Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Thăm đảo Phú Quốc (p.2)- Hồ Nguyễn

        Sáng thức dậy, chúng tôi dùng điểm tâm và trao đổi tâm sự đôi điều với các vị quen biết trước khi chia tay, trong số nầy có ông bạn Lê hữu Khoan, để sau đó một số tiếp tục đi Phú Quốc còn một số khác phải quay lại Sài gòn. Đoàn đi Phú Quốc ra bến tàu ở bờ biển để chuẩn bị hướng sang đảo bằng tàu bán ngầm cao tốc.

       

                          Bãi biển Phú Quốc.
         Gọi là tàu bán ngầm vì phân nửa tàu chìm xuống dưới mặt nước chỉ còn nhô lên phân nửa từ cửa sổ đến nóc. Gọi là tàu cao tốc vì tàu di chuyển với tốc độ rất nhanh. Bắt đầu từ đây, đoàn đã được thay đổi và được hướng dẫn bởi nhân viên khác của Công ty Du lịch, cũng chuyên nghiệp, cũng lịch sự, niềm nỡ và lễ phép không kém.


         

                           Tàu cao tốc đi Phú Quốc

         Tàu khá rộng nên chứa được nhiều du khách mà phần lớn là người phương xa ở miền bắc và miền trung Việt nam. Cảnh xuống tàu khá lộn xộn vì họ chen lấn không chịu nhường bước theo thứ tự trước sau hay ưu tiên cho người già yếu. Tôi sống ở ngoại quốc trên hai mươi năm, quen với nề nếp của xứ người, cái gì cũng theo thứ tự trước sau, ngay cả đi phòng vệ sinh cũng vậy, ai đến trước đi trước, ai đến sau phải chờ tới phiên mình. Bởi vậy khi trông thấy cảnh nầy, tôi ngạc nhiên bực bội nhưng chỉ biết lắc đầu. Làm sao hơn được khi trình độ dân mình còn hạn chế quá! Tôi quay qua một ông ngoại quốc đi cạnh cũng đang ngại ngùng, đứng né sang một bên. Ông ấy và bà vợ cũng trả lại cái nhìn thông cảm của tôi bằng một nụ cười, cái nhún vai quen thuộc tự nhiên và một cái lắc đầu chán nãn nhưng lịch sự, dễ mến của người nước ngoài.
         Sau một giờ rưởi ngâm mình, lướt sóng một cách êm ã trên biển, tàu đã đưa chúng tôi đến đảo Phú Quốc. Xe của Công Ty Du Lịch “Saigon Tourist” đã chờ sẳn tại bến tàu, lần lượt đưa chúng tôi đi thăm viếng vườn trồng tiêu, rồi xưởng làm nước mắm và nơi sản xuất rượu sim. Đặc biệt tại hảng làm rượu sim, khách thích thú xem gian hàng trưng bày các loại chai nước mật sim và rượu sim được chế biến từ trái sim, đặc sản nông nghiệp của Phú Quốc.


                          Bãi cát mịn sạch của Phú Quốc.

            Kỹ thuật đóng chai, dán nhãn khá mỹ thuật, hấp dẫn không thua gì hàng sản xuất ở nước ngoài nhưng không biết nội dung chất lượng thành phẩm ra sao. Nhiều người được cho uống thử, tấm tắt khen “cũng được”. Địa điểm viếng thăm kế tiếp là Dinh Cậu, một tháp thờ nằm chơi vơi giữa biển mà người địa phương nói là rất linh thiêng. Ngày xưa, nghe nói rất lâu rồi, nơi đây thường xảy ra tai nạn đắm thuyền, nhiều vụ tai nạn chỉ do một chút sơ hỡ hết sức phi lý. Nhưng từ khi lập ngôi thờ tự nầy, dân địa phương tới lui thăm viếng, cúng kiến và cầu nguyện Cậu phò hộ thì những tai nạn rất ít khi xảy ra nữa. Mỗi khi ra khơi đánh cá, các ngư phủ tin tưởng thường đến đốt nhang khấn nguyện Cậu phò hộ cho chuyến đi làm ăn được thành công và được bình yên trở về. Lời cầu nguyện luôn được như ý. Cũng được biết thêm, lúc làm Quận Trưởng Phú Quốc (năm 1921), Ngài Ngô minh Chiêu, tín đồ đầu tiên của Đạo Cao Đài, cũng có biết được câu chuyện về vùng đất linh nầy và cũng thường hay đến đây ngồi thiền ở trước con đường đi ra Dinh Cậu. Dinh Quận Trưởng của Ngài cũng ở gần đó, nằm dọc trên bờ biển xinh đẹp nầy. Một hôm, Ngài Ngô lần đầu tiên đã kinh ngạc nhìn thấy Thiên Nhãn hiện ra sáng rực liên tiếp hai lần trên không trung sau khi Ngài thành tâm khấn nguyện cầu xin Đức Cao Đài Thượng Đế cho biết phải thờ Thượng Đế bằng hình tượng gì. Và từ đó, Ngài Ngô cũng như các vi tiền khai của Đạo Cao Đài sau nầy đã tuân lời dạy của Bề Trên là lấy hình Thiên Nhãn (Mắt Trời) làm biểu tượng để thờ Đức Thượng Đế cho đến ngày nay.
         Rời khỏi Dinh Cậu, đoàn du lịch được đưa về nghỉ tại khách sạn Hương Biển, cái tên của khách sạn thật đúng với vị trí của nó vì được xây dựng sát cạnh bờ biển rất nên thơ.

