Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2019

Thành phố Ấn Độ nơi con người đến tìm cái chết

Romita Saluja - BBC Travel


Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Varanasi ở miền bắc Ấn Độ được coi là một trong trong những thành phố thiêng liêng nhất thế giới
Một buổi chiều nắng nóng tháng 11 năm ngoái ở Varanasi, tôi đứng dưới bóng cây sầu đâu khổng lồ trong khu vườn của nhà nghỉ Mumukshu Bhawan ("Ngôi nhà của kẻ kiếm tìm sự cứu rỗi").
Khi tôi đang lắng nghe âm thanh cầu nguyện từ căn phòng gần đó, một phụ nữ thấp người tiến lại gần tôi với một gói namak para, món quà vặt có hình chiếc nơ làm từ bột mì và bột báng chiên giòn, rất phổ biến ở miền Bắc Ấn Độ.

"Tôi sẽ không cho cô vào nếu cô không ăn một chút món này," người phụ nữ chừng tám mươi tuổi tuyên bố, với giọng gần như khuyên nhủ, sau khi tôi nói với bà mình không đói.
Gương mặt nhăn nheo của bà nở nụ cười nhẹ nhàng khi tôi rút một miếng bánh chiên và nhấm nháp vị hơi mặn của nó.
"Ta nên ăn thường xuyên," bà nói và nhìn tôi trìu mến. Tôi muốn hỏi bà về tiếng kinh cầu đang nghe thấy, nhưng bà đã vội vã đi ra khỏi khu vườn.
Giám đốc của khu nhà nghỉ tên là Manish Kumar Pandey sau đó cho tôi biết bà Saraswati Aggarwal là một góa phụ không con cái, và bà từ nơi nào đó gần Varanasi đến đây chừng bốn năm trước, sau khi chồng bà qua đời.
Người phụ nữ sống cùng ở khu nhà tên là Gayatri Devi đến từ Rajasthan thì sống ở khu nhà này đã được hơn năm năm.
Bà có một con trai và hai con gái sinh sống ở những vùng khác khắp Ấn Độ, nhưng họ ít khi đến thăm bà, bà kể vậy khi chúng tôi ngồi trên băng ghế gỗ trong vườn nói đủ chuyện từ gia đình bà đến gia đình tôi đến triết lý cuộc sống của bà và quyền phụ nữ.
Bà có nụ cười ấm áp và trông rất hạnh phúc khi trò chuyện. "Mọi thứ thay đổi khi con cái bạn kết hôn," bà cho biết.
Sati Devi, người ngồi cạnh chúng tôi trên băng ghế với chiếc khăn choàng len màu xanh quàng quanh cổ, gật đầu lặng lẽ đồng tình. Bà cũng đã sống ở khu nhà trọ này năm năm. "Tôi không có gì phàn nàn," Gayatri Devi nói tiếp. "Khi tôi chết đi, tôi hy vọng chúng sẽ đến và đưa tôi đi hoả táng."
Ba phụ nữ này nằm trong số hàng trăm người đã sống ở Varanasi nhiều năm và chờ đợi cái chết đến với họ.
Với người theo đạo Hindu, Varanasi là một trong những thành phố linh thiêng nhất thế giới.
Khi các hoàng tử Pandava, năm nhân vật chính trong thiên sử thi Ấn Độ cổ đại Mahabharata, giành chiến thắng trong cuộc chiến đẫm máu tranh giành quyền kế vị trước những người anh em họ, họ hành hương đến Kashi, nơi còn có tên là Benares hay Varanasi, để chuộc lại tội lỗi trong chiến tranh họ gây ra.

