Thứ Hai, 25 tháng 5, 2015

Lê Tấn Tài : Hát Bội và Cải Lương Ngày Xưa Ở Quê Tôi


vở CL'Tô Ánh Nguyệt"
(hình minh họa)
Hồi ký của Lê Tấn Tài

Tôi và hiền nội cùng một số đồng hương Tây Ninh tham dự đêm cải lương ”Tình nghệ sĩ 5” do các anh chị em nghệ sĩ cải lương như soạn giả Trúc Quân, nữ nghệ sĩ Ngọc Hà tổ chức, cùng với các nghệ sĩ Quang Châu, Minh Hưởng, Ngọc Lan, Ngọc Diệp... trình diễn 7 trích đoạn của những vở tuồng cải lương nổi tiếng trước 1975 tại quê nhà.
 Buổi trình diễn tại Trotting Recreation Hall, Bankstown, NSW, Úc Châu, tuy có vài trục trặc nhỏ về âm thanh, nhưng có thể nói là rất thành công về nghệ thuật, chứng tỏ một tấm lòng đầy nhiệt tình của các anh chị em nghệ sĩ cải lương. Sống trên một quê hương mới, rất bận bịu về sanh kế hằng ngày, mà các anh chị em nghệ sĩ đã dành thời giờ quí báu để tập dợt, học tuồng chu đáo, làm cho buổi diễn rất thành công, khán giả liên tục vỗ tay khen thưởng và cổ võ. Sân khấu được trang trí, tuy không rực rở, qui mô và lộng lẫy như những đoàn hát lớn, nhưng đã gợi lại phong cảnh thân yêu của quê nhà. Buổi trình diễn, tuy không có cái hoành tráng của một “đại bang”, nhưng nghệ sĩ đã diễn lại được những nét gay cấn của vở tuồng ngày xưa.

Tôi thả hồn theo tiếng nhạc du dương, lời ca trầm bổng với những hơi ngân vang thảnh thót của nữ nghệ sĩ Ngọc Hà, Ngọc Lan, Ngọc Diệp...  hoặc những đoạn xuống giọng rất “mùi”” của Quang Châu, Minh Hưởng, đưa tôi về dỉ vảng xa xưa của thuở thanh bình trên quê hương Tây Ninh. Khoảng 1954-1960, thuở chưa có giặc giả nổi lên, đời sống miền quê yên hưởng  cảnh thanh bình với những đêm hát bội cúng đình ở làng Hiệp Ninh. Cũng có gánh hát bội và cải lương nhỏ, loại gánh hát “bầu tèo”” lưu diễn tại nhà lồng chợ, như chợ Mít Một gần nhà tôi. Trong đêm thanh trăng tỏ, phong cảnh hữu tình, sanh hoạt “đờn ca tài tử” do nhóm nghệ sĩ trong xóm Trường Đua tụ họp tại một nhà nào đó để vui chơi văn nghệ với đôi bài ca vọng cổ. Đoàn bán thuốc “cao đơn hoàn tán”” của nhà thuốc Đại Từ Bi, Đào Nguyên có diễn tuồng cải lương cũng được bà con trong xóm tham dự đông đảo. Những sanh hoạt hát bội, cải lương của gần 50 năm trước tại quê nhà đã lưu vào lòng tôi kỷ niệm đầy êm đềm. Nhất là những kỷ niệm đó in đậm hình ảnh của má tôi, một người đàn bà học vấn ít ỏi, nhưng đã hấp thu đạo lý thánh hiền qua hát bội, cải lương với các vai trung trinh tiết liệt, tam tòng tứ đức của Khổng Mạnh để trở thành người mẹ nhân hậu, hiền thục. Tôi viết các dòng nầy với tấm lòng xúc động. Trí tôi hiển hiện cảnh rất thân thương của má tôi và các người bạn quê chơn chất của má tôi, mộc mạc mà hồn nhiên, chơn tình, rất say mê hát bội, cải lương. Trí tôi, lòng tôi mơ màng về  một dĩ vãng 50 năm trước, sống lại một thuở bình yên với sanh hoạt hát bội, cải lương trên vùng đất quê hương tuy không trù phú, nhưng lời ca, tiếng đờn của bản “vọng cổ” đã thấm vào máu thịt của người dân.

Hát bội (hay hát bộ?)

