Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Kỷ niệm một lần về thăm quê hương(p.1)

                     


Kỷ niệm              
                          MT CHUYN THĂM QUÊ
 _______________________________________________* Hồ Xưa (California, USA)
   
         Nhân một chuyến về thăm quê hương Việt Nam, tôi đã thực hiện cuộc hành trình dài năm ngày đi tham quan các tỉnh miền Tây Nam Bộ do Công Ty Du Lịch “Sàigòn Tourist” tổ chức. Chuyến đi khởi hành tại Sài gòn, xuyên qua các vùng Cái Bè (Mỹ Tho), Vĩnh Long, Cần Thơ, Châu Đốc, Hà Tiên, Phú Quốc bằng đường thủy và đường bộ, rồi  từ Phú Quốc trở lại Sài gòn bằng phi cơ của Hảng Hàng Không Việt Nam. Chúng tôi tập trung đúng giờ hẹn tại địa điểm nằm trên đường Công Lý qua người đại diện của Công Ty Du Lịch.  Việc mua vé và trả tiền trước đó rất dễ dàng, tất cả đều được tính nhanh, trả gọn trên mạng điện tử. Ở xa như tôi từ Tây Ninh xuống nếu cùng đi có nhiều người thì công ty sẽ cho xe buýt lên đến nơi rước tại chỗ. Thật là tiện lợi hết sức. Họ sử dụng xe đưa khách du lịch bằng loại xe rất mới và tân kỳ có nhiều chỗ ngồi cũng như chỗ chứa hành lý riêng biệt rộng rãi, thoải mái không kém gì những chuyến Xe Đò Hoàng quen thuộc từ thành phố San Jose đi quận Cam, miền nam California - Hoa Kỳ.
        Sau vài giờ ngồi trên xe và được nghe nhân viên hướng dẫn một cách rất chuyên nghiệp, vui vẻ, lịch sự giới thiệu đặc điểm của các nơi sẽ đến, xe dừng lại địa điểm đầu tiên là Cái Bè (Mỹ Tho), vùng quê hương tình tứ như câu thơ mà trong giây phút hứng thú tôi đã sáng tác tại chỗ như sau:
                       “Thương cho cô gái Mỹ Tho,
                        Khoan thay yểu điệu chèo đò trên sông.
                        Hây hây đôi má ửng hồng,
                       Nụ cười mũm mĩm khiến lòng ngẫn ngơ!”.
        Phải, thật là thơ mộng làm sao, với cảnh sông nước hữu tình hòa nhịp cùng lời ca mộc mạc, dịu dàng của các cô gái chèo thuyền, người nào đến đây khi nhìn thấy cũng phải có cái cảm giác rung động luyến lưu. Tại bến đò Cái Bè, đoàn chúng tôi bắt đầu xuống tàu đi thăm cù lao nuôi ong và vườn ươm cây giống bằng phương pháp tiên tiến. Cù lao nằm giữa sông Tiền, phủ kín bởi những hàng cây ăn trái xanh um, những cây dừa siêm đang thả ngọn che mát một khu đất vườn rất rộng. Chúng tôi luồn lách đi vào những khu vườn cây mát rượi, thăm và thưởng thức mật ong ngọt lịm, thơm tho được sản xuất tại chỗ. Sau đó, đoàn tham quan xuống tàu hướng thẳng về huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long. Khi người hướng dẫn nhắc đến tên địa điểm Long Hồ, tự nhiên lòng tôi lại chợt nghĩ nhớ đến quê hương của Lê thị Trường An, nhân vật chánh trong câu chuyện thương tâm ngày xưa của tuồng Cải lương “Ông cò quận chín”, do hai nghệ sĩ Thành Được và Thanh Nga đóng rất nổi tiếng năm nào ở Sài gòn khi tôi còn theo học ở Đại Học.
          Đến Long Hồ, chúng tôi đã vào thăm căn nhà lịch sử Mai Quốc Nam được mệnh danh Căn nhà Lịch Sử Nam Bộ.


