Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2019

Khi nói dối là kỹ năng cần thiết để hành nghề

Christine Ro  - BBC Capital


Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Tôi cần phải thú nhận: Tôi nói dối. Nói dối rất nhiều. Tôi nói dối để ngưng hoặc bắt đầu cuộc trò chuyện, để không làm tổn thương người khác, hoặc tổn thương tôi, và để đơn giản hóa cuộc sống xã hội hay công việc bằng cả triệu cách vụn vặt.
Ở một mức độ nào đó, chúng ta biết rằng những người mà chúng ta làm việc chung đang nói dối chúng ta. Họ không thể lúc nào cũng có một ngày tốt đẹp, hứng thú với công việc hoặc hoàn toàn mừng cho một đồng nghiệp được thăng chức thay vì bản thân họ

Nhưng nếu như sự lừa dối không chỉ thuộc về tâm trạng mà còn được đưa vào nội dung của công việc thì sao?
Nghiên cứu mới cho thấy có một lý do khiến cho nói dối vẫn tồn tại trong một số ngành nghề nhất định, đó là niềm tin rằng những người có thái độ linh hoạt đối với sự thật thực sự làm tốt hơn trong những công việc này.

Thái độ đối với kẻ dối trá nơi công sở

Nói chung, sự dối trá nơi công sở được nhìn nhận một cách tiêu cực - nếu ai đó phải dùng đến cách nói dối, có lẽ họ không giỏi lắm trong công việc. Và sự dối trá có thể sẽ gây độc hại cho văn hóa tín nhiệm và làm việc nhóm.
Nhưng theo nghiên cứu mới đây của các học giả Mỹ Brian C Gunia và Emma E Levine, có một ngoại lệ cho các công việc được nhìn nhận là có định hướng thiên về bán hàng cao hơn là thiên về phục vụ khách hàng.
Alamy Bản quyền hình ảnh Alamy
Image caption Một nghiên cứu cho kết quả là mọi người tin rằng những người nói dối tốt rất thích hợp để làm nghề bán hàng, bán dịch vụ
Trong nghiên cứu về marketing, định hướng khách hàng là làm tất cả những gì nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, trong khi định hướng bán hàng liên quan đến việc làm thế nào để đạt được các mục tiêu riêng của người bán.

Một số ngành nghề, như bán hàng và ngân hàng đầu tư, bị rập khuôn là nặng về định hướng bán hàng.
Các nhà nghiên cứu Gunia và Levine đã yêu cầu những người tham gia nghiên cứu của họ - bao gồm hơn 500 sinh viên kinh doanh và người tham gia khảo sát trên trang web huy động đám đông Mechanical Turk của Amazon ở Mỹ - xếp hạng các công việc nhất định theo định hướng bán hàng mà họ cảm nhận được và đánh giá các cá nhân giả định về năng lực mà họ cảm nhận được.
Những người tham gia đã được đưa ra các kịch bản như sau: khi kê khai chi phí, 'Julie' nói dối rằng chi phí đi một cuốc taxi tốn nhiều tiền hơn so với thực tế cô bỏ ra; còn 'James' giả vờ thích đi thuyền để hòa hợp với một ông chủ đam mê chèo thuyền.
Kết quả là những người được khảo sát tin rằng người biết lừa dối sẽ là những người thành công hơn khi làm các công việc có định hướng bán hàng, và ưu tiên tuyển dụng họ hơn.
Chẳng hạn, 84% trong số họ đã chọn tuyển những kẻ nói dối cho một công việc có định hướng bán hàng cao, trong khi 75% chọn tuyển những người trung thực cho một công việc có định hướng bán hàng thấp.
Kết quả là thú vị nhưng không dứt khoát. (Một mặt, những người tham gia nghiên cứu đã được trả rất ít; các nền tảng khảo sát như Mechanical Turk đang gây tranh cãi vì trả mức giá thấp và bị cáo buộc lợi dụng.)
Kết quả này cũng không cho biết chắc chắn làm thế nào niềm tin của những người được vấn ý chuyển thành hành động của các nhà tuyển dụng. Có bằng chứng không rõ ràng về liệu định hướng khách hàng hay định hướng bán hàng có hiệu quả hơn trong thực tế, mặc dù định hướng khách hàng dường như có lợi thế về mặt đạt được doanh số.
Trong nghiên cứu gần đây về mối liên hệ giữa sự lừa dối được cảm nhận và năng lực được cảm nhận, 'chúng tôi đã cố tình tuyển dụng những sinh viên kinh doanh để chúng tôi có thể chắc chắn rằng các khuôn mẫu mà chúng tôi đã nghiên cứu thực sự đúng với các nhà kinh doanh tương lai," Levine, thuộc Trường Kinh doanh Booth của Đại học Chicago, nói.
Những sinh viên nhắm đến các công việc quản lý 'có thể thực sự tin rằng sự lừa dối là dấu hiệu của năng lực trong các ngành nghề này và do đó đưa niềm tin này vào các hoạt động tuyển dụng trong tương lai'.

Nói dối nơi làm việc có lợi thế gì không?