Quê ngoại tôi ở Bến Cầu, quận Gò Dầu, một vùng trù phú, bát ngát đồng ruộng. Sau những ngày bận rộn với gặt hái cuối năm, tháng giêng là tháng ăn chơi, mọi nhà vui chơi sau 3 ngày Tết cho đến rằm tháng giêng. Cũng trong khoảng thời gian nầy, ban Hội Tề của làng bận rộn chuẩn bị kỳ yên, cúng đình, tạ ơn thần Thành Hoàng đã phù hộ nông gia được mưa thuận gió hòa, mùa lúa năm đó được trúng vụ. Nhà nông thâu hoạch, làm ăn khấm khá. Trong dịp cúng đình, tưng bừng, náo nhiệt nhứt là đêm hát bội tại sân đình. Những đêm đi xem hát bội là thú tiêu khiển của một vùng quê, xa thành thị. Đây là phương tiện giải trí rất hiếm hoi, mỗi năm chỉ có một lần. Hát bội đã trở thành gần gủi, thân quen với má tôi. Thời gian nầy, chiếu bóng, radio, truyền hình chưa được phổ biến.

Má tôi từ giả Bến Cầu để lập gia đình với ba tôi, nhà ở tại Trường Đua, làng Hiệp Ninh thì má đi xem hát được thuận tiện hơn ở Bến Cầu, vì nhà ở gần chợ Mít Một và đình Hiệp Ninh, nơi trình diễn hát bội. Đình Hiệp Ninh là một ngôi đình lớn, kiến trúc khá công phu và chắc chắn, với mái ngói đỏ au, nhiều cây cột làm bằng danh mộc to lớn mà vòng tay ôm của một người không giáp. Đình Hiệp Ninh nằm phía bên tay phải của quốc lộ 22, theo hướng Sài gòn - Tây Ninh, đối diện xéo xéo trường trung học Công Lập Tây Ninh, giữa ngả tư Cửa Đồn và Văn phòng Khâm Châu Đạo, Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Tòa Thánh Tây Ninh. Ngôi đình tọa lạc trên triền đồi cao ráo, ngó xuống phía dưới là đồng ruộng chạy dài, thoai thoải ngút ngàn, bao trùm hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông cho đến tận làng Thanh Điền, Long Thành Nam, sau khi đã vượt qua làng Hiệp Ninh. Xung quanh đình, thấp thoáng những chòm cây sao, cây dầu cổ thụ, tỏa bóng mát rượi quanh năm. Sân đình là nơi dân làng đi tạt qua, ghé nghỉ chơn và trú nắng. Đình có hàng hiên cao, rộng , thoáng mát, cũng là nơi hẹn hò của các cặp học sinh nam nữ trong tuổi mộng mơ, tìm đến nơi nầy để tâm tình, trao đổi những lời hò hẹn, những ánh mắt nai tơ chưa vướng bụi sầu, trao nhau với nhiều mộng ước lứa đôi đẹp đẻ. Phía sau đình, ăn thông ra một con đường trải đá đỏ. Ngày nay, đường nầy đã được tráng nhựa bằng phẳng. Con đường nầy nối liền Bộng Dầu với ngả tư Ao Hồ, chạy suốt đến chợ Long Hoa, sau khi xuyên qua ngả tẻ ở Giếng Mạch.

