Lâm Hoài Thạch/Người Việt
Bà Lê Kim Thao, trưởng ban tổ chức, cho hay: “Nhờ uy tín và sự tích cực của ban tổ chức, nên cứ mỗi lần tổ chức picnic Hè thì bà con Tây Ninh đến dự khá đông. Không những vậy, một số bà con còn xung phong vào ban nấu nướng. Hôm nay, chúng tôi ướp khoảng 50 pound cánh gà lăn bột rồi còn phải chiên trong một chảo dầu to nữa. Còn các bà, các chị khác thì lo nhiều món ăn khác như mì xào, gỏi cuốn, bánh mì, cơm chiên… Đặc biệt năm này là món canh chua bún, đặc sản của Tây Ninh.”
Khoảng 9 giờ 30 phút sáng, những người có trách nhiệm trong ban tổ chức ai nấy đều có nhiệm vụ riêng của họ, và cứ thế, nhiệm vụ ai nấy lo, công việc ai nấy làm để chuẩn bị cho buổi picnic Hè 2019 được “xôm tụ” hơn mọi năm.
Khi mới bước vào khuôn viên tổ chức, một tấm biểu ngữ thật lớn với hàng chữ “Tây Ninh Đồng Hương Hội Picnic Hè 2019” treo tại khu sinh hoạt, để đồng hương cùng nhau chụp hình lưu niệm, bên cạnh, ban tổ chức còn trưng bày nhiều hình ảnh trong các cuộc sinh hoạt của hội trước đây.
Nhiều đồng hương cùng quây quần bên nhau với ly cà phê, nước trà, nước ngọt. Rồi những câu chuyện đời thường cũng được phơi bày, phần nhiều là những chuyện đề cập đến kỷ niệm thân thương một thời trên vùng đất thân yêu với nhiều kỷ niệm khó quên. Hình ảnh Tòa Thánh Tây Ninh, ngọn núi Bà Đen cũng được nhắc đến nhiều nhất trong những lần hội ngộ.
Những cựu quân nhân trong Quân Lực VNCH kể lại những kỷ niệm trong thời chinh chiến, mà trong thời chiến, xứ Tây Ninh cũng là nơi đã có nhiều trận chiến khốc liệt. Khi nhắc đến những ca khúc lúc đất nước ngập tràn binh lửa thì cũng có những bài nhạc nói đến những vùng hỏa tuyến của đất địa Tây Ninh, như bài “Trên Bốn Vùng Chiến Thuật” của nhạc sĩ Trúc Phương có viết: “Tây Ninh nắng nung người mà trận địa thì loang máu tươi.” Vì thế, tuy cuộc chiến đã tàn, nhưng một thời oanh liệt của những chiến sĩ Quân Lực VNCH vẫn còn trong tâm khảm của người dân Tây Ninh.
Ông Phạm Ngọc Lân, hội trưởng, nói: “Hằng năm, Tây Ninh Đồng Hương Hội chúng ta đều tổ chức buổi picnic Hè, mục đích để tạo sự đoàn kết giữa người Tây Ninh ở Nam California và ở các nơi khác có dịp gặp gỡ, hàn huyên tâm sự, nhất là để cho con cháu quen biết nhau và thấy được tinh thần đoàn kết của các bậc cha ông, hầu sau này các cháu nối bước của những người đi trước để giữ cho Tây Ninh Đồng Hương Hội không bị mai một trên xứ người.”
“Không chỉ để gặp gỡ, tâm tình, vui chơi, ăn uống trong buổi họp mặt buổi picnic, mà còn có một chương trình văn nghệ ‘cây nhà lá vườn’ để tất cả bà con Tây Ninh, ai thích hát cứ việc lên hát, chúng ta hát trong tinh thần ‘hát hay không bằng hay hát.’ Đặc biệt kỳ này, ban tổ chức có tổ chức cuộc thi ăn dưa hấu,” ông hội trưởng nói thêm.
Ông Mỹ Võ, cư dân Long Beach, sang định cư tại Hoa Kỳ 1994, cựu học sinh của trường Nam Trung Học Công Lập Tây Ninh, cựu sinh viên sĩ quan Trường Bộ Binh Thủ Đức Khóa 9C/72, chia sẻ: “Người dân xứ Tây Ninh sống rất tình cảm và chân tình, chúng tôi sống đùm bọc lẫn nhau từ trong nước cũng như khi ra hải ngoại. Thành ra, từ lúc tôi sang Mỹ đến nay, cứ mỗi lần hội tổ chức những lần họp mặt thì tôi đều đến dự. Trong lúc còn đi học, một trong những giáo sư mà tôi thương nhất có thầy Lê Hữu Khoan, vì ngày xưa thầy vừa dạy học và vừa tổ chức về thể thao của trường, và tôi cũng là một cầu thủ đội banh của trường. Vì tôi nhỏ con nên được thầy Khoan xếp đặt cho tôi nhiệm vụ tiếp ứng, đứng hàng giữa của đội hình đội banh.”
Đứng kế bên, ông Lê Hữu Khoan, cựu giáo sư Nam Trung Học Công Lập Tây Ninh, kể: “Trong chương trình phát triển sinh hoạt học đường, tôi là người hướng dẫn cho các em học sinh về nhiều môn thể thao, trong đó có đá banh, bóng chuyền, banh bong, chạy điền kinh… Lúc đó, đội banh của trường là vô địch Vùng III về đá giao hữu với những trường bạn, kể cả các môn khác thì các đội thể thao của trường đều đoạt huy chương hạng nhất cả. Đây cũng là điều làm cho tôi rất hãnh diện là người đã dìu dắt các em trong phong trào thể thao của trường.”
Theo bà Mai Nương, vợ của cố nhạc sĩ Nhật Ngân, bà là người dân Sài Gòn, nhưng lúc còn nhỏ cha của bà là một quân nhân làm việc tại Tây Ninh, nên gia đình cũng theo cha về Tây Ninh sinh sống một thời gian khá lâu. Vì thế, bà là cựu học sinh của Trường Nữ Trung Học Công Lập Tây Ninh từ lớp Đệ Thất đến lớp Đệ Nhị.
Bà kể: “Sau này, tôi về Sài Gòn dạy múa cho các cô học sinh. Lúc tôi đang dạy cho mấy cô bài ‘Múa Lèo’ thì không ai biết đàn bài múa này cả, tình cờ anh Nhật Ngân đến lúc chúng tôi đang tập múa, anh mới cầm hai cái trống nhỏ và đánh trống cho tôi hát để mấy cô múa. Sau đó, có thời gian tôi học đàn guitar với anh Nhật Ngân, nhưng lúc đó tôi chưa biết anh chính là nhạc sĩ Nhật Ngân. Một hôm, tình cờ tôi thấy có người đến báo cho anh là đến lấy tiền nhà xuất bản về bài nhạc ‘Tôi Đưa Em Sang Sông’ thì tôi mới biết anh là nhạc sĩ Nhật Ngân. Rồi cũng kể từ đó chúng tôi quen thân nhau. Một thời gian sau, chúng tôi trở thành vợ chồng.”
(Lâm Hoài Thạch)
Chuyển bài :Lan Pham
Những chuyến đi như thế này rất vui
Trả lờiXóa