Ý NGHĨA CỦA VIỆC THỜ CÚNG
Thờ cúng là một đạo lý truyền thống của dân tộc ta có từ ngàn xưa, khi
con người ý niệm được bổn phận. Con người có giòng họ, tông môn thì
phải có bàn thờ Tổ Tiên. Con người có giống nòi, chủng tộc thì phải có
bàn thờ Tổ Quốc. Tín đồ có tín ngưỡng tôn giáo thì phải có bàn thờ đức
Giáo Chủ của mình.
Chúng ta thờ Tổ Tiên là để tri ân và báo ân các bậc cha ông đã dầy
công sanh trưởng cuộc đời mình. Họ đã góp phần không nhỏ trong việc
kiến tạo xã hội và giòng họ. Chúng ta thờ Tổ Quốc là để ghi ân và noi
gương các bậc anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh cho sự sống còn của giống
nòi. Chúng ta thờ Đức Phật, Đức Chúa… là để quy ngưỡng hướng về các
bậc đã giác ngộ, dẫn dắt chúng ta và chúng sanh vững vàng đi trên con
đường thánh thiện.
Chúng ta thờ tự bằng cách nào đi chăng nữa cũng phải nói lên được giá
trị thiêng liêng nơi thờ. Chúng ta có thể đặt bàn thờ bất cứ nơi nào
trong nhà, nhưng với điều kiện vị trí chỗ thờ phải được thanh tịnh và
bàn thờ phải được thiết trí trang nghiêm, có thể gợi lên cho con cháu
một ấn tượng tôn kính mỗi khi chiêm ngưỡng. Chỉ cần có một bàn thờ đơn
giản, được thiết trí trang nghiêm, thanh tịnh và được con cháu tới lui
thăm viếng mỗi ngày cũng đủ nói lên bổn phận làm người và giá trị nơi
thờ. Chúng ta hằng ngày phải có nhiệm vụ chăm sóc bàn thờ cũng như
chăm sóc phòng khách, và coi trọng bàn thờ như trọng bản thân, đừng tỏ
thái độ khinh thường nơi thờ tự và mỗi khi chiêm bái.
Trên bàn thờ không thể không đốt hương, đốt đèn, cắm hoa tươi ... đó
là những vật thể biểu tượng ý sống và nghĩa sống, làm tăng thêm sự uy
nghiêm, tôn kính, linh động đối với chư Phật, chư Tổ, Thánh Hiền hoặc
đối với Tổ Tiên Ông Bà qua sự linh ứng biểu trưng này. Hoa giấy và đèn
điện chỉ có giá trị trang trí bàn thờ cho thêm sắc sảo, chứ không nói
lên được ý sống và nghĩa sống của một vật thể, không thể hiện sự biến
thiên liên tục.
CÁCH BÀI TRÍ, SẮP ĐẶT BÀN THỜ
Theo truyền thống của người Việt thì gia đình nào cũng có bàn thờ để
thờ cúng tổ tiên, ông bà. Bàn thờ là nơi thể hiện lòng thành kính của
con cháu đối với tổ tiên nên bàn thờ thường được lập ở chính giữa gian
giữa ngôi nhà. Bàn thờ nhất thiết luôn ở vị trí trang trọng, có độ cao
thích hợp để khi cúng mọi người tỏ được sự ngưỡng vọng thành kính của
mình với tổ tiên.
Bàn thờ nên quay ra hướng cửa chính, không nên ngược với hướng nhà có
thể gây âm dương tương phản, dễ gây bất trắc, nô bộc phản bội hoặc con
cái không hiếu thuận, tài vận và gia vận bị ảnh hưởng.
Bàn thờ gia tiên tốt nhất nên đặt ở tầng một, gian chính giữa nhà,
quay ra cửa lớn để khi mở cửa bước vào là có thể nhìn thấy gia tiên,
tiện bề chăm sóc.
