Thứ Hai, 6 tháng 1, 2020

THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 48 : GƯƠNG

                                      GƯƠNG NGA chênh chếch dòm song,
                                      Vàng gieo ngấn nước cây lồng bóng sân.

           Đó là hai câu thơ chuyển cảnh thật hay, thật nên thơ như trong nghệ thuật điện ảnh của cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều, khi diễn tả Thúy Kiều vừa về đến nhà sau buổi đạp thanh với nhiều gặp gỡ : Gặp hồn ma Đạm Tiên và gặp chàng Kim Trọng với "Đề huề lưng túi gió trăng" và dáng vẻ "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa". GƯƠNG NGA là vầng trăng mới mọc "chênh chếch dòm song", còn được cụ Nguyễn Du gọi là BÓNG NGA ở những câu sau đó :

                                        Một mình lặng ngắm BÓNG NGA,
                                        Rộn đường gần với nỗi xa bời bời.

                                         Inline image
         GƯƠNG NGA hay BÓNG NGA còn được gọi là GƯƠNG QUẢNG HÀN như trong truyện Nôm khuyết danh Lưu Nữ Tướng :

                                          Kiệu dừng, hé bức màn sương,
                                  Khác nào non thúy, rạng GƯƠNG QUẢNG HÀN.

                                         Inline image

         GƯƠNG NGA, BÓNG NGA hay GƯƠNG QUẢNG HÀN đều dùng để chỉ mặt trăng một cách nên thơ trong bầu trời ban đêm, nhưng có những cái gương làm cho người ta phải khiếp đãm kinh hồn, đó chính là Gương Chiếu Yêu (Chiếu yêu kính) làm cho yêu quái bị chiếu vào sẽ hiện nguyên hình như trong truyện Phong Thần; đến đời Tần còn xuất hiện thêm một cái kiếng chiếu thấy cả gan ruột con người, gọi là CHIẾU ĐÃM KÍNH 照膽鏡. Theo sách Tây Lương Tạp Ký đời Đông Tấn của Cát Hồng 东晋葛洪《西京杂记》có ghi : Trong cung Hàm Dương  đời Tần có một cái gương rộng 4 thước (khoảng 1m2 tây), cao 5 thước 9 (gần 2 thước tây), bên trong kiến phát sáng. Người đến trước gương soi sẽ thấy cả lòng dạ ruột gan, ngũ tạng lục phủ.  Tần Thủy Hoàng đã dùng chiếc gương nầy để cho các cung nhân soi vào, người nào tim rung động, mật nở to là có gian tình thì giết chết. Chiếc gương nầy đã gây chấn động và làm khiếp đãm mọi người, nên Tần Thủy Hoàng đã lợi dụng cái tâm lý "Có tật thời Giật mình" đã phát hiện rất nhiều gian tình và nịnh thần trong cung cấm và trong triều đình. Vì những người gian xảo dối trá khi đứng trước gương sẽ không tránh khỏi sợ hãi hoang mang, chính nét mặt, cử chỉ và biểu hiện bất bình thường... của chính bản thân họ đã tố cáo cho sự gian dối của họ với những người chung quanh. 
         Trong văn học cổ của ta gọi cái Chiếu Đãm Kính nầy là GƯƠNG LẦU TẦN, như trong Chinh Phụ Ngâm Khúc để diễn tả lòng chung thủy của người chinh phụ đối với chồng đang đi chinh chiến ở biên cương xa xôi, nữ sĩ Đoàn Thị Điểm đã có câu :

                                    Thoa cung Hán thuở ngày xuất giá,
                                    GƯƠNG LẦU TẦN dầu đã soi chung.
    
                           Inline image
         Còn trong truyện thơ Nôm Lưu Nữ Tướng thì gọi là  GƯƠNG TẦN ĐÀI như :

                                     Bỗng đâu hẩy trận Đằng Vương,
                                  Thày lay sớm đã tỏ GƯƠNG TẦN ĐÀI.    