                   

                     Dinh Cậu Phú Quốc
                       
           Trong thời gian tạm nghỉ tại khách sạn, du khách có thể ngồi ngắm phong cảnh đẹp mắt hữu tình hiện ra phía trước mặt, không cần phải đi tìm kiếm nơi nào xa xôi khác. Gió biển thổi vào lồng lộng đưa những làn sóng liên tục nối nhau từ ngoài khơi đập vào bãi cát tung toé lên thành những cột sóng cao trắng xóa. Trên cao vằng vặc là màu xanh thẫm của nền trời, thỉnh thoãng lãng đãng từng vầng mây trắng bàng bạc trôi lững lơ. Tôi say mê ngồi hàng giờ liền ngắm nhìn cảnh đẹp của thiên nhiên đó mà không cảm thấy chán nãn. Khi nào muốn tắm thì du khách cứ nhảy xuống nước ngâm mình, bơi lội, đùa giỡn với sóng một cách thoải mái. Nước biển ở đây trong xanh, sạch sẽ và bãi cát lại triền dốc từ cạn đến sâu từ bờ lần dần ra biển rất an toàn cho những người tắm biển kể cả người không biết lội, mới biết lội hay lội lão luyện. Tất cả đều không phải lo ngại gì, cứ an tâm đắm mình chìm vui say trong sóng nước. Trong số khách ngụ tại khách sạn có nhiều người ngoại quốc cũng thấy rất hài lòng vì nhà nghỉ nầy thuộc loại bốn sao (Four stars) có rất nhiều tiện nghi, phòng nghỉ lại sạch sẽ và thức ăn nơi đây cũng rất đầy đủ và ngon miệng.
           Buổi sáng sớm lại đến sau một đêm dài ngủ say tại Hương Biển thơ mộng, chúng tôi dùng buffet xong, lên xe đi thăm nơi nuôi ngọc trai và nơi sản xuất nữ trang làm bằng ngọc trai. Hàng ngọc trai trông rất đẹp mắt nhưng cũng khá đắt tiền, từ hàng ngàn đô la đến hàng chục ngàn đô. Có một chiếc vòng đã được một vị khách ở California – Hoa Kỳ đồng ý trả với giá một trăm ngàn ($100,000 USD), đang chờ có thêm một hạt ngọc trai to nữa cùng cở, cùng loại và giống màu cho đủ số lượng mới nhận. Có hai hảng ngọc trai, một hảng mà chủ nhân là người Nhật và một là của người Việt. Một điều cần nói là dù mặt hàng quý giá nhưng cơ sở lại còn quá giản dị, ọp ẹp, trông không được phù hợp để trưng bày và bảo vệ những món hàng quý giá. 

    

                            Cửa hàng ngọc trai         

            Sau khi xem hai nơi sản xuất ngọc trai, chúng tôi có dịp viếng di tích khu nhà tù nổi tiếng Phú Quốc, nơi đã trãi qua những năm tháng giam giữ tù nhân chính trị qua các thời kỳ lịch sử của đất nước như thời Pháp thuộc, thời kỳ chiến tranh Việt nam và thời kỳ cuối cùng là trại giam tù cải tạo sau năm 1975.        Nhưng những di tích cũ không có được bao nhiêu chỉ còn lại di tích chủ yếu là thời kỳ chiến tranh Việt nam mà thôi. Sau khi chiếc xe nhọc nhằn vất vả, cố gắng lắm mới vượt xuyên qua được đoạn đường khá dài đang bị hư hõng chưa được sửa chửa. Con đường nầy làm tôi nhớ lại những đoạn đường xuyên qua những khu rừng cao su ở các tỉnh miền Đông trong thời kỳ chiến tranh. Nhưng dù cực nhọc, quay quần vì bị xe xốc, chúng tôi cũng đến được Bãi Dài. Đây là bờ biển cát trắng xóa với những hàng cây thông đang xõa mái tóc dài dịu dàng mượt mà xuống mé biển thơ mộng. Phía trên là khu rừng rậm sầm uất chưa được khai thác, thỉnh thoảng vẫn còn thấy những chú sóc, thỏ, mèo rừng vọt nhảy ra đường.


      
                           Bãi Dài -PQ
         Điểm cuối cùng của chuyến đi hôm nay là khu vực rất lịch lãm của một nữ chủ nhân độc thân mới bước sang tuổi 49; cô cũng là chủ nhiều khách sạn và cửa hàng mua bán khác ở Phú Quốc. Khu du lịch nầy tuy dù đang vắng khách nhưng được xây dựng và trang trí hết sức tinh kỳ, lạ mắt với lối kiến trúc cổ kính, đậm nét nghệ thuật phương đông. Nhìn những trang hoàng nơi đây trông thật hấp dẫn dễ gây nên cảm giác tò mò cho người
muốn tìm ngắm những cảnh lạ, chẳng hạn như nhà một cột hai mái cổ chồng lên nhau, hay là chiếc bình cổ kính miệng viền hoa, cùng với vài ngôi nhà mái đan cỏ tranh mộc mạc nên thơ cạnh những chiếc ghe thúng tre dùng để bơi trên sông rạch. Mọi vật đều lạ mắt, dễ gây dấu ấn khó quên. Sau đó, chúng tôi lên xe trở về khách sạn Hương Biển chấm dứt cuộc hành trình tham quan du lịch.

     

  

                          Ngôi nhà cổ kính. 
      
            Nửa ngày còn lại làm gì trước khi rời khỏi Phú Quốc? Tôi hỏi người hướng dẫn của “Saigontourist” để biết và thăm viếng Thánh Thất Cao Đài, một công trình mà tôi có nghe nói khi một số bà con tín đồ vận động tài chánh ở Mỹ để xây dựng. Nhân viên của Công Ty Du lịch là người thật chuyên nghiệp, am tường và sành sỏi kinh nghiệm hỏi lại tôi: “Xin lỗi anh, anh muốn hỏi Thánh Thất Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh hay Hậu Giang, hay Bến Tre, vì ở Phú Quốc có tới ba Thánh Thất Cao Đài mà!” Người nhân viên nầy thật là rành rọt quá đi. Tôi nói: “Tôi muốn thăm Thánh Thất Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh.”. Người nhân viên cười và chỉ tôi “Kìa, sát bên khách sạn mình đang ngụ nè!” Từ trên lầu ba khách sạn Hương Biển, nhìn theo ngón tay chỉ của nhân viên, tôi thấy hai tháp ngọn vượt cao của Thánh Thất hiện ra trước mặt. Mừng quá, tôi cám ơn người hướng dẫn du lịch dễ mến kia xong chúng tôi xuống cầu thang và thả bộ về khu phố chỉ cách khách sạn có hai ngã tư đường thì thấy ngôi Thánh Thất Cao Đài đang sừng sững, uy nghi tọa lạc trên khu phố khang trang, sạch sẽ.


                
                                   Thánh Thất Dương Đông - Phú Quốc.

            Ngôi Thánh Thất trông thật đẹp vì mới được xây dựng và khánh thành chỉ hơn một năm thôi. Đây là Thánh Thất mẫu số 4 cất theo qui định của Hội Thánh có sự đóng góp công quả của các đồng đạo gốc Phú Quốc đang sinh sống tại hải ngoại, trong số nầy có gia đình mấy người bạn đạo quen biết với tôi ở thành phố San Jose, bang California như gia đình Hoa Vàng, Trương ngọc Thủy, Trần chí Dũng.
           Tôi vào gặp người có trách nhiệm trông nom, gìn giữ Thánh Thất xin được vào bái lạy truớc bàn thờ Đức Thượng Đế, thăm hỏi công việc sinh hoạt Đạo tại đây một hồi, rồi từ biệt xin kiếu từ ra về để kịp chuẩn bị cho chuyến bay trở lại Sàigòn. Nhìn cơ ngơi của Thánh Thất lòng tôi cảm thấy vui vui, thầm cảm phục các tín đồ đạo Cao Đài, dù sinh sống ở bất cứ nơi đâu, dù cách xa Tổ quốc, cũng luôn luôn nghĩ đến gia đình, đồng bào, đồng đạo nhất là nơi mình đã sinh ra và sống những ngày mang đầy kỷ niệm trước đây, rất sẳn sàng đóng công góp sức tham gia những công trình lợi ích chung nơi quê hương thân yêu của mình, trong đó có cơ sở thờ phượng của tôn giáo. Quý hóa thay tấm lòng những đứa con yêu của đất nước và những tín đồ trung kiên của Đạo.
          Chúng tôi từ giã Thánh Thất trở về khách sạn để chuẩn bị lên đường.
          Thế mới biết trên đời không có cái gì vĩnh cửu, vui mấy rồi đến lúc những thời gian quý báu cũng sẽ phải phai tàn, niềm vui cũng sẽ phải mau chóng đi qua. Năm ngày du lịch cũng đã đến giờ phút phải kết thúc, chỉ còn chăng là chút kỷ niệm luyến lưu vươn vấn trong lòng.
          Từ khách sạn Hương Biển chúng tôi được xe của Sàgòn Tourist đưa ra phi trường để đáp chuyến bay của Hảng Hàng Không Việt Nam trở lại Sàigòn sau những ngày thăm viếng thích thú các tỉnh miền Nam nước Việt. Tôi bịn rịn mang hành lý bước ra phía trước khách sạn, cố nhìn lại lần cuối hàng dừa xanh ngã bóng, nhìn lại bãi biển cát trắng đang đùa giỡn, đón đưa những đợt sóng biển cuồn cuộn tiến vào. Thôi, đành phải bịn rịn xa rời nàng đảo Phú Quốc xinh đẹp và trù phú nầy, nơi ghi đậm những kỹ niệm khó quên của chúng tôi. Không biết bao giờ tôi mới có dịp trở lại nữa?
          Tạm biệt nàng Phú Quốc thân thương của tôi.

          Hẹn có dịp tôi sẽ trở lại thăm nàng, lúc đó có thể nàng Phú Quốc sẽ là nàng Singapore của Việt Nam với nét kiều diễm, sang trọng của một cô gái đài các, bên cạnh những ngôi nhà cao vút hàng chục tầng xinh lịch vang ầm những tiếng động, không còn là Phú Quốc ngây thơ, mơn mỡn, trữ tình, đầy gợi nhớ như hiện nay. Tạm biệt Phú Quốc thân thương! Xin em đừng buồn tôi nhé!
        Sau hơn 50 phút còn mơ màng hồi tưởng trong tâm tư một mình, máy bay đã hạ cánh xuống phi trường Tân Sơn Nhứt quen thuộc để  lại sau lưng những ngày du lịch rất vừa ý, tràn ấp những ký ức vui đẹp, thoải mái trong lòng. Đây là dịp may mắn chúng tôi đã thực hiện được niềm mơ ước từ lâu là được quay về tìm lại những hình ảnh thân thương của quê hương mến yêu. Tôi đã tìm thấy lại được sinh hoạt của người dân đồng ruộng chất phát, thưởng ngoạn những cảnh thiên nhiên đẹp tuyệt vời mà Ơn Trên ưu đãi ban cho dân tộc Việt Nam, thăm qua những di tích lịch sử của người xưa còn để lại, những công lao khó nhọc của đồng bào ruột thịt đã làm nên, cùng niềm hân hoan nuôi hy vọng nhìn thấy đất nước Việt Nam sẽ giàu đẹp hơn, người dân quê của chúng ta đỡ vất vả hơn và sẽ có được cuộc sống an bình, thịnh vượng hơn trong tương lai..
           Bây giờ mới thấm thía câu nói:
          “Không đâu đẹp hơn quê hương Việt Nam mến yêu!”

 Tôi lầm thầm câu thơ vừa chợt sáng tác:
           Quê hương chữ S trãi dài,
            Đâu đâu cũng thấy những ngày đẹp xinh,
            Nước non ta quá hữu tình,
            Đi xa thấy nhớ bóng hình ngày xưa.  (Hồ Nguyễn)



                          Bãi biển Phú Quốc.                           
                    
                             Kỷ niệm mùa xuân năm Tân Mão 2011.                          
                                  Tác giả: HỒ XƯA   
                                  Thành phố San Jose, California - USA                  


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

CANADA TỰ DO MUÔN NĂM

  MAKE CANADA FREE FOREVER CANADA TỰ DO MUÔN NĂM 𝗧𝗵𝘂̛  𝗻𝗴𝗼̉ 𝗰𝘂̉𝗮 𝗰𝘂̛̣𝘂 𝘁𝗵𝘂̉ 𝘁𝘂̛𝗼̛́𝗻𝗴 𝗝𝗲𝗮𝗻 𝗖𝗵𝗿𝗲́𝘁𝗶𝗲𝗻 (Lời ngư...