Vợ chồng chén tạc chén thù"...               
       
                       陟 彼 屺 兮,瞻 望 母 兮 
                  Trắc bỉ Dĩ hề,  Chiêm vọng mẫu hề.  

       TRĂM THÂN là lời nói Nôm na của câu NHÂN BÁCH KỲ THÂN 人 百 其 身, ý là: Nếu như người ta có được một trăm cái thân thể. Đây là một câu trong bài thơ Hoàng Điểu 黄 鸟 trong chương Tần Phong 秦 風 của Kinh Thi 詩 經 có xuất xứ ly kỳ như sau: Khi Tần Mục Công chết có đến 177 người phải tuẫn táng (chôn sống) theo để hầu hạ và bầu bạn với người chết, trong đó có ba anh em nhà Tử Xa 子 車 tài hoa thuộc dòng dõi quý tộc cũng phải tuẫn táng theo Tần Vương. Dân chúng bất mãn cho cái hủ tục nêu trên nên mới làm bài thơ Hoàng Điểu để châm biếm và tỏ ý xót thương cho những người bị tuẫn táng: Nếu có được một trăm cái thân mình thì cũng đem ra để chuộc cho anh em nhà Tử Xa để khỏi bị chôn sống. Tiêu biểu như hai câu:

                   如 可 贖 兮,   Như khả thục hề,
                   人 百 其 身。   Nhân bách kỳ thân.
      Có nghĩa :
                      Nếu như chuộc được cho người,
                 Có TRĂM THÂN cũng chẳng nguôi lòng nầy.

       Còn trong Truyện Kiều, khi chàng Thúc thừa lúc Hoạn Thư về thăm má, đã lén ra Quan Âm Các để thăm nàng Kiều, rồi than thở tạ lỗi với Kiều vì mình đã không làm đúng với những lời thề thốt lúc ban đâù với nàng. Thúc Sinh đã mượn ý của hai câu thơ trên trong Kinh Thi mà tạ với Kiều rằng:

                       Thẹn mình đá nát vàng phai,
                 TRĂM THÂN dễ chuộc một lời được sao !
... Rồi khuyên Kiều rằng :
                      Liệu mà xa chạy cao bay,
                   Ái ân ta chỉ có ngần nầy thôi !
            
                        
Còn...
       TRĂM NĂM thì thường dùng để chỉ thời gian giới hạn của một đời người, như cụ Nguyễn Du đã mở đầu Truyện Kiều bằng câu:

                       TRĂM NĂM trong cõi người ta,
                   Chữ Tài chữ Mệnh khéo là ghét nhau.

      Trai gái ước hẹn chung thân với nhau, thề non hẹn biển với nhau cũng lấy từ TRĂM NĂM mà đính ước, như khi Thúy Kiều và Kim Trọng lần đầu đến với nhau cũng nói với nhau:

                   ...Rằng TRĂM NĂM cũng từ đây,
                   Của tin gọi một chút nầy làm ghi.
                      Sẵn tay khăn gấm quạt qùy,
                   Với cành thoa ấy tức thì đổi trao...

       Còn khi muốn chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh để chính thức chung sống với nhau đến răng long đầu bạc, Thúc Sinh cũng muốn biết rõ về thân thế và gia cảnh của Thúy Kiều:

                      TRĂM NĂM tính cuộc vuông tròn,
                   Phải dò cho rõ ngọn nguồn lạch sông.
        
       Vì TRĂM NĂM chỉ một đời người, là cả một cuộc sống của con người trong xã hội, nên người con gái chính chuyên ngày xưa luôn phải cẩn trọng về phụ hạnh của mình, như câu ca dao dân gian thường truyền tụng:

                    TRĂM NĂM trăm tuổi, 
                       may rủi một chồng...
                    Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai !
Còn... 
      TRÂM 簪 là một loại lược giắt, trâm cài đầu, ngày xưa dùng để cài cái mão (mũ) cho dính vào tóc; ANH 纓 là dải mũ hai bên của cái mão, có thể thả hai bên mặt hoặc buộc lại dưới cằm để giữ cái mão cho chắc. Nên TRÂM ANH 簪 纓 là từ dùng để chỉ con nhà giàu, nhà quan, con nhà quyền qúy (Vì con nhà nghèo, nhà dân thường làm gì có Mão Mũ để đội).
              
                                  Trâm                                                  Anh 

      Trong Truyện Kiều khi giới thiệu xuất thân quyền qúy của Kim Trọng, cụ Nguyễn Du đã viết:

                    Nguyên người quanh quất đâu xa,
                  Họ Kim tên Trọng vốn nhà TRÂM ANH.

      TRÂM GÃY BÌNH RƠI là Trâm đã gãy bình cũng đã rơi, chỉ người đẹp đã chết; cũng như nói "Bình đã chìm hoa đã gãy" là "Bình Trầm Hoa Chiết 瓶 沉 花 折 như trong hai câu thơ cổ:

 一 片 情 舟 方 到 岸,   Nhất phiến tình chu phương đáo ngạn,
 瓶 沉 花 折 已 多 時。   Bình trầm hoa chiết dĩ đa thời !
Có nghĩa :
          - Một mảnh thuyền tình vừa mới cập đến bến bờ, thì...
          - Bình đã chìm và hoa cũng đã gãy (người đẹp đã mất) tự bao lâu rồi!

      Cụ Nguyễn Du đã mượn ý của hai câu thơ trên để nói về "Người khách viễn phương" tìm đến với ca kỹ Đạm Tiên, nhưng khi đến nơi thì người đẹp đã không còn nữa. Cụ đã thoát dịch hai câu thơ trên rất hay như sau:

                       Thuyền tình vừa ghé đến nơi,
                   Thì đà TRÂM GÃY BÌNH RƠI bao giờ !
       
      TRÂM GÃY BÌNH RƠI là HOA TÀN TRĂNG KHUYẾT, là NGỌC NÁT VÀNG TAN, là người đẹp đã quy tiên, là giai nhân đà tạ thế !
                         
           
       Hẹn bài viết tới !

                                                                 杜 紹 德
                                                              Đỗ Chiêu Đức

Mời Xem :THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 111: THỪA, THƯỚC, THƯƠNG (Đỗ Chiêu Đức)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

GIÀN BẦU TRƯỚC NGÕ TG : Nguyễn Ngọc Tư

Tôi không thích khi cưỡi xe vào tận thềm nhà lại phải rạp mình dưới giàn bầu ấy. Chị và mẹ tôi lại ngại tóc rối. Cha tôi khó chịu khi phải d...