Đình Hiệp Ninh còn là điểm sanh hoạt gần gủi, gắn bó của dân làng trong các lễ kỳ yên, cúng đình. Theo cổ lệ, hằng năm, mỗi khi cúng đình, ban hội tề đều rước gánh hát bội danh tiếng ở Sài Gòn về hát. Ngày cúng đình, ban Hội Tề dựng một rạp lớn làm sân khấu lộ thiên để cho gánh hát bội diễn. Tôi không nhớ tên của gánh hát, cũng như tên của đào kép, nhưng các tuồng hát thì tôi không bao giờ quên. Đó là các tuồng hát rất nỗi tiếng, trích từ truyện Tàu, như Phụng Nghi Đình (tức Lữ Bố Hí Điêu Thuyền), Tiết Đinh San cầu Phàn Lê Huê, Thần Nữ dâng Ngủ Linh Kỳ... Tôi đi theo ba má coi hát bội ở sân đình. Gia đình ăn cơm sớm trước khi mặt trời lặn. Đồng thời, căn dặn chú tám Lung sẵn sàng một cổ xe ngựa. Chiếc xe ngựa chạy lộc cộc, lạch cạch trên đường nhựa từ Trường Đua đến đình Hiệp Ninh dài khoảng 4 cây số. Đoạn đường nầy tấp nập người đi xem hát trong đêm cúng đình. Những lần đi theo gia đình coi hát bội, tôi rất thích thú. Tôi thích nhất tuồng Thần Nữ dâng Ngủ Linh Kỳ. Người nữ nghệ sĩ đóng vai Thần Nữ là đào nhứt, ca hay, múa võ giỏi, mặc áo bào rất đẹp, đầu đội mũ có gắn hột pha lê lắp lánh dưới ánh đèn màu, phía sau lưng còn giắt thêm mấy lá cờ nhiều màu sắc. Tất cả thật là lộng lẫy, uy nghi. Màn hấp dẫn và thích thú nhứt là cô đào đóng vai Thần Nữ, sau khi hát, múa với với những đường quyền linh động, cô bắt đầu “đi gối để dâng Ngủ Linh Kỳ lên nữ Nguyên Soái Phàn Lê Huê, xin tha tội chết cho người yêu là Tiết Ứng Luông. Cảnh trí trên sân khấu rất rực rở và trang nghiêm. Tuy sân khấu lộ thiên, rất khó giữ im lặng vì xung quanh là khán giả dầy đặc, vừa người lớn và trẻ em đông nghẹt, nhưng đến màn nầy, toàn thể khán giả im phăng phắc để tập trung theo dõi tài nghệ diễn xuất của các đào kép danh tiếng. Tôi tưởng chừng đã hòa mình vào trong khối khán giả đang say mê, trân trọng, nâng niu từng điệu múa, lời ca theo nhịp đờn, tiếng trống.

Hát bội tại buổi cúng đình Hiệp Ninh chỉ mỗi năm một lần. Các gánh hát bội nhỏ, loại “”gánh hát bầu tèo”” thường lưu diễn ở nhà lồng chợ, như chợ Thương Binh (gần Nội Ô Tòa Thánh), chợ Mít Một. Chợ Mít Một nằm ở ngả ba Mít Một, từ quốc lộ 22 có con đường trải đá xanh chạy dài qua ngả tư Ao Hồ, trường Lê Văn Trung, rồi qua cửa số 7 để vào Nội Ô Tòa Thánh. Chợ họp mỗi ngày từ sáng sớm. Người bán đa số là các tiểu thương có tiệm xung quanh chợ, bày bán các món hàng gia dụng hằng ngày như gạo, muối, dầu hôi, nước mắm, khô, mắm, cá, thịt thà các loại trong những ngày ăn mặn, và đồ chay trong những ngày tín đồ Cao Đài ăn chay. Rau cải, trái cây phần nhiều đều còn tươi rói, mới vừa thu hoạch từ các liếp rau, khu vườn quanh nhà của bà con trong vùng. Đa số dân sống xung quanh Mít Một đều là tín đồ Cao Đài, thuộc phận đạo đệ tam. Cạnh bên chợ, phía bên tay trái, có một ngôi Thánh Thất nhỏ, xinh xắn, trang nghiêm, là nơi tín đồ Cao Đài dâng lễ cúng tứ thời vào các thời: Tý (12 giờ khuya), Ngọ (12 giờ trưa), Mẹo (6 giờ sáng), Dậu (6 giờ chiều), và các lễ cúng trong ngày sóc, vọng. Từ chợ Mít Một, xuôi theo đường quốc lộ 22 tráng nhựa bằng phẳng (từ hướng Tây Ninh đi Sài Gòn), sau khi vượt qua cánh đồng lúa xanh xanh và con dốc lài lài, sẽ dẫn đến xóm Trường Đua, nơi đó có cơ sở Phạm Nghiệp. Ngôi nhà ngói đỏ, vách tường sơn màu vàng hoa cúc, nằm khiêm nhường, đối diện hơi xéo về hướng Nam với Phạm Nghiệp, là nơi tôi mở mắt chào đời, khóc tiếng khóc đầu tiên và lớn lên với bao nhiêu kỷ niệm thân thương của thời niên thiếu. Đường quốc lộ 22 tiếp nối, băng qua cánh đồng lúa bát ngát. Bên tay mặt quốc lộ là ngôi chùa cổ Gò Kén (tên chữ hán là Từ Lâm Tự), nơi khai đạo của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức đạo Cao Đài, ở giữa cánh đồng lúa xanh xanh đó.

