Thứ Bảy, 20 tháng 7, 2019

Quê Tôi (2)

Xem : Đại Ngãi quê hương tôi - Nguyên Lạc (Văn Việt )
 
CHUYỆN TÌNH
SƠ LƯỢC CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH
 
Đây là bài thơ kể lại chuyện tình vùng U Minh Nam bộ quê tôi, được gợi hứng từ truyện “Hương rừng” nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam. Xin tóm tắt chuyện như sau:
Di dân từ ngũ Quảng vào lập nghiệp vùng rừng U Minh. Ông Hương giáo có một người con gái duy nhất, xinh đẹp mà ông rất thương yêu tên Hoàng Mai. Khi Hoàng Mai đến tuổi trăng tròn, hỡi ơi ông phát hiện nàng bị bệnh nan y: cùi (bệnh hủi hay bệnh Hansen).
Tìm trong gia phả thấy có ghi: – Luyện thuốc bằng “ngọc” ong mật có thể chữa bệnh cùi. Ông bèn thuê một chàng trai trẻ, làm nghề bắt ong mật đi tìm “ngọc” để ông luyện thuốc cho con gái yêu. Ông Hương giáo mời chàng trai ở luôn trong nhà cho có bạn. Ngày đêm, ông chong hàng chục ngọn nến bạch lạp chung quanh mớ “ngọc” để luyện, hy vọng rằng khi đúng một ngàn ngày, nó sẽ trị được bịnh nan y của Hoàng Mai.
Một hôm tại nhà ông Hương giáo, chàng trai gặp nàng, người con gái mỏng mảnh, liêu trai đứng tựa cây sứ cùi, mặt cạnh bên những đóa hoa trắng nhìn chàng với ánh mắt đầy ân tình. Lòng đầy yêu thương, chàng đến đứng cạnh Hoàng Mai xin được cầm tay nàng.
“- Anh nắm cái chéo tay áo này, em cũng đủ vui rồi.
Cảm động làm sao!…
Và ngạc nhiên làm sao, một mùi hôi hám từ trong tay áo bay ra khi níu cái chéo tay áo của người đẹp. Tư Lập thấy rõ ràng bên trong, ngón tay của nàng rụng mất hồi nào, chỉ có năm cuộn vải nhỏ vấn khéo léo thay thế.
Hôm sau, chàng trai viện cớ ra đi lúc mùa bông tràm nở trắng rực. Anh không thèm làm nghề ăn ong nữa, về ở Long Xuyên…” (Hương rừng – Sơn Nam)
Nhưng hương rừng có ma lực quyến rũ, lúc mới đến thì vui, ở lâu lại sanh buồn; nhưng xa cách lâu ngày thì đâm ra nhớ không nguôi, không trở lại thì không được. Ôi đẹp quá mùa bông tràm nở trắng rực, cảnh rừng tràm lúc ong “đi bông”*. Anh lại trở về.
Khi phát hiện anh về, ông Hương giáo nhắn mời anh thăm Hoàng Mai. Anh ăn ong hứa, nhưng giữa đêm chàng ta xuôi dòng sông trốn mất.
……..
(*) Đi bông: Ong bay từng đàn tìm từng nụ hoa (bông) lấy mật. Đi bông là tiếng riêng của những người làm nghề bắt ong.
.
Và đây là đoạn cuối của “Chuyện tình vùng U Minh”:
“… Trên thềm nhà, trong bóng mát, hình dáng của Hoàng Mai với đôi mắt và mớ tóc trùm kín trong chiếc khăn. Chiếc tay áo của nàng lòng thòng che khuất mấy ngón tay, từ từ nâng lên như tiễn đưa một hình bóng…” (Hương rừng – Sơn Nam)
@. Cảm thương người con gái, Nguyên Lạc xin đổi chữ CÙI bằng chữ MẪU ĐƠN (nôm na: Mẹ thằng cùi)
Xin được trích đoạn truyện ngắn nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam để giải thích rõ về chữ Mẫu đơn/ Mẹ thằng cùi:
“… THAI ĐỐ TRONG DỊP TẾ LỄ KỲ YÊN
Thời xưa, ở Nam Bộ, dịp tế lễ Kỳ Yên (cầu an lành) thường bày ra đấu xảo bánh khéo nhất, đấu xảo mâm xôi ngon nhất, ráo nhất. Lại chưng bài vài sản phẩm tượng trưng cho sự bội thu: củ khoai mì nặng cân ít thấy; trái bí rợ to đến mức kỳ dị; con trăn, con rùa to, khó gặp. Nhưng vui nhất có lẽ là “Thai đố”, đã thu hút mọi giới. [Thai đố (quiz): Đố vui có thưởng]
Chủ trì là một ông kỳ lão đầu bịt khăn đỏ, ngồi ghế, giữa sân, bên cạnh là thúng đầy cam, quít, bưởi (dùng làm vật thưởng). Trước mặt ông là mõ và thanh la, với cây dùi.
Dùng cây dùi gõ vào mõ “cốc, cốc…” khi đoán câu đố sai; gõ vào thanh la nhẹ “beng” khi đoán gần đúng; gõ mạnh và liên hồi thanh la “beng beng beng” để xác nhận đoán đúng và trúng giải.
Thoạt đầu, ra những câu Thai dễ, thí dụ như:
Ví dầu cầu ván đóng đinh,
Cầu tre lắt lẻo gập ghình khó đi.
- Xuất bính (tên một thứ bánh).
Trẻ 1 hô lớn: “bánh ướt”. Ngụ ý cầu khó đi, có thể té, quần áo ướt mem. Vì gần đúng, ông kỳ lão gõ một tiếng “beng” vào cái phèng la.
Cậu 2 đáp là “bánh tét”. Ông kỳ lão gõ một tiếng “cốc”, ngụ ý sai lời giải.
Rốt cuộc, một cậu đáp to: “Cái bánh bò”!. Tiếng phèng la đổ dồn, khá to, xác nhận cậu ta trúng giải. Cây cầu khó đi thì phải bò, khom lưng.
Và đây là câu đố mà chúng ta cần chú ý:
Kỳ lão ra câu Thai:
- Mẹ thằng cùi!
Xuất mộc (tên một loài cây)
Vài người thử đáp giải, nhưng được lãnh tiếng “cốc, cốc”, hoặc tiếng “beng” thật nhỏ.
Rốt cuộc, ông kỳ lão ra Thai tự giải đáp:
- Mẹ là mẫu theo nghĩa chữ Hán.
Đơn là bịnh phong, người nổi đơn, da thịt sưng lên, sần sùi, gọi là bịnh cùi.
Vậy “Mẹ thằng cùi” là “bông mẫu đơn”! (hoa mẫu đơn)…”
(Thuần phong mỹ tục Việt Nam – Sơn Nam)
hoa Mẫu đơn2 -Hoàng Thái GalleryHoa Mẫu đơn
Giờ mời các bạn đi vào bài thơ của tôi:
.
CHUYỆN TÌNH VÙNG U MINH
.
I. ANH HÙNG LỠ VẬN
.
U Minh tràm đước, cóc kèn (*)
Anh hùng lỡ vận vào rừng bắt ong
Bắt sao trúng phải nỗi buồn
Cảm thương phận bạc
Lệ tuôn lưng tròng
.
Dõi theo con nước lớn ròng
Bỏ đi trốn bậu
mà lòng xốn xang
Nước mắt sao cứ chảy hai hàng
Chèo ghe lướt tới,
mà lòng quay lui!
.
Rạch sông muôn nẻo ngược xuôi
Cố quên nẻo ấy
Dáng người bên hoa
.
Mắt xưa giờ chắc lệ nhòa
Gặp nhau chi hở?
Bậu qua phải sầu!
.
II. “MẪU ĐƠN” HOÀNG MAI
.

