Thứ Tư, 31 tháng 7, 2019

HOA MAI CỦA MẸ


“Năm 18 tuổi, vì tội hành hung người khác, anh bị phán 6 năm tù giam. Từ ngày anh bị bắt, không có một ai đến thăm anh. Cha anh mất sớm, mẹ anh ở vậy, ngậm đắng nuốt cay nuôi anh khôn lớn, không ngờ anh vừa tốt nghiệp cấp ba, lại xảy ra chuyện như vậy, khiến mẹ anh đau lòng khôn nguôi. Anh hiểu mẹ anh, mẹ anh có lí do để hận anh.
Mùa đông năm ấy, khi còn ở trong tù, anh nhận được một chiếc ao len, góc dưới của chiếc áo có thêu hình một bông hoa mai, trên bông hoa có kẹp một tờ giấy nhỏ: “Lo mà cải tạo cho tốt nhé con, mẹ còn trông cậy được con dưỡng già cơ mà”. Tờ giấy này, khiến một người mạnh mẽ như anh cũng phải rơi nước mắt. Đây là chiếc áo len do mẹ anh tự tay đan, từng đường kim, mũi chỉ đều hết sức thân thuộc. Mẹ anh từng nói, con người ta phải sống như bông mai vàng giữa trời đông giá rét, càng gian khổ, càng phải nở ra những bông hoa xinh đẹp nhất. Bốn năm sau đó, mẹ anh vẫn không hề tới thăm anh, nhưng mỗi mùa đông, bà vẫn gửi đến cho anh một chiếc áo len, kèm theo tờ giấy nhỏ kia nữa. Để sớm được ra ngoài, anh nghiêm túc cải tạo, cố gắng giảm thời hạn chấp hành án. Và quả nhiên, ngay vào đầu năm thứ năm, anh được ra tù sớm.
Đeo trên vai một chiếc túi đơn sơ, bên trong là tất cả tài sản của anh: năm chiếc áo len, anh về tới nhà. Cổng nhà bị khóa lại bằng một chiếc khóa lớn, chiếc khóa đã rỉ sắt. Nóc nhà cũng đã mọc cỏ tranh dài cả mét. Anh cảm thấy khó hiểu, mẹ anh đi đâu rồi nhỉ? Anh chạy sang nhà hàng xóm, người hàng xóm ngạc nhiên nhìn anh rồi hỏi không phải một năm nữa anh mới được về ư? Anh lắc đầu, đoạn hỏi: “Mẹ của tôi đâu rồi?” Người hàng xóm cúi đầu nói bà ấy mất rồi. Đỉnh đầu anh như có tiếng sấm đổ xuống, làm sao có thể?! Mẹ anh mới hơn 40 tuổi, sao có thể ra đi sớm như vậy được? Mùa đông rồi, anh còn nhận được áo len và tờ giấy bà gửi mà.
Người hàng xóm lắc đầu, rồi dẫn anh đến nghĩa trang. Một nấm mộ mới còn đầy những đất đắp vội xuất hiện trước mắt anh. Đôi mắt anh đỏ lên, đầu óc không còn suy nghĩ được gì nữa. Một lúc lâu sau, anh mới hỏi mẹ anh đã mất như thế nào. Hàng xóm nói, vì anh hành hung người ta, mẹ anh phải vay nặng lãi để trả tiền chữa trị cho người bị hại. Sau khi anh vào tù, mẹ anh liền rời nhà, chuyển đến nhà máy pháo cách nhà cả 2000 km, làm công, hàng năm đều không trở lại. Mấy chiếc áo len kia, vì mẹ anh sợ anh lo lắng nên nhờ người mang về nhà, rồi người hàng xóm gửi giúp. Tết Âm lịch năm nay, nhà máy tăng ca sản xuất pháo, không cẩn thận gây cháy. Toàn bộ công xưởng phát nổ, bên trong còn có mười mấy nhân công từ xa đến, lẫn ông chủ và người nhà đến hỗ trợ, đều chết cả. Trong đó, có cả mẹ của anh. Hàng xóm kể xong rồi thở dài, nói trong nhà vẫn còn một chiếc áo len nữa, định bụng mùa đông năm nay gửi đến cho anh.
Gục xuống trước mộ mẹ, anh ôm đầu khóc lớn. Tất cả đều tại anh, là anh hại chết mẹ anh, anh là một đứa con bất hiếu! Anh đáng phải xuống địa ngục! Ngày hôm sau, anh bán căn nhà cũ, mang theo cái túi đựng sáu chiếc áo len rời quê mà đi. Thời gian trôi qua thật sự rất nhanh, loáng một cái, 4 năm nữa đã qua. Anh dừng chân ở một thành phố nhỏ, mở một tiệm cơm be bé, không lâu sau, anh cưới một cô gái giản dị làm vợ.
Công việc làm ăn của quán cơm rất tốt, vì đồ ngon, giá rẻ, vì sự hòa nhã của anh, và vì sự nhiệt tình của vợ anh. Mỗi ngày, 3, 4 giờ sáng anh đã thức dậy, rồi tới chợ mua đồ, đến khi trời hửng sáng, mới kéo hết rau dưa, thịt thà cần cho một ngày về nhà. Không thuê người phụ, hai người bận rộn như con quay. Bình thường, vì thiếu ngủ, mắt anh lúc nào cũng hồng hồng, đầy tia máu. Không lâu sau đó, một bà lão đẩy xe ba gác tới trước cửa nhà anh. Lưng bà còng, một chân hình như bị tật nên cứ cà nhắc, cà nhắc, bà khoa tay khoa chân một hồi, muốn cung cấp rau dưa và thịt tươi cho anh, tuyệt đối là tươi sống, giá lại rẻ. Bà lão bị câm điếc, trên mặt đầy bụi đất, thái dương và bên mắt còn có mấy vết sẹo khiến khuôn mặt bà càng thêm xấu xí. Vợ anh không đồng ý, bởi dáng vẻ của bà lão, nhìn qua thực sự rất không thoải mái. Nhưng anh không để ý tới sự phản đối của vợ, mà chấp nhận đề nghị của bà. Không biết vì sao, bà lão trước mặt này khiến anh đột nhiên nghĩ đến mẹ.
Bà lão rất giữ chữ tín, rau củ mỗi lần bà đưa tới cho anh, quả đúng là đều rất tươi. Vì thế, 6 giờ mỗi sáng, một chiếc xe ba gác chất đầy thực phẩm đúng giờ đưa đến trước cửa tiệm cơm của anh. Thỉnh thoảng anh cũng mời bà ăn một bát mì, bà lão ăn rất chậm, dáng vẻ rất hưởng thụ nó. Trong lòng anh bỗng cảm thấy xót xa, anh nói với bà lão rằng mỗi ngày bà có thể ăn mì ở chỗ anh. Bà lão cười, rồi cà nhắc ra về. Anh nhìn bà, không biết vì sao, lại nghĩ tới mẹ, bỗng dưng rất muốn khóc.
Lại nhoáng một cái, hai năm nữa đã qua, tiệm cơm nhỏ của anh nay cũng đã trở thành nhà hàng, anh cũng tiết kiệm được một số tiền kha khá, mua được nhà. Nhưng người cung cấp thực phẩm cho anh, vẫn là bà lão kia.
Qua thêm nửa tháng, bỗng có một ngày, anh đứng đợi ở cửa rất lâu, nhưng không thấy bà lão đâu. Đã quá thời gian hơn một tiếng đồng hồ, bà lão vẫn chưa tới. Anh không có cách liên lạc với bà, không còn cách nào khác, đành phải bảo nhân viên đi mua rau củ bên ngoài. Hai giờ sau, nhân viên mang đồ mua về, kiểm tra lại, trong lòng anh càng thêm khó chịu, đồ trong xe kém xa đồ mà bà lão đưa tới. Đồ bà đưa tới đều đã được lựa chọn tỉ mỉ, gần như không có một cái lá héo, cây nào cây đấy tươi mơn mởn.