                            Cầu xa lộ cao tốc miền Tây.(Mỷ Thuận).
            
                  (cầu Cần Thơ)


          Ngôi nhà nầy là của ông Cai Cường, được xây cất theo lối kiến trúc cũ của Pháp từ năm 1925, các vật liệu xây dựng đều được mua và chuyên chở từ bên Pháp qua. Trong nhà có bàn thờ Phật và bàn thờ Chúa. Thờ Phật vì gia đình ông Cai Cường có truyền thống theo Phật giáo; thờ Chúa vì ông Cai Cường làm việc cho Chính phủ Pháp, khách đến thăm thời đó đa số là Quan Tây Pháp vốn là những tín đồ Thiên Chúa giáo. Ngồi nghỉ nơi đây, chúng tôi vừa uống trà vừa thưởng thức Cổ nhạc do các nghệ nhân rất chuyên nghiệp trình diễn qua các trích đoạn tuồng cải lương như Cô gái miền Tây hay Chùm hoa khế ngọt. Lối trình diễn điêu luyện cùng tiếng ca điệu đờn du dương, trầm bỗng của các nghệ nhân, người nghe như quyện lòng mình thấm sâu vào khúc ca tình tự quê hương dân tộc. Thật là thú vị.  
           Luyến tiếc rời khỏi đất Long Hồ, đoàn tham quan chúng tôi xuống tàu đi thăm vườn ươm và gây cây giống rồi lên xe bus chạy dọc theo dòng Tiền giang và trực chỉ Bến Ninh Kiều Cần Thơ. Lúc nầy thì mặt trời đã ngã thấp xuống hướng tây, chỉ còn vươn lại những tia nắng vàng hoe nhợt nhạt, đang lặn hụp sau đám mây trắng ở cuối chân trời. Sau khi vào khách sạn Ninh Kiều nhận phòng để nghỉ đêm tại đây, chúng tôi vào dùng cơm chiều tại nhà hàng nằm cạnh bờ sông. Dùng bữa cơm chay đầu tiên của cuộc đi tham quan, vợ chồng tôi được thưởng thức hương vị ngọt ngào, ngon miệng của thức ăn được nấu nướng từ sản phẩm nông nghiệp miền Tây. Cạnh nhà hàng là khu công viên Bến Ninh Kiều, với những khóm trúc kiễng thân vàng thẳng đứng và ngọn ngã dịu dàng lã lướt như trêu ghẹo cùng các nàng hoa sứ xinh xinh đang nở rộ. Kế đó là bức tượng đàn trâu màu đen nhánh có chú bé mục đồng dễ thương ngồi trên lưng đang ngây thơ thổi sáo, thật đúng với câu ca dao truyền khẩu:
                           Ai bảo chăn trâu là khổ……,
           Sau khi dùng cơm xong, đoàn tham quan được tự do đi chơi theo ý thích chung của từng nhóm riêng hay tùy theo cá nhân mỗi người. Tôi mướn xe lôi để cùng bà xã đi một vòng thăm Thành phố Cần Thơ về đêm. Chúng tôi ngồi trên xe, bác tài xế từ từ cho xe lăn bánh để chúng tôi được thưởng ngoạn ngắm cảnh trung tâm thành phố.     
           Chiếc xe chạy chậm chạp lần lượt xuyên qua các con đường từ khu vực phố sá sầm uất, ồn ào đến vùng ngoại ô tương đối vắng vẻ. Đâu đâu cũng đầy nghẹt những quán cà phê hay quán nhậu, thật đông đảo khách hàng, nhất là con đường chạy dọc theo bờ sông bến Ninh Kiều.



             Nơi đó mọc san sát những hộp đêm tráng lệ, sáng rực ánh đèn màu và ầm đùng những tiếng nhạc kích động vang lên không kém gì các thành phố ở các nước phương Tây.
       



