Thứ Sáu, 8 tháng 5, 2015

ÂN THÁI HÀ- CÔ GIÁO TRẺ BÁN THÂN NUÔI HỌC TRÒ NGHÈO KHỔ




FM974
Chuyện Thế Giới Trong Tuần
Thứ Hai 04/05/2015



     Ân Thái Hà sinh ra tại một làng nhà quê của tỉnh Cam Túc, Trung Cộng. Ở vùng đất nghèo đói này, các cô thôn nữ dù xinh hay xấu, cũng đều, sớm hay muộn cũng lần lượt bỏ tới các thành phố phương Nam kiếm tiền, để rồi mỗi lần Tết đến, họ đều mặt hoa da phấn, gói to gói nhỏ hân hoan trở về làng cũ.

     
    Ân Thái Hà sau khi tốt nghiep cấp ba, không chọn cho mình con đường đi như vậy. Đó là điều mà ai nấy trong thôn đều thắc mắc, bởi xét cho cùng cô cũng là đứa con gái xinh nhất nhì cái xóm nghèo này. Ân Thái Hà thường xuyên phải hứng chịu những lời mắng nhiếc của bố mẹ, vì cho rằng con mình chẳng làm nên trò trống gì. Biết tin một ngôi trường tiểu học quê mình thiếu giáo viên, Ân Thái Hà đã tới đó, xin dạy miễn phí. Lần đầu tiên Ân Thái Hà bước vào lớp, bọn trẻ con không ngừng trầm trồ khen ngợi, bởi vì từ trước tới nay, chúng chưa bao giờ được nhìn thấy một cô giáo nào xinh đến thế. Cũng từ đó mà lớp học ngày ngày tràn ngập tiếng nói tiếng cười. Nói là phòng học, nhưng thực ra nó cũng chỉ là một túp lều cỏ tránh mưa tránh gió, thân cây làm tường, đá làm bàn học, gạch xếp thành bục giảng, thứ có giá trị nhất là chiếc bảng đen được làm từ tấm xi-măng, sau khi mài nhẵn, quết thêm lớp sơn đen. Ngay phấn viết cũng không đủ dùng, cô trò thường phải dùng vôi thay thế.

    Một đêm khuya, trận cuồng phong đã thổi tróc nóc lớp học, bảng đen cũng bị ngã lật luôn. Ngày hôm sau đến trường, cả thầy và trò đều ngẩn ngơ. Thầy hiệu trưởng tới tìm gặp Cục trưởng Cục giáo dục của huyện để xin tiền nhưng rốt cục trở về tay không. Tối về, thầy hiệu trưởng nói với Ân Thái Hà, Cục trưởng muốn cô tới tận nơi để lấy tiền. Một cô gái chưa từng đi xa nhà, là người chưa từng giao tiếp nhiều với người xung quanh, Ân Thái Hà lấy hết can đảm đi bộ gần 10 cây số tới gặp Cục trưởng. Phòng làm việc của Cục  trưởng bày biện vô cùng đẹp mắt, trên tường treo nhiều bức ảnh quý giá, bàn làm việc đen bóng, còn có thể nhìn thấy bóng người bên trên. Trên bàn có một lá cờ Trung Cộng nhỏ, còn ghế của Cục trưởng là ghế da, bóng lộn như được đánh xi, thậm chí nó còn bóng hơn màu tóc của Cục trưởng. Nhìn thấy Ân Thái Hà, Cục trưởng vồn vã hỏi chuyện, nhưng tất cả đều không đề cập tới mục đích cô tới đây. Mãi tới đêm khuya, ông ta chỉ tay tới cửa một căn phòng, nói Ân Thái Hà cùng tới đó lấy tiền với ông. Khi Ân Thái Hà bước vào, cô chỉ nhìn thấy một chiếc giường và lần đầu tiên cái quý giá nhất của đời con gái, Hà đã "hi sinh" nó để đổi lấy tiền mang về cho các em học sinh.

