Những ngày giáp tết
giữa thập niên 1950, người dân khu Hòa Hưng bắt gặp những cụ đồ già
người bắc vừa di cư vào nam ngồi trên vỉa hè đường Chason (Phạm Hồng
Thái) gần chợ Hòa Hưng. Họ bày bán những liễn
đối chữ Hán viết sẵn trên giấy điều.
Thấp thoáng trong số liễn đối có những câu chúc phúc bằng chữ Việt viết
theo Hán tự. Họ ngồi buồn vì ế khách. Cho đến lúc đó, dân Sài Gòn - Gia
Định không còn mấy ai chơi liễn đối như hồi “đàng cựu” (thời Pháp chưa
qua), hoặc nếu có thì đã quen vào Chợ Lớn
mua liễn viết sẵn. Những ông đồ già ngồi trầm ngâm dưới nắng tháng chạp
vàng ươm dễ chịu, nhưng trời đất xung quanh vẫn không phải mùa xuân xứ
bắc với mưa xuân phơi phới bay mà họ mới rời xa.
Đó là một hình ảnh trong câu chuyện trên tờ báo xuân xưa tôi còn nhớ.
Lớp người miền ngoài, vì hoàn cảnh đã rời quê hương vào sống trên đất
Sài Gòn. Vượt qua những dị biệt ban đầu và cả nỗi nhớ quê dậy sóng mỗi
đêm, họ thành cư dân miền Nam, cư dân Sài Gòn...
Họ cảm nhận cuộc sống trên đất mới, tuy xô bồ nhưng dễ sống, tuy ồn ào
nhưng thật lòng, tuy thiếu hoa mỹ nhưng biết thưởng thức những điều đẹp
đẽ và còn tạo điều kiện cho nó thăng hoa. Tuy vậy, lòng hoài niệm của họ
vẫn đầy ăm ắp, nên mới có những vần thơ
nhớ bắc của Lê Minh Ngọc, ông chủ quán bánh mì Hòa Mã ở đường Cao
Thắng: “Ngoài
ấy trời xuân lạnh/rét căm lòng cỏ hoa/em nhìn mây không cánh/bay về
phương trời xa/nghẹn ngào em thầm hỏi/người đi có nhớ nhà...”. Mới có những tản văn tuyệt tác của Vũ Bằng trong Thương nhớ Mười Hai với tháng hai nhớ hoa đào, tháng ba cảm nhận “trời
chuyển bất ngờ, đương nắng thành râm, và chỉ trong khoảnh khắc, rét của
cuối chạp, đầu xuân đã trở về trên cánh gió, giữa một khoảng trời tháng
ba nắng ấm”.
Văn hóa mở cõi của đất miền Nam trù phú đã được tiếp thêm màu cổ điển từ
những người con đất tổ ngàn năm, tạo dựng nên chất sinh động, đa dạng,
thể hiện rõ nhất ở Sài Gòn, thành phố của hội tụ nhân tài tứ xứ.
“Chín giờ mới ra phố”
Tuy nhiên, thuở ban đầu luôn là khó khăn. Giống như tâm tình của những
cụ già xứ bắc viết liễn ngày giáp tết ở lề đường sát chợ Hòa Hưng. Có
nhiều khác biệt, và có lúc không chịu nổi.
Người mới vào đã có nhiều điều quá bỡ ngỡ trước vùng đất mới đầy nắng
gió này. Họ ngạc nhiên khi thấy thuốc lá không được bóc ra ở phần trên
bao thuốc, mà dùng tay khoét một lỗ ở phía gần đáy rồi rút điếu thuốc
ra; khi uống cà phê lại đổ ra đĩa rồi húp từng
ngụm; tờ bạc 1 đồng xé làm hai để thành 5 cắc cho tiện; nữ sinh kẹp tóc
cao đến gáy, mặc quần trắng ống rộng gấp đôi bình thường và đi guốc
mộc.
Phóng sự Sài thành xài tiền của Hà Việt Phương báo Đời
Mới số 68 ra đời tháng 7 năm 1953, có kể một ông ngoài bắc vừa
vào Sài Gòn. Khi biết ông định đi thăm người quen lúc 7 giờ sáng, bà chủ
nhà trọ liền can ngăn, bảo lúc đó còn sớm quá, phải “chín giờ trở đi
thì những người như ngài mới ra phố”. Bà này
từ Huế vô nam đã lâu, nói rằng ai ở ngoài bắc vô cũng dậy sớm, đi chơi
sớm và ngủ sớm. Nhưng người trong này thức khuya, đời sống về đêm nhiều
hơn. Bà lớn giọng: “Tối, ngài ra các tiệm các chợ mà coi, cứ chật nức
người là người, phần lớn là anh chị em lao
động, kiếm được đồng nào thì xào ngay đồng nấy. Trong này không biết
dành dụm chi cả. Bây giờ mới có người biết vá áo, biết nhặt rau, chứ
trước thì dùng cái gì cũng là nguyên chất cả, hơi hỏng là “đổ bỏ” không
hề chữa chạy bao giờ... Ban ngày kiếm được bao
nhiêu tiền đến tối xài cho kỳ hết, mai sẽ kiếm tiền nữa. Lo chi. Không
lụt lội, không mất mùa, không thất nghiệp...”.