                      Công viên bến Ninh Kiều.

            Khi đi trên Đường 30 Tháng 4, xe chợt đi ngang qua và tôi nhìn thấy bảng hiệu phòng Khám Nha Khoa của thân phụ một người bạn kết nghĩa anh em với tôi đang sống ở San Jose. Đó là phòng khám răng của Nha sĩ Phạm thành Nam, một nha sĩ rất nỗi tiếng ở thành phố Cần Thơ từ nhiều năm trước đây. Lúc nầy về đêm nên căn nhà cửa đóng then gài vì vắng chủ.
         Xe chở chúng tôi sau gần một tiếng đồng hồ đi dạo quanh khắp nẽo chợ Cần Thơ đã trở lại Khách sạn Ninh Kiều. Chúng tôi thả bộ ven bờ sông rồi ngồi trên ghế trong công viên ngắm cảnh một hồi mới về phòng ngơi nghỉ.
         Sáng hôm sau, khi dùng điểm tâm xong, đoàn tham quan bắt đầu cuộc hành trình sang ngày thứ nhì bằng chiếc thuyền du lịch có gắn máy. Thuyền từ từ lướt sóng trên dòng sông Hậu, chúng tôi được dịp quan sát sinh hoạt của Chợ Nổi Cái Răng. Chợ được nhóm họp hoàn toàn trên hàng trăm thuyền bè hay ghe tàu, chiếm ngự một vùng rộng lớn của mặt sông. Người mua kẻ bán khắp nơi đến đây trao đổi, mua sắm hàng hóa nông sản, vịt gà, chim chóc, bánh trái, nước trái cây, đồ gốm, cây kiễng…không thiếu thứ gì. Lý thú nhứt có lẽ là chiếc xuồng di động bằng máy dạo bán cà phê kho và bia chai. Người bán kè bám sát thuyền du lịch của chúng tôi cả một đoạn sông dài không rời bỏ. Khách du lịch trên thuyền có dịp được nhâm nhi ly “cà phê kho” đặc biệt hay chai bia ướp lạnh khi con thuyền đang nhấp nhô lên xuống trên sóng nước cũng cảm thấy thích thú và cà phê nơi đây cũng khá ngon miệng! Có người vừa uống vừa khen: “Cũng được lắm chứ!” 



 
                   Chợ nổi Cái Răng.
     
            Rời chợ nổi Cái Răng, thuyền phải mất trên một giờ để đến Khu Du Lịch Sinh Thái nổi tiếng. Chủ nhân khu sinh thái nầy là một thanh niên mới 49 tuổi. Nơi đây là vườn trái cây sầm uất và đẹp mắt. Khu vực Sinh Thái trãi dài trên vùng đất trù phú rộng gần mười (10) mẫu tây, nơi đây trồng nhiều loại cây ăn trái như xoài, sầu riêng, mít, thơm, chôm chôm, bưởi, quít, mãng cầu, dâu….. Cây nào cũng quằn nặng trái chín. Ngôi nhà cổ nầy đã có lịch sử xây dựng trên 115 năm, chủ nhân là một người một thời nổi tiếng giàu có, nay đã mất, người con trai thừa hưởng gia tài, qua óc sáng kiến sớm biết mở mang thành khu du lịch sinh thái nổi tiếng hấp dẫn nhiều người.
         

