Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Đôi nét về trường Trung Học Tỉnh Hạt Trần Văn Giảng.-Nguyễn văn Cư

Với chủ trương khai sáng dân trí ,1 trường TH đêm Trần văn Giảng ở TN ra đời,ngôi trường có sự đóng góp rất nhiều của các GS nguyên là cựu HS .THTN.Mời các bạn xem một chút để thấy cách thành lập và điều hành 1 trường TH ..trước 30/4...

Nằm đối mặt và cách trường Trung Học Tây Ninh độ 200 thước về phía Mít Một có một cổng lớn dẫn đến đình Hiệp Ninh. Lần theo cổng bằng con đường đất đỏ rộng độ ba mét đi vào độ 100 mét là tới đình. Bên trái đình là trường Sơ Cấp Ấp Thái Phú, và bên phải là Ký Túc Xá Nam Sinh.  Đây là cơ sở nguyên thủy dẫn lần đến sự thành lập trường Trung Học Tỉnh Hạt Trần Văn Giảng như phần trình bày sau đây:
Ở Tây Ninh, ngoài hệ thống các trường công lập (học sinh không phải đóng học phí) như Trung Học Tây Ninh, Trung Học Phú Khương, Trung Học Hiếu Thiện, các trường tư thục như Hàn Thuyên do ông I-Súp gốc Ấn độ làm chủ, Văn Học (Đệ Nhị Cấp) và Văn Thanh (đệ nhất Cấp) do ông Nguyễn Văn Vinh làm Hiệu Trưởng, các trường của tôn giáo Cao Đài như Đạo Đức Học Đường, Lê Văn Trung do ông Dương Văn Dũng làm Hiệu Trưởng, còn có trường Tỉnh Hạt. Trường Tỉnh Hạt là loại trường do sự phối hợp giữa:
- Hội Phụ Huynh Học Sinh và Chính Quyền Địa Phương - phụ trách xây cất phòng ốc và trang bị bàn ghế.
- Bộ Quốc Gia Giáo Dục - bổ nhiệm và đài thọ lương bổng cho các Ban Giám Đốc và các Giáo sư giảng dạy.
Trong các trường Tỉnh Hạt, trường đầu tiên là trường Trần Văn Giảng mà quá trình thành lập trải qua ba giai đoạn như sau:

I/ TrườngTrung Học Đêm:

Vì sự khủng hoảng phòng ốc, Trung Tâm Lớp Đêm, gồm 7 lớp 6 niên khóa 1970-1971 do ông nguyên Hiệu Trưởng Trịnh Quốc Thế sáng lập, đành phải ngưng hoạt  động.  Ông tân Hiệu trưởng Lương Hữu Tống liên tục tiếp xúc với ông Huỳnh Văn Thiệt, Chi Hội Trưởng Hội Phụ Huynh Học Sinh trường Trung Học Tây Ninh kiêm Phó Tỉnh Hội Trưởng Tỉnh Hội Học Sinh Tây ninh nhờ tìm phương pháp giải quyết chớ không đành lòng đem con bỏ chợ.  Trong khi đó, hai Ký Túc Xá Nữ sinh, Ký Túc Xá Nam sinh đã cạn kiệt ngân quỹ điều hành như trả tiền nhân viên quản lý, tiền điện nước... đành phải đóng cửa.  Nhờ mối giao tình, cụ Huỳnh Văn Thiệt cùng với  bác sĩ Trần Văn Mãnh, Tỉnh Hội Trưởng Tỉnh Hội Phụ Huynh Học Sinh Tây Ninh vận động với ông Võ Văn Tam, Trưởng Ty Tiểu Học, để xin mượn đầy đủ bàn ghế trang bị  4 phòng học đủ chổ cho học sinh ngồi.
 Cái khó khăn là trang bị bàn ghế cho học sinh ngồi.  Chiếc xe traction đen lại chạy đi chạy lại tất bật đưa hai vị phụ huynh học sinh từ Ty Tiểu Học đến Ký Túc Xá để lo sao cho đủ số ghế bàn cho bốn phòng học trước ngày khai giảng. 
Cuối cùng, Ký túc Xá Nam được trang bị thành phòng học và thu nhận các học sinh của Trung Tâm Lớp Đêm chuyển qua, lấy tên là Trung Học Đêm. Trong phiên họp tháng 8 năm 1971 tại văn phòng Ký Túc Xá Nam Sinh, Tỉnh Hội và trường Trung Học Tây Ninh đạt thỏa thuận. Ban đầu Trung Học Đêm, với sự quản trị tài chánh của Tỉnh Hội Phụ Huynh Học Sinh Tây ninh, được thành lập như sau:

Ban Điều Hành:
Hiệu Trưởng: ông Lương Hữu Tống
Giám Học: Nguyễn Văn Cư
Thư ký: ông Nguyễn Văn Sáo
Thư ký Tỉnh hội Phụ Huynh Học Sinh
Giám thị các lớp chiều kiêm thu ngân: bà Cao thi Nho, nguyên quản lý Ký Túc Xá Nam Sinh.

Ban Giảng Huấn:
Gồm các giáo sư đa số là giáo sư trường Công lập Tây Ninh và một số là nhân viên Tòa Hành Chánh có trình độ đại học:
- Tôn Nữ Hồng Lan, giáo sư Nữ Trung Học Tây Ninh
- Huỳnh thị Kim Ngân, giáo sư Nữ Trung Học Tây Ninh
- Nguyễn Văn Lầu, chủ sự phòng Quân vụ Tòa Hành Chánh
- Trần Anh Dũng, Ty Thông Tin
- Huỳnh thị Tuyết Ánh, giáo sư Nữ Trung Học Tây Ninh
- Vương Văn Thạch, Tỉnh Đoàn Xây Dựng Nông Thôn
- Trần quang Thái, giáo sư Nam Trung Học      
- Nguyễn Thị Châu, Tú tài 2, tư nhân dạy giờ   
- Diệp Ngọc Trạch, giáo sư Nữ Trung Học
- Nguyễn Văn Bẳm, giáo sư Đệ nhất cấp, Ty Tiểu học
- Đỗ quang Minh, giáo sư, PT Tổng Giám thị Trung Học TN
- Nguyễn Chiêu Hoàng, giáo sư Nữ Trung Học                         
- Võ chí Tòng, giáo sư Anh Văn Trường Kỹ Thuật Tây Ninh
- Lê Văn Hùm, giáo sư Toán  Nam Trung Học

Tuy là trường nhỏ, sĩ số ít, nhưng trường cũng tham gia chương trình văn nghệ dưới sự hướng dẫn của anh Vương Văn Thạch và người bạn thân là anh Bùi Văn Bi, cán bộ Xây Dựng Nông Thôn, đã thắng giải văn nghệ toàn tỉnh hai lần để tham dự đại hội thi đua ở Vũng Tàu.  Các học sinh xuất sắc văn nghệ là Phan Huỳnh Mai, Lê Văn Lại…
Một chuyện buồn là cuối năm 1973, ông Nguyễn Văn Sáo, thư ký, chẳng may mãn phần.
Đình Hiệp Ninh
Cổng Đình Hiệp Ninh.
   Cổng trường TH.Trần văn Giảng

II/ Trường Trần Văn Giảng

Song song với công tác quản trị và yểm trợ Trung Học Đêm, bác sĩ Hội Trưởng và cụ Huỳnh Văn Thiệt Phó Hội Trưởng không ngừng phát triển trường ốc hầu đáp ứng nhu cầu giáo dục của con em tỉnh nhà. Hai vị xây cất thêm được ba phòng học đâu lưng với Ký Túc Xá Nam Sinh và đề nghị với Chính Quyền tỉnh yêu cầu Bộ Quốc Gia Giáo Dục mở trường Tỉnh Hạt.  Được sự đồng ý của Tòa Hành Chánh tỉnh, bác sĩ Trần Văn Mãnh đề nghị một nhân vật tiêu biểu cho nền giáo dục tỉnh nhà để đặt tên cho trường tỉnh hạt: đó là cụ Cụ Trần Văn Giảng.

