Thứ Sáu, 5 tháng 7, 2019

Tiền ảo Libra và tham vọng thế chỗ của “ông lớn” công nghệ

Cuối cùng "ông lớn" mạng xã hội toàn cầu Facebook cũng đã chính thức công bố dự án tiền ảo Libra sau vài tháng "rục rịch" thông tin. Nhưng ngay sau khi công bố, điều được dự báo sẽ đến đã đến: Các nhà làm chính sách Mỹ và Châu Âu đã cực lực phản đối cùng với sự lo lắng trong hệ thống tài chính chính thống.
Từ ngầm ra công khai
Tiền ảo nói chung và bitcoin nói riêng, dù đồng nào có hùng mạnh tới đâu thì cũng có tính ẩn, ngầm trong giao dịch và dòng chảy của chúng. Chả vì thế mà, giới hacker lâu nay vẫn thu vào bằng tiền ảo đối với các giao dịch, thanh toán từ những doanh nghiệp nạn nhân.
Bitcoin thì "đào" cũng có thể ra được, chỉ là tốn tiền điện và các tài nguyên máy tính, Internet. Còn Libra – đồng tiền ảo của Facebook, "đào" chẳng những không ra được, mà thậm chí nó được định danh cho tài khoản nhất định, có thể về sau sẽ phải xác thực. Giá trị của nó được gắn với các tài sản có giá như các loại tiền tệ mạnh và phổ biến (USD, bảng Anh, Nhân dân tệ, Yên...) và những tài sản giá trị khác (trái phiếu chính phủ). Nó được giao dịch công khai, có thể thanh toán cho các thương vụ.
Dù Facebook cho rằng Libra không nhằm thay thế hệ thống tài chính truyền thống hiện tại nhưng một câu hỏi đặt ra là: Khi hệ thống tiền ảo và thanh toán của doanh nghiệp tư nhân trở nên mạnh mẽ và phổ biến trong hơn 2 tỉ người dùng Facebook cùng với các cộng đồng tham gia trong liên minh, không lẽ nó không xung đột lợi ích hay không lấy đi ít nhiều "miếng bánh" của các ngân hàng và hệ thống thanh toán hiện thời?
Ra công khai, dù nói là không nhằm thay thế hệ thống tài chính hiện thời, nhưng kì thực khi Libra và liên minh của nó (Libra Association) mạnh lên, một hệ thống tiền tệ khác sẽ được thiết lập với quyền lực nhất định, có vị thế độc lập với hệ thống ngân hàng và tài chính hiện tại, chắc chắn sẽ dẫn đến hệ lụy cạnh tranh. Một chi tiết đã được đánh động từ lâu trong giới tiền ảo và được nhắc lại trong sự kiện công bố dự án Libra là, phí chuyển tiền hay thanh toán bằng đồng Libra nếu có cũng sẽ rất thấp so với mức phí của các ngân hàng và hệ thống thanh toán hiện nay.
Tiền ảo Libra và tham vọng thế chỗ của
Với thế giới tiền ảo hiện nay và bitcoin nói riêng, các chính quyền đã ít nhiều có sự lo lắng vì không quản lí được. Nhưng với Libra, dù sẽ đi ra hoạt động công khai, các chính phủ cũng chẳng dễ dàng gì quản được. Dòng chảy tiền ảo không phải như tiền truyền thống hiện tại qua các hệ thống ngân hàng và tổ chức tài chính với luật lệ và sự kiểm soát đã ổn định và chặt chẽ. Với tiền ảo nói chung và đồng Libra, phạm vi trên cả toàn cầu dường như còn chưa có hành lang pháp lí để quản lí và kiểm soát.
Thực tế hiện nay đã cho thấy rằng, nhiều quốc gia dù cấm và không chấp nhận tiền ảo thì cũng chẳng thể ngăn được dòng chảy và dẹp được thị trường ngầm này. Bởi vẫn có rất nhiều người chấp nhận tiền ảo như một phương tiện để đầu tư kiếm lợi cho dù giá trị thực của nó không dễ xác định hay đong đếm.