Xin trở lại với những đêm hát tại nhà lồng chợ Mít Một. Mỗi khi có gánh hát bội về hát tại nhà lồng chợ Mít Một, chiều chiều, nhân viên của gánh hát ngồi trên một chiếc xe lôi đạp chạy về các làng lân cận, như làng Thái Hiệp Thạnh ở phía bắc, làng Long Thành Nam ở phía Nam, và làng Hiệp Ninh ở xung quanh chợ, vừa rải giấy quãng cáo có in hình nam nữ nghệ sĩ, vừa đánh trống thùng thùng inh ỏi cả làng, cả xóm. Một đám con nít chạy bám theo phía sau xe lôi để xin tờ quãng cáo. Trong đám con nít lăng xăng đó không bao giờ thiếu mặt tôi. Có khi, tôi còn xin phép leo lên xe lôi, ngồi bên cạnh anh nhân viên để phụ đánh trống, khỏ chiêng, phát chương trình giúp anh để “”lấy điểm”” với hi vọng tối nay, anh nhân viên soát vé cho vô “”coi cọp”” thì quá đã! Tờ chương trình buổi hát được in bằng mực đỏ, còn kèm theo ảnh của các nghệ sĩ nữa. Các nghệ sĩ là những “”thần tượng”” của lứa tuổi chúng tôi. Sau khi được tờ chương trình, tôi nâng niu ép vào tập sách, để khoe với bạn bè trong lớp học. Có khi, tờ chương trình còn được dán lên cửa cái, nơi mỗi ngày ra vô thường thấy, hoặc nơi nào đó cạnh bàn học. Tờ chương trình, tuy chỉ là cái giấy quãng cáo tầm thường, một vật bé mọn chẳng đáng giá chi, nhưng đối với tôi thật là quí, vì có in hình các nghệ sĩ, là người mà tôi ngưỡng mộ.

 Dần dần, hát bội phai tàn với sự ra đời của cải lương. Má tôi cũng chuyển hướng sang xem cải lương. Ở Trường Đua còn xuất hiện đờn ca tài tử, ca hát tại nhà trong những đêm thanh, trăng tỏ. Bác ba Lễ ở kế bên nhà tôi, mới vừa sắm được một giàn hát máy “cáu cạnh” hiệu “”con chó thổi kèn””. Thỉnh thoảng, đoàn bán thuốc “”cao đơn hoàn tán”” có kèm theo hát cải lương cũng về xóm Trường Đua trình diễn. Phong trào cải lương lớn mạnh với nhiều gánh hát đều đặn về trình diễn ở thị xã Tây Ninh và các thị trấn quanh vùng. Rạp hát Thanh Sơn được thiết trí sân khấu dành riêng cho cải lương trình diễn. Rạp nằm cạnh chợ cá, bên dòng kinh Tây Ninh hiền hòa, chảy song song với sông Vàm Cỏ Đông.

Đờn ca tài tử.

Trong xóm Trường Đua, các chú, các anh thành lập một ban tài tử, gồm có dượng út Khái, xử dụng đờn kìm, đờn cò, anh tư Pháo, xử dụng đờn guitar, anh Bi hát vọng cổ. Trong đêm trăng sáng lung linh, ban tài tử tụ hội tại nhà ông bà tư ở sau nhà tôi để đờn ca. Ông bà tư không có con, nên nhà vắng vẻ, mà ông bà cũng yêu thích văn nghệ, thích nghe ca vọng cổ. Ông bà nuôi nhiều gà, vịt. Hôm có ban tài tử đến ca hát, ông bà làm thịt con vịt Xiêm mập, nấu nồi cháo vịt lớn. Hương thơm từ nồi cháo vịt ở nhà bếp bay ra thơm lừng. Ban tài tử ngồi quây quần trên một tấm đệm trải trước sân nhà, bên cạnh dàn bầu sai trái. Ông bà tư và cô bác trong xóm thì ngồi trên một tấm đệm khác gần đó. Xung quanh các chú, các anh trong ban tài tử, là nhóm trẻ con học trò của chúng tôi cũng chộn rộn, háo hức chờ đợi. Tiếng đờn trầm bổng, réo rắt, hòa với giọng ca rất “”mùi”” của anh Bi, rót vào tai người mộ điệu bài vọng cổ trữ tình, khiến ai cũng hòa mình vào để thưởng thức bài ca vọng cổ thiệt là “”mùi””. Giọng ca của anh Bi đã chinh phục được trái tim của chị năm Nghề. Đám cưới của anh Bi và chị năm Nghề được tổ chức trọng thể tại nhà chú hai Mẹo sau đó. Thân bằng, quyến thuộc đi dự đám cưới được thưởng thức một buổi ca hát tài tử rất xôm tụ và vui vẻ.