Bàn thờ phải có chỗ dựa lưng, sát vách tường để linh khí được hội tụ
không bị tản mát. Về mặt tâm linh, rất kỵ việc kê ban thờ bằng vách
tường của nhà vệ sinh, không kê giường ngủ đối diện với bàn thờ. Thờ
cúng tế tự là việc linh thiêng, tinh khiết, phải được bài trí ở nơi
cách biệt và thanh cao trong nhà, nếu đặt gần nơi nhiều xú uế, sẽ ảnh
hưởng đến sự tôn nghiêm.
Ban thờ có thờ chung các Thần với tổ tiên thì tượng Thần đặt ở bên
trái, bài vị Tổ Tiên đặt ở bên phải, không được đặt cao hơn của Thần,
Phật. Nếu đặt ngược lại sẽ gây âm thịnh, dương suy không tốt cho phong
thủy trong nhà, dễ gặp thị phi kiện tụng, bệnh tật không dứt.
Bình hương thờ Thần, Phật nên cao hơn bình hương thờ Tổ Tiên. Đặt bình
hương cao ngang tầm mắt trở lên thì tốt. Bình hương nên dùng hình tròn
không có chân đế, chất liệu bằng sứ là tốt nhất. Thường xuyên rút bớt
chân hương, giữ bình hương cho sạch sẽ. Khi đốt hương nên đốt một nén
hương rồi niệm nguyện, nếu có điều khấn nguyện, cầu xin thì đốt 3 nén
hương cho bàn thờ Thần, Phật; 4 nén hương cho bàn thờ Tổ Tiên, 5 nén
hương cho bàn thờ Thần Tài-Thổ Địa.
Ban thờ cần có một đôi đèn nến đặt hai bên. Ngày nay đèn nến chỉ được
dùng khi cúng giỗ, còn bình thường được thay bằng đèn điện.
Vật phẩm thờ cúng Thần, Phật chỉ được dùng hoa (hoa huệ hay hoa vạn
thọ), quả (cúng ngũ quả thì tốt), đồ chay và số lượng phải là số lẻ.
Nếu cúng Tổ tiên thì số lượng phải là số chẵn. Việc bày mâm ngũ quả
dựa theo nhiều thuyết, theo thuyết nhà Phật thì Phật đã dạy cho đức
Mục Kiền Liên cách cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, có nói đến việc bày mâm
ngũ quả dưới hình thức "trái cây năm màu" để cúng dường chư Tăng, mà
theo quan niệm nhà Phật trái cây 5 màu tượng trưng cho ngũ căn: tín,
tấn, niệm, định và huệ (mận, hạnh, đào, táo, lý hay điều). Theo thuyết
ngũ hành là gồm Kim (màu cam), Thủy (màu xanh lam), Mộc (màu xanh
lục), Hỏa (màu đỏ), Thổ (màu vàng), thì ngũ quả gồm 5 loại quả có các
màu khác nhau tượng trưng cho ngũ phúc là Phú nghĩa là giàu có mang
màu vàng, Quý nghĩa là sang trọng mang màu đỏ), Thọ nghĩa là sống lâu
mang màu xanh lục, Khang nghĩa là khỏe mạnh mang màu xanh lam, Ninh
nghĩa là bình yên mang màu cam. Ngày nay ở miền bắc VN có những trái
cây được dùng để bày mâm ngũ quả như Lê, Lựu, Đào, Phật thủ, Táo (táo
tây, táo ta, táo tàu), Hồng, Bưởi, chuối, Mãng cầu, Lê ki ma, Cam,
Quýt. Ở miền nam VN có Dưa hấu, Sung, Đu đủ, Xoài, Mãng cầu Xiêm, Dứa,
Nho, Hồng xiêm, Thanh long, Dừa. Tuy nhiên nhất thiết một mâm ngũ quả
không thể thiếu 2 trái dừa.