Cụ Trần Văn Giảng là một nhà mô phạm kỳ cựu của Tây Ninh. Cụ giữ chức Đốc Học tỉnh từ  năm 1925 đến năm 1935. Trong suốt thời gian hơn 30 năm miệt mài giảng huấn, cụ có công đào tạo các nhân tài của đất nước Việt Nam như Đức Hộ Pháp Phạm công Tắc và Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm cũng như các nhân sĩ trong tỉnh như giáo sư Võ Thành Cứ (thân sinh kỷ sư Võ Hoài Nam, tức nhà văn Tiểu Tử), bác sĩ Trần Văn Mãnh...Do kỳ công gắn bó với nền giáo dục  hơn 30 năm ấy, vào năm 1953 Đức Quốc Trưởng Bảo Đại gia phong Bảo Quốc Huân Chương Đệ Tứ hạng cho cụ và ngài Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm đã đích thân về lại tỉnh nhà  để gắn Huân Chương  lên ngực áo vị tôn sư của ngài .
Hôm khánh thành trường, bác sĩ Trần Văn Mãnh có mời  thầy Trần Văn Sen, một nhà giáo kỳ cựu trong tỉnh, con trai cụ Trần Văn Giảng đến tham dự cắt băng khai trường. Lúc mới thành lập, trường tỉnh hạt Trần Văn Giảng vỏn vẹn chỉ có:
Quản  Đốc: ông Nguyễn Văn Cư, giáo sư đệ nhị cấp
và hai giáo sư: ông Trần Ngọc Chót, giáo sư đệ nhất cấp, môn Lý Hóa và ông Nguyễn văn Bẳm, giáo sư đệ nhứt cấp, môn Sử Địa.
Noi theo trường tỉnh hạt Trần Văn Giảng, các địa phương khác cũng xin thành lập trường như trường tỉnh hạt Cẩm Giang (thành lập tháng7-1973), với vị Quản Đốc Lê Hữu Khoan, nguyên Tổng Giám Thị trường Trung Học Tây Ninh, trường tỉnh hạt Thạnh Đức ở Trà Vỏ với vị Quản Đốc là Giáo sư Mẫn nhà ở Mít Một và sau nữa là trường tỉnh hạt Bến Cầu.
Sang niên khóa 1973-1974, trường tỉnh hạt Trần Văn Giảng có hai lớp 7 và hai lớp 6. Bộ Giáo Dục bổ nhiệm ba tân giáo sư vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm về trường:
-                Cô Bùi Kim Định: Vạn  Vật
-                Ông Nguyễn Đức Thành:  Anh Văn
-                 Ông Phạm Văn Thông : Lý HóaToán
Đến cuối tháng 8, năm 1973,  Tỉnh Hội Phụ Huynh Học Sinh đã xây dựng thêm hai phòng học mới, cùng với các phòng cũ thành theo đồ hình hình chữ L gồm một văn phòng Hiệu Trưởng, một văn phòng Giám Thị và chín phòng học có trang bị đầy đủ bàn ghế.

III/ Trường Trần Văn Giảng mở rộng

Đến đầu tháng 9 năm 1974, trường Trung Học Đêm được Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho sát nhập vào trường Tỉnh Hạt Trần Văn Giảng và ban hành nghị định hợp thức hóa trường Tỉnh Hạt Trần Văn Giãng thành trường Trung Học Đệ Nhứt Cấp với:
- Hiệu Trưởng: Nguyễn Văn Cư, giáo sư đệ nhị cấp
- Tổng Giám Thị: Ông Trần Minh Hồng, Trung úy biệt phái, nguyên Hiệu Trưởng trường Tiểu Học Long Yên.
 Bộ Giáo Dục và Sở Học Chánh Tây Ninh cũng bổ nhiệm thêm các giáo sư để phụ trách các lớp của trường Trung Học Đêm vừa được sáp nhập:
- Bà Nguyễn Thị Châu, nguyên giáo sư toàn thời gian Trung Học Đêm
- Cô Nguyễn Diệu Linh:  Dược Sĩ, phụ trách môn Vạn Vật
- một cô Cử nhân Khoa Học:  phụ trách môn Lý Hóa và Toán
- và một số sinh viên vừa tốt nghiệp Đại Học Cao Đài như:
       - Nguyễn Phước Hậu: môn Lý Hóa
       - Lâm Văn Danh: môn Sử Địa
       - Nguyễn Phú Hòa: môn Pháp Văn
       - Đỗ thị Nên: môn Quốc Văn
       - Nguyễn thị Kim Hên: môn Anh văn
Một vài giáo sư trường Nam Trung Học Tây Ninh được mời sang dạy giờ tại trường Trần Văn Giảng là:
- Trương văn Diệp: môn Công dân Giáo dục
- Lê văn Nghiêm: môn Toán