Các "ông lớn" công nghệ buộc thế giới phải nghĩ khác
Các "ông lớn" công nghệ từ Apple đến Facebook, Amazon, Google, Tesla Motor, Uber, Grab... dù ở những mức độ thành công và sự ảnh hưởng khác nhau nhưng đã khiến thế giới phải nghĩ khác.
Nhưng với dự án tiền ảo Libra, các "ông lớn" công nghệ mà điển hình ở đây Facebook là người đi đầu, đã buộc thế giới phải nghĩ khác: Công nghệ có thể làm ra nhiều thứ khác mà từ xưa đến giờ chưa bao giờ có, chưa ai làm; và những thứ các "ông lớn" công nghệ làm ra có thể thay thế những thứ hiện tại đang tồn tại, dù khởi đầu là một thế giới riêng, tồn tại độc lập và song song đi nữa.
Các nhà hành pháp Châu Âu và các nhà lập pháp của Mỹ đang phản ứng dự án tiền ảo Libra cực kì gay gắt. Nhưng nên chú ý ở một điểm rất đáng chú ý, mà theo tôi là rất đặc biệt, đó là các nhà hành pháp và các cơ quan quản lí của Mỹ (chính quyền) chưa hề lên tiếng gì đối với dự án tiền ảo Libra và liên minh này.
Chính phủ Mỹ lâu nay vẫn để Uber tồn tại và thoải mái kinh doanh cho dù một số bang lại cấm. Những mô hình kinh tế mới được tự do phát triển tại thị trường Mỹ mà không gặp bất cứ rào cản nào. Chính nhờ thế, Mỹ là cái nôi nuôi dưỡng và vun đắp cho nhiều sáng tạo mới trong đó có các mô hình kinh tế và phương thức kinh doanh mới.
Nhiều nước cấm tiền ảo nhưng Mỹ không cấm, cứ để nó tồn tại và quan sát xem diễn biến. Vẫn để mở một con đường là biết đâu mô hình đó trở thành xu thế không thể cưỡng, thì chẳng phải "ngư ông đắc lợi" đôi đường cả về uy tín và lợi ích kinh tế hay sao?
Rất nhiều nỗi lo đang đặt ra về dự án tiền ảo Libra của Facebook, như: Trở thành môi trường cho đối tượng rửa tiền, nơi trú ẩn của các dòng tiền đen của tội phạm, bọn khủng bố; vượt tầm kiểm soát của chính quyền và các công cụ quản lí hiện tại.v.v...
Nỗi lo đó không phải là không có lí.
Nỗi lo đó không chỉ của chính quyền mà còn của các hệ thống kinh tế, kinh doanh khác với trục quyền lợi của nó. Đơn cử, Libra chắc chắn sẽ xung đột lợi ích với hệ thống ngân hàng và các tổ chức tài chính truyền thống hiện nay, hay nói đúng hơn nó sẽ lấy đi ít nhiều "miếng bánh" của họ.
Đó là câu chuyện của năm 2019 này. Biết đâu vài năm tới, các ông lớn công nghệ như Facebook, Google, Amazon... nghĩ ra những thứ khác và triển khai để thay thế vai trò của những tổ chức ở các lĩnh vực, ngành nghề khác nữa.
Cho nên, sự phản ứng gay gắt trước dự án tiền ảo Libra cũng là điều dễ hiểu: Thà cấm, dẹp ngay từ đầu thay vì để nó đã hình thành và lưu hành thì chẳng bao giờ dẹp được nữa.
DẠ THẢO

(Hoa Huỳnh chuyển)

1 nhận xét:

Mỡ máu không gây ra bệnh tim .....

Một tổng quan ba nghiên cứu lớn do ngành công nghiệp dược phẩm tài trợ đã phát hiện ra các vấn đề với kết luận của nghiên cứu. Tôi sẽ chia s...