Hát cải lương với giàn hát máy.

Bác ba Lễ có giàn hát máy hiệu “Columbia”, tức “con chó thổi kèn”. Bác có nhiều dĩa hát bội, hát cải lương. Bác ba là bà con của anh rể, chồng chị ba tôi. Thời đó, cả xóm chỉ độc nhất có gia đình bác là có giàn hát máy. Mỗi khi nhà có đám giổ hay tiệc tùng lớn thì bác mới hát, con nít bu lại chật nhà. Tôi là cháu, nên hảnh diện được phụ giúp bác lau bụi dĩa hát, mài kim hoặc lên dây thiều. Giàn máy hát của bác được gắn trong một cái tủ gỗ lớn, đánh vẹc ni bóng loáng. Phía dưới tủ là nơi bác cất giữ dĩa hát. Phía trên cùng là cái đầu máy, hình trón, lớn chừng bằng cái chén ăn cơm, có chỗ gắn kim. Bên dưới đầu máy thông với một cái loa, khuếch đại âm thanh cho lớn tiếng. Bên cạnh đầu máy có nhãn hiệu của máy hát bằng tiếng Anh: Columbia, chế tạo tại Hoa Kỳ, với hình một con chó đang thổi kèn, nên thường gọi nôm na là máy hát hiệu “con chó thổi kèn” là vậy. Khi hát, dĩa hát được đặt trên một cái mâm hình tròn. Khi dây thiều chạy, làm cái mâm tròn quây vòng vòng. Sau khi đặt dĩa lên mâm, dĩa xoay tròn, muốn lau dĩa cho sạch bụi, lấy một cái bàn chải mềm để chải bụi, rồi đặt đầu máy có kim nhọn trên đường rảnh tròn xoay quanh một cái tâm. Có khi đang hát ngon lành, rủi trong nhà hết kim mới thì mấy đứa trẻ xúm lại mài kim cũ đã lụt, tà đầu để xài lại. Cũng có khi gặp dĩa hát cũ, đã hát nhiều lần nên cái rảnh đã mòn, cây kim không chuyển qua rảnh kế được mà cứ chạy trên rảnh đã chạy, khiến máy phát ra âm thanh “cà lăm”, lập đi lập lại tiếng đờn, lời ca cho đến khi nào người điều khiển đẩy đầu máy vào rảnh kế thì giàn hát máy mới hết “cà lăm”. Tôi được bác ba giao cho việc mài kim, lên giây thiều, lau dĩa...  Những dĩa cải lương mà tôi còn nhớ:

·         Tô Ánh Nguyệt là dài nhứt, gồm có 17 dĩa. Hình như cô tư Soạn đóng vai Tô Ánh Nguyệt, Tám Thưa vai Tâm (người tình của Tô Ánh Nguyệt), Út Trà Ôn vai Minh, con trai của Tô Ánh Nguyệt và Tâm.

·         Hoa rơi cửa phật, hay chuyện tình Lan và Điệp. Mỗi khi hát tuồng nầy, tôi còn nhớ câu vọng cổ: “Em Lan ơi! có tội tình chi em phải chịu đọa ơ ơ... đày”. Kép hát xuống câu vọng cổ “ngọt xớt””, khiến cho câu hát nầy rất phổ biến thời đó. Trong sanh hoạt thường nhựt, khi gặp chuyện gì trớ trêu thì câu hát nầy được nhại lại để cho câu chuyện bớt căng thẳng.
·         Nguyệt Thu Nga. Tuồng nầy có vai nữ chánh là Nguyệt Thu Nga, còn có tên nữa là Lệ Dung. Một đoạn trong phần vọng cổ:

vai nam: “Khoan khoan bớ Nguyệt Thu Nga...
vai nữ: ... Vì sao ông biết rõ tên tôi...  quá tỏ tường...
vai nam: Hởi Lệ Dung, có phải em là Nguyệt Thu Nga, cái tên mà 6 năm qua nó đâm bông, nở nhụy trong quả tim ơ... ơ... nầy....”.