Thời gian nầy trường bao gồm các lớp:
5 lớp 10
3  lớp 9
2 lớp 8
2 lớp 7
2  lớp 6

Tuy là trường nhỏ, với sĩ số tương đối ít ỏi, độ 800 học sinh, nhưng trường cũng tham gia các sinh hoạt chung với các trường trung học khác như cắm trại chung ở Sân Vận Động, diễn hành ngày lễ Quốc Khánh, tổ chức văn nghệ gây quỷ Cây Mùa xuân Chiến Sĩ… Với thành tích ấy Đại Tá Lê Văn Thiện, Tỉnh Trưởng Tây Ninh, đã ban tặng Bằng Tưởng Lệ cho trường Trung Học Tỉnh Hạt Trần Văn Giảng. 
Đến tháng 4 năm 1974, trường Trần văn Giảng chia xẻ một nỗi buồn to tát: bác sĩ Trần Văn Mãnh Hội trưởng lâm trọng bịnh và cụ từ giã cõi trần trong sự thương tiếc của các giáo chức và phụ huynh học sinh toàn tỉnh.  Các học sinh trường Trần Văn Giảng đã đến phúng điếu  tang  gia rất đông đủ và tiển đưa anh linh cụ cố Hội Trưởng đến khu nghĩa trang gia tộc một cách trọng thể .
Dù trải qua bao nhiêu gian nan sóng gió, Ban Quản trị và Ban Giám Đốc cũng cố gắng vượt qua. Sự phát triển giáo dục đang trên đà thuận lợi thì mộng đẹp của chúng tôi cũng như bao nhiêu giáo chức khác sụp đổ tan tành. Từ tháng hai năm 1975,  Tây Ninh liên tiếp chịu nhiều đợt  pháo kích của CS. Tất cả trường học tại thị xả được lịnh đóng cửa tạm thời từng tuần lễ cho đến ngày  30 tháng tư 1975.