Những người kiếm tìm sự giải thoát (gọi là moksha) đã hành hương đến thành phố ở miền Bắc Ấn Độ này trong nhiều thế kỷ.
Thánh thư Hindu nói rằng khi chết ở đây và được rải tro xuống bờ Sông Hằng linh thiêng, bạn sẽ thoát khỏi vòng luân hồi và được cứu rỗi.
Những lễ hỏa thiêu liên tục diễn ra ở bậc thang Manikarnika và Harishchandra dẫn xuống dòng sông. Nguồn nước nơi đây dẫu giờ xám đục vì chất thải công nghiệp và từ con người xả ra vẫn được tin tưởng sẽ rửa sạch tội lỗi cho những kẻ mắc tội tồi tệ nhất.
Khi du khách và người hành hương chèo thuyền qua những bậc thang này, họ có thể thấy giáo sĩ và các gia đình có người thân qua đời đang lầm rầm cầu nguyện khi phóng thích linh hồn người chết qua đám mây khói dày đặc phát ra từ thi thể người chết.
Những nơi lưu trú được chỉ định, còn gọi là nhà cứu rỗi, được xây dựng trong thành phố, do các tổ chức từ thiện và các nhóm doanh nghiệp đặc thù chuyên chăm sóc những kashivasis, tức là những phụ nữ và đàn ông đến để sống và chết ở Kashi.
Mumukshu Bhawan là một trong những cơ sở lâu đời nhất, với 40 trong 116 phòng dành cho những kashivasis.
"Chúng tôi nhận được hàng tấn đơn xin đến ở mỗi năm, nhưng vì số phòng có giới hạn, chúng tôi không thể chào đón tất cả mọi người," VK Aggarwal, giám đốc điều hành khu nhà trọ cho biết.
"Chúng tôi ưu tiên cho những người có vẻ cần kíp hơn, những người có thể tự chi trả chi phí, và có họ hàng thân thích chăm sóc sức khỏe và nghi lễ hỏa táng khi họ ra đi. Chúng tôi không nhận bất cứ người nào dưới tuổi 60," ông cho biết.
Những người kashivasis đóng góp khoảng 100.000 rupee (tương đương khoảng 1.135 bảng Anh) tùy thuộc vào khả năng cá nhân, và họ được sắp xếp ở một phòng trong khu nhà cho đến khi họ qua đời.
"Họ được yêu cầu tự sắp xếp chuyện ăn uống; chúng tôi không cung cấp thực phẩm. Tuy nhiên, nếu một người cảm thấy không thể chi trả chi phí, ban quản lý thường đứng ra giúp đỡ, như giúp nghi thức hỏa thiêu," Aggarwal nói.
Một số phòng lớn hơn các phòng khác và có trang bị máy điều hòa nhiệt độ cùng nơi để nấu nướng. Phòng tắm dùng chung và các trung tâm y dược chữa bệnh bằng liệu pháp thiên nhiên và vi lượng đồng căn dành cho những người mắc bệnh.
Người sinh sống ở đây có thể thoải mái thuê người phụ giúp việc nhà như nấu ăn và dọn dẹp. Ban ngày thì dành cho việc cầu nguyện và chuyện trò với bạn ở chung khu nhà, Gayatri Devi nói với tôi trong lúc bà ngồi bên chiếc đài bán dẫn để nghe radio.
Tại Mukti Bhawan (Nhà Siêu thoát), một ngôi nhà có chức năng tương tự như vậy nằm trong con hẻm nhỏ ở Varanasi, sự sắp xếp cực kỳ khác biệt. "Mọi người đến đây để chịu khổ hạnh. Đây không phải là khách sạn. Những nhu cầu xa xỉ như máy lạnh để làm gì chứ?" người chăm sóc Narhari Shukla cho biết khi chúng tôi ngồi trong văn phòng ông và một buổi chiều.
Mukti Bhawan cho phép một người ở tối đa 15 ngày. Nếu người đau yếu đó không qua đời trong khoảng thời gian này, họ sẽ được lịch sự mời rời khỏi khu nhà. "Dù vậy chúng tôi cũng có một số ngoại lệ. Quản lý đôi khi có thể cho phép người đó ở quá hạn tùy thuộc vào sức khỏe của họ," Shukla cho biết.
Khách lưu trú trả 20 rupee (tương đương 23 xu Anh) mỗi ngày để trả tiền điện và được đề nghị dành thời gian để thờ phụng thượng đế; có một ngôi đền nhỏ trong cơ sở này, nơi lễ hát thánh ca bhajan và kirtan diễn ra mỗi ngày. Mọi người bị cấm không được phép chơi bài, quan hệ tình dục, ăn thịt, trứng, hành và tỏi, và những thực phẩm được cho là không trong sạch theo một số môn phái đạo Hindu
Khi tôi đến thăm, không có ai đang ở nơi này, nhưng tôi hỏi Shukla không biết ông có thể dắt tôi đi thăm tám phòng trong khu nhà không.