 Câu: “Khoan khoan bớ Nguyệt Thu Nga””thường được dùng để chọc ghẹo cô nào đó ngưng tay khi đang nổi giận.

·         Nguyễn Thái Học. Tuồng nầy hình như có kép mùi Minh Chí, kép Việt Hùng, cô đào Bạch Huệ đóng vai cô Giang thì phải? Tôi không nhớ rõ, nhưng xin ghi nhận kép mùi Minh Chí có giọng ca rất ấm và cao, rất “mùi”.

·         Sầu vương biên ải: 20 câu vọng cổ, do Út Trà Ôn ca.  Đặc biệt trong thời gian nầy, vọng cổ có 20 câu, chứ không phải 6 câu như bây giờ. Bản vọng cổ “sầu vương biên ải” rất nỗi tiếng, với giọng ca mùi của đệ nhứt danh ca Út Trà Ôn, bằng những lời nói lối và “vô vọng cổ”” như sau:

 Nói lối: Than ôi, nhìn trời hiu quạnh, rừng đêm sương gió lạnh, hướng quê nhà lòng thêm chạnh tủi niềm riêng...

Vô vọng cổ: Em ôi! xa xôi xin em giữ vẹn hương... nguyền”.

Đoàn hát bán cao đơn hoàn tán”

Xóm Trường Đua thỉnh thoảng có đoàn hát đến quảng cáo và bán thuốc của nhà thuốc Đại Từ Bi, hoặc Đào Nguyên. Các đoàn nầy, ngoài phần chánh là quảng cáo và bán thuốc, đoàn còn diễn vài trích đoạn trong các tuồng cải lương, như Lâm Sanh  - Xuân Nương, Lục Vân Tiên... Đoàn tụ tập khán giả bằng cách cho xe lôi chạy vòng vòng trong xóm lúc chiều để thông báo: Tối nay, đoàn sẽ bán thuốc tại sân đá banh  “Cây Xay’, ngay phía sau vòng rào của Phạm Nghiệp. Đoàn sẽ hát cải lương để đồng bào xem chơi. Đến tối, đoàn bày trên cái bàn nhỏ các loại thuốc “cao đơn hoàn tán”” trị bệnh đau lưng, nhức mỏi, đau đầu, nhức răng, dưỡng thai... dưới ánh đèn khí đá chập chờn. Nếu đoàn nào khá thì có đèn “măng -  sông” sáng rực cả một góc sân banh. Xung quanh đoàn là các cô bác, trẻ con trong xóm. Ai có chuẩn bị thì đem theo cái ghế một, ngồi vắt chơn chữ ngũ thoải mái, còn người nào không có ghế thì ngồi chồm hổm ngay trên sân cỏ. Có phụ nữ ẩm con nhỏ đi theo, thản nhiên vạch vú cho con bú. Hôm nào bán thuốc không khá, ông trưởng đoàn bày ra cảnh Xuân Nương dẫn mẹ chồng đi vòng vòng xung quanh khán giả xin tiền “bố thí”. Xuân Nương vừa dắt mẹ chồng, vừa hát vọng cổ. Bà con khán giả động lòng từ bi, không mua thuốc, nhưng rộng tay bố thí cho kẻ “cơ hàn”” như mẹ con Xuân Nương. Tình cảm nồng hậu của khán giả dành cho đào kép nghèo, sống trong cảnh “gạo chợ, nước sông” một cách chơn tình và sâu đậm.

Đoàn hát nhỏ, sống kiếp “tằm phải trả nợ tơ” trong cuộc đời “gạo chợ, nước sông”” ghi đậm trong ký ức tôi, là đoàn Mộng Vân khi về hát lâu dài tại nhà lồng chợ Mít Một. Đoàn Mộng Vân có nhiều đào kép với tên tuổi khá nỗi tiếng (hình như có chị em cô đào Hoài Dung, Hoài Mỹ?), hát nhiều vở tuồng chiến tranh với nhiều “xảo thuật”” tân kỳ vào thời đó. Đoàn đã “bám trụ” khá lâu tại chợ Mít Một. Tôi không nhớ tên các vở tuồng, kể cả tên của đào kép. Lúc đó, tôi đang học trường Lê Văn Trung. Mỗi ngày tôi thường cởi xe đạp đi qua chợ Mít Một. Mỗi chiều, đoàn đều có rải giấy quảng cáo trước cửa nhà tôi. Khi thấy chiếc xe lôi đạp có chở nhân viên quãng cáo đánh trống thùng thùng với đoàn con nít chạy bu phía sau, thì tối đó, thế nào tôi cũng lén lên chợ xem cải lương. Điều còn nhớ là năm đó (1956-1957), tôi đang học lớp tiếp liên, là lớp bận rộn để luyện thi vào đệ thất trường trung học công lập Tây Ninh.

