Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Một Buổi Sáng Cuối Tuần-Đào anh Dũng


Sáng thứ bảy, ông thức dậy như cái máy, đúngboong sáu giờ như ngày thường, không “nướng” đến “chín” như bà. Ông kéo mền nhè nhẹ phủ đến ngực cho bà. Nhìn bà đang say trong giấc ngủ sao thấy thương quá, ông muốn hôn nhẹ lên má bà, nhưng ngại làm bà thức giấc. Ông chần chừ, rồi hôn phớt lên má, hít một hơi dài khoan khoái, xong rón rén bước sang phòng tắm. Ông không muốn gây tiếng động nào có thể đánh thức bà. Trong tuần bà đi làm việc sở, về nhà còn quần quật lo cho ông và hai thằng con. Bà cần nghỉ ngơi vào cuối tuần. Ông rửa mặt, đánh răng, chải lại mái tóc đã thưa, đã nhuốm bạc, mỉm cười, nghĩ thầm: “Cũng lạ, tánh tình hai đứa như đối chọi. Hạnh phúc không? Nhiều. Sóng gió? Lắm khi. Thế mà đã hơn 20 năm chung sống!”
Ông đóng nhẹ cửa phòng ngủ, bước ra phòng ăn. Ông lấy trong túi xách đi làm chiếc máy vi tính, mang sang bàn ăn, bật nút, mở máy. Đi qua căn bếp, ông lấy chiếc ấm, mở lò, nấu nước pha trà. Liếc mắt sang máy vi tính, chưa thấy tấm ảnh gia đình hiện lên, ông nhủ thầm: “Phải bỏ bớt rác!”  Ông kéo tấm sáo của cánh cửa mở ra sân sau. Ánh nắng ban mai non nớt tràn vào nhưng không phá vỡ nổi không gian tĩnh mịch của buổi sáng sớm. Một áng mây xám đang lãng đãng hăm dọa ngày đẹp cuối tuần đầu Hạ này. Cây liễu nhà hàng xóm bên kia hàng rào đứng bất động như mái tóc của một ả bụi đời đang say ma túy. Con đường chạy vòng xóm nhà ông im lìm, vắng bóng xe cộ. Thời gian như ngừng trôi. Không gian yên tĩnh. Tuyệt! Đúng là một buổi sáng lý tưởng cho một người mới tập tành viết văn.
    Ông ngồi xuống ghế bàn ăn, đánh mã số vào máy, lên mạng ngay. Trang nhà CNN hiện lên. Tin tức về tên đầu sỏ al Qaeda tại Iraq vừa bị giết vẫn còn nóng hổi. Thêm một vụ đặt bom ngay tại Baghdad, 10 người chết, bảy bị thương. Giá dầu xăng tụt xuống, rồi lại tăng lên.  Theo mức độ giết chóc? Ông mở các trang Việt ngữ . Vụ “Bờ Mu” còn ầm ĩ.  Đâu là sự thật? Đại Nhạc hội “Cám ơn anh, người thương binh VNCH” tại nam Cali.  Hơn 30 năm, vết thương còn chảy máu. Giải bóng tròn thế giới. Ôi, những ngày đá banh chân không trên sân cỏ sau trường. Giờ vẫn còn mê!
Ông đóng mạng, nói thầm: “Đủ rồi! Bây giờ lo viết tiếp … nhưng truyện gì đây?” Ông tìm trong ổ C các truyện ông viết dang dở … Truyện tình của bà Ngọc với ông chồng Mỹ đen, truyện thầy Salomon Minh, truyện cậu Thom và con hươu cao cổ … Bỗng chiếc ấm nước ré lên. Ông bước vội sang bếp, tắt lửa. Trà gì đây? Lipton hay là móc câu? Thứ bảy, có nhiều thời giờ, móc câu. Ông lấy một nhúm trà bỏ vào bình sứ và chế nước sôi. Ông chọn cái ly cối bằng sứ có in hìnhWinnie the Pooh (1) quen thuộc thằng con tặng ông ngày lễ Từ Phụ năm kia. Ông mỉm cười, nhớ nó trả lời khi ông hỏi tại sao: “Má gọi ba làgấu mà!”  Hừ, cái thằng tiếu lâm, nhớ dai!