Mọi cúng lễ đều có quy cách, cách thức cúng tế đã được quy định trong
nghi lễ. Người kế thừa trong sự cúng bái nếu như thiếu nghi lễ, quy
cách chính là thiếu cung cách trong việc cúng tế, tức là đã phạm lỗi
với các bậc đáng tôn kính.
Cúng Tổ Tiên, ông bà
Trên bàn thờ Tổ Tiên phải có 1 bình hương, 4 chung nước. Ngày mùng 01
và 15 âm lịch mỗi tháng nên có thêm 1 bình hoa tươi (hoa huệ trắng
hoặc vạn thọ), 1 dĩa trái cây (nếu được). Mỗi buổi tối trước 12 giờ
đêm hoặc lúc 6 giờ đến 7 giờ tối thì tốt nhất, hoặc sáng sớm từ 4 giờ
đến 5 giờ, đốt 4 hoặc 1 nén nhang trên bàn thờ Tổ Tiên.
Các ngày tết Nguyên Đán thì cúng một mâm cơm (cơm chay thì tốt) có 4
chén cơm, 4 đôi đũa, 1 bình hoa tươi (hoa huệ trắng hoặc vạn thọ), 1
dĩa tứ quả (4 loại quả). Nên đặt thêm hương án giữa nhà gồm bình hoa
tươi, trái cây, 5 chung nước hoặc thêm mâm cơm chay có 5 chén cơm, 5
đôi đũa, đốt 3 nén nhang để cúng Thổ Thần thì tốt.
Khi đốt hương thì khấn cúng Tổ Tiên như sau: Nam mô Cửu Huyền Thất Tổ,
Nội Tổ Ngoại Tổ tương tề tứ bên, bảy đời chín kiếp đáo lai độ hộ, xoay
chuyển, chứng minh cho con cháu tên là… sinh ngày, tháng, năm (âm
lịch), cư ngụ tại (địa chỉ), được… (cầu cho ai thì đọc tên, ngày,
tháng, năm sinh âm lịch, địa chỉ của người đó. Sau cùng vái hoặc lạy 4
lạy). Những ngày Tết Nguyên Đán cúng Tổ Tiên như trên là đủ, không cần
thiết phải làm lễ cúng đưa hoặc rước Tổ Tiên, ông bà.
Để tưởng nhớ người đã mất, ta thường làm lễ giỗ. Trước ngày lễ giỗ một
ngày, ta cúng lễ ông bà tổ tiên và người đã khuất gồm hoa, trái cây,
nước. Đến ngày giỗ chính cúng thêm mâm cơm (chay) như trên. Khi đốt
hương, khấn như sau: Nam mô Cửu Huyền Thất Tổ, Nội Tổ Ngoại Tổ tương
tề tứ bên, bảy đời chín kiếp đáo lai độ hộ cho (tên, ngày, tháng, năm
sinh và ngày, tháng, năm mất của người đã mất) về hưởng lễ, dùng bữa
cơm với (con, cháu).
Cúng Thần Tài, Thổ Địa (Thổ Thần)
Trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa luôn có 5 chung nước, 5 điếu thuốc lá
(nếu được) không đốt thỉnh thoảng thay một lần. Ngày mùng 05 và 10 âm
lịch mỗi tháng nên có thêm bình hoa tươi để cúng. Mỗi ngày khấn, đốt 3
hoặc 1 nén nhang trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa.
Vào ngày mùng 05 hoặc mùng 10 âm lịch mỗi tháng làm lễ cúng Thần Tài,
Thổ Địa, cứ cách một tháng cúng chay rồi một tháng cúng mặn. Cúng chay
gồm hoa tươi, trái cây, 1 dĩa bánh, 5 chung nước. Đốt 5 nén nhang cắm
thành hàng ngang trên bàn thờ Thần tài, Thổ địa và khấn. Nếu cúng chay
cho cả hai ngày mùng 05 hoặc mùng 10 âm lịch thì đều tốt. Cúng mặn gồm
hoa tươi, 5 chung rượu, 5 bộ tam xên, mỗi bộ tam xên gồm 1 con tôm
hoặc cua luộc, 1 miếng thịt luộc, 1 trứng gà luộc. Đốt 5 nén nhang cắm
thành hàng ngang trên bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa và khấn. Cúng mặn chỉ
cần cúng một ngày vào mùng 10 âm lịch là đủ.