    Ân Thái Hà không khóc, bởi vì, trước mắt cô giờ đây, hiện ra những hình ảnh đáng thương của các em học sinh, đang chờ phòng học để lại được ngày ngày lên lớp. Mặc đêm khuya, cô vẫn trở về nhà, không ai nói hết được nỗi nhục, sự xấu hổ đang dâng trào trong lòng cô. Ngày hôm sau, những người dân trong thôn tự động tới trường, mua một ít vật liệu để dựng lại phòng học đổ nát. Ân Thái Hà nói với đám trẻ, sẽ không lâu nữa, huyện sẽ cử người tới mua gạch để xây cho chúng ta một phòng học thật vững chắc. Trong suốt nửa năm sau đó, thầy hiệu trưởng đã phải tới tìm Cục trưởng hơn chục lần nhưng đến một đồng cũng không nhận được. Chỉ có thầy hiệu trưởng mới biết Cục trưởng đã làm gì với Ân Thái Hà. Năm học mới đã bắt đầu, có rất ít  người có khả năng nộp tiền học cho con, số học sinh còn ở lại được ngày càng ít, chúng đều phải theo cha mẹ đi chăn trừu chăn dê kiếm sống. Ân Thái Hà vô cùng đau lòng khi nhìn thấy lũ trẻ không còn được ngày ngày cắp sách tới trường.

    Khi Ân Thái Hà biết, niềm hy vọng được đến trường của lũ trẻ đã trở nên quá xa mờ, cô đã cởi quần áo khoác trên mình, đứng trước gương, tự hứa sẽ dùng tấm thân này để hoàn thành giấc mơ cắp sách tới trường cho lũ trẻ. Cô biết rằng, những người em người chị trong thôn mình đều xa quê để làm cái nghề bán thân đó. Cô hiểu đó là cách kiếm tiền nhanh nhất. Cô vội vàng đi tắm rồi tới từ biệt thầy hiệu trưởng, từ biệt cha mẹ, từ biệt căn phòng cỏ dột nát để đến với chốn phồn hoa đô thị. Trước khi Ân Thái Hà đi, bố mẹ cô cười còn thầy hiệu trưởng đã khóc…Nơi phồn hoa đô thị đó đối với Ân Thái Hà không chút hấp dẫn, trong mắt cô chỉ hiện ra hình ảnh căn phòng cỏ thấp tè cùng ánh mắt hy vọng được đi học của lũ trẻ. Cô bước vào một cửa hiệu cắt tóc, nằm lên chiếc giường nhơ nhúa, để cho người khác chà đạp lên thân thể mình lần thứ hai. Ngày hôm đó, cô viết trong nhật ký: “Hóa ra Cục trưởng cũng chẳng bằng khách làng chơi.”

    Ân Thái Hà là người tiết kiệm nhất trong số chị em ở đó. Cô không trang điểm, cũng không hề mặc lên mình những bộ quần áo hở hang nhưng cô luôn là người đông khách nhất, cô luôn là người cướp cơm của những chị em ta, cũng chính bởi thế mà cô luôn phải gánh chịu những trận đánh hội đồng của những người bán dâm khác. Mỗi lần mặt mày thâm tím, cô lại phải chuyển tới nơi khác. Mỗi lần nhìn thấy gương mặt bỉ ổi của khách làng chơi, Ân Thái Hà dường như lại nhìn thấy nụ cười rạng rỡ của lũ trẻ nhỏ quê mình. Chính vì thế, cô chưa từng một lần rơi nước mắt. Sau khi trừ đi tiền phí ăn ở, Ân Thái Hà gửi toàn bộ số tiền mình kiếm được cho thầy hiệu trưởng, thầy hiệu trưởng đã dùng toàn bộ số tiền, sửa sang dần dần cho phòng học của trường. Mỗi lần có người hỏi tiền ở đâu ra, thầy hiệu trưởng đều nói là tiền quyên góp của xã hội dành tặng thôn.