Bà chủ còn hướng dẫn ông khách: Phu xích lô ở Sài Gòn, ai hay bận quần
“cộc” (quần ngắn) thì người ấy phải là người “ngoài ta” (tức là bắc hay
trung vào làm việc). Người trong này hoang phí, cái gì cũng ra tiệm. Ăn
bận toàn quần áo vải lụa mỏng tanh. Người
lao động trong này tiện là ngồi bệt xuống đất không sợ hư áo quần, rách
là quăng đi may cái khác, hoang phí đến cả mồ hôi, vì có sẵn quần áo để
thay...
Các
tờ giới thiệu chương trình của đoàn Kim Chung. Đoàn Kim Chung, một đoàn
cải lương của người bắc vào nam năm 1954 và cuối cùng đã có vị trí sáng
giá trong làng cải lương miền Nam, thành lập tới sáu đoàn Kim Chung từ 1
đến 6, hòa nhập vào đời sống văn nghệ miền
Nam, tranh thủ sự ủng hộ của đồng bào vừa từ miền Bắc vào và “Nam hóa”
dàn diễn viên, mời các cây bút viết tuồng người miền Nam tiếp tay trong
việc cung cấp tuồng tíchẢNH:
SƯU TẦM CỦA LÊ HOAN HƯNG
|
Người Sài Gòn hào hiệp
Những người trong giới trí thức, nghệ sĩ miền Bắc chuyển vào Sài Gòn ấp ủ
bao nhiêu hoài bão để thực hiện ở quê hương mới. Tuy nhiên, dù có nổi
tiếng thì họ cũng phải đối diện với bao khó khăn để hòa nhập vào đô thị
mà họ sẽ sống lâu dài này. Báo Đời
Mới năm 1954 đã làm một chuỗi phóng sự Hồi mới vào của các văn
nghệ sĩ, có nhiều chuyện cảm động đáng suy gẫm về những gì họ đã gặp.
Nhà văn Thượng Sỹ, một nhà văn nổi danh từ thời tiền chiến mà trong cuốn Bốn
mươi năm nói láo, nhà văn Vũ Bằng thường nhắc tới. Gia đình ông
vào Sài Gòn định cư chỉ có bốn người, gồm hai vợ chồng, đứa con nhỏ và
chị giữ em. Tuy nhẹ gánh gia đình, tên tuổi từng nổi tiếng là nhà phê
bình văn chương, cả nhà ông cũng gặp những khó
khăn ban đầu. Mới vào, ông bị lên cơn sốt rét vào nằm Bệnh viện Bình
Dân. Vợ con ông và chị giúp việc lên xe xích lô máy chạy vòng vòng Sài
Gòn - Gia Định tìm kiếm bà con họ hàng. Tìm mãi không ra, thấy trời đã
tối, anh xích lô máy bèn đề nghị về tạm nhà anh
ở Vườn Lài. Vừa về tới nhà, anh liền bảo vợ: “Má bầy trẻ đâu, tôi đón
được một người làng xóm cũ đây!”. Anh là người bắc, lấy vợ nam và đã
lanh trí nhận “người làng” để thêm thân tình, mong vợ trọng đãi khách.
Chị vợ, người chất phác, lăng xăng đi quét bộ
ván cho ba vị khách nằm nghỉ, đi nấu nước châm trà và còn ra tiệm mua
thêm 10 đồng thịt quay về đãi cơm khách nữa. Vợ anh xích lô trong lúc ăn
cơm không ngần ngại hỏi: “Chẳng hay anh của chị mần nghề gì?”. Chưa
hiểu tiếng Sài Gòn nên chị Thượng Sỹ ngồi yên,
anh xích lô đáp thay: “Anh ấy làm “nhật chình”!” (nhật trình: cách gọi
báo chí cách nay trên dưới nửa thế kỷ ở miền Nam). Chị vợ gật gù: “Ờ,
tốt lắm. Có phải như các ông nhà báo ở Sài Gòn thường viết bài bênh vực
nhà lá bị đuổi đất không?”. Chị vợ anh xích
lô có thiện cảm ngay với vợ người làm báo mới quen. Sáng hôm sau, anh
xích lô tiếp tục chở cả nhà đi thăm nhà văn đang nằm bệnh viện. Ông
Thượng Sỹ cảm động về câu chuyện này lắm. Vài ngày sau, ông khỏe nên cả
nhà tiếp tục nhờ anh xích lô chở đi tìm bà con.