                  Cá sấu đang phơi mình tắm nắng
            Khách đi tham quan có cả người ngoại quốc rất thích thú được dịp xem các nơi chăn nuôi cá sấu. Hàng trăm, hàng ngàn con cá sấu đang phơi mình tắm nắng trên bờ cát của ao nuôi. Khách cũng được tự mình câu cá sấu, hay thưởng thức những màn đua gà và đua heo mua vé có thưởng rất hào hứng, thích thú. Nhà hàng phục vụ cho khách nơi đây, kể cả cho người ăn chay như chúng tôi được tổ chức rất chu đáo và đồ ăn rất ngon miệng. Nhân viên phục vụ rất niềm nỡ, lễ độ lịch sự khiến cho người có dịp đến thăm khi ra về vẫn còn lưu lại những dấu ấn kỷ niệm thoải mái khó quên. Ngồi ăn cơm dưới tàng cây nặng quằn trái chín và lồng lộng gió mát bên cạnh hồ cá đủ loại đang bơi lội nhỡn nhơ thì còn thú vị nào bằng.
         Từ Khu Sinh Thái, đoàn du lịch lên xe buýt đến thăm viếng núi Bà Chúa Xứ, Dinh Thoại Ngọc Hầu thuộc tỉnh Châu Đốc. Khu vực nầy từ lâu được nổi tiếng rất linh thiêng. Du khách đến viếng rất đông. Vào những ngày lễ hội chánh thức hay các ngày Rằm Nguơn như tháng Giêng Tết, tháng Bảy Vu Lan, tháng Mười Hạ Nguơn, người và xe chen chúc không còn chỗ trống.


                      Đường lên chùa Bà.

          Chùa Bà nằm trên triền dốc núi, phải đi nhiều bậc thang gạch mới lên được. Chùa mới được trùng tu trong những năm gần đây nhìn khá khang trang sạch sẽ. Tiếng chuông tiếng mõ vang lên quyện với cảnh khói hương nghi ngút khiến cho người khách viếng thăm có cảm xúc bồi hồi, những suy nghĩ mênh mang, trầm tư thanh thoãng. Xa hơn một chút là Dinh Đức Thoại Ngọc Hầu, một vị công thần thời nhà Nguyễn được hậu bối tôn sùng, kính trọng và luôn được nhắc nhỡ. Nhà thờ Đức Thoại Ngọc Hầu trông khá mỹ thuật, đồ sộ. Ngay cửa vào có tượng của Ngài mặc khôi giáp trông rất uy nghi, lẫm liệt và nét mặt trang nghiêm nhưng ẩn hiện nét hiền từ, phúc hậu. Phía trước ngôi đền thờ là hai ngôi mộ của Bà Chánh và Bà Thứ, hai vị phu nhân của Đức Thoại Ngọc Hầu cùng những mộ phần của các vị công thần cấp dưới. Bên phải là những ngôi mộ vô danh của những người đã hy sinh bỏ mình trong công trình đào kinh Vĩnh Tế. Khách đến thăm không khỏi bùi ngùi, xúc động và có người đang thì thầm gởi lời cầu nguyện đến những người nằm trong hàng chục ngôi mộ vô danh không có bia tạc ghi tên tuổi đó. Họ là những người đã một thời dùng sức lực lao động tay chân hì hục dưới ánh nắng oi bức cháy da hay vùi mình trong trận mưa dầm ướt át, lạnh lẽo để cuốc xới những tảng đất khô cứng hay bùn sình lên tạo thành dòng kinh Vĩnh Tế hiền hòa cho mạch nước được lưu thông, cho thuyền bè qua lại và tưới mát những cánh đồng khô cằn ngập phèn thành vựa lúa phì nhiêu bát ngát của miền Nam. Và họ đã âm thầm ra đi vì bị tai nạn giết chết trong khi đang lao động mà không ai biết đến tên tuổi.
                         
Ra khỏi nhà thờ Đức Thoại Ngọc Hầu, mặt trời đã sụp tối, đoàn nguời du lịch chúng tôi lên xe về khách sạn Đông Triều, nằm cạnh con đường thẳng tấp khang trang yên tịnh của vùng ngoại ô thành phố.

      

                              Lăng Đức Thoại Ngọc Hầu.