Vậy nhưng, những ngày sau đó, bà lão vẫn không xuất hiện.
Tết Âm lịch sắp tới rồi, anh gói sủi cảo, rồi đột nhiên nói với vợ anh, anh muốn đưa đến cho bà lão một chén, nhân thể nhìn xem bà đã xảy ra chuyện gì, sao cả tuần nay không đến đưa đồ? Đây là chuyện trước đó chưa từng có. Vợ anh gật đầu. Sủi cảo chín, anh gói ghém mang đi, vừa đi vừa liên tục hỏi người bên đường có biết một bà lão chuyên đưa thịt rau với cái chân bị tật không, cuối cùng ở một ngõ nhỏ cách nhà hàng anh hai cái ngã tư, anh nghe được tin về bà.
Anh gõ cửa rất lâu, nhưng không ai trả lời. Cánh cửa khép hờ, anh thuận tay đẩy ra. Trong căn phòng nhỏ hẹp tối tù mù, bà lão đang nằm trên giường, gầy quắt như cây củi khô. Bà lão nhìn thấy anh, hai mắt mở to kinh ngạc, muốn ngồi dậy, nhưng không được. Anh đặt sủi cảo xuống bên giường, rồi hỏi có phải bà đang bị bệnh không. Bà lão há miệng, muốn nói gì đó, nhưng không nói ra được. Anh ngồi xuống, quan sát xung quanh căn phòng, đột nhiên, một vài bức ảnh trên tường khiến anh giật mình há hốc. Là ảnh anh và mẹ! Khi anh 5 tuổi, khi anh 10 tuổi, khi anh 17 tuổi… Trong góc tường, là một cái tay nải bằng vải cũ, trên vỏ tay nải có thêu một đóa hoa mai. Anh quay đầu, ngơ ngác nhìn bà lão, gặng hỏi bà là ai. Bà lão kinh ngạc, rồi bỗng thốt ra: “Con trai.”
Anh hoàn toàn ngây ra! Bà lão trước mặt anh, không phải bị câm điếc ư? Bà lão hai năm ròng cung cấp thực phẩm cho anh, là mẹ của anh?