Hai vị giáo sĩ ngồi cạnh đền nhìn lên khi chúng tôi đi qua. Họ cũng sống ở cơ sở này. Một cánh cổng gỗ màu xanh hé mở khi người trai trẻ dắt tôi vào một căn phòng nhỏ có tường trắng lem nhem. Một cánh cửa sổ nhỏ khiến ánh sáng mặt trời len vào phản chiếu những hạt bụi lưu cữu. Một chiếc phản gỗ nằm ở góc phòng. Tôi lập tức mường tượng ra hình ảnh một người phụ nữ lớn tuổi nằm chết trên đó.
Shukla cho biết người thân trong gia đình của khách lưu trú có thể ở trong cùng phòng và họ tự mang theo nệm nằm và những vật phẩm thiết yếu khác.
Ông cũng giải thích rằng ngôi nhà sẽ có nhiều khách đến vào những tháng trời lạnh từ tháng 12 đến tháng Hai và khoảng thời gian từ tháng Năm đến tháng Tám, nơi trời nóng khiến người bệnh tật và ốm yếu khổ sở.
"Chúng tôi đã từng đón những người tiếp tục sống hai năm sau khi rời khỏi đây. Và chúng tôi có những khách chết ngay khi họ về đến nhà sau khi chờ chết ở đây trong hai tuần. Mọi thứ trong tay ngài, thực sự là vậy," ông nói và chỉ tay lên trời. "Nếu ngài không muốn, thì bạn có ở Kashi nhiều năm và vẫn chẳng thể chết được."
Tôi được nhắc tới bà Sati Devi ở khu nhà Mumukshu Bhawan, người nói bà đã không còn nhớ được về thời gian sống ở Varanasi. Một phụ nữ khác tên Vimla Devi từ Hyderabad đã đợi 40 năm ở Varanasi trước khi bà qua đời ở nhà Mumukshu Bhawan, Pandey cho tôi biết.
Tôi tự hỏi liệu Gayatri Devi và Saraswati Agarwal có chọn sống những năm vừa qua trong đơn độc ở khu nhà nghỉ tại Varanasi hay không, nếu như con cái chịu chu cấp cho họ.
Nhưng Pandey cũng cho tôi biết về những cặp vợ chồng trao lại việc kinh doanh thành công cho con cái để họ có thể đến Varanasi.
"Mọi người muốn để lại cho thế giới những điều tốt mang tên họ," Shukla nói khi chúng tôi cùng nhau đi vào văn phòng của ông. Ông cũng nói với tôi người quản lý trước kia của khu nhà từng đón một Naxalite, một thành viên của tổ chức nổi dậy chịu ảnh hưởng Maoist, thường liên quan đến xung đột với chính phủ Ấn Độ.
"Chúng tôi có rất nhiều tội phạm đến đây," ông nói tiếp. "Bạn thấy đó, ngay cả những kẻ tội phạm tồi tệ nhất cũng có niềm tin tôn giáo và muốn chuộc tội trước khi qua đời."
Quay trở lại văn phòng ông, tôi nhìn quanh căn phòng khiêm tốn với nội thất gỗ cơ bản và những bức tường tróc lở. Thánh thư Hindu và những tập tài liệu dày bám bụi lưu thông tin khách nằm đầy trên kệ. Tôi dè dặt khi hỏi những câu về người chết, nhưng sự xuề xòa của Shukla về điều đó gần như lộn xộn, dù vậy nó khiến tôi thấy dễ chịu. Cái chết có thể bình thường đến vậy sao?
Tôi hỏi ông cảm thấy thế nào khi sống xung quanh cái chết.
Ông đáp, "Chúng tôi không sợ chết. Chúng tôi vinh danh nó. Mọi người đến đây với hy vọng, không phải sợ hãi… Nơi đây là thành phố của Thần Shiva."
Tâm trí tôi gợi nhớ đến hình ảnh vị thần Shiva ngồi trong tư thế thiền định với cây đinh ba bên cạnh ngài. Theo Đạo Hindu, Shiva là thần hủy diệt, và ngài hủy diệt để tái sinh. Một câu nói cổ xưa từng đề cập: 'Để tới thiên đàng, đầu tiên bạn phải chết cái đã.'
Vài tuần sau khi tôi trở về nhà, bà Gayatri Devi qua đời. Pandey nhẹ nhàng cho tôi biết qua điện thoại khi tôi gọi hỏi ông chuyện khác và sau đó hỏi thăm mấy người phụ nữ.
Tôi bị sốc. Ông im lặng, không tỏ vẻ gì khác biệt, cũng giống như Shukla. Tôi hỏi ông con gái của bà có đến đưa bà đi hỏa táng không. Ông đáp cô ấy có đến.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Travel.

1 nhận xét:

FOULA - Hòn Đảo Xa vXoi6 Nhất Có Người Sinh Sống Ở Anh

  Hòn đảo biệt lập này chỉ có khoảng 30 người sinh sống và là hòn đảo xa xôi nhất có người sinh sống ở Anh. Foula là một trong những hòn đảo...