    Nhưng rồi, cái kim trong bọc lâu ngày cũng lộ ra, cuối cùng một hôm, có tin từ bưu điện truyền về, nói rằng tiền đó là của cô giáo Ân gởi. Có tiền, trường học đẹp hơn hẳn. Tháng đầu tiên, trường mua được bảng đen, sửa lại nóc phòng. Tháng thứ hai đã có bàn gỗ. Tháng thứ ba tất cả trẻ em đều đi học. Đến tháng thứ năm, không còn học sinh nào phải đi chân đất tới trường nữa rồi.

Tháng thứ sáu cũng là lúc Ân Thái Hà trở về. Nhìn thấy cô từ xa, bọn trẻ đều tranh nhau chạy tới, gọi mừng: “Cô Ân đã về rồi… Cô Ân xinh đẹp đã về rồi…” Nhìn thấy gương mặt rạng ngời của lũ trẻ, Ân Thái Hà không cầm nổi nước mắt, những giọt nước mắt buồn tủi trong suốt nửa năm qua cuối cùng cũng đã biết rơi. Ở nhà được vài ngày, cô giáo Ân lại tiếp tục lên đường.

    Đến tháng thứ bảy, trường đã có sân vận động, tháng thứ tám có sân bóng rổ, tháng thứ chín học sinh đều có bút chì mới, tháng thứ mười giữa sân trường cờ tung bay trong gió. Vậy là ngày ngày các em học sinh đều có thể đứng tại sân vận động, dưới lá cờ và hát bài quốc ca. Tháng thứ 11, vì một người khách kiên quyết không chịu dùng bao cao su ngừa bệnh HIV, nên cuối cùng cô giáo Hà đã mang thai, sau khi giải quyết cái thai, Ân Thái Hà trở thành vợ bé của người đàn ông đó. Nhưng vì nửa năm gần đây làm ăn thất bát, nên người đàn ông đó đã rũ bỏ cô mà đi. Cô ra đi với hai bàn tay trắng.

    Từng đấy chuyện xảy ra khiến Ân Thái Hà cảm thấy vô cùng mệt mỏi, cô muốn về nhà, muốn trở về với những đứa trẻ thân thương. Nhưng ước mơ lớn nhất của cô là xây cho lũ trẻ một phòng học to đẹp, rồi mua cho chúng máy vi tính. Để thực hiện ước mơ đó, cô lại một lần nữa hạ thấp mình tới cầu xin người đàn ông đã bỏ mình. Người đàn ông đó nói không có tiền, nhưng có thể giới thiệu cô cho một ông chủ khác sẵn sàng bỏ ra 3000 đô- la Mỹ để mua cô trong chỉ một đêm. Nghĩ tới bao khó khăn gian khổ đã trải qua, Ân Thái Hà lại một lần nữa nhắm mắt nằm lên giường của ông chủ giàu có đó. Cô thề với bản thân, qua nốt đêm nay, cô sẽ về nhà, sẽ về với lớp học thân thương. Nhưng cũng chính vào đên hôm đó, Ân Thái Hà đã bị người đàn ông  cưỡng bức cho tới chết lúc cô vừa bước sang sinh nhật lần thứ 22. Ân Thái Hà chết đi nhưng vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện là xây cho các em học sinh một phòng học thật đẹp, mua cho chúng những chiếc máy vi tính thật tốt.



   Đáng tang đưa tiễn Ân Thái Hà ngập một trời tiếng khóc. Mọi người nhìn thấy một bức ảnh đen trắng của cô, trong ảnh, một nụ cười thật hồn nhiên và phúc hậu. Thầy hiệu trưởng lật cuốn nhật ký của Ân Thái Hà, nghẹn ngào đọc cho người đưa tang nghe trong nước mắt. Cô viết: “Mỗi lần bán thân, có thể giúp một em học sinh có cơ hội cắp sách tới trường. Mỗi lần làm vợ bé, có thể mang lại hy vọng cho cả một trường học…” Lá cờ thắm trong sân trường treo rủ từ sáng sớm. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong lịch sử Trung cộng lá cờ đỏ thắm treo rủ xuống thảm buồn vì một cô gái bán dâm.





Thuyên Huy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...