Giọng nói khàn khàn quen thuộc nhường ấy, không phải mẹ anh thì còn có thể là ai nữa? Anh đơ ra, rồi chợt tiến tới, ôm cổ mẹ anh, khóc lớn thành tiếng, nước mắt hai mẹ con hòa cả vào nhau. Khóc không biết bao lâu, anh ngẩng đầu trước, nghẹn ngào nói anh thấy mộ của mẹ, nghĩ bà đã qua đời, nên mới bỏ nhà ra đi. Mẹ anh lau nước mắt rồi nói là chính bà nhờ hàng xóm làm vậy. Nhà máy pháo mà bà làm công phát nổ, bà may mắn sống sót, nhưng mặt thì bị hủy hoại, chân cũng thành què. Nhìn mình, rồi nghĩ đến con trai còn ở trong tù, nhà thì nghèo, tương lai anh nhất định không lấy được vợ. Vì không muốn làm liên lụy đến anh, bà nghĩ ra chủ ý này, để anh đi xa tới nơi đất khách, bắt rễ phương xa, cưới vợ sinh con.
Biết được anh đã rời quê, bà mới trở lại thôn. Vất vả hỏi thăm mãi, mới biết anh đã tới thành phố này. Bà nhặt ve chai mà sống, tìm kiếm anh bốn năm, cuối cùng mới tìm được anh ở tiệm cơm nhỏ này. Bà rất vui mừng, nhưng nhìn con trai bận bịu, bà lại cảm thấy đau lòng. Vì muốn được nhìn thấy con trai mỗi ngày, muốn giúp anh giảm bớt gánh nặng, bà bắt đầu mua thực phẩm thay anh, vừa mua một cái đã là hai năm. Nhưng hiện tại, bà đi đứng bất lợi, không xuống được giường, nên không thể tiếp tục đưa đồ cho anh.
Đôi mắt anh rưng rưng, không đợi mẹ anh nói xong, anh đã cõng mẹ anh lên, tay cầm tay nải bước đi.
Anh cứ cõng mẹ anh như thế, anh không hề biết, nhà mình cách chỗ mẹ anh ở gần vậy. Anh đi không đến 20 phút đã cõng được mẹ anh về tới nhà. Mẹ anh ở nhà mới của anh được 3 ngày. Trong 3 ngày này, bà đã kể rất nhiều thứ cho anh. Bà nói lúc anh bị bắt, thiếu chút nữa bà đã đi theo bố anh. Nhưng rồi nghĩ đến đứa con trai còn ở trong tù, bà không thể chết được, vậy là bà cố sống! Anh ra tù, bà lại nghĩ đến con trai còn chưa thành gia lập nghiệp, bà vẫn chưa thể chết được; nhìn thấy con trai lấy vợ, lại nghĩ còn chưa gặp mặt cháu, bà tiếp tục gắng gượng… Khi nói những chuyện này, trên mặt bà luôn mang nụ cười. Anh và mẹ đã nói rất nhiều với nhau, nhưng anh tuyệt nhiên không nói cho mẹ anh biết, năm đó, sở dĩ anh chém người là vì có người sỉ nhục bà, dùng những ngôn từ bẩn thỉu nhất. Trên thế giới này, mắng anh, đánh anh thế nào anh cũng có thể chịu được, nhưng anh không thể chịu được cảnh mẹ anh bị người khác sỉ nhục như thế.
Ba ngày sau, bà ra đi trong an bình. Bác sĩ nói với anh: “Bệnh ung thư xương của bà có vẻ phải hơn 10 năm rồi. Có thể sống đến bây giờ, đã là kì tích. Vậy nên, anh không cần quá đau lòng.”
Anh ngơ ngác ngẩng đầu, mẹ anh, bị ung thư xương ư?
Anh mở cái tay nải kia ra, bên trong là một chồng áo len mới tinh được gấp chỉnh tề, có cho em bé, có cho vợ anh, có cho anh, một tấm, lại một tấm, tấm áo nào cũng thêu một bông mai.
Dưới cùng tay nải là một tờ thông báo chẩn đoán bệnh: “Ung thư xương. Thời gian, là năm thứ hai sau khi anh đi tù.
Tay anh run rẩy, trong lòng đau như bị dao khoét từng nhát, từng nhát…”
Câu chuyện kết thúc, tôi như cảm nhận được một phần nỗi đau trong lòng người con trai kia. “Bách thiện hiếu vi tiên”, trong trăm điều thiện, chữ hiếu đứng trước nhất. Tình yêu của mẹ cha dành cho con cái là mãi mãi, hiếu thuận của con cái dành cho cha mẹ cũng nên là mãi mãi.
Đừng để đến khi muốn hiếu thuận, cha mẹ đã không còn ở bên ta nữa! Thời gian vẫn luôn vô tình trong bất biến như vậy đó..
Nguồn: Sưu tầm

(Dam Ho chuyển )

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...