        Sau khi nhận phòng ngủ đêm xong, chúng tôi xuống dùng cơm tối và sau đó về phòng nghỉ ngơi.
          Sáng hôm sau, chúng tôi dùng điểm tâm buffet và chuẩn bị đến địa điểm kế tiếp là Chùa Hang. Trong khi chờ đợi, tôi và mấy anh bạn đồng hành đi dạo một vòng quan sát cảnh trí chung quanh khách sạn. Mặt trời vừa lên khỏi hàng cây xanh hơn một thước, trãi xuống mặt đất những thảm nắng vàng rực rỡ. Dọc theo con đường là những hàng phượng vĩ được trồng ngay thẳng mà cây nào cũng đang trổ đầy hoa màu đỏ rực, trông thật đẹp mắt. Một anh bạn kêu to: “Ê! Xem kìa hoa phượng đẹp quá!” Rồi anh vội lấy máy quay và máy chụp ảnh ra quay và chụp liên tục. Được biết là anh Lê hữu Khoan, ngày xưa cũng là đồng nghiệp, là Giáo Sư Trung học Tây Ninh, sau là Hiệu Trưởng của một Trường Trung Học của tỉnh. Chúng tôi quen biết nhau khi còn đi dạy học và khi cùng ở tù tại trại cải tạo Cây Cầy A trong tỉnh Tây Ninh sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. Anh nói với người bạn đi bên cạnh: “Ông biết không, mỗi lần thấy hoa phượng ở bất cứ nơi đâu, tôi cũng nhớ lại những ngày mình còn đi học và cả đến những ngày dạy học nữa. Thời gian qua nhanh quá! Chẳng mấy chốc mà đứa nào cũng đã già rồi, nhưng làm sao quên được kỷ niệm ngày xưa khi nhìn thấy hoa phượng lúc hè về.” Nghe anh nói, tôi cũng cảm thấy bùi ngùi, nghĩ ngợi: “Hoa phượng còn đây, vẫn xinh đẹp như thuở nào, nhưng thầy cô, bạn bè cùng lớp và các học trò của mình thì biền biệt, xa xôi không còn gặp lại. Buồn thật!” Anh em chúng tôi nhìn nhau rồi quay đi nơi khác mỗi người một hướng để tránh nổi xúc động bàng hoàng.
           Đoàn du lịch lên xe hướng về Chùa Hang. Chùa Hang nằm trên dốc núi. Cảnh chùa thật u tịch. Muốn lên thạch động vào chùa Hang thì phải bước lên nhiều cấp bậc thang xây bằng đá. Trong hang có thờ Phật Thích Ca và nhiều vị Phật khác.
          Bên ngoài, cảnh trí thật đẹp mắt chung quanh là những hồ sen, nhà bằng đá và lối kiến trúc cổ kính. Tôi mãi ngắm nhìn bức tượng Phật Bà Quan Âm sừng sựng đứng giữa hồ sen, bao quanh là những tảng đá to tròn nằm chồng lên nhau, tai lại được nghe tiếng nước róc rách chảy từ kẽ đá xuống mặt hồ. Ôi thơ mộng và tôn nghiêm làm sao!
           “Thôi, đi kìa anh ơi! Ngẩn ngơ gì thế!”
            Tiếng bà xã tôi chợt gọi làm tôi giựt mình hồi tĩnh lại sau những giây phút suy tư quý báu.  Xe chở chúng tôi chuẩn bị từ từ lăn bánh rời khỏi Khu vực Chùa Hang đưa chúng tôi về thăm vùng đất Hà Tiên lịch sử và cũng là du lịch nổi tiếng của Việt nam.              
          