Trong thời gian nầy, thị xã Tây Ninh chưa có rạp cải lương lớn, với sân khấu đàng hoàng cho ngành cải lương trình diễn. Các đoàn cải lương nhỏ thường lưu diễn ở nhà lồng chợ, như chợ Thương Binh (gần Tòa Thánh), chợ Mít Một... Có một rạp hát nhỏ của thầy giáo Nguyễn Văn Hảo, gần Bộng Dầu... Đây là rạp chiếu bóng, nhưng thỉnh thoảng có hát cải lương. Tại thị xã Tây Ninh có rạp chiếu bóng Lạc Thanh nằm trên khoảng cuối đường Gia Long, gần ngả ba tẻ về Trảng Lớn, (đường đi lên Thành Mới), ngả kia đi về Cao Xá. Ở phía đối diện rạp Lạc Thanh là bến xe đò Tây Ninh - Sài Gòn, với các hảng xe đò nỗi tiếng và quen thuộc của người Tây Ninh, như Tân Nguyên Thành, Tân Hưng...

Từ năm 1956, Tây Ninh mới có rạp hát cải lương Thanh Sơn, rạp dành riêng cho ngành sân khấu cải lương. Rạp hát Thanh Sơn ở cạnh chợ mới, một phía với chợ cá. Chợ cá được cất chồm  ra trên bờ kinh Tây Ninh. Muốn đi xem cải lương ở rạp Thanh Sơn, khán giả từ các làng lân cận thường đi xe lôi gắn máy. Xe lôi được kéo bằng xe gắn máy (hiệu Follis) rất mạnh, có thể chở được 5 - 7 người. Xe lôi xuôi dốc tòa Hành Chánh, vượt qua Cầu Quan, băng qua đường Gia Long, chạy đến cuối đường rồi quẹo trái trước rạp Lạc Thanh, vòng qua chợ mới đến mé kinh thì tới rạp Thanh Sơn. Các “đại bang” cải lương như Hoa Sen, Thanh Minh, Thủ Đô, Dạ Lý Hương... đều có  trình diễn nơi rạp nầy.

Các đoàn cải lương lớn thì có cách quảng cáo hiệu quả và hấp dẫn hơn các đoàn nhỏ rất nhiều. Đoàn dùng một chiếc xe cam - nhông- nết, có gắn loa phóng thanh phát ra các bài vọng cổ nỗi tiếng và “mùi”” tận mạng. Âm thanh của loa vang vọng tới tận cùng của miền ruộng rẩy, cách xa mấy cây số vẫn nghe rõ mồn một. Bên hông xe lại treo tranh sơn thủy, màu sắc rực rỡ với hàng chữ quảng cáo tuồng đang trình diễn. Đoàn cũng phân phát các tờ quãng cáo có sơ lược cốt chuyện và hình của nghệ sĩ cải lương in nhiều màu rất đẹp.