Ông gặp một nhà văn quen biết nên tá túc nhờ vài hôm. Một bữa, ra chợ
mua đồ, bà vợ ông gặp một chị không quen, hỏi thăm qua lại thế nào mà
chị nói ngay: “Thôi, chị cứ theo tôi về nhà ba má tôi. Chị nhận là bạn
cũ của tôi, thế nào ông bà cũng cho ở đậu”. Cả
nhà lại đến đó ở, một căn nhà lá rộng rãi ở đường Quang Trung, Gò Vấp.
Ông bà chủ nhà đã lớn tuổi, còn làm việc được, chuyên nghề đúc ống cống
xi măng. Ông bà nói ngay với khách lạ: “Thầy cô cứ ở đây với tôi, khỏi
phải mua giường chiếu, mùng mền, đồ bếp, tôi
có sẵn cả. Tôi để thầy cô dùng chung. Gạo củi, mắm muối, cứ tự nhiên
nấu cơm mà ăn!”. Bà chủ còn nói là bà không lấy một xu nhỏ.
Gia đình Thượng Sỹ ở đó, không muốn lạm dụng lòng tốt của ông bà chủ nhà
nên bà Thượng Sỹ xin tự lo ăn uống, chỉ ở nhờ thôi. Ông chủ nhà nói lên
điều xuất phát từ đáy lòng: “Cô Hai chớ nề hà. Con gái tôi nói cho tôi
hay thầy Hai làm báo, nên tôi quý thầy lắm.
Vì bấy lâu nay đọc báo, tôi thấy các ông nhà báo luôn bênh vực anh em
lao động chúng tôi. Tôi có phải nhịn ăn mà giúp thầy cô, tôi cũng vui
lòng!”.
Sau này, nhà văn Thượng Sỹ nói với tác giả bài tường thuật này: “Tôi
cứ tưởng xảy nhà ra thất nghiệp... nào ngờ tôi lại hai lần “sa” vào hai
cành gia đình lao động. Ấy cũng là tôi hái quả của một cây mà các anh
vun bón cho tươi tốt...”. Ắt hẳn trong thâm tâm, ông biết rằng
còn do tính hào hiệp của người Sài Gòn, luôn
sẵn sàng giúp người gặp khó khăn. Như khi xưa họ hoặc cha ông chân ướt
chân ráo đến thành phố này đã được người ở đây giúp đỡ. Điều đó khiến
ông nói lên ý nghĩ: “Nếu được tiếp tục nghề cầm bút ở đây, tôi sẽ quyết
dùng ngòi bút phục vụ cho đời sống người bình
dân lao động”. Đúng như vậy, chỉ một thời gian ngắn sau, ông tiếp tục
đi làm tại một tờ báo chứ không đi dạy học như ý định ban đầu.
Nhà văn Tam Lang, tác giả phóng sự nổi tiếng Tôi kéo xe, khi vào miền
Nam cũng ấp ủ nhiều mộng ước. Trước khi vào sống hẳn tại Sài Gòn, ông
từng vào đây để tĩnh tâm viết hai vở chèo cổ, theo như bài báo trên báo
Đời Mới. Viết xong, ông bay ra bắc lập một gánh
hát chèo. Theo tác giả Trương Thọ Phú, Tam Lang khi vào nam vẫn muốn
làm sống lại chèo cổ ở Sài Gòn. Ông nói: “Chèo cổ là âm thanh thuần túy
của đất nước, không như tuồng cổ là điệu hát bắt chước điệu tuồng Tàu,
cũng không như tân nhạc bắt chước điệu hát của
Tây. Đây là thứ âm thanh đặc biệt Việt Nam...”. Đây là tâm huyết của
vua phóng sự đất bắc, mong phục hồi vốn văn hóa dân tộc trên vùng đất
mới Sài Gòn. Tuy nhiên, chuyện đó đã không thực hiện được như chúng ta
đã thấy. Trước kia, ông cũng không thực hiện được
điều đó ở Hà Nội ngàn năm văn vật, lúc đó lại đang mê tân nhạc và...
cải lương miền Nam.
Câu chuyện hội nhập vào cuộc sống Sài Gòn là một câu chuyện dài nhiều
tập, nhiều chương. Trong đó, có nước mắt và nụ cười, có sự rộng rãi bao
dung và cũng có những khắt khe, thiếu thông cảm và hiểu biết trong cư
xử. Qua thời gian và yêu cầu của cuộc sống một
đô thị lớn, tính bảo thủ bị pha loãng dần, sự chấp nhận lẫn nhau ngày
càng mạnh mẽ và người ta tìm cách dung hòa những dị biệt, hợp lực xây
dựng cuộc sống yên ổn và phát triển. Sự dung hòa đó đã tạo nên chất Sài
Gòn, cá tính Sài Gòn ngày hôm nay.
Phạm Công Luận
Sài Gòn xưa và này rất đẹp
Trả lờiXóa