      
                              Cỗng vào Hang Thạch Động
                           
.chùa Hang)

           Xe chạy dọc theo con Kinh Vĩnh Tế. Đường sá mới trùng tu cách nay hai năm (năm 2008) nên còn khang trang phẳng phiu, sạch sẽ. Sát đường là kinh Vĩnh Tế. Theo lịch sử còn ghi lại thì con kinh dài trên 90 cây số nầy được xây dựng năm 1819 vào thời nhà Nguyễn do Đức Thoại Ngọc Hầu lập kế hoạch và trực tiếp trông nom việc thực hiện. Con kinh là ranh giới phân chia lãnh thổ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia. Năm 1979, quân Khờ Me Đỏ đã vượt qua bờ kinh nầy xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam và cướp bóc tài sản, giết hại nhiều người Việt sống quanh vùng. Ngày nay, trên bờ kinh phía bên kia vốn là lãnh thổ của Campuchia vẫn có những nhà cửa, kho hàng, tiệm mua bán của người Việt, sinh hoạt khá phồn thịnh. Bên nầy bờ kinh là vùng ruộng lúa bát ngát, đại diện cho vựa lúa của miền nam nước Việt. Hôm nay đang vào ngày mùa nên toàn cảnh là tấm thảm lúa vàng với ngọn lúa nặng trĩu những hạt ngọc nuôi sống con người. Dọc theo đường, thỉnh thoảng có những đám nông dân đang thu hoạch vụ lúa chín với chiếc máy chạy liên tục nhả ra từng đống lúa vàng, phía sau máy đang phun ra làn khói rạ nát bay vút lên trời cao.
         Mãi mê ngắm cảnh đồng ruộng mênh mông, phì nhiêu của vùng quê trù phú mà xe cũng vừa đến khu vực Lăng Mạc Cửu lúc nào không hay. Đây là nơi yên nghỉ của Quan Tổng Đốc Mạc Cửu, người đã có công khai phá và mở mang vùng đất miền cực nam nước Việt trở thành  vựa lúa giàu có cũng là nơi nghỉ mát nổi tiếng của cả nước. Nói đến Mạc Cửu mà không nhắc đến Cù Lao Khách ở Biên Hòa là một điều thiếu sót. Lịch sử có ghi lại: Khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh lật đỗ bên Trung Hoa, các quan dân trung thành với Minh triều lúc đó đã bỏ nước ra đi khắp nơi. Một số đông người xuôi về nam đã di cư vào vùng an toàn Nam phần Việt Nam tạm dừng chân nơi một cù lao nằm ở cạnh Quốc lộ 1, phía nam thành phố Biên Hòa. Đây là trạm dừng chân trước khi đến vùng Hà Tiên của người Hán tộc nhà Minh, lâu dần trở nên trù phú sau được đặt tên gọi là Cù Lao Khách (dành cho khách trú ngụ). Sự giao tiếp buôn bán, trao đổi qua lại giữa người ly hương Trung quốc từ Cù Lao Khách và dòng họ gia đình Mạc Cửu ở Hà Tiên với dân địa phương người Việt đã giúp cho vùng Sài Côn vốn là khu sình lầy trước đây, sớm phát triển thành Sài gòn thịnh vượng, mệnh danh là “Hòn Ngọc Viễn Đông”, đã nổi tiếng thế giới.

          
(lăng Mạc Cửu)