IV/ Trường Trần Văn Giảng  giai đoạn sau 30/4/1975

Sau ngày  30/4, đa số các thầy phải đi tù cải tạo. Thầy Nguyễn Đức Thành mất sau hòa bình hai năm.  Thầy Trần Ngọc Chót sau hơn hai năm  tù xin được một chân làm trong Cửa Hàng Ăn Uống. Riêng tôi sau khi ra tù thì “trở về làng củ học cày cho xong”.  Thầy Trần Minh Hồng, cựu Tổng Giám Thị, sau khi được rời Trường Quản Huấn (Trại Cải Tạo Cây Cầy A) “sáng ngày vác cuốc ra đồng”.  Thầy Lương Hữu Tống đi làm rẫy, nước da bánh mật của thầy nay do phơi nắng suốt ngày trở thành đen sẩm lại trông giống như Bao Công (Bao hắc tử) trong phim Tàu.  Năm 2012, nghe nói thầy mãn phần, tôi đã gửi về một nén nhang để tưởng niệm người đồng nghiệp đã hơn ba năm cộng sự chung .
   Kinh tế suy trầm và bế tắt, các con em bỏ học để phụ cha mẹ sản xuất mưu sinh, hòa chung nhịp điệu của nền giáo dục thời Xã Hội Chủ Nghĩa, trường Trần Văn Giãng thưa thớt học sinh rồi chuyển biến thành trường Bổ Túc Cán Bộ. Dù ngày nay trường Trần Văn Giảng không còn hoạt động đào tạo thế hệ trẻ như chức năng trước kia, nhưng một số cán bộ chỉ huy của chính quyền mới cũng  xuất thân từ trường nầy như Trương Văn Đúng, Trần Văn Bình, Lê Văn Nhẹo … Chủ nghĩa đã đưa họ đến địa vị, nhưng chính học vấn từ trường học đã giúp họ làm việc vào thời bình.  Một số không nhỏ các em học sinh đã tỏ ra chửng chạc trong vai trò y tá, giáo viên, công nhân viên của các công ty vật tư, học vấn các em có từ trường nầy mà ra. Sau ngày hòa bình, dù trong lớp áo nông dân của “phó thường dân nam bộ”  khi gặp lại các môn sinh cũ tôi cũng có chút hãnh diện vì mình cũng góp phần đứng đắn trong việc đào tạo thế hệ tương lai
Cơ sở vật chất của trường Tỉnh hạt Trần Văn Giảng vẫn còn và nhất là tinh thần “Đạo nghĩa Thánh hiền” của cụ Trần Văn Giảng vẫn sống mãi trong long người dân Tây ninh. Và sở dỉ tôi có được chút hảnh diện ấy cũng là nhờ công ơn của hai vị Tỉnh Hội Trưởng, bác sĩ Trần Văn Mãnh, và Tỉnh Hội Phó, cụ Huỳnh Văn Thiệt đã sáng lập và hổ trợ trường nầy .  Bài viết nầy như một nén hương thắp lên gói ghém tinh thần tri ân xâu xa về sự đóng góp của hai cụ Hội Trưởng và Phó Hội Trưởng Tỉnh Hội Phụ Huynh Học Sinh  cho nền giáo dục tỉnh nhà trong suốt hai thập niên 1960-1970
Trong khoảng thời gian gần đây, hầu hết các giáo chức đã hồi hưu và một ít vị đã giã từ cõi tạm.  Riêng các em học sinh đã có em ẳm bồng cháu ngoại, cháu nội. Tuy nhiên, trong ký ức của các bạn giáo chức và các em học sinh, tôi nghĩ chúng ta không bao giờ quên được các  hình ảnh sống động và vui nhộn về màn trình diển văn nghệ đặc sắc của vở  Lý Ngựa Ô với ngựa ô Trần Thanh Hương, diển viên minh họa Trần Thiếu Hà, Khưu thị Minh Loan (lớp 9P2) hoặc màn nhạc cảnh “Rước Tình Về Với Quê Hương” với  Phan Huỳnh Mai (lớp 9A1), và Lê Văn Lại( lớp 9A2)...
Sống lưu vong nơi xứ người hay ở lại quê hương, chúng ta ai cũng có quảng thời gian mài đủng quần trên ghế nhà trường hay đứng bục cầm phấn. Ôi, cái quá khứ ấy thật vô cùng vàng son và nhiều lưu luyến. Tuổi học trò và nghề  bảng đen phấn trắng đã để lại dấu ấn “Gỏ Đầu Trẻ”, muôn đời vẫn là một kỹ niệm không thể nào quên. Thấm thoát đã gần nửa thế kỷ, bài biết này có các chi tiết chìm trong lớp bụi thời gian, với tuổi “cổ lai hi” văn cùng ý kiệt, việc xây dựng lại quá khứ chắc chắn có nhiều lầm lẩn thiếu sót, kính mong quý vị độc giả niệm tình bỏ qua.

Hè  2015
Nguyễn Văn Cư



1 nhận xét:

  1. Cảm ơn tác giả đã nhắc lại những kỹ niệm không bao giờ phai mơqf trong ký ức. Mình tuy không hoc Trần văn Giảng nhưng mình học Trường Công lập...kế bên...và nhà mình ở Đât Thánh nên đi học đi tắt đường Đình..Gẩn 50 năm rồi.

    Trả lờiXóa

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...