Nói dối là một việc tự nhiên ở mức độ nào đó. "Thiên nhiên đầy dẫy sự lừa dối," nhà triết học David Livingstone Smith viết trong cuốn sách của ông ấy có tựa đề: 'Tại sao Chúng ta Nói dối: Cội rễ Tiến hóa của Lừa dối và Tâm trí vô thức'.
Virus đánh lừa hệ thống miễn dịch của vật chủ, trong khi tắc kè hoa sử dụng ngụy trang để đánh lừa kẻ săn mồi.
Con người cũng không ngoại lệ, kể cả ở nơi làm việc.
Chẳng hạn, các nhà tuyển dụng thừa nhận rằng gần như tất cả các ứng viên xin việc đều phóng đại trình độ của họ.
Lừa dối là hoàn toàn cần thiết trong một số công việc nhất định (thám tử chìm có thể chứng thực điều này). Và ngoại giao cũng đồng nghĩa với nói dối đối với một số người. Sự lừa dối thậm chí có thể là chiến lược ở một công ty, chẳng hạn như khi một tổng đài nhận cuộc gọi yêu cầu nhân viên của họ phải giả vờ rằng họ đặt ở một quốc gia khác, do thiên kiến của khách hàng.
Tổng quát hơn, định nghĩa về sự lừa dối nơi làm việc có thể mờ nhạt.
Các công việc phục vụ khách hàng, và đặc biệt là các loại công việc cảm xúc mà cánh phụ nữ thường đảm nhận, thường kêu gọi nhân viên che giấu cảm xúc của họ.
Bạn có thực sự muốn một tiếp viên hàng không, nhân viên pha chế hoặc bác sĩ tâm thần nói rằng bạn nên lo lắng bởi sự hỗn loạn, rằng họ coi thường bạn hoặc rằng họ cảm thấy vô cảm khi cư xử với bạn?
Một số công việc đòi hỏi phải có sự ân cần hoặc sự chăm sóc vốn dĩ tự thân nó mang tính nhân tạo (và căng thẳng) phần nào. Như Levine nói, 'mọi người tin rằng những ai có thể điều chỉnh được cảm xúc của họ có năng lực hơn những người không làm được'. Lừa dối về cảm xúc là hành vi lý trí.
Điều này có thể đặc biệt đúng đối với những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội vốn làm mờ ranh giới giữa tính xác thực và kỹ năng bán hàng.
Một ví dụ là các ngôi sao trên Instagram, những người dàn dựng các buổi đính hôn xa hoa 'bất ngờ', mặc dù điều này có thể tác dụng ngược khi ảo tưởng đổ vỡ.

Lời nói dối ngọt ngào

Đôi khi lời nói dối tốt lành thậm chí còn được xem là lựa chọn mang tính đạo đức.
"Qua nghiên cứu của mình, tôi thấy rằng nhiều người hoan nghênh và đánh giá cao những lời nói dối có lợi cho họ," Levine nói.
Chẳng hạn, "các nhân viên tin tưởng rằng các đồng nghiệp của họ nên giấu, không cho họ biết những phản hồi mà họ không thể thực hiện và sẽ chỉ làm tổn thương họ, và các bệnh nhân ung thư trân trọng hy vọng ảo hơn so với nhận định của các bác sĩ."
Điều quan trọng nhất đối với dối trá vì xã hội, hay sự không trung thực nhằm giúp đỡ người khác, là nó không phải là để đạt được một lợi thế không công bằng, hay nói cách khác là để làm lợi cho mình.
Đó là lời nói dối chân thành xuất phát từ sự quan tâm đến người khác.
Có thể có ảnh hưởng văn hóa đối với kiểu thái độ này, vì một số nghiên cứu cho thấy những người từ các nền văn hóa tập thể có nhiều khả năng nói dối để giữ thể diện và bảo vệ sự hòa hợp của nhóm.
Một nghiên cứu do Michele Gelfand, một nhà tâm lý học tại Đại học Maryland, là đồng tác giả, đã đặt hơn 1.500 sinh viên từ tám quốc gia trong một kịch bản đàm phán kinh doanh mà nói dối sẽ hữu ích.
Những người từ các quốc gia có tinh thần tập thể cao hơn (như Hàn Quốc và Hy Lạp) lừa dối nhiều hơn so với những người từ các quốc gia mang tính chủ nghĩa cá nhân hơn (như Úc và Đức), mặc dù tỷ lệ nói dối nhìn chung là cao.
Mặt khác, đôi khi "tư duy không bó buộc có thể liên quan đến bẻ cong quy tắc", Gelfand bình luận.
Một số nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa sáng tạo và không trung thực, vì những người làm việc trong các lĩnh vực sáng tạo sẽ thấy dễ dàng hơn để hợp lý hóa sự dối trá của họ.
Sự khoan dung (hoặc thậm chí khuyến khích) đối với lừa dối nơi công sở có thể khó phát hiện được.
Ông Vương Long, giáo sư quản lý tại Đại học City University of Hong Kong, chỉ ra rằng "bất kỳ chuẩn mực của tổ chức hoặc chuẩn mực ngành nào ủng hộ sự lừa dối thường được giữ kín như một bí mật, ít nhất đối với công chúng".
Nhưng ông nghi ngờ liệu các chuẩn mực của tổ chức hoặc ngành nghề như vậy có bền vững hay không, và nói rằng: "Có thể chúng sẽ bị loại bỏ về lâu dài".
Lời nói dối nhẹ nhàng không phải lúc nào cũng có hại. Nhưng nói chung, đương nhiên, nơi làm việc sẽ hiệu quả hơn nếu mọi người cảm thấy có sức mạnh để dựa vào sự thật.
Một số chính trị gia nổi tiếng là những ví dụ điển hình về hậu quả chia rẽ tai hại nghiêm trọng của việc nói dối trong công việc.
Vậy thì, tất cả những lời nói dối nhỏ nhặt của tôi có làm cho tôi tốt lên trong công việc hay không? Chắc là không.
Nhưng tôi cũng không cần phải căng thẳng quá mức về chúng.
Như Levine nói: "Chúng ta quan tâm rất nhiều đến việc người khác có ý định tốt với chúng ta hay không, nhưng chúng ta không phải lúc nào cũng quan tâm đến việc người khác có nói thật hay không."
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Capital.

1 nhận xét:

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...