         Gương soi còn là vật để làm đẹp chốn khuê phòng của các bà các cô ở trên bàn trang điểm, thường được trang trí bởi hình con chim loan, nên thường gọi là GƯƠNG LOAN. Theo sách Thái Bình Ngự Lãm 太平御覽 : Kế Tân Vương 罽賓王 xây nhà ở núi Tuấn Kỳ, bắt được một con chim loan. Vương rất yêu thích cho ăn toàn ngũ cốc, ở lồng vàng, nhưng suốt ba năm chim vẫn không hót. Phu nhân mới hiến kế rằng :"Thiếp nghe nói, khi chim loan gặp được đồng loại thì sẽ vui mừng mà kêu hót". Vương nghe theo. bèn cho dựng một tấm gương lớn trước mặt chim. Quả nhiên chim loan vui mừng kêu hót không ngừng, nhưng kêu mãi mà chim loan trong gương vẫn không bay ra, nên tiếng kêu hót trở nên bi thương. Cuối cùng gục chết trước gương. Sau dùng rộng ra, GƯƠNG LOAN là gương dùng để cho lứa đôi soi bóng và là chiếc gương trang điểm trên bàn phấn của qúy bà qúy cô. Trong Cung Oán Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều tả lúc nàng cung nữ bị thất sủng có câu :

                                         Phòng tiêu lạnh ngắt như đồng,
                                     GƯƠNG LOAN bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi.

                                       Inline image

          Còn trong bài "Mai Rụng" của Jean.Leiba thời Tiền chiến đã diễn tả vẻ sầu thương ủ rủ của nàng thiếu nữ đang mòn mõi chờ đợi tình quân bằng những câu :


                                        Sầu đối GƯƠNG LOAN, bóng lạ người,
                                        Chàng không lại nữa, đẹp cùng ai ?
                                        Bơ phờ tóc rối, vành khăn lệch,
                                        Ủ rũ hoa gầy, má đỏ phai !
             
          Nhắc đến câu "GƯƠNG LOAN bẻ nửa, dải đồng xẻ đôi" làm cho ta lại nhớ đến điển tích GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH. Theo  "Bổn Sự Thi" của Mạnh Khải đời Đường 唐.孟棨《本事詩》có kể lại chuyện như sau :

                                Inline image


         Em gái của Trần Hậu Chúa 陳後主 Nam Triều là Lạc Xương Công Chúa 樂昌公主 có chồng là Thái tử Xá nhân Từ Đức Ngôn 徐德言. Vợ chồng rất mực thương yêu nhau.                  
         Khi Tùy Văn Đế cử binh đánh nước Trần, thì Trần Hậu Chủ chỉ lo ở trong cung ăn chơi, làm thơ đề từ. Nên quân Trần thua chạy khắp nơi. Từ Đức Ngôn thấy đại cuộc sắp tiêu vong, nên vô cùng lo lắng. Biết rằng nước Trần sẽ mất trong nay mai, không còn cách gì cứu vãn được nữa. Từ bèn nói với Công chúa rằng : " Với tài hoa và sắc đẹp của nàng, khi nước đã mất rồi, chắc chắn sẽ lọt vào tay những bậc quyền qúy sau nầy. Nếu duyên phận chúng ta chưa dứt, ta rất mong gặp lại nàng sau nầy, nhưng chúng ta cũng phải có một tín vật gì đó để mà nhận ra nhau chứ!". Nói đoạn, Từ Đức Ngôn vói tay lấy chiếc gương đồng trên bàn trang điểm của công chúa, đập bể làm đôi. Đưa cho công chúa một nửa, còn mình thì giữ một nửa còn lại. Hai người cùng ước hẹn nhau rằng, sau nầy nếu có muốn gặp nhau thì vào ngày Tiết Nguyên Tiêu, rằm tháng giêng hàng năm, cứ đem nửa mảnh gương nầy mà rao bán giữa chợ Trường An.
       Qủa nhiên, nước Trần mất vào tay nước Tùy. Lạc Xương Công chúa lọt vào tay của hoàng thân nước Tùy là Dương Tố. Tố rất sủng ái công chúa, nhưng nàng thì luôn luôn buồn bã vì nhớ đến chồng.             
       Những năm sau đó, tuy cuộc chiến đã yên, nhưng Từ Đức Ngôn luôn nhớ đến công chúa qua nửa mảnh gương, nên thường ra dạo chợ Trường an. Tiết Nguyên Tiêu năm đó, Từ cũng mang nửa mảnh gương ra chợ, tình cờ gặp được một gia nhân cũng đang rao bán nửa mảnh gương. Ráp lại thì vừa vặn với nửa mảnh gương của mình.              
       Từ bèn khẩn khoản mời gia nhân về nhà trọ hỏi thăm về tin tức của công chúa. Sau khi biết công chúa luôn thương nhớ đến mình. Từ rất xúc động viết một bài thơ ngũ ngôn gởi cho công chúa như sau :

                    鏡與人俱去,   Kính dữ nhân câu khứ,
                    鏡歸人不歸;   Kính quy nhân bất quy;
                    無復嫦娥影,   Vô phục Thường Nga ảnh,
                    空留明月輝!    Không lưu minh nguyệt huy!
Có nghĩa :
                     Gương đi người cũng đi theo,
                     Gương về người chẳng về theo lại nhà.   
                     Đâu còn thấy được bóng Nga,
                     Bơ vơ như ánh trăng tà trống không !

                      Inline image
         
      Công chúa đọc thơ của Từ Đức Ngôn mà lòng đau như cắt. Suốt mấy ngày liền không ăn uống gì cả. Dương Tố biết chuyện, cảm thông cho tình vợ chồng sắt son gắn bó, mới cho người đi mời Từ Đức Ngôn vào dinh, làm tiệc khoản đãi và mời cả công chúa đến dự. Khi công chúa đến nơi, thấy trong bàn tiệc có cả chồng cũ lẫn chồng mới, nàng vô cùng ngỡ ngàng, nửa mừng nửa lo, xúc động mà ngâm rằng :

                       今日何遷次,   Kim nhật hà thuyên thứ,
                       新官對舊官;   Tân quan đối cựu quan.
                       笑啼俱不敢,   Tiếu đề câu bất cảm,
                       方驗作人難!    Phương nghiệm tác nhân nan!
Có nghĩa :
                      Hôm nay khéo đổi dời,
                      Chồng cũ cùng chồng mới.
                      Cười khóc cũng lỡ làng,
                      Khó làm người cho nổi !
Lục bát :
                      Hôm nay sao khéo đổi dời,
                      Chồng cũ chồng mới cùng ngồi chung nhau.
                      Khóc, cười thiếp biết phải sao ?
                Làm người khó lắm phải nào dễ đâu !                  
                       
        Từ Đức Ngôn nghe xong cảm động mà rơi nước mắt; còn Dương Tố nghe xong thì cảm động mà cười lớn rằng :"Thôi được rồi, ta sẽ trả nàng về để cho vợ chồng đoàn viên sum họp". 
        Sau tiệc, Dương Tố chẳng những trả Lạc Xương Công Chúa về cho Từ Đức Ngôn mà còn ban thưởng rất nhiều vàng bạc cho vợ chồng về lại Giang Nam để sống yên vui hạnh phúc tới già .

                         Inline image

       Câu chuyện PHÁ KÍNH TRÙNG VIÊN 破鏡重圓 từ đó được lan truyền khắp thiên hạ, qua đến Việt Nam ta thì thành "GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH". Thành ngữ nầy thường dùng để chỉ vợ chồng hoặc đôi lứa yêu nhau, vì hoàn cảnh mà phải phân ly cách trở, xa nhau một thời gian, rồi do một cơ duyên nào đó lại được sum họp đoàn viên trở lại. Như Thúy Kiều sau mười lăm năm lưu lạc vì phải bán mình chuộc cha, "thanh lâu hai lượt thanh y hai lần", cuối cùng cũng được đoàn viên sum họp với gia đình và Kim Trọng, nên trong buổi tiệc đoàn viên, khi đã "Tàng tàng chén cúc dở say" Thúy Vân mới đứng lên phân bua :

                       Rằng : Trong tác hợp cơ trời,
                     Hai bên gặp gỡ một lời kết giao.
                     ...Những là rày ước mai ao,
                   Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình.
                        Bây giờ GƯƠNG VỠ LẠI LÀNH
                   Khuôn duyên lừa lọc đã dành có nơi ...

                    Inline image

      Xin được kết thúc các GƯƠNG ở nơi đây, và...

      Tha thiết mong rằng tất cả những GƯƠNG VỠ trong thiên hạ đều LẠI LÀNH sau những sầu thương lận đận tang thương chìm nổi của cuộc đời !

                                                                                              Đỗ Chiêu Đức


            Xem THÀNH NGỮ ĐIỂN TÍCH 47 : GÁC



1 nhận xét:

Tạp Ghi và Phiếm Luận: Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ (Dỗ Chiêu Đức)

  Tạp Ghi và Phiếm Luận :                Những Thành Ngữ THÔNG DỤNG, LẠ TAI mà LÝ THÚ                                       Ăn x ổi  ở th ì,...