Thứ Tư, 3 tháng 7, 2019

Tại sao EU muốn chấm dứt việc điều chỉnh thời gian? (Nghiên Cứu Quốc Tế )

Nguồn: Why the EU wants to stop moving the clocks forwards and backThe Economist, 29/03/2019.
Biên dịch: Lê Hồng Loan

Đôi khi quyết định thay đổi múi giờ của một quốc gia có thể mang tính chính trị. Bất chấp diện tích rộng lớn, toàn bộ Trung Quốc đều hoạt động theo múi giờ Bắc Kinh – một quyết định được Mao Trạch Đông đưa ra vào năm 1949 để tạo ra sự thống nhất. (Tội nghiệp người dân tỉnh Tân Cương nằm ở mạn viễn tây Trung Quốc, nơi đôi khi mặt trời không mọc cho đến tận 10 giờ sáng.) Trong ba năm gần đây, Bắc Triều Tiên sống trong múi giờ riêng của mình, chậm nửa giờ so với Hàn Quốc, nhằm giữ vững khuynh hướng ẩn dật của mình. Nhưng thường thì các quốc gia điều chỉnh thời gian trong ngày vì những lý do mang tính thiết thực hơn. Khoảng 70 quốc gia, chủ yếu ở Châu Mỹ và Châu Âu, áp dụng Giờ tiết kiệm ánh sáng ban ngày (hay giờ mùa hè – DST) trong những tháng mùa hè. Đồng hồ châu Âu sẽ một lần nữa được điều chỉnh lên một tiếng vào cuối tuần này. Tuy nhiên, tuần trước, Liên minh châu Âu đã bỏ phiếu để chấm dứt thói quen lâu đời này kể từ năm 2021.
Vào thế kỷ 18, Benjamin Franklin đã đưa ra ý tưởng điều chỉnh giờ đồng hồ lên nhanh một tiếng vào mùa hè. Nhưng thói quen này chỉ thực sự bắt đầu có hiệu lực trong Thế chiến I. Đức, Pháp và Anh tính toán rằng bằng cách thêm một giờ ánh sáng ban ngày vào buổi tối, họ có thể tiết kiệm được than đốt. Điều này, đến lượt nó, sẽ có ích cho những nỗ lực chiến tranh. Sau đó, những lợi ích khác cũng được thể hiện. Nó có thể làm tăng chi tiêu của người tiêu dùng, vì người mua hàng được khuyến khích ở bên ngoài lâu hơn vào buổi tối. Nó thậm chí có thể làm giảm tội phạm. Như câu ngạn ngữ của những người lười biếng thường nói: “ngày càng dài, ta càng ít làm điều sai trái.”
Bất chấp những điều đó, việc điều chỉnh giờ đồng hồ không được mọi người ưa thích. Khi Liên minh châu Âu tiến hành một cuộc thăm dò ý kiến ​​các công dân của mình, họ đã thu được gần 5 triệu phản hồi. Hơn 80% người dân muốn loại bỏ việc thay đổi thời gian, và với lý do chính đáng. Mặc dù nó chưa được chứng minh một cách thuyết phục, nhiều nhà khoa học cho rằng việc thay đổi giờ đồng hồ gây rối loạn nhịp sinh học của con người. Một nhà khoa học nói rằng nó cũng giống như việc “tiêm một liều nhỏ tình trạng mệt mỏi vì chênh lệnh múi giờ” (jet lag). Điều này có thể làm tăng nguy cơ bị đau tim và đột quỵ. Nó cũng có thể làm tai nạn xe hơi gia tăng, chẳng hạn vì các tài xế thường đi lại vào ban ngày đột nhiên phải lái xe trong bóng tối (hoặc ngược lại). Năng suất cũng có thể đi xuống.
Có lẽ điều bất tiện nhất cho các doanh nghiệp là thực tế rằng các quốc gia có thể thay đổi giờ đồng hồ của họ tại các thời điểm khác nhau. Nước Mỹ đã đổi giờ sớm lên từ ba tuần trước. Bất kỳ người châu Âu nào làm việc theo giờ của Mỹ đều sẽ phải sắp xếp lại công việc của họ để hoàn thành sớm hơn một giờ so với thông thường – và từ thứ Hai họ lại phải quên quá trình đó để trở lại thói quen cũ.
Vậy, người châu Âu sẽ chọn gắn bó với thời gian mùa đông hay mùa hè? Điều này vẫn chưa được quyết định. Có thể mỗi quốc gia sẽ đưa ra lựa chọn riêng cho mình, mặc dù mỗi quốc gia có thể lưu ý cẩn thận về quyết định của các nước láng giềng. Dường như lợi ích được cảm nhận sẽ không nằm quá nhiều trong việc quyết định buổi tối sẽ kéo dài bao lâu, hay buổi sáng sẽ âm u như thế nào. Lợi ích sẽ nằm trong việc giữ cho nó nhất quán trong suốt cả năm.

1 nhận xét:

"Giáng sinh về bên xóm đạo Tha La" in trên báo Tây Ninh - thứ bảy 21.12.2024

  Trong tiết trời se lạnh, từ trung tâm thị xã Trảng Bàng vào đến xóm đạo Tha La (phường An Hòa) dọc hai bên đường rực rỡ những hang đá mừng...