           Mộ của Mạc Cửu và phía trước là mộ đứa con trai tên Mạc Thiên Tứ cũng như các thành viên trong dòng họ đã quá vãng được xây khá giản dị, không cầu kỳ nguy nga như những nơi khác. Nghe nói ngôi mộ nằm phía sau mộ Quan Tổng Đốc là mộ đứa con gái của ngài khi chết chỉ mới hơn ba tuổi đầu. Cái chết của cô bé là một câu chuyện cực kỳ đau thương. Khi mới sinh ra, khoảng chừng ba tuổi thì cô nói năng lưu loát, phát biểu những việc thần bí, cao thâm, có lời nói và cử chỉ hết sức lạ lùng khiến cho người nghe phải ngạc nhiên đến phải phát kinh hoãng. Nếu ngày nay thì cô bé sẽ được tôn sùng, vinh danh là Thần Đồng xuất chúng hay là một Chơn linh tái thế hiếm hoi nhưng ngày xưa thì bị người đương thời cho là ma quỷ đầu thai nên sau đó dòng họ và gia đình cũng như các bậc bô lão có quyền thế vì quá sợ đã quyết định giết cô để gọi là tránh tai họa cho dòng tộc và xã hội. Thật là bi thãm! Nghe qua câu chuyện tôi cảm thấy như đau nhói trong tim mình khiến lòng miên man nghĩ ngợi đến câu chuyện thật quá thương tâm kia.
          Kế bên Lăng Mạc Cửu là Thạch Động, nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát. Ngày xưa, đây là nơi tu hành của phái tu tiên, sau bị bỏ hoang phế nên đã được giới Phật tử trùng tu sửa lại để thờ Đức Phật Quan Thế Âm. Bước từng bước lên bậc chúng tôi lần vào Thạch Động, ngắm nhìn bên trong thì thấy quả thật phong cảnh nơi đây âm u thanh tịnh rất thích hợp cho những vị tu tiên, muốn quên đi hay xa lánh hẳn cuộc đời ô trọc đang lấn lướt tranh giành để tìm về thế giới thanh cao để sự an dưỡng cho tâm hồn mình được thư giãn, thảnh thơi. Cũng vì thế mà được biết Ngài Ngô minh Chiêu, vị tín đồ đầu tiên của Đạo Cao Đài, lúc làm Quận Trưởng Phú Quốc vào thời Pháp thuộc đã nhờ cảnh u tịch nầy mà tìm đến Đạo và được Ơn Trên giao cho trọng trách khai mở mối Đạo Cao Đài, nghĩ ra thì cũng phải lắm. Cảnh trí phải công nhận đúng là chốn Thần Tiên, khiến cho tim tôi phải rung động và phát ý thành thơ như sau:

                “Thạch động lung linh cảnh thoát trần,
                  Khiến lòng thanh nhẹ hướng phong vân.
                  Mùi hương ngào ngạt bay trong gió,
                  Quên cảnh phù du, thoát nợ nần”. 
Để rồi:      
                 “Ra về lòng mãi vướn nơi đây,
                   Để cõi hồn vươn đến chốn nầy.
                   Thánh thoát đường trần quên bến tục,
                   Thương đời chìm đắm bến mê say”.
 
               
                       
         Sau khi rời Hang Thạch Động, đoàn du lịch chúng tôi đến bãi biển Hà Tiên. Cảnh trí chung quanh thật đẹp mắt. Nơi đây đúng là nơi du lịch và tắm biển rất lý tưởng, vì có đủ cả, từ núi non với cây xanh gió mát, hải đảo lặn hụp ẩn hiện ngoài khơi, bãi cát mịn màng và nước biển trong xanh, sạch sẽ. Nhìn về hướng biển, xa xa là Đảo Phú Quốc và những rặng núi sát biển là ranh giới Campuchia. Sau khi ngâm mình tắm biển thoải mái hàng giờ, đoàn trở về Khách Sạn chuẩn bị cơm chiều. Bỗng nhiên mây đen kéo đến và kế tiếp là trận mưa mùa hè sầm sập đổ xuống, điện cúp phải đốt đèn cầy về đêm, xem ra cũng tạm cho là rất tình tứ, lãng mạng. Mọi người có dịp đánh một giấc yên lành say sưa đến sáng nhờ đó trút được bao nhiêu mệt nhọc của đoạn đường đã đi qua.
        Sáng thức dậy, chúng tôi dùng điểm tâm và trao đổi tâm sự đôi điều với các vị quen biết trước khi chia tay, trong số nầy có ông bạn Lê hữu Khoan, để sau đó một số tiếp tục đi Phú Quốc còn một số khác phải quay lại Sài gòn. Đoàn đi Phú Quốc ra bến tàu ở bờ biển để chuẩn bị hướng sang đảo bằng tàu bán ngầm cao tốc.
(hết p.1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...