Khi đốt hương cúng Thần Tài, Thổ Địa ta khấn như sau: Trước đất đai,
dương trạch, và chư vị Thần Tài, Thổ Địa, con tên là… sinh ngày,
tháng, năm (âm lịch), cư ngụ tại (địa chỉ), hôm nay ngày, tháng, năm
(âm lịch) xin cho con được… (khấn xong vái hoặc lạy 3 lần).
Khi hữu sự (giỗ chạp, tân gia, khai trương,…), nếu trong nhà không có
đặt bàn thờ Thần Tài, Thổ Địa, mà muốn cúng Thổ Thần, ta đặt hương án
giữa nhà gồm bình hoa tươi, dĩa trái cây, 5 chung nước hoặc thêm mâm
cơm chay có 5 chén cơm, 5 đôi đũa, đốt 3 nén nhang để cúng.
Cúng đưa và đón Ông Táo
Theo nghi lễ hàng năm vào ngày 23 tháng chạp, người Việt thường làm lễ
đưa Ông Táo về trời, ngày 30 tháng chạp lại làm lễ đón Ông Táo về nhà.
Giờ ngày đón Ông Táo phải cùng với giờ ngày đưa Ông Táo. Lễ vật làm lễ
đưa và đón Ông Táo giống nhau gồm 01 mâm cơm canh mặn trong đó có đầy
đủ các món ăn chính trong năm của gia đình thì tốt, 1 bộ tam xên, 1
dĩa trầu cau, 1 dĩa trái cây, 1 dĩa bánh ngọt, 1 bình hoa tươi, 3
chung nước, đốt 3 nén nhang. Cúng đưa Ông Táo không nhất thiết phải
thả cá chép.
Khi đốt hương cúng đưa Ông Táo ta khấn như sau: Con tên là… sinh ngày,
tháng, năm (âm lịch), cư ngụ tại…, hôm nay ngày 23, tháng Chạp, năm
(âm lịch), xin 30 vị Thần Táo cả năm trong gia sự độ hộ, về trên trình
tấu Ngọc Hoàng Thượng Đế xin cho con được… (khấn xong vái hoặc lạy 3
lần).
Khi đốt hương cúng đón Ông Táo ta khấn như sau: Con tên… sinh ngày,
tháng, năm (âm lịch), cư ngụ tại (địa chỉ), hôm nay ngày 30, tháng
Chạp, năm (âm lịch) xin rước 30 vị Thần Táo cả năm trong gia sự đáo
lai độ hộ, đã về trình tấu Ngọc Hoàng Thượng Đế xin cho con được…
(khấn xong vái hoặc lạy 3 lần).
Ngoài việc cúng đưa và đón Ông Táo ngày 23 và 30 tháng Chạp, trong bếp
mỗi gia đình nên lập một bàn thờ cúng Ông Táo (có tượng ảnh, 3 chung
nước, bình hoa tươi, trái cây) đặt một bên phía trên bếp lò nấu nướng,
mỗi ngày đốt trên bàn thờ 1 nén nhang.