Bên sông tựa nhánh bần xiêu
Lặng thinh đêm lạnh
đìu hiu bên trời
Sương rơi thấm lạnh vai người
Vạc kêu tiếng khổ,
buồn rơi đoạn lòng
.
Mắt ơi!
Thôi. chớ hoài trông
Làm sao giữ được một dòng nước xuôi?
.
Về thôi?
Thôi hãy về thôi!
Trăm năm. cũng vẫn một đời cô liêu!
.
Về thôi!
Trời ửng bóng nhiều
Ngàn chim ríu rít
như trêu lòng người
.
Về thôi!
Người chẳng đến rồi!
Gặp chi?
Rồi để cả đôi phải sầu
.
Hoa xưa. nay có còn đâu
Còn màu lá úa
Còn đau tình này!
………….
(*) Cây cóc kèn: Derris trifoliata rất phổ biến trong những vùng ngập mặn, rừng sác, rừng ngập mặn. là loại cây bò trườn, thuộc họ Fabaceae.
…………………
@.Phụ lục cho toàn bài viết:
Huyền thoại trận Mù U – Võ Hương An
http://www.art2all.net/tho/tho_vha/vha_huyenthoaitranmuu.html
Rừng U Minh ta không thấy em (Nguyễn Văn Nho đàn và hát)
http://www.art2all.net/tho/nguyenlac/RungUMinhTaKhongThayEm_NguyenVanNho.mp3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mời Nghe và Xem Thơ,Nhạc : HỬNG HỜ : Thy Lệ Trang,LHN Và Các Thi Hửu

Kính mời quí anh , chị nghe bài hát mới có tên Hững Hờ . Nhạc được trích từ một nhạc phẩm không lời tên Indifference . Lờ...