Mỗi khi đoàn cải lương lớn về hát ở rạp Thanh Sơn, má tôi và các bác cùng xóm đã rủ nhau mua vé từ sáng sớm. Dượng hai chạy xe lôi gắn máy lảnh phần mua vé và đưa rước đoàn. Khoảng chạng vạng tối, sau khi ăn cơm chiều xong, má tôi cùng với thiếm hai Gần, dì tám, bác bảy Lục, bác ba Mành đã còm-măng xe lôi của dượng hai từ trước, để đưa rước đoàn người đi coi cải lương. Các bác rất say mê cải lương. Má tôi và các bác không quên chuẩn bị trầu, cau, thuốc xỉa và một cái lon sữa bò làm ống nhổ. Tội nghiệp, các bác rất thích cải lương, nên không có đoàn hát nào về hát ở rạp Thanh Sơn mà các bác không đi coi. Thương nhứt là bác bảy Lục, ban ngày bác ra ruộng làm việc vất vả, đến tối thì bác mệt đừ, hai cặp mắt nhướn hết lên, nên coi hát được một lúc thì bác ngủ thiếp đi cho đến khi vãn hát. Các bác bên cạnh đánh thức bác dậy để lên xe lôi đi về nhà. Sáng sớm hôm sau bác lại ra đồng làm việc tiếp tục. Tuy nhiên, bác cũng không quên căn dặn, đêm cải lương tối nay, nhớ mua vé cho bác để bác cùng đi. Đêm nào má tôi và các bác rủ nhau đi coi cải lương, bác bảy Lục cũng háo hức tham gia, mà đêm nào bác cũng chìm vào giấc ngủ mệt nhoài, miệng thì vẫn ngậm miếng trầu, nước dải đỏ lòm thấm hai bên mép. Bác không biết trên sân khấu, đào kép thượng thặng đang đem hết tài năng để trình diễn vở tuồng cải lương “tình cảm, xã hội” gay cấn, hồi hộp, mà hồn bác đang bay bỗng vào chốn nào đó với cõi đam mê một ngành sân khấu thân quen mà sanh hoạt đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn của người “Nam Kỳ Lục Tỉnh”. Sự say mê cải lương đã gắn chặt tâm hồn bác với các buổi xem hát, dù ngủ gục, nhưng bác không bao giờ vắng mặt trong bất kỳ đêm cải lương nào mà má tôi và các bác khác tham dự ở rạp Thanh Sơn.

Trong khoảng thời gian từ 1968 - 1975, sau khi tốt nghiệp ban Đốc Sự tại học viện Quốc Gia Hành Chánh, tôi được bổ về làm việc tại Tối Cao Pháp Viện, má tôi rời Tây Ninh, xuống Sài Gòn sống chung với anh em chúng tôi. Từ đấy, má tôi có thể đi coi cải lương ở rạp hát Hưng Đạo, đường Trần Hưng Đạo, gần bến xe đò miền Đông. Từ nhà tôi đến rạp hát cũng không xa mấy. Vả lại, lúc nầy, tôi có thể đưa má tôi đi xem hát bằng xe hơi thoải mái, chứ không phải ngồi xe lôi máy, vừa dằn và vừa bị mưa gió ướt át như những ngày ở Tây Ninh . Tuy nhiên, má tôi đi xem vài lần, nhưng bà cũng không còn thấy thích thú nữa. Có lẽ, cái thú được chia xẻ với các người bạn những miếng trầu, những câu chuyện mộc mạc của đồng áng nay không còn nữa. Má tôi đã mất cái hứng thú hồn nhiên đó. Má tôi mất đi những kỷ niệm trân quý, những tình cảm thân thiết mà má tôi đã cùng chia sẻ với những người bạn của thuở cơ hàn.
cố NS Thanh Nga


Nhân đây, tôi cũng xin phép được dành đôi dòng để tưởng niệm cố nữ nghệ sĩ tài danh Thanh Nga và thân mẫu, là bà Nguyễn Thị Thơ, đã đóng góp lớn lao cho nền sân khấu cải lương Việt Nam. Cái chết của cố nữ nghệ sĩ Thanh Nga là một thiệt thòi lớn cho sanh hoạt sân khấu cải lương, đồng thời cũng là một mất mát lớn cho khán giả đã say mê giọng ca truyền cảm, sự trình diễn tuyệt vời của cô trên sân khấu “đại bang” Thanh Minh Thanh Nga”. Bài hồi ký nầy không thể không ghi nhận sự hảnh diện của người Tây Ninh về một quê nghèo, nhưng cũng là nơi sanh quán của nữ danh ca tài sắc vẹn toàn Thanh Nga, đã là ngôi sao sáng rực rỡ trên sân khấu cải lương Thanh Minh Thanh Nga, mà giám đốc là bà Nguyễn Thị Thơ, thường được giới báo chí và người bình dân gọi là bà bầu Thơ, cũng là một đồng hương Tây Ninh./

1 nhận xét:

  1. Nhớ lắm các nơi mà tác giã nhắc đến trong bài : Mít một,Ao Hồ,Giếng Mạch,Trường Đua,cửa số 7....Tây Ninh,những ngày xưa thân ái

    Trả lờiXóa

NHẠT NHÒA -Thơ Thái Huy và Thơ Họa (14 Bài )

  NHẠT NHÒA Ngó kìa cánh tuyết lửng lơ rơi Phủ ngập không gian cả đất trời Hơi gió lùa vô làm tái lạnh Nỗi buồn ập tới khiến chơi vơi Đang c...