Cúng Giao Thừa
Bày hương án ngoài trời cúng giao thừa lúc o giờ (giờ giao thừa), gồm:
- 01 mâm ngũ quả (có 4 loại trái cây đặt trong dĩa và 02 trái dừa để hai bên),
- 01 bình bông vạn thọ (hay bông huệ trắng),
- 01 dĩa trầu cau,
- 01 dĩa lương thực khô (gạo, muối),
- 03 chung nước,
- 24 ngọn đèn cầy (đốt cắm xung quanh bàn hương án, đốt cho đến khi
nhang cháy hết, không được để tắt),
- Đốt 05 nén nhang,
Khấn cúng giao thừa: Nay con là (tên chủ gia sự), sinh ngày, tháng,
năm (âm lịch), cư ngụ tại (địa chỉ), hôm nay ngày, tháng, năm (âm
lịch) xin nguyện Hoàng Thiên, Hậu Thổ cùng mười phương Chư Phật về độ
hộ, xoay chuyển, chứng minh cho gia sự con tại (địa chỉ), gồm: (tên
của những người trong gia sự), được… (đọc tên người nào, thì cầu xin
cho người ấy, vái hoặc lạy 3 lần).
Bày thêm một mâm lễ đặt dưới đất ngoài trời để cúng vong (hay còn gọi
là cúng cô hồn) và cúng đất đai, dương trạch (cúng cùng với lễ cúng
giao thừa) gồm:
- 01 dĩa bánh ngọt (nhiều loại bánh, nhiều màu sắc).
- 12 điếu thuốc lá được đốt, cắm xung quanh dĩa bánh,
- 01 dĩa lương thực khô (gạo, muối),
- 01 chung nước lớn,
- 01 bình hoa tươi,
- 01 cặp cá lóc nướng (để cúng đất đai, dương trạch),
- Đốt 03 nén nhang.
Khấn cúng vong và đất đai, dương trạch: Tôi tên là (tên chủ gia sự),
sinh ngày, tháng năm âm lịch), cư ngụ tại (địa chỉ), hôm nay ngày,
tháng, năm (âm lịch) trước đất đai, dương trạch, cầu nguyện ông bà chủ
đất, cùng âm binh, chiến sĩ, cô hồn, các đảng, người khuất mày khuất
mặt, người chết oan chết ức, người chết rừng sâu núi xa, nếu có về phổ
độ cho gia sự của tôi tại (địa chỉ).
Cúng động thổ là lễ cúng trước khi xây cất nhà mới: Bày hương án gồm
01 dĩa ngũ quả (có 4 loại trái cây đặt trong dĩa và 02 trái dừa để hai
bên), dĩa trầu cau, 01 bình hoa tươi (huệ trắng hay vạn thọ). Dưới đất
bày thêm 05 bộ tam sên, 01 cặp cá lóc nướng, 01 dĩa lương thực khô
(gạo, muối), 03 điếu thuốc lá (thuốc lá vấn tay càng to càng tốt), 03
chung nước, đốt 03 nén nhang, khấn cúng như trên (vái hoặc lạy 3 lần).
Cúng vong hay cúng cô hồn vào ngày mùng 02 và 16 âm lịch mỗi tháng,
thường được cúng vào buổi chiều. Những người làm ăn buôn bán có thể
cúng vong với các lễ vật như phần cúng vong trong lễ Giao Thừa, nhưng
không có cá lóc nướng, có thể thêm nhiều chén cháo trắng nhỏ (càng
nhiều càng tốt), khấn cúng như phần trên.
Cúng rằm tháng bảy
Cúng rằm tháng bảy hay còn gọi là cúng Tết Trung Nguyên, cúng Vu Lan
báo hiếu; tại nhà thường có 4 lễ: cúng Phật, cúng Thần linh (Thần Tài,
Thổ Địa, Táo Quân), cúng Gia Tiên, và cúng thí thực cô hồn (cúng vong)
để hồi hướng công đức cho những người thân trong quá khứ được siêu
sinh. Lễ vật cúng Phật đơn giản nhất là 01 mâm ngũ quả rồi để thụ lộc
tại nhà. Khi cúng, tốt nhất là đọc một khoá Kinh Vu Lan. Lễ vật cúng
Thần linh, cúng Gia Tiên, và cúng vong như trên đã nói.
(Hoàng Nam Sơn.
Hoa Huỳnh chuyển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét