Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2019

5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ

VCCorp.vn

Trong những ngày của tháng 7/2019 này, báo chí phương Tây nói khá nhiều về sự kiện Mỹ thực hiện thành công sứ mệnh Apollo 11 cách đây tròn 5 thập kỷ.
Ngày 20 /7/1969, người Mỹ gây chấn động thế giới và làm nên lịch sử vĩ đại bằng chiến công hiển hách nhất mọi thời đại: Đặt những bước chân đầu tiên của con người lên Mặt Trăng.
Ba phi hành gia Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins trên phi thuyền Apollo 11 được ví như những người hùng vũ trụ. Câu nói của nhà du hành vũ trụ Neil Armstrong "Đây là bước chân nhỏ bé của con người, nhưng là bước tiến khổng lồ của nhân loại" khi anh đặt những dấu ấn đầu tiên của con người lên một thiên thể đầy lạ lẫm, đã thể hiện sức mạnh công nghệ cùng quyết tâm cao độ của con người trong hành trình từng bước thực hiện "định mệnh to lớn" của mình trong thế giới vũ trụ bí ẩn nhưng đầy hấp dẫn.
Báo chí, công chúng Mỹ nói riêng và thế giới nói chung đã dành rất nhiều tình cảm cho sứ mệnh mà NASA đã tốn rất nhiều công sức và chất xám để hoàn thành sau lời hiệu triệu của Tổng thống John F. Kennedy năm 1961, đó cũng là năm người Liên Xô lần đầu tiên đưa người bay ra ngoài vũ trụ:
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 1.
2019 đánh dấu thời điểm tròn 5 thập kỷ kể từ ngày sứ mệnh Mặt Trăng Apollo 11 hoàn thành, thành tựu vũ trụ vĩ đại chắc chắn sẽ còn được nhớ mãi về sau. "Dù 500 năm nữa có trôi qua, thì những người của thời tương lai đó vẫn công nhận cuộc đổ bộ lên Mặt Trăng năm 1969 là chiến công hiển hách nhất mọi thời đại!" - Walter Cronkite, nhà báo kỳ cựu Mỹ, người được công chúng tôn vinh là "Nhân vật đáng tin cậy nhất nước Mỹ" đã nói như vậy.
Thực vậy, đài BBC của Anh, kênh National Geographic của Mỹ... đều có những bài viết dày công cùng những thước phim tài liệu cực kỳ quý hiếm để tôn vinh Apollo 11 Mission.
Trên trang nhất của National Geographic Magazine, bài viết "50 years after Apollo 11, a new moon race is on" (đã được chúng tôi chuyển dịch - đọc tại đây) luôn nằm ở vị trí top của trang trong rất nhiều ngày qua. 
BBC từ hai tháng trước không chỉ đăng tải bài viết "Apollo Moon landing: The 13 minutes that defined a century" (đọc tại đây) mà còn thực hiện những thước phim tài liệu quý nói về những giây phút nghẹt thở mà phi hành đoàn đổ bộ xuống một thế giới chưa từng có bước chân của con người.
Kênh History Channel của Mỹ cũng không ngoại lệ. Dựa trên những dữ liệu của NASA, History Channel đã đăng tải bài viết "5 Terrifying Moments During the Apollo 11 Moon Landing Mission" (Tạm dịch: 5 khoảnh khắc kinh hoàng trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của Apollo 11), mời độc giả theo dõi.
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 2.
Các nhà du hành vũ trụ Mỹ trong sứ mệnh Apollo 11 năm 1969. Ảnh gốc: NASA
Sau 76 giờ bay trên quãng đường hơn 380.000 km, phi thuyền Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng. Hai phi hành gia Neil Armstrong và Buzz Aldrin bước vào mô-đun Mặt Trăng mang mật danh "Đại bàng", tách khỏi mô-đun Điều khiển do phi hành gia Michael Collins điều khiến, chuẩn bị cho việc tiếp đất.
Sau 13 phút hạ cánh nghẹt thở, bụi Mặt Trăng bên dưới khu vực Biển Tĩnh Lặng (Sea of Tranquility) bốc lên mù mịt. Đó cũng là lúc phi hành gia chỉ huy Neil Armstrong điện đàm về Trái Đất thông báo: "Houston, Đại bàng hạ cánh thành công"
Hàng trăm người tại sở chỉ huy mặt đất Mission Control tại bang Houston (Mỹ) thở phào nhẹ nhõm: "Nghe rõ... Xác nhận Đại bàng đã hạ cánh. Cảm ơn trời!" - Liên lạc viên Charles Duke vui mừng đến mức nói lắp khi xác nhận điện đàm của phi hành gia đầu tiên trong lịch sử đổ bộ thành công xuống Mặt Trăng.
Đó là ngày 20 /7/1969 lịch sử.
Ít ai biết rằng, để có được những khoảnh khắc đáng nhớ đó, phi hành đoàn Apollo 11 đã phải trải qua những giây phút thực sự kinh hoàng, nghẹt thở. Sứ mệnh ấy khó khăn tới nỗi, tổng thống Mỹ đương thời đã được chuẩn bị một bài điếu văn nếu như Apollo 11 thất bại và các anh vĩnh viễn bỏ mạng chốn xa nhà...
Sau đây 5 khoảnh khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng của Apollo 11: 
01. Sự cố khi hạ cánh
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 3.
Mô-đun Mặt Trăng nhìn từ mô-đun chỉ huy trước khi đổ bộ bề mặt Mặt Trăng. Nguồn: NASA
Sau khi Apollo 11 tiến vào quỹ đạo Mặt Trăng, Đại bàng bắt đầu quá trình đổ bộ Mặt Trăng thì Neil Armstrong và Buzz Aldrin không hay biết rằng kế hoạch hạ cánh xuống Mặt Trăng đã bị hoàn cảnh khách quan thay đổi. 
9 phút trước khi chạm mặt đất, Neil Armstrong và Buzz Aldrin đối mặt với tình trạng báo động: Mô-đun hạ cánh đang đốt nhiều nhiên liệu hơn so với tính toán, do hệ thống lái tự động Apollo Guidance Computer (AGC - Máy tính Điều hướng Apollo) của Đại bàng đang quá tải bởi tốc độ hạ cánh của mô-đun quá nhanh so với kế hoạch.
Không những thế, hệ thống máy tính trên mô-đun hạ cánh còn hiện lên chuỗi số báo lỗi kỳ lạ: 1202. Quá trình liên lạc báo lỗi với trung tâm chỉ huy mặt đất cũng bị gián đoạn liên tục. Sở chỉ huy mặt đất cùng bộ phận kiểm soát sứ mệnh bay, sau khi nhận được liên lạc ngắt quãng của chỉ huy Neil Armstrong về chuỗi số, họ cũng không hiều chuyện gì đang xảy ra.
Cuối cùng, với kinh nghiệm và bản lĩnh của một người lính phi công kỳ cựu, từng bay hơn 200 loại máy bay khác nhau, Neil Armstrong đã cho Đại bàng hạ cánh an toàn khi mô-đun chỉ còn đúng 30 giây nhiên liệu cuối cùng.
02. Đại bàng gãy cánh?
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 4.
Phòng điều khiển hoạt động nhiệm vụ trong sứ mệnh đổ bộ lên Mặt Trăng của Apollo 11. Ảnh: Bettmann/Getty Images
Trước sứ mệnh Apollo 11, Mặt Trăng là một thế giới chứa đầy bí ẩn với loài người. Việc đưa người lần đầu tiên đổ bộ vệ tinh tự nhiên của Trái Đất giống như một sứ mệnh cảm tử. 
Bởi trong quá trình hạ cánh, không một kỹ sư kỳ cựu nào có thể lường trước mọi tình huống có thể xảy ra. Mọi rủi ro đều có thể xảy ra và chúng đều nằm ngoài dự đoán cũng như kiểm soát của con người. 
NASA và Tập đoàn Kỹ thuật Máy bay Grumman, công ty giám sát sự phát triển của mô-đun Mặt Trăng (mật danh Đại bàng), đã phát hiện sự tích tụ và gia tăng áp suất trong hệ thống nhiên liệu của động cơ hạ cánh, khi đó nó có thể gây ra vụ nổ chết người không thể nào khắc phục.
May mắn thay, trước khi các hướng dẫn từ Trái Đất kịp truyền đến Armstrong và Aldrin thì bằng một cách nào đó, khí gas tích tụ được giải phóng. Trong giây lát, Đại bàng không bị nổ tung trước khi các phi hành gia kịp tiếp đất.
03. Sự nguy hiểm của bụi Mặt Trăng
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 5.
Dấu chân của phi hành gia Buzz Aldrin trên Mặt Trăng. Ảnh: NASA
Sau rất nhiều sứ mệnh trinh sát tiền đề của NASA trên Mặt Trăng, các chuyên gia thuộc Chương trình Apollo đã xác định địa điểm hạ cánh của Apollo 11. Đó là khu vực bên dưới vùng Biển Tĩnh Lặng của Mặt Trăng, đây là địa điểm được cho là khá bằng phẳng so với bề mặt vốn lồi lõm và nhiều đất đá của vệ tinh tự nhiên này.
Tuy nhiên, vì Mặt Trăng là một thế giới mà loài người chưa từng đặt chân đến nên nó vẫn tiềm ẩn những nguy cơ ảnh hưởng đến cuộc đổ bộ đầu tiên này. Đơn cử, bụi Mặt Trăng có thể che giấu địa hình lởm chởm đất đá bên dưới nó khiến cho quá trình tiếp đất của Đại bàng gặp khó khăn.
Rất may, quá trình tiếp đất hoàn toàn theo đúng kế hoạch của đội ngũ Chương trình Apollo.
04. Nhiễm trùng ngoài hành tinh
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 6.
Tổng thống Nixon đến thăm các phi hành gia tàu Apollo 11, khi các anh đang bị giới hạn trong Cơ sở kiểm dịch di động. Nguồn: NASA
Mặc dù các nhà khoa học Mỹ đã nhận thức sâu sắc về tác động của bức xạ không gian và bụi Mặt Trăng đối với sức khỏe của các nhà du hành Apollo 11 thì vẫn có vấn đề mà NASA phải cân nhắc.
Khi các phi hành gia điện đàm về Trái Đất xác nhận rằng bề mặt Mặt Trăng phần lớn là đá, bụi và không thấy các dạng sống phức tạp tại đây thì một số biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng vi khuẩn ngoài hành tinh chỉ được đưa ra ngay sau khi phi hành đoàn trở về Trái Đất (quá trình này không được chuẩn bị từ trước).
Sau khi mạo hiểm tính mạng cho sứ mệnh chưa từng có trong lịch sử, cả ba phi hành gia khi tiếp đất tại vùng biển Thái Bình Dương ngày 24/7/1969, ngay lập tức được cách ly trong phòng kiểm dịch di động. 
Sau khi di chuyển đến Trung tâm vũ trụ Johnson của NASA, cả ba người đều phải thực hiện những cuộc kiểm dịch cho đến tận ngày 10/8/1969 mới được ra ngoài.
05. Bản điếu văn tiễn biệt chờ sẵn ở nhà
Khoảnh khắc cô độc nhất của Apollo 11 đã không xảy ra. Những người hùng của Apollo 11 không thất bại và bỏ mạng ngoài vũ trụ tối tăm. Neil Armstrong, Buzz Aldrin và Michael Collins đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vĩ đại và trở về Trái Đất.
5 thời khắc kinh hoàng nhất trong sứ mệnh đổ bộ Mặt Trăng vĩ đại của Mỹ - Ảnh 8.
"Mỗi con người chúng ta khi ngước nhìn Mặt Trăng trong bầu trời đêm đều biết rằng, ở một nơi nào đó trên thế giới xa xôi kia vĩnh viễn lưu lại dấu ấn của con người..." Ảnh minh họa.

Nhờ đó mà bản điếu văn tựa đề "Thảm họa Mặt Trăng" do William Safire, người chắp bút diễn văn cho tổng thống Mỹ, soạn ra không có cơ hội được thông báo. 
30 năm sau ngày Apollo 11 hoàn thành sứ mệnh, bản điếu văn này mới được công bố ra công chúng. NASA là người lên ý tưởng cho bản điếu văn này nếu sứ mệnh Apollo 11 thất bại. Theo đó, trước khi đọc điếu văn, đích thân Tổng thống Richard Nixon sẽ báo tin dữ đến gia đình của 3 phi hành gia, sau đó mới thông báo trên truyền hình khắp cả nước.
Bản điếu văn có những dòng chữ sâu sắc: 
"Định mệnh đã an bài cho những người anh hùng lên khám phá Mặt Trăng yên nghỉ tại chính nơi họ lên đường thực hiện sứ mệnh trong hòa bình.
Neil Arsmtrong và Edwin Aldrin đều là những con người dũng cảm. Các anh đều hiểu rằng đó là sứ mệnh cảm tử nhưng sự hy sinh của họ chính là mở ra hy vọng mới cho loài người với mục tiêu cao cả nhất là Tìm kiếm sự thật và sự hiểu biết.
Người thân, gia đình, toàn thể dân tộc và hàng triệu người trên thế giới sẽ nhớ mãi về họ....
Mỗi con người chúng ta khi ngước nhìn Mặt Trăng trong bầu trời đêm đều biết rằng, ở một nơi nào đó trên thế giới xa xôi kia vĩnh viễn lưu lại dấu ấn của con người..."
Nói về sứ mệnh vĩ đại của phi hành gia Apollo 11, Tổng thống Barack Obama (tại nhiệm từ 2009 đến 2017) từng nói: 
"Neil Armstrong là một trong những người hùng vĩ đại nhất mọi thời đại của nước Mỹ. Khi anh ấy và đồng đội của mình lên đường thực hiện sứ mệnh trên phi thuyền Apollo 11 năm 1969, các anh ấy đã mang trên vai trọng trách cũng như khát vọng của dân tộc chúng ta.
Chính họ đã cho thế giới thấy rằng chỉ cần có tinh thần Mỹ, chúng ta có thể làm được những thứ ngoài sức tưởng tượng."
Bài viết sử dụng nguồn: History Channel

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...