Ông mang bình trà và cái ly cối bằng sứ sang bàn ăn, ngồi xuống ghế, nhìn vào màn ảnh. Ông bỗng cảm thấy đầu óc trống rỗng. Mình đang ở đâu vậy cà? Đi ngược lại. Ừ, con gấu, trà móc câu, viết truyện gì, tin tức trên mạng. Ông ngừng nơi đó khi ông tự hỏi khi nãy sao mình không xem tin tức địa phương.  Phải chăng cuộc sống ở tiểu bang miền cực Bắc nầy quá êm đềm? Không đâu.  Vật giá gia tăng - dầu xăng đó! Tội ác trong thành phố -  mới hôm kia đây, một cậu sinh viên bị bắn khi đang chạy xe đạp, không biết lý do. Riêng ông, ông có quá nhiều vấn đề trong sở làm -  kỹ thuật mới, luật lệ thay đổi, những va chạm giữa người với người.  Còn nhiều, nhiều việc ông phải đối phó hàng ngày lắm. Nhưng chúng không làm ông bận tâm bằng chiến tranh Iraq, bằng những việc xảy ra trong cộng đồng Việt Nam của ông, xa bên kia trái đất hay tận Texas, Cali. Cuống rún chưa lìa, nỗi đau 30 năm chưa nguôi. Iraq và Việt Nam không khác nhau nhiều đâu. Không có đen và trắng. Không rõ rệt, mà chỉ là màu xám, màu của tranh tối, tranh sáng lẫn lộn giữa tuyên truyền và sự thật, của quyền lợi khoác chiếc áo mỹ miều chủ nghĩa này, giáo điều nọ. Cũng chỉ là cá mè một lứa thôi!
Ông vói tay lấy bình trà, rót vào cái ly cối một chút. Trà đã tới. Ông rót đến 3/4 ca, cầm ca trà bằng hai bàn tay đưa lên miệng uống một hớp. Trà thơm ngon. Tay ấm áp. Ông khoan khoái, uống thêm một hớp, rồi ông để ly trà xuống bàn, dùng con chuột tìm một truyện ông đang viết dang dở trên ổ C. Ông ngừng ở truyện “Thầy Salomon Minh” và bấm con chuột hai lần để mở truyện. Ông đọc lại truyện ngay từ đầu. Ký ức mang ông về với kỷ niệm xưa, ngày ông tìm thăm thầy cũ ở Mai Thôn, rồi trở về xa hơn nữa, về những tháng năm ông theo học trường nội trú xa nhà, nơi ông gặp thầy Salomon Minh, một vị chân tu đáng yêu, đáng kính, một người thầy đã gây một dấu ấn sâu đậm vào  cuộc đời của ông.  Ông gõ tay trên phím, tiếp tục viết . . .
Viết được hơn trang, ông đứng lên, vươn vai. Ông cầm ly trà, uống một hớp, bước đến bên cửa, nhìn ra sân sau nhà.  Trời đã sáng hẳn, một vùng mây xám đang tụ lại trên nền trời, gió đã nổi lên từng cơn nhẹ. Mái tóc ả bụi đời, cây liễu bên nhà hàng xóm, trông như đang lúc lắc với điệu nhạc sun (2). Ông nhìn đồng hồ treo trên tường, gần bảy giờ rưỡi. Giờ này các bạn đồng sự của ông đã ra sân gôn. Chắc họ đang thất vọng vì thời tiết xấu. Ông chợt nhớ ra lâu quá rồi ông không có dịp chơi gôn với hai thằng con. Ông đã bỏ lơ, không có “thời giờ vàng ngọc” với chúng. Ông thầm hứa, nếu hôm nay trời tốt lại ông sẽ rủ chúng đi chơi gôn. Nhưng ông nhìn vào máy vi tính, tự bảo, phải viết cho xong ngày hôm nay. Truyện bỏ dở khó viết tiếp lắm. Ông có quá nhiều truyện viết dở dang vì việc nầy, chuyện nọ, mất hết cảm hứng. Sáng thứ bảy, chúa nhật là thời gian duy nhất ông có thể viết. Nhưng viết để làm gì, ông đã nhiều lần tự hỏi.  Một ông bạn văn đã về hưu bảo rằng ông viết để luyện trí óc, mong về sau sẽ không sớm bị bệnh lẫn. Một vị thầy cũ khuyên ông viết để duy trì Việt ngữ, loại Việt ngữ chính thống vì bên nhà người ta đã và đang chế biến quá nhiều từ ngữ lai căng, dị hợm. Trong vòng gia đình, anh chị em ông bảo nhau - viết để cho lũ nhỏ đọc và hiểu nguồn gốc, cuộc đời lưu vong, tị nạn của mình. Riêng ông, ông viết cho chính mình, ông viết như là một thú tiêu khiển cho tuổi chớm già, và ông viết để gởi gấm tâm tư. Nếu chia sẻ được với anh chị em, bạn hữu thì vui. Con cháu ông đọc được là điều hay. Ông không dám mộng ước lớn lao hơn.
Có tiếng động nhỏ và một bàn tay chạm vào vai ông, bóp nhẹ. Ông quay lại. Đó là thằng con. Nó hỏi:
“Ba thức dậy sớm viết văn nữa hả?”
“Ừ, ba đang viết một truyện ngắn về ông thầy cũ. Còn con, sao hôm nay con thức sớm vậy?”
“Dạ, con định cắt cỏ rồi đi chơi gôn.  Coi chừng ba mê viết văn rồi quên luôn vợ con đó nghe. Má than phiền đó!”
Ông cười. Cái thằng lý sự, nhưng nó có phần đúng.
“Trời muốn mưa. Cắt cỏ, chơi gôn sao được con?”
Dạ, con xem trên nết (3) rồi. Trời sẽ không mưa đâu.
OK. Nếu trưa nay trời tốt mấy cha con mình đi đánh  gôn nghe!
Dạ, không được, hôm nay con có hẹn với mấy đứa bạn đi chơi gôn  sau khi cắt cỏ ở nhà rồi. Ba đi chơi với anh hai đi.
Vậy thì thứ bảy tuần tới được không?
“OK. Deal?” (4)
 “Deal!”
Cha mầy! Deal với điếc. Ông ngồi xuống ghế, tiếp tục gõ … nhưng không được bao lâu vì tiếng động từ nhà bếp, mùi chiên xào thơm phức. Thằng con vừa nghe nhạc qua chiếc iPod, vừa chiên trứng với thịt nguội, nướng bánh mì ăn sáng. Ông nhìn nó, vui trong lòng. Mới đó mà đã lớn khôn, biết giúp gia đình, biết tự lo miếng ăn miếng uống. Nó dọn thức ăn ra dĩa, rót một ly nước cam tươi, ngồi đối diện với ông, rồi … ăn sáng một mình. Mới vui đó mà bây giờ lòng ông lâng lâng hờn mát. Thằng con sao quá vô tình, nó không mời ông một tiếng, không hỏi ông đã dùng điểm tâm chưa. Ông nhìn xem nó có để ý mà mời ông không, dù là mời lơi. Nó nhìn ông, vẻ mặt đầy thắc mắc. Nó cầm dĩa thức ăn, ly nước cam, đứng lên, nói:
“Con đi sang phòng khách ăn để ba dể tập trung tư tưởng mà viết …”
Ông khoát tay, bảo nó ngồi xuống:
 “Ba chưa ăn sáng. Đói bụng quá mà con không mời ba một tiếng.”
Nó bỏ ống nghe ra khỏi tai, hỏi:
“Dạ, ba nói gì con nghe không được.”
Ông gằn từ tiếng một:
“Ba nói ba đói bụng. Con làm đồ ăn mà không làm cho ba ăn luôn.”
Nó ngạc nhiên:
“Con đâu có biết ba muốn ăn sáng mà làm cho ba. Why don't you ask? (5)”
Thằng cha mầy! Hỏi hay không hỏi. Ông thoáng giận thằng con. Nhưng, nhìn vẻ mặt ngơ ngác của nó ông chợt nhớ ra trong lúc viết văn ông chìm đắm trong giấc mộng trở về Việt Nam mà quên rằng con ông sanh đẻ ở Mỹ. Nó như một thằng Mỹ con, không hơn không kém. Ông bà dạy con nói tiếng Việt và cung cách của người Việt. Nhưng ngoài gia đình, chúng đi học, đi làm với người Mỹ, làm sao chúng không nhiễm những phong tục tập quán của người Mỹ, như sống sòng phẳng, tự lập, muốn gì thì cứ nói thẳng ra …  Ông đã đòi hỏi quá đáng rồi. Chính ông có lần ở vào một trường hợp tương tợ.  Ông làm việc cho hãng X được hơn ba năm. Ông thích công việc vì được học hỏi nhiều và chỗ làm gần nhà, không mất thời giờ trên xa lộ. Tuy nhiên, lương bổng không tương xứng với kinh nghiệm và việc làm của ông. Ông bất mãn, nhưng ngại nói chuyện tiền nong với người chủ sự. Do đó, ông định đi tìm việc ở công ty khác. Ông nói riêng với một đồng sự người Mỹ rất thân, ông ta bảo: “Sao bạn không nói cho ông chủ sự của bạn biết? Bạn không mất mát chi cả. Được lên lương thì tốt, không thì bạn tìm việc khác như bạn đã dự tính. Đơn giản vậy thôi!”  Lần đó, ông nói và được tăng lương.
Ông đứng dậy,  mỉm cười, đến gần, vỗ vai thằng con:
“Người Việt Nam mình là vậy, biết để ý đến kẻ trên người dưới. Trong trường hợp sáng nay, đáng lý con phải hỏi ba trước, chứ không đợi ba hỏi, vì con là con, ba là cha. Hiểu không?”
Thằng con gật gật cái đầu, nhưng ông không chắc nó hiểu rõ những lời ông dạy.  Nó đứng dậy, nói:
“Vậy để con chiên trứng cho ba nghe. Ba thích trứng omelette hay là scramble? Ham hay làsausage (6)?
Ông bóp vai nó, thật chặt.
Thôi, con ăn sáng đi. Để ba tự làm thức ăn, ba làm cho má con ăn luôn.
Ông mở tủ lạnh, lấy trứng. Lúc đó, ông thấy ông rất cần phải tiếp tục viết, không chỉ cho chính ông mà còn cho lũ con cháu, để kể lại những chuyện như ngày hôm nay. Linh tính cho ông biết sau này hai thằng con ông sẽ đọc. Nếu chúng không đọc, thì con chúng, cháu chúng sẽ đọc. Lá rụng về cội, ông tin như thế.
Ngoài kia, đám mây xám đã bay đi. Trời trong xanh. Dự báo thời tiết đúng, không sai.
Tháng sáu, 2006

(1)   Tên của anh chàng gấu, một vai trong phim hoạt họa Disney.
(2)   Soul. Loại nhạc bắt nguồn từ các nhạc sĩ da màu Hoa Kỳ như Ray Charles, Sam Cooke, James Brown.
(3)   Mạng lưới.
(4)   Đồng ý.
(5)   Tạm dịch là “Sao ba không hỏi?”
(6)   Các thức ăn xúc xích, trứng chiên dùng cho buổi điểm tâm.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...